SỰ VÔ HÌNH CỦA PHỤ NỮ TUỔI TRUNG NIÊN
Dorthe Nors (sinh ngày 20 tháng 5 năm 1970) là một nhà văn người Đan Mạch. Bà đã nhận được Giải thưởng Văn học Per Olov Enquist năm 2014 với tác phẩm Karate Chop, được Publishers Weekly đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2014. Tác phẩm của bà đã xuất hiện trên New Yorker và A Public Space.

SỰ VÔ HÌNH CỦA PHỤ NỮ TUỔI TRUNG NIÊN

Dorthe Nors (sinh ngày 20 tháng 5 năm 1970) là một nhà văn người Đan Mạch. Bà đã nhận được Giải thưởng Văn học Pe!r Olov Enquist năm 2014 với tác phẩm Karate Chop, được Publishers Weekly đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2014. Tác phẩm của bà đã xuất hiện trên New Yorker và A Public Space. Dưới đây là bài viết của bà trên Literary Hub về nguy cơ trở nên vô hình của những người phụ nữ khi bước sang tuổi trung niên, cũng là chủ đề chính trong những tác phẩm đã xuất bản của bà.

———-

Một năm trước, tại một lễ hội văn học ở Wales, tôi gặp một người phụ nữ. Chúng tôi chạm mặt nhau tại khu vực lễ tân của dinh thự, nơi có một khu vườn tuyệt đẹp cùng một khung cảnh vương giả của xứ Wales. Tôi không đi cùng ai, không biết ai ở đó, và đang loanh quanh cầm ly sâm-panh, cố gắng làm ra vẻ như thể đang đợi một người từ đâu đó sắp bước ra. Rồi đột nhiên, một người phụ nữ xuất hiện trước mặt tôi. Xin chào, cô ta nói. Khung cảnh ở đây tuyệt nhỉ? Tôi gật đầu. Chúng tôi bắt tay nhau và giới thiệu về bản thân. Cô là người Anh, tôi là người Đan Mạch. Cô chỉ vào một người đàn ông dáng người nhỏ nhắn đang đứng khuất sau đám cây bụi trong vườn nghe điện thoại: Chồng tôi, cô nói, còn cô đi cùng ai vậy?

Tôi nói với cô tôi không đi cùng ai cả. Tôi cũng chia sẻ rằng kể ra hơi kỳ lạ khi không có ai ở cùng giữa một khung cảnh đáng giá thế này. Nhưng tôi là một nhà văn, tôi nói, tôi đã quen với việc đi lại một mình. Cô nhìn tôi như thể tôi đang phản chiếu điều gì đó, và tôi nhận ra: Hai chúng tôi là hai người phụ nữ trung niên đứng ở khu lễ tân mà không có người đàn ông nào bên cạnh (không kể đến người chồng đang đứng ở phía những bụi cây) và tình huống này có thể gợi ra một vài chuyện để nghĩ. 

Người phụ nữ kể với tôi cô từng là một luật sư rất thành đạt. Trong hơn hai mươi năm, sự nghiệp của cô ngày càng thăng hoa, cô trở thành một ngôi sao trong ngành và không tuần nào cô không phải gặp gỡ khách hàng ở số 10 phố Downing. Cô có tiếng tăm, và phải làm việc cật lực cho tiếng tăm đó, điều đó rất vui, rất thú vị, rất thượng lưu, và đương nhiên, rất mệt mỏi. Khi cô ngoài bốn mươi, ông chồng (quý ông Bụi Cây) đã gợi ý rằng cô nên “chậm” lại. Đã quá muộn để có con nhưng không bao giờ là quá muộn để sống lại những cảm giác của một cặp vợ chồng, và thực tế, chính cô cũng đã kiệt sức với tất cả những cuộc tư vấn với các bộ trưởng. Vì vậy, cô từ bỏ công việc và thấy mình an vị thủ thường hơn xưa. Không còn những ngày bắt taxi đi đến tòa án – trung tâm của quyền lực nữa, giờ cô chỉ còn một chiếc cặp, sinh nhật lần thứ 46 sắp tới, và một ông chồng chậm rãi nhai bánh mì nướng mỗi sáng. Có lẽ ông ấy luôn nhai chiếc bánh mì nướng của mình một cách chậm rãi từ trước tới giờ nhưng cô đã không ở đó để nhận ra. Nhưng giờ, mọi thứ rất rõ ràng: tiếng nhai chậm rãi và cô có tất cả thời gian trên đời này để quan sát ​​điều đó.

