Sự đa dạng có thể thay đổi thế giới: Văn học thiếu nhi, dịch thuật và hình ảnh về tuổi thơ – Jan Van Coillie (Hoài Phương dịch)
Tóm tắt:
Dịch thuật là một phương tiện trao đổi văn hóa, đó là điều không thể bàn cãi. Câu hỏi trọng yếu là sự trao đổi này thật sự có ý nghĩa thế nào. Điều này tất thảy còn thiết yếu hơn khi xét về dịch văn học thiếu nhi. Trong một thế giới toàn cầu hóa chưa từng thấy, dịch thuật văn học cho độc giả trẻ bị các yếu tố thương mại chi phối, tạo ra sự mất cân bằng lớn trong dòng chảy dịch thuật trên toàn cầu. Hiện trạng này dấy lên câu hỏi có phải rằng dịch thuật giới hạn sự đa dạng hơn là khuyến khích nó hay không. Chúng ta cũng có thể đặt ra câu hỏi rằng bao nhiêu nền văn hóa “khác” được, hay có thể được bảo toàn trong sách dịch cho thiếu nhi. Hơn nữa, thích ứng bối cảnh văn hóa là một trong những đặc điểm thường được thảo luận nhiều nhất trong dịch thuật văn học thiếu nhi. Để giải quyết những câu hỏi đó, chương này sẽ làm sáng rõ các chiến lược dịch thuật cụ thể được xác định nhờ các hình ảnh về tuổi thơ và các chuẩn mực về thương mại, giáo dục và sư phạm. Những ví dụ từ các nền văn hóa ở các quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Bắc Phi và Hà Lan cho thấy cách yếu tố “ngoại lai” chỉ được thể hiện một cách chọn lọc và rút gọn trong văn học dịch cho thiếu nhi. Trong khi đó, các ví dụ khác sẽ làm rõ cách sách dịch cho thiếu nhi có thể thật sự mang đến các giá trị phong phú cho độc giả trẻ. Chương sách khép lại bằng một thảo luận về việc dịch sách số cho thiếu nhi, một phương tiện mang đến những cơ hội và thách thức mới.
Giới thiệu
Nhiều dịch giả và nhà nghiên cứu coi dịch văn học thiếu nhi như một phương tiện lí tưởng để làm gia tăng vốn hiểu biết liên văn hóa. Nhà so sánh học người Pháp Paul Hazard nhìn mỗi cuốn sách dịch cho thiếu nhi như “một thông diệp vượt qua cả núi, vượt qua cả sông, vượt qua cả đại dương, đến cả từng ngóc ngách tận cùng thế giới để kiếm tìm những tình bạn mới,” (1944, 146). Rosie Webb Joels, chuyên gia về quan điểm toàn cầu từng được nhận giải thưởng văn học thiếu nhi, coi văn học dịch cho thiếu nhi là một phương tiện lí tưởng cho việc “dệt nên thế giới …” (1999, 65). Với Isabel Pascua, chuyên gia người Tây Ban Nha trong dịch luật liên văn bản – văn hóa, văn học dịch thiếu nhi giúp định hình “một chính sách giáo dục mới (…) cần thiết để vượt qua những nỗi nghi ngại đối với yếu tố ngoại lai, cái lạ, ‘cái khác’” (Pascua 2003, 276).
Văn học dịch cho thiếu nhi có thể làm phong phú cho độc giả thuộc nền văn hóa đích theo nhiều cách. Chúng có thể giới thiệu các dòng và phong cách mới, cách tân các loại đã có, và mang đến một cái nhìn khác về thế giới, thách thức những ý tưởng quen thuộc, các khuôn mẫu, chuẩn mực hay giá trị. Một ví dụ về ý cuối này về văn học dịch cho thiếu nhi có thể thấy trong công trình của biên tập viên Daniel Goldin Halfon, người đã thúc đẩy sự phát triển của sách thiếu nhi ở Mĩ Latin bằng cách tung những tuyển tập văn học dịch nhiều giá trị cho thiếu nhi cho nhóm xuất bản Fondo de Cultura Económica. Một cuốn trong danh mục này đã trở nên phổ biến rộng rãi ở Mexico là Willy el tímido (1991), bản dịch sách tranh Willy the Wimp (1984) của Anthony Browne.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đặt ra câu hỏi rằng sự trao đổi văn hóa này thật sự ý nghĩa ra sao. Trong một thế giới toàn cầu hóa chưa từng thấy, dịch thuật văn học cho độc giả trẻ bị các yếu tố thương mại chi phối, tạo ra sự mất cân bằng lớn trong dòng chảy dịch thuật trên toàn cầu. Hơn nữa, chúng ta cũng có thể đặt ra câu hỏi rằng bao nhiêu nền văn hóa “khác” được, hay có thể được bảo toàn trong sách dịch cho thiếu nhi. Hơn cả, thích ứng bối cảnh văn hóa là một trong những đặc điểm thường được thảo luận nhiều nhất về dịch thuật văn học thiếu nhi (Alvstad 2010, 22). Chương này sẽ giải quyết những câu hỏi này, tập trung đặc biệt vào sự lựa chọn, rút gọn và tái nhãn quan yếu tố ‘ngoại lai’.
