Lê Hưng Tiến và những con chữ tái sinh chữ nghĩa

Lê Hưng Tiến và những con chữ tái sinh chữ nghĩa

Lê Hưng Tiến là nhà thơ trẻ yêu và đam mê thi ca đến bất ngờ. Điều đó thể hiện ở ý thức sáng tạo mãnh liệt, trước hết là ý thức lập ngôn, hay nói một cách chính xác nhất, đó là ý thức kiến tạo chữ và sau đó là tạo sinh nghĩa mà anh quyết tâm theo đuổi. Anh viết không nhiều và không nhanh nhưng quan trọng là anh đã để lại chất lượng thơ đặc biệt trong người đọc. Từ tập thơ Chân dung ảo (2011) đến Những con chữ tái sinh (2024) là khoảng thời gian để anh tự nhận ra chính mình thông qua hành trình tư duy và lao động chữ nghĩa.

Suy cho cùng, nhà thơ nào mà chẳng bất đầu bằng chữ và tồn tại bằng chữ cùng những thuộc tính của chữ. Paule Verlaine – nhà thơ Pháp đã từng nói De la musique avant toute chose! (Âm nhạc có trước mọi thứ), tức ông muốn nói đến tính nhạc là khởi đầu cho thi ca, bởi vì tính nhạc là thuộc tính của âm thanh ngôn ngữ. Điều này đúng cho mọi ngôn ngữ trên thế giới, nhất là đúng với thi pháp ngữ điệu (poétique  rythmique) của tiếng Việt. Lê Hưng Tiến là một nhạc sĩ và là một nhà thơ, hẳn nhiên là anh hiểu rõ điều đó khi chọn lựa ca từ cho nhạc và ngôn ngữ cho thơ. Nhưng có điều bất ngờ là trong thơ, anh lại ít chú trọng đến chất nhạc mà ưu tiên chú trọng đến ngôn ngữ – kiểu ngôn ngữ tự do, trúc trắc đời thường nhưng đa nghĩa. Vậy, có thể mượn và đổi câu nói trên của Verlaine thành De la langue avant toute chose! (Ngôn ngữ có trước moi thứ) để nói về đặc điểm ngôn ngữ thơ của Lê Hưng Tiến. Anh muốn làm mới thơ mình bằng những trận bạo động chữ theo kiểu của anh. Và quả thật, theo tôi, kiểu kiến trúc chữ như thế có khó khăn trong tiếp nhận của người đọc, nhất là người đọc truyền thống, thích âm điệu và tiết tấu du dương, dễ thuộc, dễ nội cảm theo kiểu Thơ mới 1930-1945. Lê Hưng Tiến muốn xây dựng chữ theo một hệ hình mới, trường nghĩa mới, tuy có học cách cấu tạo ngôn từ theo trục lựa chọntrục kết hợp theo mô hình của Roman Jakobson, nhưng anh không tuân thủ một cách nghiêm ngặt theo hệ hình trường từ vựng của nhà thi học Nga này. Anh muốn đổi mới và liên kết từ ngữ theo cách lựa chọn và cảm xúc của anh. Anh thường xuyên gọi chữ và miêu tả chữ trong những câu thơ, bài thơ của mình để chữ khỏi vong thân. Dù có bất an và âu lo về sự vong thân của chữ nhưng Lê Hưng Tiến vẫn cố để chữ lưu vong và du hành trong sự kiểm soát bằng lý trí của mình. Ý thức và âu lo ấy thể hiện rõ trong những bài thơ trực tiếp bàn về thơ và ngôn ngữ thơ. Trước khi chứng minh điều này qua các bài thơ viết về thơ của anh, tôi muốn nêu quan niệm thơ của Lê Hưng Tiến in ở đầu tập thơ Những con chữ tái sinh. Anh tự hỏi và tự trả lời như sau:

“Tại sao tôi viết thơ?

Tôi viết thơ là để đánh thức những con tinh binh nghĩ về sự tồn tại ngã thể con người. Những con tinh binh này có dồi dào năng lượng sống hay không, hoặc chất lượng chết của chúng ra sao, đòi hỏi tự thức con người về thế giới của chúng sẽ như thế nào trong môi trường chuyển động nhiều biến cố thời cuộc. Thơ cũng vậy, như mặt trận sa mạc trải qua nhiều hành trình chiến đấu sống còn của những con tinh binh để đem về cuộc người làm nên ngã thể sáng tạo. Sự sáng tạo đó cần phải thay đổi mới tư duy, hệ hình để ta có thể mang lại những con tinh binh khỏe khoắn, hiệu quả, và luôn thích ứng với sự tồn tại mới của thời đại…

Theo đuổi thi ca ư?

