MIỀN LỤC BÁT TÌM NHAU – TỎA SÁNG THƠ VÀ ẤM ÁP TÌNH THƠ
Sau thành công với tập thơ in chung “Từ khóa” xuất bản năm 2015, nhóm thơ Facebach tiếp tục giới thiệu đến đọc giả tập thơ “Miền lục bát tìm nhau” (NXB Hội Nhà văn, 2017). Có thể nói đây là một trong số những tập thơ hay, tạo nên dấu ấn của Facebach trong lòng đọc giả. Tập thơ có hơn 70 bài thơ thuộc nhiều chủ đề, đề tài do hơn 30 nhà thơ, chủ yếu trong số đó là các nhà thơ thuộc nhóm Facebach. Mỗi người một phong cách, một thiên hướng nghệ thuật riêng biệt thế nhưng đến đây dưới mái nhà chung Facebach, thơ của họ hoà quyện, bổ sung ý vị cho nhau, tạo nên bản giao hưởng tuyệt đẹp.
“Miền lục bát tìm nhau” gợi về một không gian nghệ thuật mở. Sự xuất hiện của hơn 30 tác giả trong tập thơ chung “Miền lục bát tìm nhau” phần nào cho thấy sự đông đảo về mặt lực lượng và số lượng tác phẩm. Đây còn được xem là sự hội tụ của những giá trị nghệ thuật, cùng nhau tỏa sáng. Tỏa sáng trong thơ và tỏa sáng trong cả tình người. Từng câu từ trong các tác phẩm được hiểu như một miền thơ xác định thứ ngôn ngữ tài hoa, một trường hấp dẫn đang mời gọi những người thơ khai mở và cả những khát vọng vươn tới đỉnh cao nghệ thuật.
Các bài thơ trong “Miền lục bát tìm nhau” là những bài thơ được tuyển chọn qua cuộc thi thơ “Mini Olympic Lục bát” do nhóm thơ Facebach tổ chức. Tất cả các bài dự thi đều được đăng tải trên trang nhóm chung của hội thơ Facebach với mục đích mang giá trị nghệ thuật, khai thác chiều sâu khái niệm ý tưởng văn hóa về sự tập hợp và vươn lên của người thơ trên nền tảng nắm chắc, đứng vững trong thi pháp biểu hiện truyền thống thi ca.
Đề tài trong Miền lục bát tìm nhau rất phong phú. Người đọc được trở về với những cảnh thân thuộc của làng quê, của truyền thống văn hóa với những Bài ca gieo hạt (Đỗ Huy Chí), Nỗi nhớ hoa xoan (Nguyễn Đức Hạnh), Ngõ xuân (Minh Trí)… Đi khắp các miền quê, có lẽ hình ảnh đẹp nhất ghi lại trong tâm trí các tác giả chính là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Mỗi độ hè về hướng lúa chín ngào ngạt khắp thôn quê. Không chỉ mang đến giá trị tinh thần to lớn, một nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, lúa quê còn nuôi lớn biết bao con người, lưu hương trong tâm hồn mỗi người con nước Việt:
“À ơi cánh võng ngày xưa
Theo hương lúa chín mà đưa gió về”
(Cánh võng đưa hương – Trần Anh Thư)
Bên cạnh làng cảnh Việt Nam và những bức tranh thiên nhiên nên thơ, những bài thơ tình cũng trở thành một trong những đề tài được các nhà thơ Facebach khai thác nhiều, với sự đa dạng về sắc thái, cung bậc. Khi là thuở ban đầu:
“Ngày xưa xuống chợ lần đầu
Thương nhau lấy sợi chỉ màu buộc tay
Chụm môi bát rượu nồng cay
Điệu khèn tình tứ mê say hẹn hò”
(Đi chợ tình – Linh Lan)
Và cả:
“Cho anh vay chút vấn vương
Để anh ngơ ngẩn quên đường vì em”
(Cho anh – Trần Anh Thư)
Khi là nỗi buồn thẳm sâu về nỗi lỡ làng duyên nhau:
“Sông thu chia lẻ đôi đàng
Em sang ngang để lỡ làng duyên nhau”
(Lỡ – Nguyễn Duy Chung)
Khi là sự xao động, thăng trầm, đắm đuối theo tiếng chuông ngân:
Tiếng chuông
Im…
Tiếng chuông
Im…
Thấu bao la
Cõi nổi chìm
Mắt nhau…!
