Dự báo 6 đề tài của văn xuôi hư cấu Việt Nam trong nửa cuối thập kỷ tới (2025 – 2030) – Tác giả: Đức Anh 

Dự báo 6 đề tài của văn xuôi hư cấu Việt Nam trong nửa cuối thập kỷ tới (2025 – 2030) – Tác giả: Đức Anh 

Trước khi vào bài viết này, chúng tôi muốn thống nhất với bạn rằng: những nhà văn tài năng có thể tạo ra giá trị văn chương  với mọi đề tài, thậm chí với nhiều người, đề tài cũng không quan trọng bằng cách viết, ngôn ngữ và tư tưởng. Tuy nhiên, trong dòng chảy của văn chương trong một giai đoạn cụ thể,  một số đề tài được quan tâm hơn những đề tài khác, do sự thay đổi của tâm trạng thời đại, sự vận động khách quan của lịch sử. 

BỐI CẢNH

Văn chương Việt Nam, nhất là văn học trẻ, trong thời gian qua đã nổi bật nhiều đề tài.  Đầu tiên, chủ đề phản địa đàng và tương lai bất định được nhiều tác giả khai thác, xoay quanh những biến đổi khí hậu, môi trường sống, và công nghệ trong tương lai. Những tác phẩm như “Quán bar trong bụng Cá voi” của Hiền Trang (2023), “Biến thể của cô đơn” của Yang Phan (2023) thể hiện rõ mối quan tâm này, đặt con người vào bối cảnh thế giới đang thay đổi không ngừng. Thứ hai, các nhân vật lịch sử và văn hóa địa phương cũng là nguồn cảm hứng lớn, tiểu biểu là các phẩm như “Đồng Xuân Công Chúa” của Trần Thuỳ Mai, “Trăng tan đáy nước” của Hoàng Yến, “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của Nguyễn Một. Thứ ba, các đề tài kinh dị và trinh thám  trong khoảng vài năm qua đã tạo ra hấp lực lớn đối với độc giả trẻ, nhờ vào sự hồi hộp và yếu tố giải trí rất bản địa mà đề tài này mang lại. Ví dụ điển hình là “Tết ở làng Địa Ngục” của Thảo Trang (2020) hay “Rừng than khóc” của Thục Linh (2024)… Ngoài ra, các tác giả cũng quan tâm đến chủ đề căn cước cá nhân trong thế giới hậu hiện đại, nơi những câu chuyện xoay quanh bản sắc cá nhân và vị trí của con người trong xã hội toàn cầu được khai thác triệt để. “Lạc đà bay” của Võ Đăng Khoa và “Không gì ngoài cơn mưa” của Triều Dương là những ví dụ điển hình trong chủ đề này. Cuối cùng, văn học thiếu nhi đang phát triển mạnh mẽ, hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác cho trẻ em, với các tác phẩm như “Giải cứu chả chìa” của Đào Thu Hà, “Cá linh đi học” của Lê Quang Trạng…. 

