LÃNG DU VÀ DỪNG LẠI Ở HÀ NỘI (Hà Thanh Vân)
Hà Thanh Vân sinh năm 1974, bảo vệ luận án tiến sĩ ngữ văn năm 2004. Chị là đồng tác giả của khoảng 15 đầu sách đã xuất bản, đơn cử như Văn hóa, văn học từ một góc nhìn (2002), Thơ văn nữ Nam Bộ thế kỷ XX (2002), Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (2004), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại (2 tập, 2006), Nam bộ nhìn từ văn hóa, văn học và ngôn ngữ (2011)…; và hai đầu sách riêng, trong đó Văn học trẻ TP.HCM 1975 – 2000 (tập 1, NXB VHVN TP.HCM, 2011).

LÃNG DU VÀ DỪNG LẠI Ở HÀ NỘI (Hà Thanh Vân)

Một buổi tối mùa thu mới đây tôi đang đi lang thang ở Hội sách Hà Nội tìm xem có cuốn sách nào mua được hay không thì tình cờ bắt gặp cuộc ra mắt tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Trương Quý, đó là cuốn du khảo “Triệu dấu chân qua những cửa ô”. Cuốn sách do Nhã Nam thực hiện và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành. Tôi ngừng lại đôi chút, lắng nghe vài ý kiến và bỗng dưng muốn… nhiều chuyện nên xin phép nói vài điều với nhà văn Nguyễn Trương Quý và những khán giả mê văn chương của anh.

Tôi chỉ là một du nữ đi ngang qua và dừng chân lại nơi này một chút thôi, nhưng tôi cũng là người đọc khá nhiều những tác phẩm của anh Nguyễn Trương Quý, có thể nói là đã đọc hết. Tôi cho rằng trong văn chương có một hiện tượng thú vị đó là có những nhà văn gắn cả đời sáng tác của mình với một miền đất nào đó trở đi trở lại trong tác phẩm của họ. Trường hợp nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn với vùng đất Cao Mật hay nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk với thành phố Istanbul… là một ví dụ. Còn ở Việt Nam, khi nhắc đến vùng đất Tây Nguyên, bạn đọc sẽ nghĩ ngay đến nhà văn Nguyên Ngọc, hay khi nói về Cà Mau, độc giả sẽ nhớ đến Nguyễn Ngọc Tư. Linh Sơn là địa danh hiện diện trong các cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Làng Chùa ám ảnh nhiều tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều… Và bây giờ anh Nguyễn Trương Quý có lẽ đang gắn đời sáng tác của mình với Hà Nội.

Nhưng cũng từ địa danh Hà Nội tôi lại liên tưởng đến một hiện tượng khác của văn chương, đó là có những vùng đất, thành phố được vinh danh bởi nhiều tác giả, khiến cho nơi đây trở thành một địa chỉ văn chương. Có một thành phố cũng là một thủ đô, nhỏ thôi, của một đất nước cũng nhỏ thôi, thậm chí không nhiều người biết đến trên bản đồ thế giới, vậy mà theo suy nghĩ của tôi, thành phố này xứng danh là thủ đô văn chương của thế giới. Đó là thành phố Dublin của đất nước Ireland. Những “Dubliners” như Jonathan Swift, William Butler Yeats, Oscar Wilde, Jame Joyce, Bernard Shaw, Samuel Beckett với những tác giả kinh điển, những giải Nobel văn chương… làm cho những độc giả yêu văn chương mong muốn được đến Dublin một lần. Ngạn ngữ phương Tây nói rằng “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”, nên khó có thể so sánh Dublin với Hà Nội, nhưng ngạn ngữ phương Tây cũng có một câu khác rằng “Mọi sự đều có thể được bắt đầu bằng so sánh”. Chính vì thế, tôi nghĩ đến một dòng chảy trong nền văn học hiện đại và đương đại Việt Nam đã viết về Hà Nội, với nhiều thế hệ. Có lẽ chúng ta cũng nên mạnh dạn đề cập đến những “Hanoian” và một dòng chảy văn chương viết về Hà Nội. Họ không nhất thiết phải sinh ra ở Hà Nội nhưng gắn bó và có những tác phẩm hay về Hà Nội. Đó là Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… và sau này là Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến… và rất nhiều tác giả khác thuộc nhiều thế hệ, trong số đó phải kể đến Nguyễn Trương Quý.