Chọn lọc cái ngoại lai
Đã có nhiều bài viết về những điều “không thể vượt qua được” của thị trường sách ở Anh và Bắc Mĩ. Ở Vương quốc Anh, dưới 4% sách thiếu nhi trên thị trường được dịch (Donahay 2012; Beauvais 2018, 2). Ở Hoa Kì, con số này ít hơn 2% (O’Sullivan 2005, 71). Để giải thích, Elena Abós đã chỉ ra quan điểm phổ biến của các nhà xuất bản Hoa Kì rằng “sách dịch không bán được” và rằng “với tất thảy sách vở tốt được viết bằng tiếng Anh thì chẳng cần dịch thêm” (Abós 2016, 40).
Ở hầu khắp các quốc gia châu Âu, một tỉ lệ đáng kể sách cho thiếu nhi là sách dịch. Ở Hà Lan và , gần một gần ba sách thiếu nhi được xuất bản từ năm 2010 đến 2015 được dịch (Van Coillie và Aussems 2017). Ở Thụy Điển, con số này là 45% (Alvstad 2018, 173) và ở Phần Lan là 64% (Oittinen, Ketola và Garavini 2017, 3). Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn với sự đa dạng này. Ở Phần Lan, 80% số sách dịch cho thiếu nhi trong giai đoạn này được dịch từ tiếng Anh; ở Thụy Điển, con số là 70%; ở Hà Lan là 62%. Các ngôn ngữ khác còn bị bỏ lại xa hơn nhiều. Ở Hà Lan, ví dụ, 18% số lượng sách dịch cho thiếu nhi là được dịch từ tiếng Italia, 10% từ tiếng Đức, 4% từ tiếng Pháp. Các ngôn ngữ khác chiếm chưa đến 1%. Ngoại trừ Thổ Nhĩ Kì và Nga, không ngôn ngữ phi-châu Âu nào được sử dụng, điều này rõ ràng là một giới hạn trong một xã hội chưa bao giờ đa dạng như thế này (Van Coillie và Aussems 2017). Các giới hạn này nên được giải thích như thế nào? Tiếng Ý là ngôn ngữ thứ hai trong danh mục ngôn ngữ nguồn hầu như hoàn toàn có thể là ngôn ngữ của một bộ truyện, bộ Geronimo Stilton nổi tiếng, đã ảnh hưởng đến nhóm trẻ bảy đến chín tuổi. Giữa các độc giả lớn tuổi hơn, ảnh hưởng của bộ sách bán chạy này vẫn đặc biệt: nhóm trẻ mười đến mười hai tuổi vào năm 2015 chịu ảnh hưởng từ cuốn “Het leven van een Loser”, bản dịch “Nhật ký” của Wimpy Kid của Jeff Kinney và De Waanzinnigie Boomhut, bản dịch bộ sách “Nhà cây” của Andy Griffiths và Terry Denton, cả hai đều được dịch từ tiếng Anh. Với các thanh niên, sự lựa chọn bị ảnh hưởng từ các dịch giả tiếng Anh, bao gồm các bộ truyệnnhư “Divergent, De Labyrintrenner” (bản dịch của “Giải mã mê cung”), “Chạng vạng” và “De hongerspelen” (bản dịch của “Đấu trường sinh tử”).
Rõ ràng là toàn cầu hóa và thương mại hóa (có mối quan hệ chặt chẽ với nhau) ảnh hưởng đến thị trường dịch thuật văn học thiếu nhi. Điều này dấy lên câu rằng liệu dịch thuật có giới hạn sự đa dạng hơn là khuyến khích nó hay không. Với những khu vực ngôn ngữ nhỏ, việc cạnh tranh với bộ máy tiếp thị của các nhà xuất bản lớn trong thế giới nói tiếng Anh là điều hết sức khó khăn. Trong bài báo “Làm thế nào để các tác phẩm văn chương vượt qua biên giới (hoặc không)?”, Gisèle Sapiro tổng kết ảnh hưởng của sản xuất quy mô lớn này là do: “Trong thời đại toàn cầu hóa, công nghiệp xuất bản đã chịu ảnh hưởng ngày càng lớn từ các tập đoàn lớn đã áp đặt các tiêu chí khắt khe về lợi nhuận thương mại và vận hành, làm phương hại đến các tiêu chí văn chương và tri thức” (Sapiro 2016, 87). Hơn nữa, các tác phẩm quốc tế bán chạy có thể làm kiệt quệ văn học bản địa. Một mặt, các đầu sách bản địa sẽ gặp khó khăn để được quốc tế chú ý. Mặt khác, các bộ sách thành công hầu hết đều dẫn đến hiện tượng nhái lại, điều đó cũng có nghĩa là trẻ con có nhiều thứ giống nhau để đọc.