Trong thời gian tới, độc giả Việt Nam sẽ được đón chờ những câu chuyện gì khác? Tất nhiên đây là câu hỏi không dễ trả lời. Không phải tác phẩm văn học nào cũng theo một đề tài nhất định. Tuy nhiên, ở mức độ văn học đại chúng – mảng văn học chú trọng tính toàn triệt của câu chuyện (story-driven fiction), sẽ luôn có những đặc trưng xã hội học nhất định cho các nhân vật, bối cảnh mà câu chuyện hướng đến. Bởi những dòng văn chương đại chúng có tính động lực và mục đích, nên nó quan tâm đến cách tiêu thụ văn bản – điều sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý xã hội đương thời. Triết gia Pierre Bordieu trong chuyên luận của mình [1] đưa ra các khái niệm (Cultural and Social Capital): Vốn văn hóa và vốn xã hội. Các kỹ năng, kiến thức, giáo dục mà các cá nhân sở hữu, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và tiêu thụ văn hóa.  Các loại vốn này được sử dụng và trao đổi là quan trọng để hiểu được sự phân phối và tiêu thụ văn học. Sự sáng tạo văn học không xảy ra trong môi trường trống rỗng mà bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ quyền lực và cấu trúc xã hội. Văn chương cũng có các tính chất mà Pierre Bordieu gọi là Tự chủ và dị đồng (Autonomy and Heteronomy) [2]. Tự chủ đề cập đến khả năng của một lĩnh vực hoạt động độc lập khỏi các áp lực và ảnh hưởng bên ngoài, như kinh tế và chính trị. Khi một lĩnh vực văn học có mức độ tự chủ cao, các tác giả và nghệ sĩ có thể sáng tạo mà không cần phải tuân theo các yêu cầu thị trường hay sự kiểm soát của chính quyền. Điều này thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, cho phép văn học phát triển theo các tiêu chuẩn và giá trị nghệ thuật nội tại. Ngược lại, Dị đồng là sự phụ thuộc của một lĩnh vực vào các lực lượng bên ngoài. Trong trường hợp này, các quyết định sáng tạo thường bị chi phối bởi các yếu tố như nhu cầu thị trường hoặc áp lực chính trị, xã hội học. Trong thực tế, không có lĩnh vực văn học nào hoàn toàn tự chủ hoặc dị đồng, mà thường là sự cân bằng động giữa hai yếu tố này, nơi các tác nhân trong trường văn hóa luôn đàm phán và xung đột để xác định mức độ ảnh hưởng của mỗi yếu tố.

 

TIÊU CHÍ

Lý thuyết này về cơ bản thì không mới, tựu trung lại là xã hội học và văn chương có ảnh hưởng qua lại ở mức độ ý thức lẫn tiềm thức, nên chúng ta trở lại với câu hỏi chính của bài viết. Tiêu chí thứ nhất: những dự đoán dưới đây chúng tôi căn cứ theo các phương pháp  quan sát và phân tích tài liệu, chỉ số thống kê, nhưng phần không nhỏ cũng có những cảm tính nhất định mà chúng tôi sẽ giải thích ở từng trường hợp. Hy vọng danh sách này sẽ trở thành một lời tiên tri tự hoàn thành, bởi biết đâu nó gợi cảm hứng cho bạn, những người đang đầy năng lượng sáng tạo văn chương. 

Tiêu chí thứ hai là về mặt tiếp nhận: danh sách dưới đây quan tâm nhiều hơn tiếp nhận văn học của độc giả đương thời và độc giả tương lai, tập trung vào độc giả đại chúng thay vì tầng lớp độc giả chuyên môn gần như ít thay đổi về gu thưởng thức. Một số nghiên cứu học thuật về gu thưởng thức văn học của tầng lớp độc giả chuyên môn (nhà phê bình, giảng viên chẳng hạn) chỉ ra rằng sở thích của họ thường có xu hướng ổn định theo thời gian, phản ánh các chuẩn mực văn hóa và học thuật lâu đời. Sự ổn định này một phần do những thói quen và sự đào tạo sâu sắc đã định hình cách họ hiểu và đánh giá văn học. Phương pháp phân tích và diễn giải được giảng dạy trong các môi trường này nhấn mạnh vào những thẩm mỹ và quan tâm chủ đề đã được coi trọng từ lâu, do đó củng cố những sở thích theo các tiêu chí đã ổn định [3]. Những tiêu chí này chịu ảnh hưởng từ sự phát triển lịch sử của gu thưởng thức văn học, thường ưu tiên cho một số thể loại và tác giả nhất định hơn những người khác [4]. 

Tóm lại như thế có nghĩa là chúng tôi sẽ chọn lựa việc tập trung vào tâm trạng và tầm đón nhận của các độc giả đại chúng. 

