MICHAEL PEDERSEN: KHÓ KHĂN KHI VIẾT VỀ TÌNH BẠN NAM GIỚI

MICHAEL PEDERSEN: KHÓ KHĂN KHI VIẾT VỀ TÌNH BẠN NAM GIỚI

Michael Pedersen - Poet - Scottish Poetry LibraryMichael Pedersen là một nhà thơ, nhà văn trẻ người Scotland. Anh đã xuất bản thành công hai cuốn chapbook và tập thơ đầu tay được đánh giá cao Play With Me. Tập thơ thứ hai của anh, Oyster, xuất bản vào năm 2017,.được minh họa và trình diễn dưới dạng một chương trình trực tiếp cùng với Scott Hutchison của ban nhạc Frightened Rabbit. Pedersen được mệnh danh là tương lai của Canongate; anh lọt vào vòng chung kết Nhà văn của năm tại The Herald Scottish Culture Awards năm 2018; được trao giải thưởng John Mather Trust Rising Star of Literature năm 2014; và giành được Học bổng Robert Louis Stevenson năm 2015. Pedersen cũng đồng sáng lập ra Neu! Reekie!, một dự án nghệ thuật rất thành công với việc sản xuất các chương trình nghệ thuật cấp tiến trên khắp thế giới.

Bài viết dưới đây giống như lời giới thiệu cho cuốn sách Boyfriends mới xuất bản của anh, viết về tình bạn và tình trạng dễ bị tổn thương của nam giới – một chủ đề đáng để ngẫm nghĩ về.

***

Tôi luôn cảm thấy mình không vừa vặn với những công thức của một tình bạn nam giới mà tôi luôn được dạy phải tuân theo, một danh sách những điều mà tôi thường xuyên cảm thấy mình thiếu hụt suốt những năm tháng tuổi thơ: quá nhu nhược; quá nhạy cảm; quá ngốc nghếch; quá bi lụy chuyện tình ái; khuôn mặt quá hớn hở; chứng tè dầm mãi không dứt, hay quá mất thì giờ để làm gì đó.

Tôi mới đây đã đánh mất đi tình bạn quý giá nhất mà tôi từng có, người bạn yêu quý của tôi đã rời bỏ thế giới này một cách đột ngột và nghiệt ngã. Chỉ vài tuần sau đó, tôi đã tự đưa mình đến một tòa tháp ở Bắc Ireland — Tháp Curfew ở Cushendall — và ngẫm lại vùng ký ức này. Tôi nghĩ rằng, chính chúng ta cũng sẽ đánh mất một phần bản thân mình khi một người quan trọng rời bỏ chúng ta khỏi hành tinh đang quay này. Sự mất mát còn nhiều hơn khi họ là những người còn trẻ và bi kịch đã tới quá sớm với họ. Đứng giữa những viên gạch của tòa tháp Curfew, tôi hy vọng mình sẽ lấy lại được một phần nào đó đã mất.

Trạng thái này đeo đẳng tôi hàng tháng trời chính bởi những tình bạn mà tôi có được — những tình bạn đã vực dậy tôi, những tình cảm khiến trái tim tôi tan nát, những điều ấm áp, đáng trân trọng đã khiến tôi trở thành một kẻ luôn khát khao với tình yêu như ngày hôm nay. Đây là một dịp để tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với những người bạn mà tôi đã thân thiết nhất trong cuộc đời mình. Mặc dù khác nhau về thời điểm xuất hiện, cá tính hay sự nhẫn nại, nhưng mỗi người bạn mà tôi nhắc tới trong tác phẩm của mình, cuốn sách Những người bạn trai (Boy Friends), đều khiến tôi nhận thức được nhiều điều và chắc chắn đã thay đổi tôi rất nhiều khi họ rời đi. Tôi đã yêu mỗi người họ bằng cả trái tim. Chúng tôi đã che chở nhau, chúng tôi đã hôn và ôm lấy nhau, chúng tôi đã chấp nhận nhau như chính con người mà chúng tôi là.

