“TẠI SAO TA YÊU…” – TRÊN NHỮNG VỈA HÈ MƠ MÀNG

“TẠI SAO TA YÊU…” – TRÊN NHỮNG VỈA HÈ MƠ MÀNG

“Tại sao ta yêu…” của Hiền Trang có lẽ là cuốn sách không dành cho tất cả mọi người, dù khái niệm “tình yêu” vẫn thường được ngộ nhận là có một tính chất “phổ quát”, rằng ai trong cuộc đời lại chẳng đã, đang hoặc sẽ yêu một người nào; nếu không phải “tình yêu” thì còn điều gì chúng ta có thể ngồi xuống chia sẻ với nhau mà không cần có với nhau chung bất cứ tiền giả định nào… Bằng cách bắt đầu tình yêu, bằng việc chọn lựa những người để yêu, bằng cách mô tả tình yêu, bằng cách yêu, … cuốn sách có lẽ đã định vị tương đối rõ ràng rằng nó là hiện thân của một thứ tình yêu nơi tuổi trẻ đô thị, một thứ chủ nghĩa lãng mạn có thể dễ được bắt gặp hơn khi ta bước đi trên những vỉa hè của thành phố.

Tuổi trẻ của tác giả đương nhiên được định vị ở một đô thị, điều này xuất hiện ở rất nhiều lần tình cờ gặp gỡ với những người yêu trong cuốn sách. Lần đầu tiên vào năm lên tám tuổi, được một cô giáo nước ngoài dạy tiếng Anh ở Cung thiếu nhi cho xem bản đồ nước Anh với hình ảnh Liverpool của The Beatles; lần đầu tiên vào năm lên chín, mười tuổi, được giới thiệu “Đây là Monet” từ sách hội họa của Kim Đồng bởi cô em họ hàng xóm trên gác tư nóng nực giữa mùa hè của thành phố; lần đầu tiên bắt gặp Norah Jones vào những năm đầu 2000 từ một người chị họ khác sở hữu một gia tài đĩa nhạc khổng lồ; một lần nào đó trong tuổi thơ của những năm 90 khi chiếc ti vi hình vuông cổ lỗ sĩ đột ngột chuyển qua một bộ phim của Trương Quốc Vinh… Tất cả những lần “tình cờ”, “đột ngột” đó không hề là cái ngẫu nhiên xảy đến với bất cứ một tuổi trẻ nào nếu nó không nằm trong một không-thời gian của đô thị. Tình yêu vốn không từ trên trời rơi xuống, nó vốn là câu chuyện của bối cảnh, của lịch sử, của những điều tưởng chừng hết sức ngẫu nhiên nhưng hẳn là đã có một bàn tay nào đó duyên dáng sắp đặt. Cung thiếu nhi, những căn gác, băng cát-sét, đĩa nhạc, chiếc ti-vi hộp, những tờ báo… của Hà Nội thập niên 90 là những cái cớ không hề mơ màng để có thể bắt đầu một tình yêu mơ màng từ những năm lên tám, lên mười. Không một nhân vật nào trong cuốn sách này có địa chỉ ở Việt Nam, nhưng tôi hình dung, đã luôn có một Hà Nội ở đằng sau những câu chuyện đó, một thành phố đủ đáng sống ở thời điểm đó để tạo điều kiện cho những tình yêu với việc đọc, xem, nghe, nghĩ được xảy ra.