CÁC ĐỀ TÀI

Vi lịch sử: “tiểu ngạch” của quá khứ

Các kênh tiktok về Lịch sử, chẳng hạn kênh Trường Lịch Sử với hơn một triệu Follow [5], các cơn sốt chẳng hạn như “Đào, Phở và Piano” [6] là một minh chứng cho thấy tinh thần dân tộc trong thưởng thức văn hoá của thế hệ người đọc mới. Bất kể tính chất như thế nào, thì thực tế trong khoảng 7 năm qua, các tác phẩm (cả hư cấu và phi hư cấu) mang lại những giá trị thông tin về lịch sử, vùng đất, con người, thậm chí chỉ cần có “phần nhìn” đậm chất VIệt Nam…đều bán rất chạy, được đông đảo độc giả ủng hộ

Vi lịch sử (Microhistory) là một phương pháp nghiên cứu lịch sử tập trung vào việc phân tích các sự kiện nhỏ, những chi tiết cụ thể, những guồng văn hoá, hoặc cuộc sống của một cá nhân hay một nhóm nhỏ, thay vì toàn bộ bối cảnh lịch sử rộng lớn. Mục tiêu của vi lịch sử là khám phá cách mà những yếu tố nhỏ và đôi khi bị bỏ qua có thể tiết lộ thông tin quan trọng về các quá trình xã hội, văn hóa, và lịch sử rộng lớn hơn. Với môn sử học chuyên sâu thì điều này không hề mới mẻ. Trên thị trường sách Việt Nam cũng có nhiều sách nghiên cứu chuyên sâu được xuất bản, như “Khoái khẩu và khát vọng” (Erica J.Peters) về bối cảnh ẩm thực thời Pháp Thuộc, “Độc quyền rượu và chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương” (Sasges) về bối cảnh đồ uống thời Pháp thuộc, “Ngàn năm áo mũ” (Trần Quang Đức) về trang phục Việt Nam hay “Ả đào” (Bùi Trọng Hiền) có đề cập về lịch sử môn nghệ thuật hát ca trù. 

Đương nhiên văn học Việt Nam trong quá khứ có không ít tác phẩm, hai tác phẩm mới nhất đoạt giải văn xuôi của Hội Nhà Văn,  Bửu Sơn Kỳ Hương (Lý Lan) đoạt giải thưởng Hội Nhà Văn 2022 và Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (Nguyễn Một) đều tập trung vào các nhóm xã hội nhỏ, sự kiện nhỏ nhưng qua đó độc giả có cơ hội để nhìn thấy toàn cảnh xã hội. Văn học trẻ Việt Nam đương đại đang có những tựa sách lấy cảm hứng, bối cảnh lịch sử rất ăn khách, được tái bản nhiều lần. Các yếu tố vi sử cũng xuất hiện ở cả các đề tài văn học khác như kinh dị, trinh thám. Một số nhà văn trẻ bắt đầu có ý thức rõ rệt về văn hoá và lịch sử địa phương khi viết truyện, để nâng cao tính “Thuần Việt” – dù khái niệm này còn tranh cãi và tạo ra cảm giác bản địa. 

Trong tương lai gần, các tác giả Việt Nam có thể sẽ tìm tòi nhiều hơn những dòng vi sử, bởi nó bao gồm những cơ hội về quảng bá văn hoá mà các quốc gia khác đã làm rất thành công. Một lý do khác là chính sử Việt Nam hầu như còn nhiều tranh cãi, và tính khuôn mẫu vẫn còn rất cao. Tìm một cơ hội để có những bối cảnh ăn khách, độc đáo, hẳn các nhà văn sẽ tránh con đường lớn và tìm đến những mỏ vàng ở tiểu ngạch?

Khoảng cách thế hệ 

Lịch sử Việt Nam trong khoảng 100 năm qua đã biến đổi không ngừng, không ít đứt gãy, không ít thác lớn và cả sóng ngầm. Điều này tạo ra trải nghiệm khác biệt ở các thế hệ: chiến tranh, hậu chiến, bao cấp, hội nhập, mạng xã hội, kỹ thuật số (digital native)… Theo chúng tôi, đây cũng chính là lý do các thế hệ trẻ thường có xu hướng lo ngại mất đi tính “Thuần Việt”, một trong các cảm giác nổi bật là họ luôn cảm thấy họ bị xa vời đối với truyền thống là do cảm thấy bị bối rối trước những khác biệt lớn của các thế hệ. 

