“XE ÔM CA” CỦA TRẦN HƯNG – MỘT BÀI THƠ THẮM THIẾT TÌNH ĐỜI

“XE ÔM CA” CỦA TRẦN HƯNG – MỘT BÀI THƠ THẮM THIẾT TÌNH ĐỜI

Các nghề nghiệp không bình đẳng với nhau. Có nghề cao quý, có nghề bị coi là thấp hèn. Xưa “ngư tiều canh mục” là những nghề được trọng, được xem là lương thiện; xướng ca bị coi là vô loài. Nay, thời đại mới, có những nghề mới nảy sinh, trong đó có nghề bị xem như của riêng người nghèo như làm osin, làm xe ôm… Viết về nghề của người nghèo, Trần Hưng có bài thơ “Xe ôm ca” thiết tha tình đời:

Nhá nhem cho chí sớm mai

Cuốc cày nửa gánh, gia tài một xe

Sông ngang núi dọc bộn bề

Tuổi trâu tuổi ngựa đi về là ai

Ta đang thở ngắn than dài

Mình còn bớt một thêm hai làm gì

 

Phong phanh xuân tím môi chì

Có về Gia Lộc Tứ Kỳ không em

Về đâu má lúm đồng tiền

Xe ôm vừa rẻ vừa hiền vừa nhanh

Thôi thôi mắt chớ tròng trành

Kẻo chìm cả vợ con anh ở nhà

 

Mình ngồi một chuyến cùng ta

Sao đường càng chạy càng xa thế này

Năm trơn tháng xóc ngày lầy

Đời như đất cát bắn đầy áo mưa

Phải cơm phải gạo thì đưa

Biết đâu gian dối mà chừa cả tin

 

Lùi ra dịch lại đi mình

Để ta chất nốt nhân tình lên xe

Bài thơ được thiết kế bằng lời đối thoại của anh chàng làm nghề xe ôm với một khách hàng là nữ. Từ lời đối thoại, hoàn cảnh, tính tình, tâm tình… của chàng xe ôm được diễn tả vừa chân thật, vừa thơ mộng, vừa xót xa, vừa hết mực trân quý.

Trước hết, đây là một chàng xe ôm rất đỗi lịch thiệp. Xưng hô với khách hàng, người xe ôm dùng cặp đại từ “ta – mình”. Đây là cặp đại từ thường dùng trong ca dao đối đáp. Cặp đại từ ấy lập tức gợi sự thân thuộc, thương mến. Lựa chọn cặp đại từ ấy, phải chăng chàng xe ôm đã có sự lựa chọn? Vốn dĩ, “khách hàng là thượng đế”, phải ăn nói thế nào để thắng được sự cạnh tranh trong thời buổi “thương trường như chiến trường”, để khách hàng chịu mở hầu bao… đó là một bài toán. Cặp đại từ “ta- mình” ở đây hay ở chỗ: nó khiến chàng trai đủ thanh lịch mà không quá hạ mình, thậm chí đại từ “ta” còn gợi đến một tư thế đường hoàng, đúng mực cho bản thân và cho nghề nghiệp.

Khổ đầu, chàng trai tâm tình về tính chất nghề nghiệp của mình:

Nhá nhem cho chí sớm mai

Cuốc cày nửa gánh, gia tài một xe

Sông ngang núi dọc bộn bề

Tuổi trâu tuổi ngựa đi về là ai

Chỉ cần đôi dòng, chàng xe ôm đã tái hiện rõ sự vất vả, nhọc nhằn của nghề mình làm. Đó là không giờ giấc, đi sớm về khuya bất kì lúc nào, triền miên cả ngày: nhá nhem cho chí sớm mai. Cơ sở vật chất chỉ là một chiếc xe máy. Ban đầu, chàng còn dùng từ “cuốc cày” của người nông dân để chỉ công việc của mình. Nhưng sau đó, chàng đã lấy thân trâu ngựa để ẩn dụ cho thân mình. Điều đó, khiến sự giãi bày của chàng có sự chua chát về nỗi nhọc nhằn, cơ cực của mình. Buồn hơn nữa là sự “cò kè bớt một thêm hai” của khách hàng:

Ta đang thở ngắn than dài

Mình còn bớt một thêm hai làm gì

Sự mặc cả thêm bớt của khách hàng dội vào lòng chàng xe ôm thêm nỗi cám cảnh. Không chỉ là tiền, đó còn là tình cảm, là sự cảm thông, là sự đánh giá đúng công sức của người lao động. Khổ thơ ngắn, nhưng chất chứa, dồn nén tâm tình của một con người – một chàng trai xe ôm.