Trong lĩnh vực văn học thiếu nhi – lấy ví dụ ở Singapore và Indonesia, thị trường ngập tràn các đầu sách nhập khẩu từ tiêu chuẩn văn học thiếu nhi phương Tây (Miyake 2006). Một nửa số sách thiếu nhi được xuất bản ở Ấn Độ viết bằng tiếng Anh, trong khi chỉ có 7% trẻ con nói tiếng Anh (Khorana 2006). Rita Ghesquiere phát hiện rằng các thư viện ở trường học Philippine đầy sách Mĩ và Anh, bao gồm các tác giả như Dixon và Blyton, và bộ sách Nancy Drew. Giáo viên gặp khó khăn khi kể tên các tác giả trẻ người Philippine. Tác giả cũng đồng thời nhắc đến Abu Nasr, người đã quy cho khởi đầu muộn màng của văn học thiếu nhi ở Ả Rập là do dảnh hưởng của dịch thuật phương Tây (Ghesquiere 2006, 30 – 31). Emer O’Sullivan đã chỉ rằng số lượng ưu thế của kinh điển phương Tây cũng vào cản trở sự phát triển của văn học thiếu nhi bản địa, xét ở châu Phi (O’Sullivan 2000, 138). Ở lời giới thiệu cho số đặc biệt về dịch thuật ở Bắc Phi, Ileana Dimitriu nhấn mạnh rằng ẩn ý đằng sau bài báo là “quyền lực của tiếng Anh; sự đe dọa đến sự đa dạng” (2002, 1) Haidee Kruger xác nhận điều này, bao gồm “một lượng lớn sách viết bằng ngôn ngữ châu Phi cho nhóm tuổi từ 0 đến 12 là sách dịch, đa phần từ các nước nói tiếng Anh” (2011, 110). Vẫn đặc biệt cần nhiều nghiên cứu hơn nữa về những yếu tố tác động đến tình trạng mất cân bằng và động cơ đằng sau các quyết định lựa chọn của các nhà xuất bản.
Làm giảm yếu tố ‘ngoại lai’
Cả khi văn bản được lựa chọn dịch thuật, thì không phải lúc nào các bản dịch cũng kết nối được độc giả trẻ với các nền văn hóa khác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các dịch giả cho thiếu nhi so với các dịch giả cho người lớn thường có xu hướng loại bỏ các yếu tố ngoại lai trong văn bản hay thay thế bằng các yếu tố của nền văn hóa đích (xem thêm Sahvit 1986; Oittinen 2000; O’Sullivan 2005; Allvstad 2010; Lathey 2010). Hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào các bản dịch từ tiếng Anh hay các ngôn ngữ châu Âu khác. Việc nghiên cứu xem chiến lược này liệu có xảy ra thường xuyên hơn với các văn bản thuộc các nền văn hóa khác hay không là việc làm quan trọng.
Mỗi một dịch giả đều phải lựa chọn giữa việc dịch sát với văn bản nguồn hay điều chỉnh lại cho đối tượng độc giả mới. Nói cách khác, dịch giả đưa người đọc đến gần bản gốc, hay dịch giả đưa văn bản đến gần người đọc. Lựa chọn này nằm giữa điều thường được gọi là ngoại lai hóa hay bản địa hóa có thể dùng cho cả văn bản, nhưng cũng thường chỉ cho một vài yếu tố văn bản đặc biệt. Khi một dịch giả dịch sách thiếu nhi, lựa chọn này trở nên quyết liệt hơn. Sự khác biệt về độ tuổi và trải nghiệm giữa dịch giả người lớn và độc giả khiến người dịch, dù ý thức hay không, cũng sẽ suy tính cẩn thận hơn về phía tiếp nhận. Như Emer O’Sullivan (2005, 13) chỉ ra rất đúng rằng, điều này đúng không chỉ đối với dịch giả mà còn cả với các nhà xuất bản, nhà phê bình và các bên khác trong lĩnh vực sách thiếu nhi.
Thông qua quá trình dịch thuật, các dịch giả văn học dịch cho thiếu tự cho phép mình được các hình dung về trẻ con dẫn dắt, hay cái tôi sẽ gọi là hình ảnh về tuổi thơ, chính nó sẽ thay thế cho ý tưởng của họ về việc trẻ con như thế nào, chúng trông ra sao, chúng có thể giải quyết cái gì và điều gì là đúng, là tốt hay hữu ích cho trẻ. Những hình ảnh này được điểm tô nhờ kinh nghiệm cá nhân nhưng cũng cả nhãn quan xã hội cụ thể hay một hệ tư tưởng tiềm ẩn hay rõ ràng. Kết quả là các dịch giả cho thiếu nhi không chỉ được dẫn dắt nhờ văn bản hay các tiêu chuẩn văn chương mà còn nhờ cả tiêu chí mô phạm và sư phạm.
Đặc biệt, các dịch giả loại bỏ các yếu tố ngoại lai trong văn bản nguồn thường cho rằng độc giả nhỏ không đủ vốn phát triển ngôn ngữ, văn chương hay văn hóa để hiểu hay tiếp nhận các yếu tố ngoại lai, mối quan ngại chính là các yếu tố ngoại lai có thể khiến các độc giả nhỏ tuổi không hiểu và nhận diện được toàn bộ câu chuyện, do đó làm giảm đi niềm vui thú khi đọc. Ngược lại, các dịch giả chọn giữ các yếu tố ngoại lai trong văn bản nguồn thường làm vậy với niềm tin rằng trẻ em có thể xử lí một chút yếu tố lạ và việc gặp gỡ các yếu tố ngoại lai sẽ làm phong phú cho trẻ.
Trong hai phần tiếp theo, tôi sẽ nghiên cứu xem dịch giả đã xử lí các yếu tố văn hóa đặc trưng trong văn bản như thế nào. Để làm rõ hơn, tôi phân biệt giữa (1) các yếu tố cần phải làm với bối cảnh câu chuyện diễn ra (các yếu tố văn hóa đặc trưng hay CSI, như là tên địa điểm hay đồ ăn) và (2) phong tục, hành vi và các mối quan hệ liên quan đến các chuẩn mực và giá trị văn hóa riêng.