Những ai đã được chọn để yêu trong cuốn sách? Họ là Vương Gia Vệ, là Trương Quốc Vinh, là Murakami, Norah Jones, Audrey Hepburn, The Beatles, … Điều đầu tiên tôi nhìn thấy, họ là những con người không thể phủ nhận, dù tác giả đôi khi trong những trang viết của mình đã cố gắng truyền tải ý tưởng rằng cô không chọn để yêu những người xuất sắc nhất, “Tôi có thể kể ra ngay lập tức 200 nhà văn hay hơn Murakami.” “Patrick Modiano không phải người đầu tiên viết về…” Hình ảnh của Norah Jones trên bìa đĩa nhạc, “nó khác hẳn bìa những album ra cùng năm ấy của các nữ nghệ sĩ đồng trang lứa… Có cảm giác ai đã “bỏ” nhầm cô ở đấy.” Nhưng họ là những huyền thoại, những người được lòng công chúng nhất, có một tượng đài tương đối vững chắc trong bộ phận đông đảo những người không biết dùng từ nào khác ngoài từ “yêu” đề đối xử với họ (như cách Hiền Trang vẫn thường dùng để miêu tả tình yêu của mình trong cuốn sách). Họ là những cái tên mà tôi tin rằng, với những người có dù chỉ một sự quan tâm tới nghệ thuật, văn chương, đều đã phải nghe qua. Ở họ, cho dù nghệ thuật mà họ làm ra có thể là những điều thầm thì, nói khẽ như âm nhạc của Norah Johnes, một thế giới những cửa hiệu dễ lẫn lộn như của Modiano, một vũ trụ nhân vật quẩn quanh với ngần đấy ẩn ức như trong Murakami, những tiểu thuyết với số phận lẽ ra phải bị đốt của Kafka… thì sự tồn tại của họ đều đã rất rõ ràng và sống động. Họ không phải những bản thảo viết dở cất giấu trong ngăn bàn cần được ai đó lục lọi, đưa ra ánh sáng, mà chính họ, bằng cách nào đó, đã là những người chinh phục được kẻ khác rồi. Nhưng việc đặt chính xác những cái tên này bên cạnh nhau, trong cuốn sách này, cũng lại là một điều không ngẫu nhiên. Tôi có cảm giác Hiền Trang thật ra cũng chỉ đang viết về những con người ở cùng một thành phố, hoặc chính cô đã tự tìm một thành phố để đặt tất cả họ vào. Tôi không dám chắc rằng đô thị có phải bối cảnh thích hợp nhất để làm hiện diện những nhân vật quan trọng của văn chương, nghệ thuật không, nhưng thật khó để cắt lìa hình ảnh của Trương Quốc Vinh ra khỏi Hongkong, ra khỏi không gian mà anh đã thực hành tự do lớn nhất của cuộc đời mình là cái chết giữa không trung từ tầng 24 của tòa Mandarin Oriental tráng lệ; cũng sẽ không thể không nghĩ đến Audrey Hepburn mà không đặt nàng trước những món đồ trang sức của Tiffany trên khu phố thượng lưu Mahattan, New York; Vincent Van Goth trên những quán café vỉa hè của Paris, The Beatles với Liverpool, và đương nhiên những nhân vật của Modiano thì chẳng đi khỏi đâu ra ngoài những vỉa hè thành phố. Thành phố có đầy đủ chất liệu để thực hành khám phá từng đó những ngóc nghách của con người, đủ sôi động để tuổi trẻ cảm thấy cần phải quyết liệt như cái cách The Beatles đã gặp nhau và chơi nhạc; đủ lấp lánh để con người ta phải kiên trì ăn sáng ở Tiffany với thôi thúc cần trở thành một phần trong thứ ánh sáng cám dỗ đó; đủ lộn xộn, đủ ngóc ngách để những con người, và đôi khi là những con mèo, đi lạc; đủ quán café để ngồi và nhìn ngắm những khuôn mặt vừa quen vừa lạ; vỉa hè đủ dài để thong dong đi bộ trong đêm khuya và gặp được một người để trò chuyện vào một Midnight in Paris; đủ buồn chán để khao khát được rời đi nhưng cũng đủ buồn chán để tìm về lặn lội tiếp trong nỗi buồn lưu cữu đó; đủ đẹp để sống và đủ đẹp để chết. Đô thị cho phép tất cả những điều này diễn ra, cho phép chủ nghĩa lãng mạn được hiện nguyên hình ở mọi chiều kích của nó, thăng hoa nhất và cũng chạm tới đáy của vực thẳm u sầu.