Sự thực thì đề tài khoảng cách thế hệ thì thời nào cũng có. Lấy ví dụ, nếu bạn còn nhớ cuộc thi Văn học Tuổi 20 lần IV, hẳn sẽ mang máng một số tác phẩm mà trong đó, nhân vật trẻ tuổi phải đối diện với một xã hội mới, những tiêu chuẩn mới, thậm chí ngay trong bản năng của họ, khác với những gì họ được dạy trong gia đình. Giải nhì thuộc về tập truyện ngắn “Cô con gái ngỗ ngược” của Võ Diệu Thanh. Hai giải ba được trao cho tập truyện ngắn “Visa” của Hải Miên và tiểu thuyết “Giảng đường yêu dấu” của Mai Anh Tuấn, đều nhận được sự quan tâm từ độc giả nhờ vào cách khai thác đề tài và bối cảnh gần gũi với đời sống sinh viên và giới trẻ​. Giải tư  có các tác phẩm như “Những chuyển điệu” của Nguyễn Thiên Ngân, “Tạm trú” của Đỗ Duy. Tất cả các tập truyện, tiểu thuyết trên đây đều có sự đồng điệu về quan điểm, những lấp ló tuyên ngôn của một thế hệ mới. 

Song theo dự đoán của bài viết này, sự khác biệt thế hệ của tương lai gần sẽ nghiêm trọng hơn, bởi nó không còn dừng lại ở việc thay đổi các chuẩn mực, quan điểm xã hội với đời sống cá nhân. Nó có thể là những dề tài phức tạp hơn như ngôn ngữ, sinh học và văn hoá. Bởi thế giới cũng đang có những vận động khó đoán biết. Khoảng cách thế hệ giờ đây sẽ phản ánh được cả những biến đổi hết sức tinh vi và nghiêm trọng của thời đại

Những nhân vật còn ẩn khuất

Những thiên tài trong các lĩnh vực không phải là quân sư, chính trị, văn học nghệ thuật… ít khi là đề tài được văn học Việt Nam chú trọng. Chúng tôi có cảm giác rằng những ảnh hưởng triết học Nho Giáo khiến cho các nhân vật ở các lĩnh vực như trên (những vị tướng, sĩ phu)… dễ được đề cao hơn. Nhưng Việt Nam còn rất nhiều những nhân vật xuất sắc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và nếu các tác giả trẻ cần những “protagonist” (nhân vật chính) sống động, có khả năng mang lại hiệu ứng cao, rất có thể đây sẽ là một đề tài được khai thác nhiều trong giai đoạn tới.

Ngay từ bây giơ chúng ta đã có thể nhận thấy: sự hứng thú đối với các chủ đề văn hoá và lịch sử của độc giả Việt Nam không còn dừng lại ở các đại tự sự. Nhiều kênh youtube, tiktok và các bộ hồi kí của các nhân vật như chuyên gia kinh tế, luật sư, nhà tình báo, nhà quản lý…trong thời gian qua đã được bạn đọc cả nước ủng hộ nhiệt thành. Tiêu biểu như ta thấy là tiểu thuyết Me Tư Hồng (Nguyễn Ngọc Tiến), hồi kí Gánh Gánh Gồng Gồng (Xuân Phượng).

Những nhân vật lập dị và thiên tài trong nhiều lĩnh vực thường ít được chú ý nhưng lại có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ. Điều này là do họ thường xuất phát từ những hoàn cảnh bình thường và phải đối mặt với những thách thức, khó khăn giống như nhiều người khác trong cùng bối cảnh, khiến họ trở nên gần gũi hơn. Lịch sử có thể nhìn nhận họ theo các cách trái chiều: đó là một lợi điểm rất lớn để phát triển thành tiểu thuyết. Trong khi đó, các nhân vật anh hùng trong lịch sử – nhât là ở Việt Nam – thường được khắc họa theo những chuẩn mực nhất định và có thể khó để nhìn nhận họ theo nhiều chiều, vì họ thường được lý tưởng hóa và gắn với những câu chuyện huyền thoại. Đồng thời, việc này còn phản ánh những thách thức xã hội mà những người có tư tưởng khác biệt thường gặp phải, như hiểu lầm hay kỳ thị. Nhiều nhân vật trong số này có những đóng góp quan trọng nhưng ít được biết đến trong lịch sử, và việc viết về họ giúp đưa những thành tựu này ra ánh sáng, tạo điều kiện cho sự ghi nhận ở mức độ rộng rãi hơn. Và ngược lại, tác phẩm văn chương có thêm sức nặng về tư liệu, về truyền thông.