(Tiếng chuông giao thừa– Đỗ Huy Chí)
Tình yêu là một phần chính của cuộc sống. Không phải đến Facebach chúng ta mới cảm nhận được thứ gia vị tình yêu nồng đượm. Trước đây tình yêu luôn nhận được sự quan tâm từ nhiều văn nghệ sĩ. Đề cập đến tình yêu nhà văn người Nga Maxim Gorki đã từng viết: “Trên thế gian chẳng có vị thần nào đẹp hơn Mặt Trời, chẳng có ngọn lửa nào kì diệu hơn là ngọn lửa tình yêu”. Để có được tình yêu, người ta có vô vàn cách bày tỏ cũng như cách níu giữ nó. Ẩn chứa trong trái tim tình yêu của mỗi người là những điều diệu kì. Nhạc sĩ thổi cái tình của mình qua những giai điệu du dương của tiếng đàn. Nhà điêu khắc chạm vào hình khối bằng những mảng khối khác nhau của tình yêu… Nhà thơ Facebach cũng vậy, để bày tỏ tình yêu, nhóm đã gửi vào ngôn từ của thi ca rất nhiều sắc màu.
Không chỉ có tình yêu, những xúc cảm khác của đời sống tình cảm con người cũng được Facebach quan tâm. Đó là tình cảm vô bờ dành cho cha:
Cho con xin lại điếu cày,
Lo cha đau phổi cả ngày tháng xanh…
(Điếu cày– Đỗ Mạnh Hùng)
Là sự xót thương mảnh đời ăn mày ăn xin:
“Người ta được thọ thì mừng
Cụ thêm tuổi mới rưng rưng mắt mờ
Gió lùa manh áp đơn sơ
Cấu cào bụng đói dật dờ chân không”
(Hành khất– Nhị Hà)
và nhiều yêu thương, buồn lo, trăn trở khác. Tiếng lòng của Facebach khá xúc động. Bài Hành khất của Nhị Hà là một ví dụ. Chỉ xuất hiện trong tập thơ với duy nhất một bài thơ “Hành khất” thế nhưng Nhị Hà đã cho thấy phát hiện sâu sắc, đầy sáng tạo về mặt hình tượng. Nhà thơ đặt nhân vật trong mối quan hệ nhân sinh với kiếp sống “trăm năm trăm cõi”, triển khai hiện tượng đời sống thông qua hình tượng nghệ thuật cụ già hành khuất. Ở cái độ tuổi “gần đất xa trời” việc thêm tuổi mới cũng chẳng mấy vui vẻ, trong khi người ta được thọ hẳn phải vui sướng biết bao, còn cụ già hành khất thì thêm tuổi là thêm tủi với manh áo đơn sơ, đôi chân dật dờ và cái bụng đói. Sống thọ với cụ đâu còn vui. Cùng một kiếp người vậy mà lại chẳng vui sướng như nhau. Đúng như nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng đề cập: “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống”. Hiện thực là nguồn cội, là cơ sở làm nảy sinh những tình cảm đẹp để từ đó, thơ được thai nghén, được ra đời. Điều này xuất phát từ đặc trưng của thơ. Tính hiện thực trong “Hành khất” khiến người đọc đáng suy ngẫm, bởi lẽ ngoài kia xã hội không phải ít những mảnh đời có số phận bất hạnh như vậy.