Emil hay Michiel, bánh xốp hay baba[1]?
Một thực tế thường thấy trong sách thiếu nhi là thay thế tên nước ngoài bằng tên thuộc nền văn hóa đích. Nhân vật ‘Emil’ của Astrid Lingren được gọi là ‘Michel’ trong bản dịch tiếng Đức và ‘Michiel’ trong bản dịch tiếng Hà Lan. Đây là hành động xuất phát từ giả thiết cho rằng trẻ con không dễ nhận diện nhân vật mang cái tên xa lạ.
Emer O’Sullivan (2000, 230) chỉ ra chính xác rằng cho rằng độc giả nhỏ tuổi có thể xử lí bao nhiêu yếu tố ngoại lai chỉ dựa trên giả định. Các nghiên cứu xem xét thực tế sự tiếp nhận của trẻ em vẫn còn ít. Một số nghiên cứu chúng tôi thực hiện cho thấy rằng trẻ em hoặc không chú ý đến nền văn hóa khác, hoặc không thấy nó quan trọng. Ví dụ, trẻ Hàn Quốc không thấy tên tiếng Nhật khó hơn tên tiếng Hàn, hay chúng cũng không thấy khó khăn hơn trong việc ghi nhớ hay nhận diện những cái tên ấy. Mặt khác, người lớn lại cho thấy phản ứng tiêu cực hơn với những cái tên ‘nước ngoài’, họ bị chi phối bởi các ý tưởng khuôn mẫu khác nhau về Nhật Bản (Sung, Park và Kim 2016). Haidee Kruger cũng tìm thấy sự khác biệt giữa người lớn và trẻ con khi cô tiến hành nghiên cứu cả hai nhóm xử lí các yếu tố ngoại lai trong cuốn sách tranh Nam Phi được dịch: “Hiệu quả ngoại lai hóa thỉnh thoảng lớn hơn ở trẻ em (như đã dự đoán ban đầu), nhưng đôi khi người lớn lại bị xao nhãng do các yếu tố ngoại lai hơn là trẻ em” (Kruger 2013, 221). Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng “hiệu quả của các dịch bản địa hóa hay ngoại lai hóa đều không thể dự đoán được, cũng như không phải một chiều.
Một nghiên cứu quy mô nhỏ về phản hồi của độc giả ở bản dịch tiếng Đức tác phẩm “Nhóc Nicolas” của Sempé và Goscinny đã cho thấy trẻ con thường thích thú những cái tên nước ngoài và các từ nước ngoài cho người địa phương vì nghe thấy thú vị. Trẻ con có xu hướng tự kết hợp và mang trí tưởng tượng cùng vốn kiến thức vào thực tế. Ví dụ, nhiều trẻ em thấy từ ‘Marseillaise’ thú vị vì gợi nhắc đến từ ‘mayonnaise’. Nhiều trẻ thích từ ‘Champagnac’ vì nó gợi đến từ ‘champignon’ (Van Coillie và Hellings 2011, 121).
Không phải ngẫu nhiên khi những kết hợp từ này lại dùng thay thế cho đồ ăn thức uống – các yếu tố văn hóa riêng, như khi Gillian Lathey chỉ ra, “rất quan trọng với trẻ em và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hiệu quả nội dung cho bất kì cuốn sách thiếu nhi nào” (Lathey 2016, 41).
Xúc xích và cà chua rán, bánh pudding bít tết và thận và bánh xốp, tất cả đều được phục vụ trong thế giới của Harry Potter, chắc chắn sẽ gợi lên những thứ khác nhau trong đầu trẻ em Anh quốc hơn là cho trẻ em Pháp. Trong bản dịch tiếng Pháp, hai thứ đầu là được thay thế bằng những thứ có thể gợi nhắc những thứ tương đương là: baba (Auvray và Rougier 2001, 76).
Khi dịch các yếu tố văn hóa riêng liên quan đến đồ ăn thức uống, các lựa chọn của dịch giả có thể do chuẩn mực văn hóa, hay cụ thể hơn là các chuẩn mực tôn giáo. Đó là lí do vì sao ở Iran, các nhân vật trong sách thiếu nhi lại thích chế độ ăn khác nhau. Vì rượu bị cấm trong truyền thống Isalam nên trong bản dịch cuốn “Alice ở thế giới diệu kì” của Persian, rượu được thay bằng soda trong bản dịch năm 1928 và bị bỏ đi trong bản dịch năm 1965. Ở bản dịch năm 1995, từ rượu được giữ nguyên, có thể vì một lựa chọn cá nhân của người dịch (Naghmeh-Abbaspour 2015). Hơn nữa, ở nhiều bản dịch sách thiếu nhi ở phương Tây, nhiều đồ uống có cồn được thay thành đồ không cồn hay bị lược bỏ.
Các thích ứng văn hóa như vậy đảm bảo rằng sách thiếu nhi có thể vượt qua các biên giới, được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới và có thể tiếp cận toàn cầu. Cùng lúc đó, một phần đa dạng văn hóa thể hiện trong nội dung cũng bị mất đi.