Trước đây, việc khai thác các nhân vật này để viết truyện, thậm chí là viết tiểu sử, báo chí không phải là việc dễ dàng. Trước hết, các nhân vật thiếu tài liệu hoặc thông tin cần thiết, thiếu contact từ gia đình. Đôi khi, thông tin có sẵn lại không chính xác hoặc bị sai lệch, chứa đựng thành kiến hoặc hiểu lầm về họ. Việc tiếp cận thông tin cá nhân hoặc câu chuyện đời tư cũng khó khăn, đặc biệt đối với những nhân vật ít nổi tiếng hoặc không phải là nhân vật công chúng. Hẳn các nhà văn phải là người còn giữ trong lồng ngực hơi thở nồng nàn không khí của một vùng đất nào đó, đủ yêu và đủ đau đớn thì mới cầm bút tìm về những con người đã từng là vĩ nhân trong mắt một cộng đồng nhỏ. Nhưng khi thời gian có độ lùi hơn, khi quá khứ đã bắt đầu phủ sương mờ, một lớp nhà văn mới có thể tìm lại và dễ được chấp nhận hơn để viết về các nhân vật còn chìm khuất.

Thảm hoạ và sự kiện dân sự chấn động

Giống như vi lịch sử, trong quá khứ cũng có nhiều sự kiện gây tò mò: một vụ án mạng, một tai nạn lớn, một trận đại dịch… Đây vẫn luôn là sân chơi màu mỡ cho văn học và điện ảnh thế giới. Ví dụ, “In the Heart of the Sea” của Nathaniel Philbrick kể về vụ đắm tàu Essex năm 1820 và cuộc đấu tranh sinh tồn của thủy thủ đoàn, truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết “Moby Dick”. Tác phẩm “Voices from Chernobyl” của Svetlana Alexievich tập hợp các cuộc phỏng vấn với người sống sót sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, mang đến cái nhìn sâu sắc về hậu quả khủng khiếp của sự kiện này​, Trong điện ảnh, bộ phim “Schindler’s List” do Steven Spielberg đạo diễn, kể về Oskar Schindler, một doanh nhân người Đức đã cứu hàng trăm người Do Thái trong Thế chiến II, là một tác phẩm kinh điển về sức mạnh của lòng nhân đạo. “Titanic” của James Cameron tái hiện lại thảm họa đắm tàu Titanic với câu chuyện tình yêu lãng mạn và bi kịch, kết hợp giữa sự kiện lịch sử và cảm xúc chân thực. “Hotel Rwanda” kể về sự kiện diệt chủng tại Rwanda năm 1994, nhấn mạnh sự dũng cảm và lòng nhân đạo giữa thảm họa kinh hoàng.

Song Việt Nam đương đại thì mảng đề tài này còn vắng bóng. Mới đây, tác phẩm “25 độ Âm” (Thảo Trang) khai thác vụ việc gây rúng động thế giới về 39 người Việt qua đời trong container đông lạnh ở Anh. “9 giờ bão lửa” đến từ một công ty trực thuộc CJ CGV Việt Nam cũng khai thác các vụ hoả hoạn ở chung cư. Tuy nhiên, như thế vẫn còn rất hạn chế. Nhưng với nhu cầu về tính bản địa trong văn hoá giải trí, một mảng đề tài gồm cả các yếu tố trinh thám, kinh dị và giật gân… như trên hoàn toàn có thể sẽ là những con bài chủ lực trong tương lai, nhất là đối với văn chương đại chúng. Thảm họa, dù là tự nhiên hay nhân tạo, đều đặt con người vào tình huống khắc nghiệt, thử thách sức mạnh, lòng dũng cảm và bản năng sinh tồn của họ. Và sau những câu chuyện này, còn là những nạn nhân vô danh mang theo tổn thương bên trong. Điều quan trọng là các cây bút có thể khơi dậy cảm xúc mạnh mẽ từ sự sợ hãi, đồng cảm đến hy vọng, hơn nữa lại cung cấp các dữ kiện từ vụ việc có thật nên bản thân nó là một yếu tố quan trọng để quảng bá tác phẩm. 