Mặc dù hiện tại, tôi và họ đều đã lạc nhau — về mặt địa lý, xã hội hay thời gian — nhưng tôi luôn mang họ theo bên mình. Tôi có thể yêu một cách mãnh liệt là bởi vì họ. Tôi tán dương mọi ảnh hưởng của họ lên tôi, tôi có thể thắp nến, cắt bánh kem ăn mừng vì được quen biết họ. Tất cả họ đều có một điểm chung mà chính tôi cũng ngạc nhiên, họ đều là nam giới – từ thời chúng tôi là những cậu bé cho đến khi là những người đàn ông với nhau.

Tôi có một người chị ruột và tôi thân thiết với mẹ hơn bất kỳ ai khác trong đại gia đình khổng lồ của tôi, với gần ba mươi anh em trong họ. Vì vậy, tôi lớn lên đã được chứng kiến và ghen tị với rất nhiều những tình bạn nữ giới tuyệt vời được vun đắp xung quanh cả hai người phụ nữ này. Chúng biểu hiện một bản chất dịu dàng và một kiểu tình yêu hết sức thiêng liêng. Tôi rất thích thú với vốn từ vựng giữa đám bạn gái và chị gái tôi — sự thân thiết cụ thể không hề được hiện diện cũng như được cổ vũ trong những tình bạn nam giới có tính chất khắc kỷ mà tôi dường như phải rèn luyện. Không có những cái khoác tay nhau, không âu yếm, vỗ về nhau khi buồn, không ngủ chung giường qua đêm ở nhà nhau, không nắm tay, vì nỗi sợ sẽ bị người lớn quở trách.

Trong tình bạn nam giới thời niên thiếu của mình, tôi thường cho đi quá nhiều, quá nhanh; tôi sẽ trao thân mình đi cho tình bạn theo cái cách mà người ta cho là ủy mỉ, hay “kiểu đàn bà”. Điều này sẽ khiến tôi vướng vào đủ thứ, từ những sự chế giễu, châm chọc cho vui đến hành động tẩy chay, kì thị người đồng tính. Trong những năm sau này, tôi đã trở thành người bạn tâm giao đáng tin cậy của nhiều chàng trai giống tôi khi họ có tin gì mới, những chuyện nhạy cảm hoặc gây sốc mà họ cần giải tỏa trong bí mật.

Với nhiều người nam bị hạn chế trong khả năng giải tỏa cảm xúc, họ sẽ trở thành một phần của đại dịch cô đơn, bị kìm hãm bởi sự tự xấu hổ hoặc sự ức chế khi không thể thành thực biểu đạt mình — không thể mời một bạn nam khác đi dạo, ăn tối, hoặc trò chuyện với nhau về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống của họ. Sự thiếu hụt những gần gũi về mặt thể chất hay trí tuệ này ngăn nhiều người trong số những người đàn ông này trở thành những người tình tinh tế, chu đáo hơn, bản năng tính dục như một con người của họ đã bị kiềm tỏa.

Nhẹ nhàng nhất những cảm giác này sẽ chỉ đi đôi với nguy cơ của những cảm xúc chưa được thỏa mãn. Tệ hơn, nó hoàn toàn có thể là một kẻ giết người.

Trong cuốn sách của mình, tôi đi sâu vào vùng trung gian bất thường này, nơi mà người đàn ông tìm cách trút bỏ những bận tâm và bất an của họ trong khi sôi nổi bình luận về những trận đấu hay trong những dịp say sưa nhậu nhẹt cùng nhau. Cả hai không gian này đều cấp cho những người đàn ông quyền được bộc lộ cảm xúc (hoặc ta có thể gọi đó là những tờ giấy thông hành cảm xúc?) để phơi bày khả năng dễ bị thương tổn của họ dưới vỏ bọc của một tự sự có tính chất ổn định hơn — tôi bộc lộ cảm xúc này chỉ vì tôi đang xem thi đấu thể thao thôi, hoặc là vì lâu lắm tôi mới có dịp ngồi với bạn bè.