Đó còn là tiếng nói khát vọng. Ngược xuôi trăm miền trên dải đất hình chữ S này, có lẽ miền cao trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở của Nguyễn Thành Tuấn. Đem “con chữ” về với bản làng xa xôi và rồi ông để tác giả xúc động viết nên bài thơ “Đùa với sinh viên sư phạm”. Mơ về tương lai đem “bằng, con chữ” lên đến miền cao với tinh thần tự nguyện, bằng sức trẻ, bằng tinh thần nhiệt thuyết và bằng cả tình người. Cũng từ đây, tác giả muốn ngợi ca sự cống hiến của những người giáo viên vùng cao, vì còn đó những nhà giáo cắm bản đã âm thầm “cõng chữ” lên những miền xa xôi để “vui theo tiếng cười trẻ con”. Tất cả ước mơ, khát vọng của Nguyễn Thành Tuấn được gói trọn lại qua hai câu thơ sau:
“Mang bằng lên tận Hà Tuyên
Nguyện đem cái chữ đến miền xa xôi”
(Đùa với sinh viên sư phạm – Nguyễn Thành Tuấn)
Cùng với nội dung, Miền lục bát tìm nhau còn hấp dẫn người đọc ở nghệ thuật thơ tài hoa. Đưa người đọc một không gian thơ ca vô cùng vô tận, Miền lục bát tìm nhau có nhiều cách diễn đạt lạ: Nở vào nhan sắc (Đỗ Huy Chí), hoặc:
“…Vào phiên đấu giá mùa đông
Hình như,
Nghe nỗi tơ hồng đứt tay …”
(Hình như – Lê Kim Phượng)
Đây nữa:
“…Bỏ mùa đông cũ ra phơi
Áo hoa ngoài ngõ cứ cười áo bông”
(Xuân – Trần Hưng)
Những câu thơ hay như thế này không hiếm gặp trong Miền lục bát tìm nhau. Trí tưởng tượng của các tác giả rất phong phú. “Nghe nỗi tơ hồng đứt tay” là một ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thật hay. Còn “Áo hoa ngoài ngõ cứ cười áo bông” lại là sự nhân hóa rất duyên. Sự vật hiện tượng trở nên sống động, thơ mộng. Đó còn chưa kể đến sự sáng tạo trong cách dùng từ, sự đổi mới thể thơ và kiếm tìm những lối chơi thơ mới.
Và cũng không hiếm những câu thơ sử dụng dấu chấm lửng trong câu trong Ngẫu khúc ban mai, Tiếng chuông giao thừa – Đỗ Huy Chí…Có lẽ dụng ý của tác giả khi không chỉ một mà nhiều lần ông dặt dấu chấm lửng trong câu. “Ngân…rồi loang…xao xác…” dấu ba chấm ở đây được đặt sau từ ngữ chỉ âm thanh để từ đó biểu thị sự kéo dài âm thanh, đồng thời thể hiện còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết. Thể hiện lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.
“Tiếng chuông
Ngân…
Tiếng chuông
Ngân…
Vào trời ấy mấy trong ngần
Rồi loang…”
(Tiếng chuông giao thừa – Đỗ Huy Chí)
Hay:
“Lơ ngơ, xao xác…
Đường thơ
Hồn dư đỏng đảnh,
Lại thừa mong mỏng…”
(Em như– Linh Lan)
“Rằng
Bá sáu giá
Hầu đồng
Cho
Âm – Dương
Với
Sắc – Không”
(Lên Đồng – Minh Trí)
Đọc Miền lục bát tìm nhau dễ thấy nhiều sự cách tân trong cách vận dụng thể thơ lục bát truyền thống dân tộc. Có thể thấy, qua một số bình diện trên, câu thơ lục bát phù hơp cho việc truyền tải cảm xúc của người sáng tạo một cách đa dạng và phong phú. Đồng thời tính nhạc của câu thơ cũng được thể hiện rõ nét với những nhịp điệu khác nhau, lúc lên cao xuống thấp, lúc khắc khoải nghẹn ngào, lúc thiết tha tình cảm. Chính những tác dụng từ việc sáng tạo mạng lại, Facebach đã tạo nên những nét riêng hết sức độc đáo cho câu lục bát biến thể mà vẫn không làm biến chất hay pha tạp ảnh hưởng đến câu lục bát chính thể (Ngẫu khúc ban mai- Đỗ Huy Chí, Nhớ mẹ- Đàm Huy Đông, Nhong nhong nhong- Thanh Hải…).
Có thể nói, với “Miền lục bát tìm nhau” Facebach vừa có sự đa dạng, vừa có sự thống nhất. Đa dạng trong nội dung, cảm xúc, nghệ thuật và thống nhất trong sự đoàn kết, thân ái và giàu niềm đam mê thơ ca của các thành viên Facebach!
Phạm Thị Quỳnh Trang