Các cấm kị, chuẩn mực và giá trị
Yếu tố có tính chất quyết định hơn nữa là ảnh hưởng của các hình ảnh về tuổi thơ trong các đoạn được dịch chạm đến những chủ đề nhạy cảm như tình dục và thân thể, độc ác, bạo lực, cái chết, tôn giáo, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái hay khát khao về những hành vi không được phép. Ở đây tôi tập trung vào hai vấn đề đầu. Hầu hết các ví dụ sau đây đều lấy từ các bản dịch truyện cổ tích, có lẽ là thể loại phổ biến rộng rãi nhất trên toàn thế giới, giúp việc nghiên cứu việc dịch văn học thiếu nhi cũng như các ảnh hưởng toàn cầu hóa và thương mại hóa trở nên thú vị.
Các đoạn thường bị bỏ đi hay thay đổi nhất là những đoạn liên quan đến khỏa thân và tình dục. Các nghiên cứu của Sutton (1996), Dollerup (1999), Kyritsi (2006) và Thomson – Wohlgemuth (2007) đưa ra nhiều ví dụ về việc làm thế nào mà dịch giả thích ứng và loại bỏ các chỉ dẫn về tình dục hay khi dịch “Rapunzel”, “Hoàng tử Ếch”, “Người đẹp ngủ trong rừng”, “Cô bé quàng khăn đỏ” và nhiều câu chuyện khác.
Tuy nhiên cũng có chiều ngược lại. Tùy thuộc vào hình dung về trẻ em và chuẩn mực giới trong từng xã hội cụ thể, dịch giả có thể phóng đại các yếu tố vi phạm cấm kị. Trong bản dịch truyện Andersen “Bộ quần áo mới của Hoàng đế”, Jacques Vriend nhấn mạnh sự trần truồng của hoàng đế. Trong văn bản nguồn, đứa bé con hét lên: “Nhưng ngài chẳng mặc gì cả.” Trong bản của Vrien, đứa bé trai la lớn, “Con thấy con chim nhỏ của ngài!” và một lúc sau, “Giờ con thấy mông ngài,” rồi sẽ kết luận, “Hoàng đế trần truồng bước vào” (bản dịch của tác giả). Rõ ràng là, những thêm thắt này hé lộ một hình dung khác về trẻ em, đáp lại sự hài hước phá vỡ cấm kị được cho là đặc điểm của trẻ em, đồng thời bổ sung từ vựng cho trẻ với những từ như piemel [con chim nhỏ], blootje [khỏa thân] và nakie [trần truồng] (tất cả đều mang tính khẩu ngữ, “trẻ con”).
Alexandra Büchler nhấn mạnh rằng những khác biệt văn hóa có thể đi theo hai hướng: “Những câu chuyện được coi là quan trọng trong nền văn hóa châu Âu về lạm dụng, bắt nạt, có thai tuổi vị thành niên, thuốc, thường bị các nhà xuất bản Ả Rập coi là không phù hợp với trẻ em. (…) Nó cũng vận hành theo chiều ngược lại” (Büchler đã dẫn trong “Thách thức” 2015, n.p). Có lần cô thấy một cuốn sách thiếu nhi Ả Rập về có mẹ kế sau khi cha của nhân vật chính cưới vợ hai. Cô thấy như thế “khá sốc. (…) Nhưng nó lại phản ánh thực thế” (sđd).
Bên cạnh tình dục, bạo lực cũng thường xuyên là chủ đề được điều chỉnh về văn hóa. Sự nhạy cảm của các dịch giả và nhà xuất bản về bạo lực và sự độc ác thể hiện khá rõ trong các ấn bản truyện cổ tích ở nhiều nước, cho thấy các đoạn bạo lực đã bị lược bỏ (Tatar 1993; Zipes 1991). Điều này cũng bộc lộ rõ ràng quan điểm của họ về trẻ em như trẻ dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ.
Như nhiều bài viết trong tập sách này cho thấy, rõ ràng thái độ đối với bạo lực và sự dễ tổn thương của trẻ khác biệt theo từng nền văn hóa và có thể thay đổi theo thời gian. Nhưng trong cùng một nền văn hóa và thời đại thì thái độ cũng có thể khác biệt rất lớn, hé lộ những hình dung khác nhau về trẻ em. Quan niệm bảo vệ các hình dung tuổi thơ tiếp tục ảnh hưởng đến các bản dịch trong thế kỉ 21 trở nên rõ ràng trong trích dẫn dưới đây trong ấn bản tiếng Đức năm 2005: “Bởi chúng tôi cố không thể hiện các sự kiện quá khủng khiếp, chúng tôi điều chỉnh câu chuyện đôi chút chỗ này chỗ kia. Vẫn có một chút đáng sợ nhưng chúng tôi không muốn dọa độc giả nhiều quá” (Busser và Schröder 2011, 7; bản dịch của tôi). Trong cùng năm, một bản dịch-hướng-đến-văn-bản-nguồn được xuất bản đã cho thấy một hình dung rất khác về tuổi thơ:
“Chúng phản ánh một xã hội đã qua, khi mọi người nghĩ khác về các mối quan hệ xã hội, giới và chủng tộc, ví dụ, khái niệm mẹ kế mang ý nghĩa khác so với bây giờ. (…) Sự độc ác như thế là bình thường so với ngày nay. (…) Trải nghiệm cho thấy trẻ con không thấy khó khăn với điều đó như là người lớn. (Grimm và Grimm 2005, 7; bản dịch của tác giả)”
Sự chọc lọc và chuyển hóa các yếu tố ngoại lai hay các yếu tố văn hóa nhạy cảm không chỉ do người lớn làm (nhà xuất bản, dịch giả) mà đôi khi còn là cho độc giả lớn, đây là hệ quả của đối tượng độc giả đa dạng. Về bản chất, sách thiếu nhi hướng tới cả trẻ em và người lớn, mà người lớn trên hết có thể đóng những vai trò khác nhau như độc giả (cả im lặng lẫn đọc thành tiếng), người nghe và người phê bình. Tác giả – dịch giả người Hà Lan Jacques Vriens giữ cái kết rùng rợn, Rumpelstiltskin tự xé mình làm đôi nhưng ông thêm vài câu dường như chủ yếu để cho người lớn – những người sẽ đọc to câu chuyện, (trớ trêu thay) việc này lại phá hoại hình dung của trẻ thơ: “Marieke sửng sốt nhìn hai nửa người đàn ông bé nhỏ trên sàn. ‘Lại đây,’ cô nói với con, ‘chúng ta đi thôi. Không có gì cho trẻ con xem đâu” (Vriends 1996, 22; bản dịch của người tác giả).