Nhưng, điều tồi tệ nhất là, người phụ nữ hơi nghiêng về phía tôi để nói, sự thay đổi trong công việc này xảy ra đồng thời với sự biến mất của tôi với tư cách là một người phụ nữ. Cô có thể nói rằng tôi không còn là một ai đó nữa, nhưng tôi cũng đang trở thành một người không có cơ thể.

Tôi gật đầu. Tôi đã nhận ra điều gì đó. Tôi nói:

Và giờ những chiếc xe đã không dừng lại chờ cô khi cô muốn băng qua đường?

Cô lắc đầu. Tôi tiếp tục:

Cô hỏi đường một người đàn ông trẻ hơn ở nhà ga và anh ta phớt lờ?

Cô gật đầu. Tôi nói:

Cô đang vui vẻ trò chuyện với một vài người đàn ông, một phụ nữ trẻ hơn bước vào vòng tròn đó, và cuộc hội thoại đột nhiên kết thúc?

Cô gật đầu và cuối cùng tôi ném con át chủ bài lên bàn:

Những người đàn ông cô quen đang dần bỏ mấy bà vợ tuổi trung niên để hẹn hò với những cô gái trẻ ngoài hai mươi, đầu ba mươi?

Cô nâng ly đồng tình.

Lẽ ra tôi có thể nói với người phụ nữ này rằng tôi đang viết truyện về những người phụ nữ như cô, nhưng lúc đó, Quý ông Bụi Cây đã xong việc và quyết định quay lại với vợ mình: cuộc hội thoại kết thúc.

Nhưng đúng là tôi đang viết sách về những phụ nữ trung niên, không có con đang trên bờ vực biến mất — hoặc bạn có thể nói — trên bờ vực mất đi giấy phép được sống. Nếu một phụ nữ có con, họ sẽ luôn là một người mẹ, nhưng nếu một phụ nữ lựa chọn không sinh nở và giờ lại không còn trẻ trung, gợi cảm nữa, họ sẽ bị nhiều người cho là một tạo vật vô nghĩa.

Trong cuốn sách So much for That Winter, tôi khắc họa hai người phụ nữ trung niên loay hoay về khả năng hiển diện của mình. Trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Minna Needs Rehearsal Space, chúng ta đã gặp Minna, nữ nhạc sĩ ở tuổi bốn mươi. Tuy nhiên, một người tình hờ đã rời bỏ cô và lấy đi một phòng diễn tập chất lượng mà Minna đam mê còn hơn chính người đàn ông đó. Minna phát ốm và mệt mỏi với việc phải “buông bỏ” chuyện đó. Cô đánh mất đi giọng nói, bản ngã, sức sống của mình vì làm như vậy. Do đó, cô quyết định gạt bỏ tất cả những người muốn kìm hãm mình, thay vào đó, cô đi tìm kiếm một phòng diễn tập khác, một căn phòng trong đó cô có thể thử nghiệm, xây dựng, phát triển mà không bị kiểm soát bởi nhu cầu và kỳ vọng của bất cứ ai. Trong cuốn tiểu thuyết thứ hai, Days, chúng ta bắt gặp một người phụ nữ đang cố gắng hàn gắn trái tim tan vỡ trong khi tìm ra điều gì thực sự quan trọng đối với mình. Một người đàn ông? Tình mẫu tử? Hay sự tự sáng tạo không nhất thiết phải bằng tử cung mà chỉ bằng việc tồn tại? Trong khi mùa xuân đang nở rộ bên ngoài, cô liệt kê một danh sách những điều giống như chính thiên nhiên đang lan ra và biến thành một thứ gì đó mới mẻ, đâm chồi nảy lộc. Người phụ nữ trung niên này cũng không thể tự kìm hãm bản thân. Trên bờ vực trở nên vô hình, cô khăng khăng muốn được nhìn thấy.

Điều thú vị ở đây là trong quá trình những phụ nữ trung niên tìm kiếm bản ngã và “giấy phép được sống” của mình, họ có thể trở thành những nhân vật khá khiêu khích. Một số người coi họ là những kẻ thiếu tự chủ — hoặc thậm chí tệ hơn, những người “ái kỷ” (self-absorbed). Một người phụ nữ trung niên không bận tâm đến việc điều chỉnh bản thân hay chăm sóc người khác là một sinh vật thất thường và nguy hiểm. Cô ta định sẽ thế nào? Cô ta có gì để sống? Không con cái, không gia đình, điều duy nhất cô ta có là cuộc sống của riêng mình ngay cả khi cô không còn là một luật sư có tiếng ở số 10 phố Downing hay khi không có một phòng diễn tập của riêng mình nơi cô có thể sáng tác nhạc của chính cô, hoặc khi cô đang trong quá trình bước sang mùa xuân của chính mình: căng tràn, không còn cứng nhắc hay cam chịu mà rướn lên, nở rộ.