Trước tiên, điều này (hay nói đúng hơn là đối với tôi) là một minh chứng tiêu biểu cho trạng thái “gone fishing” ở một số người (gone fishing: một thành ngữ dùng để miêu tả những người tận dụng cơ hội để trốn tránh khỏi thực tế): những chàng trai đến với những chàng trai khác để được chìm vào tĩnh lặng cho đến khi những hàng rào được dỡ bỏ, áp lực lắng xuống, và mặc dù vấn đề được giải quyết theo cách không lời như vậy, nó vẫn khiến mọi thứ trở nên đỡ khó chịu hơn là không làm gì cả. Thông thường, một người sẽ bị gạt ra khỏi những cuộc tụ tập với bạn bè cho đến khi anh ta chịu dốc lòng nói ra tất cả vấn đề, thường là những nỗi lo âu, của mình.

Hơn nữa, những chuyến câu cá, những trận đấu thể thao hay những cuộc nhậu cũng được ngầm thống nhất rằng, những gì được nói đến trong những không gian quy ước này nên được giữ kín về thời gian và địa điểm; chúng không thể được tiết lộ ở đâu khác, nếu không, giao ước ngầm trên sẽ bị phá vỡ. Đây là câu trả lời đơn giản cho những vấn đề phức tạp, nhưng mọi thứ vẫn đang diễn ra theo cách như vậy. Tôi hi vọng rằng, những sự nhạy cảm và thành thực này có thể trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người đi đường bất đắc dĩ chúng ta đây – đó là một điều đẹp đẽ đáng đề chiến đấu vì.

Boy FriendsBằng những trang viết của riêng mình, tôi nuôi dưỡng việc chia sẻ những mong muốn từ sâu trái tim mình cùng với những điều tôi cho là hệ trọng và đau đáu. Đó là cách của tôi, với tôi, đó luôn là con đường dẫn đến hạnh phúc. Tuy nhiên, nó đi kèm với một nguy cơ, rằng tôi có thể sẽ cần phải bộc lộ quá nhiều bản thân mình và về những người mà tôi yêu quý. Trải qua nhiều năm, tôi đã nhìn thấy rõ hơn điều gì là có giá trị đối với một câu chuyện và điều gì có thể mang đến cho người đọc cơ hội tốt nhất để phóng chiếu cuộc đời của họ vào câu chuyện của tôi. Tôi không hứng thú viết một thứ gì đó mà không khiến độc giả muốn bước vào, muốn đồng hành, một thứ mà không mời gọi họ đặt chân tới thăm cuộc đời tôi. Khi sự viết có dấu hiệu trở nên quá cá nhân, tôi sẽ tìm kiếm đường hạ cánh an toàn, tìm kiếm một sự thật phổ quát — một câu hỏi khách quan có thể được đặt ra trong câu chuyện chủ quan của tôi.

Cơ thể của tôi cũng là một người dẫn đường. Đôi khi, nó nói với tôi bằng những lời thơ hết sức êm ái, bay bổng và dài dòng, và những đôi khi khác, nó cộc lốc với tôi bằng tiếng lóng của đám du đãng New York. Nó gọi tôi là một tên khốn. Đó là cách mà tâm trí tôi lấy đà để bước các bước tiếp theo. Xương của tôi, các cơ quan của tôi có tiếng nói như những con người trong sách của tôi.

Không có gì ngạc nhiên khi những nhà văn và nghệ sĩ đương đại khai thác tốt nhất chủ đề về nam tính (masculinity) lại chính là những người cảm thấy bị loại trừ bởi chính thứ nam tính đó trong thời thiếu niên hay thanh niên của họ: những người bị cho là thiếu nam tính, thiếu bản lĩnh, quá nhạy cảm, dễ bị tổn thương, thích làm quá mọi sự. Giờ đây, họ đã có thể trình diện các dạng thức nam tính khác nhau mà họ vẫn luôn là (trong suốt thời gian qua), họ đang đòi lại chúng. Những nhà văn như Ocean Vuong, Bryan Washinton và Andrew McMillan, tôi đã học được rất nhiều điều từ họ. Nếu tôi có thể trở thành một phần rất đỗi nhỏ nhặt của làn sóng mới này, một gợn sóng trong một gợn sóng, vậy cũng là đủ, quá đủ.

Kiều Chinh dịch, theo Literary Hub.

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)