Chẳng qua là tôi muốn những con tinh binh luôn khỏe mạnh, đầy nghị lực và sống trong lòng mình nhiều khát vọng, kể cả tham vọng để chiến thắng sự sáng tạo mới ở ngã thể con người, nên tôi mới làm thơ để nuôi dưỡng chúng thôi, chứ không theo đuổi gì cả cho thi ca”.

Dù dẫn dắt, diễn giải dài dòng và liên kết từ ngữ lạ lẫm, nhưng cốt lõi của nó là anh muốn những con tinh binh chữ của thơ anh phải  nghĩ về “sự tồn tại ngã thể con người” trong mọi quan hệ nhiều biến động với thời cuộc. Anh xem đó là ngã thế sáng tạo. Muốn vậy “Sự sáng tạo đó cần phải thay đổi mới tư duy, hệ hình để ta có thể mang lại những con tinh binh khỏe khoắn, hiệu quả, và luôn thích ứng với sự tồn tại mới của thời đại…”. Điều đó giúp nhà thơ chiến thắng sự sáng tạo mới ở ngã thể con người. Đó là mong ước đáng quý của một người yêu thơ và muốn thơ mình có ích với đời sống. Hãy nghe thơ anh tình tự:

Những ngày tôi không làm thơ

Phố phường chật chội ký ức

Tiếng quang gánh

          Nhiều dãy hàng rong

                    Và người bán vé số dạo

Vô cảm trước ban mai sám hối

 

Những ngày tôi không làm thơ

Hà Nội mất nhiều không gian phố phó sẫm mặt

Huế chẳng còn vàng son thành quách

Đà Nẵng chưa lớn được thời đại

Hội An hoang phế từng lớp lớp trầm tích thời gian

Ninh Thuận bắt đầu ngã sang màu mắt hoen cay

Còn Sài gòn lại đói thèm tiếng người

 

Những ngày tôi không làm thơ

Những con chữ í ới gọi mùa nghi lễ

Gội sạch giêng hai

Đòi tẩy trần tôn giáo mới

 

Những ngày tôi không làm thơ

Trang giấy trắng nhàu nát các chữ Cái La-tinh vỡ đầu vỡ mắt

 

Những ngày tôi không làm thơ

Trang giấy trắng làm vỡ tiếng Việt tiếng nói từ đáy không

 

Những ngày tôi không làm thơ

Trang giấy trắng đã khép lại một đời sống khác

 

Những ngày tôi không làm thơ

Là những ngày lịch sử trầm tích trên từng trang giấy trắng

(Những ngày tôi không làm thơ)

Vậy, có nghĩa anh muốn mỗi ngày thơ mình phải nói được những tồn tại của con người và môi sinh để mọi người hiểu về ký ức và cuộc sống muôn mặt đời thường của trần thế. Anh mong thơ nhân đạo hoá cuộc sống và con người.  Nếu không làm thơ thì “Trang giấy trắng đã khép lại một đời sống khác”. Và “Là những ngày lịch sử trầm tích trên từng trang giấy trắng”. Nói vậy, nhà thơ có đề cao quá đáng sứ mệnh thi ca của mình không? Nhưng dù gì, đó cũng là ước mơ và khát vọng cao đẹp, đáng quý.

Lê Hưng Tiến luôn trở trăn và xáo trộn con chữ để may ra anh có thể làm mới những nội dung hiện thực bằng ngữ nghĩa của chính những con chữ liên kết chằng chịt và lạ lẫm về ngữ âm, từ vựng: “Thời gian dãn nở/ Tôi đốt mình cháy xuyên màn đêm/ Những con chữ dật dờ sống sót/ Những con chữ giành giựt sự sống cho nhau/ Những con chữ bị thiêu rụi trong cái chết tức tưởi/ Những con chữ í ới bầy đàn oán than/ Và những con chữ đôi lúc biết trước số phận của mình/ Tất thảy chỉ sự dãn nở thời gian”. Tại sao sự dãn nở thời gian lại có tác dụng lạ lùng như vậy? Hãy nghe Lê Hưng Tiến triết lý về điều này: “Khi con quay chạy vạy giấc mơ/ Những con chữ hiển linh từ 4 giờ đến 5 giờ sớm muộn/ Mặt trời không dám đổ màu hồng lên đường đi của cỏ/ Tôi cũng không biết lối về của đôi mắt nhớ/ Thần quái bỏ hoang ngoài hành lang ngữ nghĩa/ Tất thảy chỉ sự dãn nở thời gian”. Mỗi lần dãn nở thời gian là mỗi lần thơ được tái sinh bằng những tín hiệu ngôn ngữ biểu trưng cho những hiện thực đa dạng của cuộc sống, khiến cho nhà thơ không khỏi có lúc bơ vơ giữa thời gian luôn dãn nở. :