Những con người của thành phố trong cuốn sách, phần đông là những con người đã thuộc về quá khứ, họ đã mất, hoặc với những người đang sống, những thành tựu của họ có lẽ cũng đã lui lại một nhịp với hiện tại, hoặc giả, họ có là Modiano vẫn đang cặm cụi viết thì đó cũng là những trang viết phi thời gian, phi không gian, hòa lẫn vào một hư vô không thuộc được về đâu trong hiện tại. Họ bất tử theo nghĩa đó, quá khứ là một tồn tại gần như đã được kiểm định. Với tôi, viết về những gì thuộc về quá khứ trông có vẻ sẽ dễ thở hơn là lăn lộn với thực tại – thứ chưa được hoàn tất, nhưng viết về một thứ quá khứ đã quá dày, viết về những tình yêu đã hàng trăm người bàn thì ta còn có thể viết gì về họ nữa, nhất là trong thời đại “khó ở” này khi cái mới là cái tất yếu của thường ngày và cái lặp lại rất khó tìm chỗ trú chân. Và lựa chọn viết về quá khứ, viết về những huyền thoại, bản thân như thế đã là can đảm, cộng thêm cả nhiều may mắn nữa. Có thể sống ngược lại về quá khứ là một thứ đặc ân mà không phải con người hiện tại nào cũng dễ dàng có được. Để sống với quá khứ, người ta phải có điều kiện để thảnh thơi trong hiện tại, hoặc chí ít được thường xuyên tiếp xúc với một không gian văn hóa, một môi trường giáo dục cho phép người ta mưu cầu và yêu thích sự thảnh thơi. Điều này nghe có vẻ phi lý vì đô thị, từ trong cách gọi tên, đã không gắn nó với bất cứ sắc thái nào của tính từ “thảnh thơi”. Nhưng chính từ trong lòng cái vội vã của đô thị lại là đòn bẩy để những người mắc kẹt trong đó mong chờ hơn ai hết những giờ phút của thảnh thơi, những giây phút nhiệm màu ngắn ngủi mà khi đó, tất cả ồn ã xung quanh lắng đọng để người ta được sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc. Vị trí nghề nghiệp là nhà văn, cho phép một người được thảnh thơi để yêu cặn kẽ và tỉ mỉ như thế, nhưng đó cũng là lựa chọn của anh, của cô khi tự đưa mình vào vai trò của một người viết, của một người lựa chọn những vẻ đẹp của nghệ thuật, của ngôn từ như là quỹ đạo riêng của mình ngay cả ở giữa một không gian bừa bộn nhất như đô thị, để ngồi xuống một cái bàn, hoặc bất cứ đầu có mặt phẳng và bắt tay vào kể lại câu chuyện về cái đẹp, về tình yêu, còn là tình yêu với quá khứ. Có thể nhìn thấy nỗ lực để viết giữa một đô thị như thế trong trang viết của Hiền Trang. Với tôi, hành trình để yêu ít nhất là 16 nhân vật trong cuốn sách này của tác giả là cả một chặng đường gom góp, nhặt nhạnh lại những mảnh khoảnh khắc đẹp đẽ mà đô thị đã tặng. Những khoảnh khắc đẹp đẽ, lại còn ở giữa một đô thị lộn xộn, xuống quýt, không bao giờ được bày sẵn ra để ta va vào được. Tôi rất nhớ câu chuyện gặp gỡ của tác giả với Chopin trong một chuyến công tác Sài Gòn vội vã, cô nghe được bản Dạ khúc cung Đô thăng thứ trên cây vĩ cầm từ một căn gác nhỏ giữa thành phố và quyết định lần theo dấu vết của âm thanh đó trong đêm khuya. Có lẽ từ rất nhiều những buổi tối như thế trên con đường Trần Hưng Đạo, bản nhạc của Chopin vẫn đều đặn vang lên, nhưng không phải ở tọa độ không-thời gian nào, đối với người qua đường nào cũng diễn ra được khoảnh khắc mà phần sâu nhất của trái tim chạm được tới thanh âm đẹp nhất của cung Đô thăng thứ. Tất cả cứ như là một sự đúng lúc diệu kì nhưng, nếu không phải là với một con người đã nuôi dưỡng sẵn trong mình một mầm yêu và luôn háo hức chờ đón nó, thì chẳng có gì là tình cờ. Cuốn sách này có đầy rẫy những khoảnh khắc như thế được kể lại, đó là nỗ lực bỏ tiết kiệm từng giây thăng hoa nhỏ lẻ trên những vỉa hè của thành phố để có được hơn hai trăm trang sách về tình yêu này. 