Vậy thì Nguyễn Trương Quý viết có gì khác với những tác giả cũng viết về Hà Nội. Tôi cho rằng sự đa tài của Nguyễn Trương Quý giúp anh nhiều thuận lợi khi viết về Hà Nội. Xuất thân là một kiến trúc sư, anh vẽ tranh, làm truyền thông… nhưng lại được biết đến nhiều nhất với tư cách là nhà văn. Nhưng cũng vì thế nên Nguyễn Trương Quý viết về Hà Nội từ nhiều góc nhìn và điểm nhìn không cố định. Đó là cách nhìn từ nhiều chiều, nhiều phía, nhiều tầng lớp… Hà Nội dưới ngòi bút của Nguyễn Trương Quý dường như vĩnh viễn có nhiều chuyện nói mãi không hết và những vỉa tầng văn hóa Hà Nội vẫn luôn còn có thể khai thác. Còn ở nhiều nhà văn khác, dường như họ đóng khung ở một điểm nhìn cố định đối với Hà Nội. Nếu nói đến Hà Nội của Thạch Lam hay Nguyễn Tuân, chúng ta chỉ nhớ đến ẩm thực với món phở đặc trưng. Tô Hoài tập trung vào những thân phận con người Hà Nội. Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi chuyên tâm tái hiện Hà Nội trong những giờ khắc lịch sử. Nguyễn Việt Hà thu mình từ góc phố cổ nhìn ra. Nếu ngày trước họa sĩ Bùi Xuân Phái thành danh với những bức tranh vẽ phố Hà Nội thì ngày nay họa sĩ Đỗ Phấn cố gắng tái hiện phố và người Hà Nội không phải bằng hội họa mà bằng những dòng chữ văn chương. Nguyễn Ngọc Tiến tập trung khắc họa đời sống thị dân Hà Nội… Có lẽ mỗi nhà văn viết về Hà Nội đều tự biết cảm hứng và thế mạnh của mình và mỗi nhà văn đều có những thành công, đủ để hình thành nên dòng chảy văn chương viết về Hà Nội xuyên suốt thời hiện đại và đương đại. Còn tôi, tôi thích đọc Nguyễn Trương Quý viết về Hà Nội bởi vì tôi thích sự đa dạng từ nhiều góc nhìn trong trang văn của anh. Dù là ẩm thực, quán xá, con người đô thị, đời sống đương đại, sự kiện thời nay…, hay là khảo cứu, soi chiếu từ chiều không gian và thời gian, Nguyễn Trương Quý vẫn đủ sức biến đổi giọng văn cho phù hợp, từ hài hước, thỉnh thoảng có một chút sâu sắc, thêm màu gia vị là chút tinh tướng kiểu ta đây là người Hà Nội ở những tản văn, cho đến giọng văn khảo cứu thâm trầm, nhuốm màu quá khứ. Có lẽ tôi là người ưa di chuyển nên tôi cũng luôn thích những điểm nhìn không cố định và tôi tìm thấy điều ấy ở những tác phẩm viết về Hà Nội của anh Nguyễn Trương Quý.

Cũng từ đó tôi có hai câu hỏi dành cho nhà văn Nguyễn Trương Quý. Câu thứ nhất là người ta thường nhắc đến Hà Nội với một vài mỹ từ mà theo tôi đã trở nên quen thuộc đến mức nhàm chán, cũ kỹ, đó là Hà Nội thanh lịch, hào hoa. Vậy nếu phải nói về Hà Nội ngắn gọn trong một vài từ, nhà văn sẽ chọn từ ngữ gì để miêu tả về Hà Nội. Còn câu hỏi thứ hai là nhà văn lưu luyến đất hay người Hà Nội hơn.

Trả lời câu hỏi thứ nhất, nhà văn Nguyễn Trương Quý cho biết anh dùng từ “biến ảo” để chỉ Hà Nội, bởi vì theo anh Hà Nội là một thành phố luôn thay đổi không ngừng, từ bốn mùa trong năm, khí hậu, thời tiết… cho đến nhịp sống, nhịp đời, và sự mở rộng không ngừng mỗi ngày về mọi phương diện: kiến trúc, xây dựng, giao thông…. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà văn và cảm thấy đây là một từ ngữ phù hợp cho một thành phố hơn một ngàn năm tuổi nhưng vẫn mãi trẻ trung và thay đổi không ngừng. Trên thế giới, ở nhiều quốc gia, có những thành phố dường như vĩnh viễn không thay đổi và người ta cũng không thể hình dung được nếu thay đổi thì sẽ như thế nào. New York, Paris, London, Moscow… trăm năm về trước cũng như ngày hôm nay và trăm năm về sau chắc cũng không có đổi thay gì lớn. Nhưng Hà Nội trăm năm về trước so với ngày hôm nay và so với trăm năm về sau là rất khác biệt. Là một người lãng du đến Hà Nội nhiều lần, bỏ qua những nhịp đời vội vã, những bước chân di cư đổ về thủ đô, những khu đô thi mọc lên nhanh chóng, tôi cảm nhận Hà Nội luôn thay đổi theo từng khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi, theo từng chiều kích không gian dù là rộng rãi mênh mông hay chật hẹp tù túng.

Với câu hỏi thứ hai về chuyện lưu luyến đất hay người Hà Nội nhiều hơn, nhà văn Nguyễn Trương Quý kể lại cảm giác của quãng thời gian anh ở Bangkok, thủ đô Thái Lan khi đi trên những con phố thấy hoa sữa nở bất cứ lúc nào trong năm. Hoa sữa nở khiến anh nhớ đến Hà Nội. Nhưng dù giống nhau từ con phố đến góc đường, từ hoa sữa nở thì Bangkok vẫn khác Hà Nội ở con người và ở Bangkok mà vẫn nhớ Hà Nội là vì nhớ người Hà Nội. Và như vậy thì nhà văn lưu luyến con người nhiều hơn mảnh đất Hà Nội. Thật ra điều này cũng là điều tôi tán đồng bởi vì cảnh sắc có thể giống nhau, thời tiết có thể giống nhau và thiên nhiên cũng không có gì khác biệt, vậy điều gì làm chúng ta lưu luyến một nơi chốn nào đó hơn những nơi chốn khác? Chắc chắn là vì nơi ấy có những con người làm chúng ta nhớ về, níu giữ trái tim và bước chân của ta.

Buổi ra mắt sách kết thúc cũng là lúc tôi vội vã ra sân bay Nội Bài để bay vào với mảnh đất Sài Gòn đầy nắng, vẫn không quên mang theo cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Trương Quý “Triệu dấu chân qua những cửa ô” để đọc trên máy bay với lời hứa hẹn sẽ quay lại với Hà Nội đầy gió vào một ngày sớm nhất.

Có lẽ trong “triệu dấu chân qua những cửa ô” cũng có rất nhiều những bước chân tôi góp vào.

H.T.V

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)