Khi thời gian lại tiếp tục dãn nở

Sự phóng sinh là tội đồ của cánh hẩu trí tưởng

Cơ thể tôi cũng bị những con chữ ám muội

Nhập nhoạng trong mớ sản phẩm không thời gian

 

Mỗi khi ban mai lên đồng

Tôi cày xới được vụ mùa thơ thở

Những con chữ bắt đầu tái sinh

Đòi mặt trời mọc hướng đằng chân

Không có lối cỏ đi về của gió

Và tôi bắt đầu bơ vơ giữa thời gian dãn nở

(Những con chữ tái sinh)

Với quan niệm như vậy, Lê Hưng Tiến luôn kiến trúc ngôn từ bằng cách gắn cho nó những ngữ nghĩa lạ theo kiểu của anh. Cô đơn và Nỗi buồn được anh quan tâm thể hiện. Nếu nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường từng xem Nỗi Buồn viết hoa là một thuộc tính cần có của thi sĩ: “Một quyền của thi sĩ là quyền được Buồn trong ngôi nhà tâm hồn của mình”, thì Lê Hưng Tiến lại xem Cô đơn là trạng thái cần có của con người. Cô đơn, theo anh là một trạng thái có giá trị cho những ai biết quí sự cô đơn: “Những khoảnh rỗng vô hồn/ Tôi đốt mỗi bước đi không số/ Cô đơn bắt đầu lên giá”. Muốn cô đơn không phải dễ đối với những ai không bao giờ biết buồn và xúc động trước những đau khổ của tha nhân:

Tôi loay hoay cho ngày thôi lớn

Chỉ là giả hờ cho đêm nhỏ lại

Nhưng cô đơn vẫn lên giá thị trường

                              (Những ngày cô đơn lên giá)

Anh từng xác thực:

  • Cô đơn tôi giấu trong đất
  • Cô đơn tôi gói trong tiếng nói
  • Cô đơn tôi bỏ hoang vào trang giấy trắng
  • Cô đơn tôi dắt đi cùng tâm tưởng

Quả thật cô đơn cũng là một thuộc tính cần thiết của con người, nhưng anh tiếc là nhiều người không được tôn thờ, lại còn đánh mất cô đơn:

Những ngày cô đơn lên giá

Tôi đánh đổi nhiều phí cảm xúc

Thương tiếc đời chữ ra đi từ cõi bình minh

 

Mộ chữ ai đáu

Thế giới vẫn sinh sôi hàng triệu triệu tín ngưỡng

Nhưng cô đơn lại không được nhân loại tôn thờ

(Thương tiếc cô đơn đã ra đi)

Lê Hưng Tiến xem thơ là một thế giới phẳng của chữ nghĩa, nhưng nó có khả năng tạo ra những lỗ thủng nếu nó phá vỡ các trật tự vốn có: “Dang cả hai tay với/ Ý tưởng rơi từ các hệ quy ước đời người/ Phá vỡ trật tự của thơ làm đời sống thủng nhiều lỗ cơ thể tầng ôzon”. Vậy mà “Bao thế kỷ hin hít gió/ Luồn khí thơ như hiển vọng từ một tôn giáo mới và mê mẫm/ Làm hạn chế sự sống của thơ và hơi thở của nước”. Phải luôn đổi mới thơ. Thơ phải luôn tạo ra một điều gì đó như là sự phá vỡ những tĩnh vật đối xứng và êm ả, ngọt ngào:

Ngày nắng chao nghiêng

Thế giới muốn điêu đứng vì không tìm được lỗ thủng của thơ

Mặc cho không gian thủng nhiều lỗ thủng thời gian và cả hố đen lòng người

Thơ luôn tìm kiếm và phát giác cuộc sống ở chỗ không bình lặng và chỗ chưa thấy, chưa biết, chưa nghe của con người và thiên nhiên: “Đợi sinh sôi nhịp nhịp thơ thở/ Những ngày độc thoại nở nở xuyên đêm” (Đà Nẵng Valentine). Chế Lan Viên đã từng nói: “Vực sự sống ba chiều lên trang thơ hai mặt phẳng” chính là với ý nghĩa như vậy:

Cộng bao nhiêu cho đủ chiều dài lịch sử

Cộng bao nhiêu cho đủ chiều ngang lịch sử

Cộng bao nhiêu cho đủ kích cỡ lịch sử

Để thơ không làm vỡ đôi mắt thế giới

(Lỗ thủng thơ)