Tái hình dung cái ngoại lai
Không chỉ ngôn ngữ mà cả các hình minh họa thi thoảng cũng được thay đổi để phù hợp với bối cảnh của nền văn hóa đích. Bản thân hình minh họa có thể coi là một dạng dịch, như Jacobson (1959) gọi là ‘dịch liên kí hiệu’, hay chuyển dịch từ kí hiệu ngôn ngữ sang kí hiệu phi ngôn. Sự dịch chuyển từ kể sang nhìn cần sự diễn giải thêm bởi tác giả minh họa phải lấp vào các khoảng trống ngôn ngữ (Iser 1974, 280). Để làm vậy, họ thường xuyên được gợi cảm hứng từ điều mà Iser gọi là “hình ảnh tâm trí” (sđd, 178) hay nhãn quan định hình cách nhìn thế giới. Hơn nữa, cũng như dịch giả, tác giả minh họa có thể thêm, bớt, tái sắp xếp hay thay thế các yếu tố khỏi văn bản.
Khi một cuốn sách thiếu nhi được dịch sang ngôn ngữ mới, việc có minh họa mới từ nền văn hóa đích không còn là điều xa lạ. Đây là sự điều chỉnh văn hóa do nhà xuất bản thực hiện nhằm làm tăng hiệu quả của cuốn sách cũng như độ nhận diện ở nhóm độc giả hướng đến. Trong công trình Dịch sách tranh: Khôi phục lời nói, hình ảnh và âm thanh cho độc giả thiếu nhi, Riitta Oittinen, Ane Ketola và Melissa Garavine (2017) đưa ra nhiều ví dụ về thực hành, đặc biệt trong dịch từ tiếng Anh sang tiếng Trung và Ả Rập.
Ví dụ, truyện cổ tích không chỉ được dịch và điều chỉnh mà còn được tái minh họa. Trước đây, cũng không mấy lạ lẫm khi các minh họa này tìm được chỗ đứng trong nền văn hóa đích. Trong cuốn sách tranh của họa sĩ minh họa người Hà Lan Jan Rinke, nhân vật Cinderelle được gọi là Ella, cô đội một cái mũ và đi đôi guốc đặc trưng của Hà Lan (Asschepoetster 1909). Tuy nhiên, như hệ quả của tình hình toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, các câu chuyện cổ tích cũng ngày càng ít tính địa phương. Toàn cầu hóa đang đi đến đồng nhất hóa. Rõ ràng là các nhà xuất bản lớn hướng đến thị trường quốc tế đều hướng dẫn không chỉ tác giả và dịch giả mà cả họa sĩ minh họa cần tránh các đặc điểm văn hóa riêng biệt cũng như những điều liên quan đến tình dục, bạo lực hay bất cứ thứ gì có thể gây công phẫn. Vanessa Joosen cụ thể hóa xu hướng này như sau: “Mẫu số chung nhỏ nhất của khả năng chấp thuận có xu hướng trở thành một chuẩn mực mới trong các sản phẩm hợp tác quốc tế” (Joosen 2010, 108). Bà đưa ra các ví dụ về tác giả minh họa người Hà Lan Ingrid Godon, khi nhà xuất bản Hoa Kì yêu cầu tác giả vẽ bò không có vú.
Các cấm kị về khỏa thân dẫn đến những mâu thuẫn gây tò mò về ngôn ngữ và hình ảnh trong truyện “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của Andersen. Trong khi ở hầu hết các bản dịch, đứa bé hét lên hoàng đế chẳng mặc gì trên người, thì với nhiều tác giả minh họa, hoàng để khỏa thân rõ ràng là một cấm kị. Nhiều tác giả vẽ hoàng đế mặc đồ lót hay áo sơ mi. Tuy nhiên có nhiều phiên bản ta có thể thấy hoàng đến trần truồng trong tất thảy vẻ hào quang – đặc biệt trong các bản dịch ở Hà Lan (Van Coillie 2008, 560).