Khi tôi còn là một cô bé, cha mẹ đã đưa tôi đến thăm bà dì Barbara. Đó là một bà lão sống trong một ngôi nhà nhỏ bằng gạch đỏ trong một ngôi làng nhỏ ở Western Jutland. Tôi được nghe hai điều kỳ lạ kể về người phụ nữ này:

1) Bà chưa bao giờ kết hôn và không có con.

2) Bà điều hành trang trại lớn nhất trong Giáo xứ.

Trên tường nhà bà là những tấm hình chụp đại gia đình và hình ảnh của chính bà: cao ráo, khỏe khoắn và mộc mạc. Nếu là người Tây Ban Nha thì chắc chắn bà sẽ là một vũ công flamenco: Duende! Phải rồi, bà có tâm hồn. Tôi nhớ mình khi đó đã ngồi trên cầu thang trước ngôi nhà nhỏ của bà. Khắp nơi đều có hoa, tôi rơi vào một tâm trạng khó hiểu với suy nghĩ về người phụ nữ này – không giống như người mẹ nghệ sĩ của tôi – đã sống một cuộc đời không chồng không con. Tôi cảm nhận mình đang được dạy một bài học quan trọng: một người phụ nữ có thể ở trong thế giới của riêng mình và điều đó không nhất thiết là lí do khiến cô trở nên vô hình. Đó chỉ có thể là một khả năng hiện diện khác của cô. Dì tôi không cần là chỗ dựa của ai hay bất cứ thứ gì, và vì không ai đòi hỏi sự chú ý của bà mọi lúc mọi nơi (thứ mà tôi đã nhận thấy đã trở thành định mệnh người mẹ nghệ sĩ của tôi phải mang theo), bà có thời gian để thật sự “ở” với thế giới này. Giai thoại yêu thích của tôi về người dì Barbara tuyệt vời là chuyến đi Mỹ để thăm người chị gái đã di cư vào đầu những năm 1930 của bà. Dì Barbara 75 tuổi khi lên máy bay lần đầu tiên trong đời. Không bao giờ tự hỏi bản thân rằng liệu bà có thể làm được hay không. Không bao giờ hỏi ý kiến bất cứ ai rằng bà có thể hoặc nên làm điều đó hay không. Bà chỉ đơn giản là làm nó.

Trong một thế giới mà phụ nữ hầu như luôn được định nghĩa bởi các mối quan hệ của họ (con gái, em gái, người yêu, vợ, mẹ, bà), tôi thấy mình nhất thiết phải làm sáng tỏ câu hỏi bản thân người phụ nữ là ai. Cô là gì nếu không phải những vị trí mà cô phải sống cho tròn vai? Vâng, cô là một sự tồn tại và là một sự tồn tại có thể làm xáo trộn thế giới xung quanh — nhưng cũng có thể là một tồn tại với nguy cơ phải ẩn mình khỏi chính thế giới đó: như sương mù.

Gần đây, tôi tham gia một chương trình radio của Đan Mạch. Nhà báo đã hỏi tôi tất cả những câu hỏi thông thường, tôi cũng đã đáp lại cô bằng tất cả những câu trả lời quen thuộc của mình, và đây là điều kỳ lạ: Tôi chưa bao giờ được hỏi tại sao tôi coi việc khắc hoạ chân dung những con người đang đứng trước ngưỡng đánh mất mình là một điều quan trọng — hoặc tại sao tôi lại có được cái nhìn sâu sắc về bản chất thực sự của họ. Câu hỏi tôi thường gặp là tại sao lại viết về những phụ nữ giống mình, đó thật sự là một câu đố với tôi. Không một nhà báo nào trên đời đủ hiểu rõ về tôi để biết tôi giống ai, nhưng dù sao thì, khi đó chúng tôi đã ở trong phòng thu radio. Micro tắt, sau đó, cô nhà báo nói với tôi rằng cô sắp bước sang tuổi bốn mươi. Cô thở dài và nói: Tôi rất vui khi bà viết về những người phụ nữ trung niên không có con. Tôi hỏi cô tại sao và cô trả lời: Bởi có rất nhiều người như chúng tôi, và bởi cảm giác thường trực rằng, như thể chúng tôi không thực sự ở đây.