Mỗi bài thơ của ngày hôm nay phải khác với ngày hôm qua một chút. Phải từ bỏ nhưng câu thơ mang tính tập đoàn. Đó là ý thức về sự cách tân thi ca của Lê Hưng Tiến:

Như buổi sáng nay

Tôi đã bật khóc như thể

Như thể chưa từng ra đời mỗi bình minh

Mỗi bình minh là mỗi bài thơ khác

 

Mỗi bài thơ khác là sự tồn tại cái khác

Nhưng cái khác có thể sẽ chết đi

Và có thể tồn tại trong thế giới khác

Thế giới khác cũng mất đi một phần con người

(Tôi chưa bao giờ bật khóc như thế)

Với ý thức tìm kiếm chữ nghĩa, Lê Hưng Tiến luôn muốn tạo ra Cái Mới, Cái Khác cho thơ, dù có khi Cái Mới, Cái Khác đó lại chưa hay, chưa thoả mãn sự tiếp nhận thẩm mỹ hay có thể tạo ra sự phân hoá trong đánh giá của người đọc. Nhưng nhất thiết, thơ phải trở thành ý thức về Cái Khác của quá trình sáng tạo:

những mảnh vỡ chọc thủng ý thức

những mảnh vỡ chọc thủng ý thức

những mảnh vỡ thành ý thức

(Những mảnh vỡ ý thức)

 

Bài thơ sau là một ví dụ của những mảnh vỡ ý thức:

Những con phố chưa biết nói

Tôi tập đám mây đánh vần mỗi bước cỏ

 

Khi con phố lớn dần ý nghĩ

Tôi tập mảnh đất biết yêu những con vi trùng

 

Mặt trời đến lúc vó ngựa

Địa chỉ lớn thêm nhiều con mắt phố

 

Tôi tập mình biết tự thức

Dẫu con phố chưa chịu biết giọng nói của lòng đất

 

Tiếng thở người phì phào bình minh

Tôi chưng cất những mảng phố không mùa

 

Chưng cất những nghi lễ nắng quái

Chưng cất những tụng ca hư phù

(Nghi lễ của mắt phố)

Vậy là, qua con chữ, người thơ đã cùng với chúng được giải thoát và cứu rỗi để thỏa mãn những ước nguyền dang dở

Trước mộ phần gió

Những con chữ đã thoát xác

Những ý nghĩ đã thoát xác

Những vụn ký ức đã thoát xác

Và giấc hoang cũng đã thoát xác

(Giấc hoang)

Nhưng rồi Lê Hưng Tiến cũng có lúc rơi vào trạng thái lưỡng phân hoặc đối lập, đến nỗi, anh không hiểu được chính mình khi đối chiếu với những đối tượng hoặc những thực thể khách quan khác:

Ta không hiểu được chính ta

Khi tôn giáo là tất cả

Khi bản ngã là ta bà

Khi tha ma là nhục dục

Khi nước đục là nước trong

Khi ước mong là không ước muốn

Khi ấy, vô thức lây lan vô thức. Cả chủ thể và những thực thể ngoài chủ thể cũng đều trở thành cái không thể biết, không thể hiểu:

Ta không hiểu được dòng sông

Ta không hiểu được mặt trời

Ta không hiểu được chính ta

(Ngã ba tự thức)

Lê Hưng Tiến trong khi đi tìm chữ và tạo sinh nghĩa cho chữ, anh có xu hướng thể hiện những cái mới mẻ, xa lạ, không có trong trường liên tưởng bình thường của con người. Ví như những khổ thơ sau đây là trường hợp như thế:

Tôi bỏ khoảnh trống vào đam mê

Thời gian kéo mặt trời xuống núi

Lũ én không biết xuân thì làm tổ

 

Tôi bỏ khoảnh trống vào đam mê

Những ngọn sóng không tầng

Mang ẩm ướt trong sâu mắt mình

 

Tôi bỏ khoảnh trống vào đam mê

Phím tơ ngẫu thêu thùa từng lọn đêm rối

Bình minh không biết mình mỗi sớm mai

 

Tôi bỏ khoảnh trống vào đam mê

Khoảnh trống bỏ tôi vào trang giấy mới

Đam mê bỏ tôi vào khoảnh trống không.