Cuối cùng, vẻ ngoài ngoại quốc cũng là một trở ngại. Theo ông Adrienne Tang, giám đốc của Kids Can press, “Trước đây, các nhà xuất bản quốc tế có thể nói ‘tuyệt đối không’ nếu có một nhân vật da đen trên bìa” (McMahon 2017, 5). Mặt khác, các tác giả minh họa cũng chủ động tạo ra sự đa dạng. Tác giả minh họa người Hà Lan Sebastiaan Van Doninck vẽ hoàng tử của Lọ Lem là một thanh niên da màu vạm vã, đối đầu với hình khuôn mẫu phương Tây – da trắng, thường đóng khung hoàng tử trong truyện cổ tích là một chàng trai da trắng mảnh khảnh, đẹp trai. Khuôn mẫu này được tạo nên từ vô số hình ảnh chúng ta thấy trong sách vở, phim ảnh và các sản phẩm văn hóa khác.
Số hóa
Giờ đây, khi máy tính bảng và điện thoại thông minh hiện diện trong từng gia đình lẫn lớp học, trẻ em càng ngày càng tiếp xúc nhiều với sách số. Số hóa làm phong phú thêm sách vở kinh điển khi thêm âm thanh và các hình ảnh chuyển động và cung cấp các tiện ích bổ sung như trò chơi theo truyện, các bài tập đọc hiểu và nhiệm vụ rèn kĩ thuật đọc. Nhiều ứng dụng cũng cung cấp các ‘điểm phát sóng’ để trẻ có thể tương tác với hình và nhân vật trong câu chuyện.
Trên toàn cầu, số lượng sách số cho trẻ em đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, dù vài thị trường có phát triển nhanh hơn. Các khu vực ngôn ngữ rộng lớn và giàu có hơn cũng có lượng sản phẩm lớn hơn các khu vực nhỏ và chậm phát triển hơn (Bus và cộng sự 2019). Chính xác là các quốc gia sau đã ngập tràn các ứng dụng từ thị trường nói tiếng Anh. Bởi các ứng dụng này được các công ty truyền thông quốc tế phát triển nên hiếm khi mang các nội dung bản địa hóa (Sari, Takacs và Bus, 2017). Trong nghiên cứu về những ứng dụng bán chạy cho trẻ em ở Hungary, Thổ Nhĩ Kì, Hy Lạp và Hà Lan, Sari, Takacs và Bus (sđd) phát hiện thấy lượng lớn các ứng dụng không có ngôn ngữ bản địa. Hơn nữa, các nước nhỏ xuất bản một lượng lớn sách số cho trẻ em, như ở khu vực nói tiếng Hà Lan, thấy các sản phẩm ‘bản địa’ bị các sản phẩm nhập khẩu từ các nước nói tiếng Anh đe dọa. Vào năm 2014, 27% các ứng dụng sách phổ biến nhất trên iTunes App Store và Google Play Store là sách bằng tiếng Anh, trong số các sách kinh điển Disney, Nhà thám hiểm Dora và Tiến sĩ Seuss. Truyện cổ tích cũng là một phần nổi bật. Hơn nữa, hầu hết sách số ở các quốc gia và khu vực có các ngôn ngữ ít phổ biến hơn như tiếng Hà Lan, Catalan, tiếng Na Uy và Hebrew lại có hiệu ứng khá hạn chế, lại không có điểm truy cập (Bus và cộng sự 2019). Vì trẻ con thường thấy các ứng dụng có thể tương tác hấp dẫn hơn nên nguy cơ là thị trường sẽ ngập tràn các ứng dụng sách thiếu nhi bằng tiếng Anh, áp đảo số lượng ứng dụng bằng tiếng mẹ đẻ.
Một lợi ích nữa của sách số hóa cho thiếu nhi là kiểu sách này dễ được xuất bản thành nhiều ấn bản đa ngôn ngữ. Lấy ví dụ cuốn “The Fundels”, một bộ sách số nổi tiếng ở Flander có dạng sách nói bằng tiếng Hà Lan, Thổ Nhĩ Kì và tiếng Pháp. Hơn nữa, hầu hết các ứng dụng sách thiếu nhi chỉ được xuất bản bằng một ngôn ngữ duy nhất, việc lựa chọn bản dịch bằng ngôn ngữ chính cũng bị hạn chế. Hơn nữa, chất lượng các bản dịch cũng thường bị nghi ngờ (Bus và cộng sự 2019). Đây là một cơ hội bị bỏ lỡ. Sách số kết hợp giữa ngôn ngữ quốc tế với các ngôn ngữ ít được sử dụng rộng rãi có thể giúp ích cho việc mở rộng không ngừng nhóm trẻ đang được giảng dạy bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Sách tranh số hóa với ngôn ngữ phù hợp có thể giúp trẻ nghe các câu chuyện độc lập với ngôn ngữ ở trường học hay các ngôn ngữ mới khác, với hỗ trợ về thị giác và thường có các công cụ hỗ trợ để học ngoại ngữ, như từ điển tích hợp và các trò chơi hay bài tập ngôn ngữ kèm theo.