Nông thôn Việt Nam

Đây là đề tài vô cùng phổ biến, thậm chí chiếm phần lớn thể hiện các truyện ngắn trên báo chí chính thống. Sự biến mất của nông thôn Việt Nam nên trở thành một đề tài văn chương không mấy xa lạ vì nó phản ánh những thay đổi sâu sắc về kinh tế, văn hóa và xã hội. Qquá trình đô thị hóa nhanh chóng, công nghiệp hóa và di cư đã dẫn đến sự suy giảm của các cộng đồng nông thôn, mất đi những phong tục tập quán, cảnh quan thiên nhiên và đời sống làng quê. Văn chương về chủ đề này dễ chạm đến “nostalgia” của nhiều lớp độc giả. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy từng nói trong Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” rằng, “ở tất cả các cuộc thi do báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội cho tới các tờ báo phía Nam đã từng tổ chức, số lượng tác phẩm lấy đề tài nông thôn làm bối cảnh chiếm tới 90%. Điều này phản ánh rằng đa phần các nhà văn đều sinh ra ở nông thôn, đó là lĩnh vực họ am hiểu, tình cảm gắn bó nhất”. [7]

Tuy nhiên, trong khoảng 5-10 năm tiếp theo, “nông thôn” bắt đầu có độ lùi xa, đủ để một cách rất tự nhiên, bối cảnh, con người, sinh hoạt nông thôn được “lạ hoá” trong mắt bạn đọc. Chúng tôi dự đoán rằng sẽ xuất hiện một làn sóng lấy bối cảnh nông thôn quá khứ trong khoảng năm 2028 đến 2030 

Những đề tài trên thế giới

Nguyễn Phan Quế Mai, với tác phẩm “The Mountains Sing” (Những ngọn núi ngân vang), đã  giành giải thưởng quốc tế và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau​. Nguyễn Phan Quế Mai chọn viết trực tiếp bằng tiếng Anh để đưa văn hóa và lịch sử Việt Nam đến gần hơn với độc giả quốc tế. Nữ nhà văn này mong muốn kể câu chuyện về đất nước và con người Việt Nam qua lăng kính của người Việt, không phải qua cách nhìn thứ yếu của các tác giả phương Tây​ [7]. Thành công của Nguyễn Phan Quế Mai là minh chứng cho thấy khả năng vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa để đạt được sự công nhận quốc tế. Điều này đã mở ra con đường và tạo động lực cho nhiều nhà văn trẻ Việt Nam. 

Trên thế giới, nhiều nhà xuất bản lớn ở Anh và Mỹ như Penguin Random House, HarperCollins, và Simon & Schuster luôn tìm kiếm các tác phẩm mới và độc đáo để xuất bản. Các nhà văn có thể gửi bản thảo của mình trực tiếp hoặc thông qua agency.  Các chương trình như Iowa Writers’ Workshop và Creative Writing Programs at New York University cung cấp môi trường học tập và phát triển cho các nhà văn trẻ trên thế giới, trong đó nhà văn Hiền Trang từng đại diện Việt Nam tham dự. Và từ trước đến nay, cũng không thiếu những cuộc vận động sáng tác ở Châu Á với động lực giao lưu văn hoá.