Tôi đặt cuốn sách này ở trên không gian của “những vỉa hè mơ màng”, bởi với tôi, đây có lẽ là cách tốt nhất để có thể hiểu rõ hơn về thành phố – đi bộ trên vỉa hè, đủ chậm để quan sát được kĩ càng hơn, đủ gián cách để đứng ngoài một chút dòng chảy của thành phố, cũng đủ an toàn để người ta có thể mơ màng mà không va vào ai. Tôi nghĩ chính tác giả cũng đã sống ở một không-thời gian chập chờn như vậy để viết những trang này. Trong cách cô dùng ngôn từ để mô tả về tình yêu và những người yêu, có thể nhận ra được niềm say mê vào một trạng thái ở giữa, ở một ngưỡng cửa mà ta đứng đó trong sự chần chừ bước vào nhưng cũng không hề có ý định bỏ đi. Cô đã dùng nhiều những chữ như “lơ lửng”, “mơ màng”, cách diễn đạt “không là thế này, cũng không là thế kia” để có thể nói về những người yêu của mình, để dùng nhãn quan lưng chừng đó đọc Haruki Murakami như một bản nhạc jazz của hiện tại, không chậm, chẳng nhanh, chỉ có thể đi cùng với ông bằng tốc độ của chính cuộc đời, để nghe Norah John trong trạng thái như lơ đãng của nàng, để không kì vọng, không thất vọng, không sốt ruột, để cảm thấy dễ chịu được trong những điều không cần thiết phải dứt khoát, ngay cả một celeb đỏm dáng không lẫn vào đâu được kể cả khi đã chết và thành tượng như Oscar Wilde thì suy cho cùng, cũng là một con người “ở giữa” với không một giới tính theo trục nhị nguyên nào vừa vặn. Tôi chưa từng thử chưa từng thử làm phép so sánh giữa Kafka và Modiano, nhưng khi cô viết: “Sau Kafka, có biết bao nhà văn như thế, với việc tạo ra những nhân vật không thể bị định vị bởi một trục toạ độ nào, trôi lơ lửng, thậm chí không có một cái tên đầy đủ hay một chuyện đời, họ sống một cuộc đời bị cắt đôi, cuộc đời của cái bóng.” thì bỗng tôi chợt nhận ra, à, sau tất cả, mọi thứ đều trôi dạt và dừng lại ở hai tiếng “hư vô”. Khi đó, những gì mà Vương Gia Vệ đã “làm quá” lên trong những bộ phim của ông, trạng thái “bất tử” của người đàn ông luôn già Leonard Cohen thật ra cũng chỉ là một phương cách để sống, một nỗ lực để chống lại cái tất yếu của hư vô đó. Và người chấp nhận được hư vô với một thái độ hòa hoãn nhất thì chắc có lẽ là Ozu và những thước phim không trôi ra được đâu ngoài hiện tại. Với một tấm lòng gần như là quả quyết với cái chân lý “lửng lơ” đó, cuốn sách giống như một cuộc chơi của riêng tác giả với ngôn từ để chạm được gần “chính xác” nhất tới việc biểu đạt về cái “lửng lơ”. Cô thực hiện nỗ lực nghe có vẻ phi lý này với một niềm kiêu hãnh không thể phủ nhận trong những trang viết chậm rãi và tỉ mỉ của mình, bằng một thứ hoài công mà tôi tin, một lần nữa, chính cái luôn vội vàng của thành phố đã tôi luyện được cho cô sức mạnh để phản kháng lại. Tôi đã học được cuốn sách này thật nhiều, không hẳn là để tìm kiếm thêm trên đời này có những gì đáng để yêu, mà là cách để yêu, để viết một cách say sưa và trong niềm kiêu hãnh, thứ kiêu hãnh mà Nabokov đã dạy cô như thế nào.   

Trong tiểu thuyết Chopin biến mất của Hiền Trang, có một nhân vật nữ làm việc trong một hiệu ảnh, hàng ngày ngồi đọc khoảng trống giữa những con chữ trong sách. Cô ta tin rằng khoảng trắng trong Cosimicomics của Italo Calvino thì khác xa với khoảng trắng trong Tội ác và hình phạt hay Truyện cổ Andersen. Tôi rất muốn đồng nhất tác giả với nhân vật có cái tên Chino này (vẫn phải là một Chino là người gốc của thành phố giả tưởng Uliaănr nhé), để nói rằng, thật ra cô có lẽ không hẳn đang kể về tình yêu những nhân vật được kể trên, mà là về tình yêu đối với cái lơ lửng, đối với những khoảng trắng, những cái bóng như thế. Và với tôi, đó là lòng can đảm của những người dám sống, dám lơ lửng, can đảm của một người vẫn sẽ viết lại về những huyền thoại mà người ta đã mổ xẻ như “mổ xẻ Kafka bằng tất cả những gì người ta có, dao nhọn, dao găm, kiếm, dao cắt bánh gato, cưa máy, búa, chỉ thêu”, can đảm để làm những điều tưởng chừng lặp lại đến vô lý như Monet dùng 30 năm để vẽ hoa súng, như cách mà “dường như những con người của Modiano chưa từng nghĩ cần phải gìn giữ thời gian cho những điều có ích.”, can đảm để đứng vào giữa những vạch kẻ và từ chối định vị mình trong bất cứ lãnh thổ nào, giống như những nốt đen lửng lơ giữa những nốt trắng trên chiếc đàn piano của Chopin, giống như những khoảng đen giữa những vạch trắng (hay khoảng trắng giữa những vạch đen) trong tấm hình bước qua đường kinh điển của The Beatles, và can đảm để đi bộ trên những vỉa hè mơ màng của thành phố.

K.C.

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)