Kết luận
Trẻ em có tiếp xúc với các nền văn hóa khác hay không và ở mức độ nào, thông qua sách dịch cho thiếu nhi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, cơ chế thị trường quốc tế đóng vai trò quan trọng. Sự thống trị của văn hóa nói tiếng Anh được thể hiện trong dòng chảy dịch thuật không đồng đều dịch từ tiếng Anh hay dịch sang tiếng Anh. Lượng sách dịch sang tiếng Anh ít hơn nhiều so với sách dịch từ tiếng Anh và nhiều thị trường ngập tràn sách từ Anh và Hoa Kì. Những dòng chảy dịch thuật này do cả nhu cầu lẫn yêu cầu của bản thân hệ thống và việc kinh doanh, điều này có nghĩa là hầu như chỉ có những bộ sách thành công trong nền văn hóa nguồn mới được chọn dịch. Cũng liên quan đến điều này, mức độ mà một cuốn sách ‘ngoại lai’ được bảo toàn trong dịch thuật một phần là kết quả của chiến lược kinh doanh. Một vài cái tên ngoại quốc được giữ lại bởi các mục tiêu kinh doanh. (Nghĩ về trường hợp “Harry Potter”.) Mặt khác, các nhà xuất bản có thể điều chỉnh văn bản và minh họa với nền văn hóa đích nếu họ nghĩ điều đó giúp tiếp cận lượng độc giả đông đảo hơn. Thường áp dụng chiến lược trung tính, tránh liên quan đến các yếu tố văn hóa riêng và các chủ đề văn hóa nhạy cảm.
Tuy nhiên, dự định và tầm nhìn cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng, những điều này không tách rời hình ảnh về tuổi thơ mà các nhà xuất bản hay dịch giả hình dung. Một nhà xuất bản hay dịch giả có thể áp dụng chiến lược bản địa hóa để làm tăng tính riêng biệt cho câu chuyện hoặc dùng chiến lược ngoại lai hóa nhằm mở rộng vốn kiến thức cho độc giả nhỏ. Bên cạnh vai trò mô phạm là vai trò sư phạm, tập trung vào việc chia sẻ thế giới quan chung về cái gì là ‘tốt’ và ‘xấu’ cho giáo dục và nuôi dạy một đứa trẻ. Những quan điểm như vậy mang đặc thù văn hóa mạnh mẽ, như chúng ta thấy trong cách tiếp cận khác nhau về vấn đề tình dục và bạo lực ở Hà Lan, Hoa Kì và Ả Rập. Dịch giả có thể bị chi phối bởi việc họ nghĩ trẻ con trông ra sao. Họ có thể thay đổi hoặc giữ nguyên những tên nghe lạ để giữ sự ‘thú vị’ hay phóng đại hoặc thay đổi các đoạn cấm kị.
Các ý tưởng về khả năng chấp nhận những thay đổi phù hợp với bối cảnh văn hóa cũng thay đổi theo thời gian. Kể từ những năm 1980, các thực hành này thường bị chỉ trích. Lawrence Venuti là người ủng hộ thái độ chỉ trích này, ông không chấp nhận bản địa hóa vì cho rằng điều đó “quy giản một cách thượng đẳng văn bản ngoại quốc thành các giá trị của nền văn hóa đích” (Venuti 1995, 20). Khi nghiên cứu về văn học dịch cho thiếu nhi, Göte Klinberg (1986) lên án mạnh mẽ hành vi này từ mười năm trước. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu gần đây đặt ra câu hỏi liệu các dạng thức bản địa hóa có thể giúp độc giả nhỏ tham gia vào câu chuyện hay không, hay trẻ có thể bị gạt sang một bên, ví dụ, một phong cách xa lạ hay một chuẩn phi bối cảnh hóa và các giá trị phi bối cảnh hóa liên quan đến bạo lực hay tình dục bắt nguồn từ một nền văn hóa khác (xem thêm Oittinen 2000; Alvstadt 2018).
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, câu hỏi được đặt ra là liệu việc truyền đạt thông tin về các nền văn hóa khác thông qua dịch sách thiếu nhi có đang nhận được quá nhiều quan tâm từ các học giả dịch thuật hay không. Trẻ em có thể học hỏi về nền văn hóa khác thông qua các nguồn khác hiệu quả hơn, chẳng hạn sách vở, phim ảnh, tài liệu, du lịch hay các chuyến đi ngắn ngày. Giá trị của văn học dịch cho thiếu nhi là giúp độc giả trẻ kết nối với những cuốn sách giá trị, mang đến trải nghiệm đọc độc đáo và gia tăng khả năng văn chương, do đó là ‘hành lí’ văn hóa.
Mọi nền văn chương lớn đều mang đến cho độc giả cơ hội đặt chân vào đôi giày của người khác, trải nghiệm cảm xúc và suy nghĩ của họ. Nếu một đứa trẻ được nuôi dạy trong nền văn hóa khác, việc đọc có thể chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm, dù có khác biệt đến đâu thì con người cũng chia sẻ những điểm chung về cảm xúc và khát khao. Chính ở đây mà sự giàu có của dịch thuật neo đậu, và dịch giả có thể giữ vai trò trung gian giữa các ngôn ngữ và nền văn hóa.
Hoài Phương dịch
Nguồn: Diversity can change the world: Children’s literature, translation and images of childhood, Children’s Literature in Translation, Leuven University Press. (2020)
Hình minh họa: Tranh trên bìa của sách của Jan Van Coillie
[1] Một loại bánh tẩm rượu và nước đường
Về người dịch:
Nguyễn Thị Hoài Phương (sinh năm 1998) hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Văn học nước ngoài tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô cũng là dịch giả cuốn sách “Pitikok và bê rừng bé bỏng” (Christian Jolibois và Christian Heinrich) đã xuất bản năm 2023 bởi Nhã Nam và NXB Hà Nội.