(Những khoảnh trống đam mê)

Bên cạnh những câu thơ hồn nhiên, dễ hiểu: “Tôi cố níu thời gian/ Nhưng tuổi thơ không làm bầu trời nhỏ lại” (Nhưng), anh lại cố triết lý, chiêm nghiệm về những điều mọi người đã hiểu bằng cách đặt ra những chuỗi câu hỏi dài dòng làm người đọc phải suy nghĩ. Bài thơ Vô thức là gì là một ví dụ:

Vô thức là gì

Khi mặt trời rụng xuống miền con gái

Ai đó không vớt được dòng sông

 

Vô thức là gì

Ai đó tìm ra được bản thể mình

Khi ý tưởng với không tới vầng trăng

Trong thơ Lê Hưng Tiến xuất hiện nhiều câu hỏi nhưng không có dấu hỏi lại là một cách truy tìm sự thật theo kiểu cấu trúc diễn ngôn của anh:

Vô thức là gì

Thế kỷ nào cũng đi tìm

Bao nhiêu Freud mới hoang hóa được dòng chảy lịch sử

 

Vô thức là gì

Giữa hai ta có khi thành ngã ta bà

Sự khác biệt không đo được triết lí và cả tâm linh

 

Vô thức là gì

Có nghĩa khi chúng ta được ăn được uống đủ đầy

Nhưng bài thơ không biết sự sống của nó tới đâu

 

Vô thức là gì

Là đêm đêm say giấc

Đến khi bình minh thức dậy lòng cỏ

Bài thơ hoang nghĩa được làm nghi lễ tụng ca

(Vô thức là gì)

Bài thơ Giấc hoang lại là cách vẽ hiện thực bằng ngôn từ mang tính hội họa, thị giác có thể chấp nhận được:

Tôi lại vẽ những suy tư

Chiều dài không làm nỗi nhớ khôn lớn

Thênh thang không làm con chữ mở rộng thêm bầu trời

Những ý nghĩ cũng ngắn dần trong đau thương

Có lẽ thời gian đã sương khói lòng em

 

Tôi vẽ chiếc mặt nạ tôi

Hoang hóa bao thời đại trước

Những đường cong len lỏi màu mẽ phế tích

Khi tôi ảo nã nhiều con người khác vô vọng

Thần hồn đã bắt đầu thoát xác một giấc hoang

(Giấc hoang)

Nhưng có cần đi xa quá đà trong tìm tòi câu chữ theo kiểu trò chơi ngôn ngữ mà chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương như khổ thơ sau đây không lại là điều mà Lê Hưng Tiến cần suy nghĩ để tiết chế và điều chỉnh:

ngẫm đời ngậm bằng ảo ngôn

cơ thể con chữ ăn chíu uống chịu cả lớp từ hợp ngữ

tâm trí nghỉ ngơi nghĩ ngợi ngoài hành lang vỏ não

không phận lớn cái tộc ngộc

thép bọc những cơn mưa ba chiều ăn vèn tiếng nói.

(Ngẫm nhiên)

Điều này còn tùy thuộc vào tầm đón đợi và sự vẫy gọi của liên chủ thể tiếp nhận. Tác phẩm chỉ tồn tại khi tồn tại người đọc cũng là điều mà bất kỳ nhà thơ nào cũng phải quan tâm để thơ đến với người đọc môt cách hiệu quả như người thơ đã từng mơ mộng:

Mỗi khi ban mai lên đồng

Tôi cày xới được vụ mùa thơ thở

Những con chữ bắt đầu tái sinh

 

****

Với hai tập thơ của một hành trình lao động chữ, Lê Hưng Tiến đã tự hiện hữu mình như một nhà thơ có ý  hướng và cá tính sáng tạo vững chắc. Anh luôn muốn mỗi con chữ là mỗi tái sinh cho sự hủy diệt sau cùng của cái cũ trước đó. Cái tôi đang tư duy của Lê Hưng Tiến luôn hướng về chữ và nghĩa để thơ luôn tạo được Cái Mới và Cái Khác. Với mong ước và cái nhìn nghệ thuật như thế, thơ Lê Hưng Tiến đang nỗ lực tìm tòi theo theo xu hướng và lối viết mà các nhà thơ trẻ hiện nay đang thể nghiệm. Tuy chưa thể vội khẳng định thành công, nhưng đã thấp thoáng dấu hiệu của yếu tố và tâm thức hậu hiện đại trong thơ Lê Hưng Tiến. Anh có ý thức gián cách với người đọc bằng tác phẩm mà ở đó, anh muốn đem tất cả cái bên trong để tạo hình thức mới bên ngoài. Và từ tập thơ Những con chữ tái sinh, chúng ta thực sự vui mừng và hy vọng về một gương mặt thơ trẻ rồi sẽ tiến xa trên từng chặng hành trình đồng hành của thơ đương đại Việt Nam./.

Đà Nẵng, đêm 28/8/ 2024

PGS. TS. Hồ Thế Hà

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)