Tôi ước gì cô đã không tắt micrô! Chúng ta sẽ được nghe một tuyên bố mạnh mẽ để đời được phát sóng trên radio, đó sẽ là thứ neo lại những người phụ nữ không còn trẻ, không còn quyến rũ, không còn được giúp đỡ trên tàu điện ngầm, không còn đáng chú ý để người ta dừng xe khi nhìn thấy cô đứng đó với túi hàng tạp hóa và bộ ngực chảy xệ, không còn ở trong những cuộc trò chuyện trí tuệ, thông thái, không còn trên màn ảnh, không còn trong phim, không còn được tính, không còn là một … ai đó — hay như tôi đã từng hỏi một nhà nữ quyền có tuổi người Thụy Điển: Với bà, điều kì lạ nhất khi trở thành một người phụ nữ lớn tuổi là gì? Và bà trả lời: Phụ nữ ư?! Tôi không còn là một người phụ nữ nữa, và rồi bà bật cười cay đắng, bởi vì ta còn có thể làm gì khác khi lựa chọn thay thế duy nhất để không trở thành một bà già trung niên chỉ có thể là chết trẻ hoặc — như lựa chọn của nhiều phụ nữ trong cuộc chiến đấu để được hiện diện — là phó mặc mình cho Botox, dao kéo, trong sự đau đớn và chế giễu.

Hai người phụ nữ trong So much for That Winter đều là những người phụ nữ đang trên bờ vực trở nên vô hình. Họ bị giữ lại từ bên trong khi đang đấu tranh để nắm giữ thứ quan trọng và đẹp đẽ nhất mà một con người có thể sở hữu: Duende! Linh hồn! Sự hiện diện! Và khi tôi viết về họ, chính tôi cũng cảm nhận được sự hiện diện đó.

Tầm quan trọng của việc có tiếng nói, hiện diện trên thế giới này ngay cả khi không ai cần bạn ở đó được đặc biệt nhấn mạnh qua hình tượng người phụ nữ trong Days (bản dịch từ tiếng Đan Mạch của Misha Hoekstra), và tôi sẽ cho bà được nói lời cuối cùng. Bà xứng đáng với điều đó:

  1. Có lẽ tôi đã dành quá nhiều thời gian ở những nghĩa địa, tôi nghĩ,
  2. và nằm dài trên sàn, cơ thể tan rã, và nếu tôi không tồn tại, mọi thứ cho đến thời điểm này cũng không tồn tại, lịch sử của tôi, nước Mỹ, viên đá tôi luôn bỏ trong túi và mang theo mình, và điều anh đã viết vào mùa đông năm trước,
  3. và nếu không có thứ nào trong số đó tồn tại, thì nỗi buồn không tồn tại, và ngày mai cũng không tồn tại,
  4. Tôi nghĩ, tôi không thể thở được, vì cái không tồn tại thì không thể thở,
  5. Những thứ không tồn tại thì chẳng có ích gì, ngoại trừ việc có thể đi xuyên tường và đứng bên những cánh cửa để lắng nghe
  6. và bây giờ, tôi đã nghe thấy tất cả, vậy đó là gì?
  7. Đứng dậy,
  8. ngồi bên cửa sổ,
  9. lắng nghe tiếng của một trong những con chó hàng xóm và ở cùng nó cho dù có chuyện gì xảy ra,
  10. nghĩ, Tại sao không ai để nó vào? và có thể cảm thấy tôi không còn là một thiếu nữ nữa
  11. chỉ là một người phụ nữ đã sống lâu hơn những người hàng xóm, và con chó ở dưới kia, lâu hơn nhiều những người đã chết, và tôi đã được đặt trong mộ của mình từ lâu, một nghìn năm trước tôi nghĩ, nhưng hãy nhìn tôi bây giờ,
  12. thê lương, vẫn còn ở đây, và sống.
  13. và tôi muốn mình có thể tin vào ngày mai,
  14. và tôi không thể làm gì khác nhưng
  15. Tôi đang leo lên một con lạch trong vô vọng giữa hoàn cảnh này.

 

Kiều Chinh dịch, theo Literary Hub

Link: https://lithub.com/on-the-invisibility-of-middle-aged-women/

 

 

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)