Việc nhiều nhà văn Việt Nam viết bằng ngoại ngữ sẽ không còn là câu chuyện xa lạ. Nhưng trong tương lai, họ có thể tìm kiếm cơ hội sáng tạo với chính các đề tài toàn cầu. Trong vài năm qua,  toàn cầu hóa đã lộ ra nhiều nhược điểm rõ rệt. Bất bình đẳng kinh tế gia tăng khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, đặc biệt giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển [9]. Sự va chạm giữa các tiêu chuẩn văn hoá có thể dẫn đến  mất mát các nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc nhỏ lẻ, và tác động môi trường tiêu cực khi khí thải và ô nhiễm gia tăng [10]. Biến động chính trị cũng gia tăng do sự suy giảm chủ quyền quốc gia khi các tổ chức quốc tế có nhiều ảnh hưởng hơn. Thế giới nhiều biến động sẽ mang lại một nguồn cung đề tài rất lớn. Thực tế, trong thời gian qua, rất nhiều tác phẩm mới của văn học Việt Nam đã quan tâm đến những chủ đề tương lai nhân loại trong bối cảnh công nghệ.

Báo cáo của UNESCO cho biết, trong giai đoạn 2021-2022, Việt Nam có hơn 132,000 sinh viên du học, đứng đầu khu vực Đông Nam Á [11]. Trước đây, văn học Việt Nam từng có nhiều tác giả trẻ viết về đời sống du học của họ, những khác biệt về bản sắc văn hoá và qua đó gửi gắm những suy tư về cá nhân. Trong thời gian tới, rất có thể các nhà văn trẻ Việt Nam sẽ hướng đến những mục tiêu khác, bao gồm cả viết bằng ngoại ngữ, và nhắm đến chủ đề mà họ quan sát được từ vốn sống thực tế bằng tư cách của công dân toàn cầu. 

Đ.A

Về tác giả: Đức Anh sinh năm 1993 tại Kostroma, CHLB Nga, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh là tác giả các tiểu thuyết tâm lí li kì và trinh thám như “Tường lửa” (2019), “Thiên thần mù sương” (2019), “Đảo bạo bệnh” (2020).

Tài liệu tham khảo:

[1] Bourdieu, Pierre. The Field of Cultural Production: Essays on Art and Literature. Polity Press, 1993, pp. 45-46.

[2] Bourdieu, Pierre. Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste. Translated by Richard Nice, Harvard University Press, 1984, pp. 320-321.

[3] Dempsey, Michael. “Literary Taste and the Canon: An Analysis of Reader Preferences.” Literary Studies Journal, vol. 5, no. 2, 2019, pp. 25-27.

[4] Sassoon, Ruth. “The Role of Literary Criticism in Shaping Reader Taste.” The Book Review Quarterly, vol. 10, no. 4, 2018, pp. 18-19.

[5] Hà Nguyễn, “Nam sinh ngành kỹ thuật kể chuyện lịch sử trên TikTok hút hàng triệu view”, Báo Dân Trí: https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nam-sinh-nganh-ky-thuat-ke-chuyen-lich-su-tren-tiktok-hut-hang-trieu-view-20230207194106718.htm

[6] Phương Cúc, “Tại sao bộ phim lịch sử “Đào, Phở và Piano” tạo nên cơn sốt phòng vé?”, báo điện tử Đài tiếng Nói Việt Nam: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/tai-sao-bo-phim-lich-su-dao-pho-va-piano-tao-nen-con-sot-phong-ve-post1077832.vov

[7] Hạ Yến, “Vẫn thưa vắng tác phẩm về đề tài nông thôn”. Báo Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/van-thua-vang-tac-pham-ve-de-tai-nong-thon-468445.html

[8] Thiên Điểu, “Khi nhà văn bước qua cánh cửa”, báo Tuổi trẻ:

https://tuoitre.vn/nguyen-phan-que-mai-khi-nha-van-buoc-qua-canh-cua-20220426221628961.htm

[9] Pew Research Center. “Assessing Globalization.” Pew Research Center, www.pewresearch.org.

[10] Oxford Academic. “Globalization and Cultural Change.” Oxford Academic, academic.oup.com.

[11] “Vietnam Leads Southeast Asia in Study Abroad.” Voice of Vietnam, 17 Feb. 2024, https://english.vov.vn/en/society/vietnam-leads-southeast-asia-in-study-abroad-post1077391.vov.

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)