Nhưng hình như, rất thật mà lại cảm thấy lỡ lời với vị khách hàng nữ quý, chàng xe ôm liền chuyển cách nói:

Phong phanh xuân tím môi chì

Có về Gia Lộc Tứ Kỳ không em

Về đâu má lúm đồng tiền

Xe ôm vừa rẻ vừa hiền vừa nhanh

Thôi thôi mắt chớ tròng trành

Kẻo chìm cả vợ con anh ở nhà

Đến đây, dường như chàng xe ôm đã vận dụng hết thảy kĩ năng chào mời của mình. Chàng bày tỏ sự cảm thông với người con gái một cách khéo léo: Phong phanh xuân tím môi chì. Hẳn đó là lúc trời lạnh, mà người con gái lại ăn mặc phong phanh, khiến môi nàng thâm tím vì rét. Nhưng chàng trai lại nói khá thơ: “xuân tím”, “môi chì”- kiểu như cô cố tình trang điểm khác người! Kiểu như trong giá lạnh, cô vẫn trẻ trung, xinh đẹp: “xuân tím”. Cách dùng từ “xuân tím” ở đây là một sáng tạo hay, vừa diễn tả được trạng thái của cô, vừa khiến cô không rơi vào nỗi xấu hổ về tình cảnh của mình, mà còn khiến cô như được nghe lời khen: em trẻ, em đẹp!

Tiếp đó, chàng trai hỏi địa điểm đi về của cô gái: Có về Gia Lộc Tứ Kỳ không em? Đây là “bài” nghề của xe ôm. Chào mời khách hàng bằng sự niềm nở, bằng câu hỏi, khiến khách hàng tương tác – trả lời mình – để bắt đầu cho một cuộc thương lượng. Sự “khôn ngoan” của chàng xe ôm tiếp tục được thể hiện:

Về đâu má lúm đồng tiền

Xe ôm vừa rẻ vừa hiền vừa nhanh

Chàng vừa hỏi, vừa sự “tán tỉnh”. Chàng không hỏi “em về đâu” mà dùng lối hoán dụ: “má lúm đồng tiền”. Cách nói của chàng “điểm huyệt” vào tâm lí của nữ giới: thích được khen, thích được chú ý vẻ đẹp riêng, duyên riêng của mình. Chàng trai tỏ ra tinh mắt trong quan sát và thông minh khi giao tiếp với đối tượng khách hàng. Chiếm được cảm tình của khách rồi, chàng mới nói lợi thế của mình: Xe ôm vừa rẻ vừa hiền vừa nhanh. Điệp từ “vừa” được điệp đi điệp lại trong một câu thơ có tác dụng nhấn mạnh liên tiếp lợi ích cho khách hàng khi lựa chọn việc đi xe ôm với chàng trai: giá cả rẻ, an toàn (vì anh xe ôm hiền), lại “nhanh”- lợi về thời gian. Lắm ích lợi thế, khách hàng nào không bị thuyết phục? Chàng trai còn “chốt hạ” thêm đôi dòng nữa bằng sự “tán tỉnh” hài hước:

Thôi thôi mắt chớ tròng trành

Kẻo chìm cả vợ con anh ở nhà

“Mắt tròng trành” mà đôi mắt còn đắn đo, mà cũng là đôi mắt đẹp, tình tứ. Chàng trai giờ đã khen đến “cửa sổ tâm hồn” của vị khách hàng. Chàng đi từng bước, từ khen “má lúm” đến khen “mắt tròng trành”, mỗi bước một thêm sức nặng. Đã vậy, chàng lại lại kèm theo sự dí dỏm, hài hước. Không phải là “chết cá ao anh”, mà còn là “chìm cả vợ con anh ở nhà”! Đại từ dùng xưng hô của chàng trai đã thay đổi. Chàng không dùng “ta” nữa, mà xưng “anh”! Thêm nữa, cách vận dụng ca dao của Trần Hưng ở câu thơ này thật sáng tạo và khiến câu thơ có hiệu quả tu từ cao- một cách nói quá thật duyên! Nói năng thông minh, khéo léo vậy, người con gái còn có đường nào để chối từ? Thế mới thấy, làm nghề xe ôm cũng khó thay! Không chỉ cần lái xe giỏi mà còn cần rất nhiều sự thông minh, khéo léo trong kĩ năng giao tiếp!

Khổ thứ ba là câu chuyện của chàng xe ôm với người con gái khi chàng đã thuyết phục được nàng đi xe. Đến đây, lời thơ không ở mức độ “chinh phục” nữa, mà lắng sâu những tâm tình, chia sẻ:

Mình ngồi một chuyến cùng ta

Sao đường càng chạy càng xa thế này

Năm trơn tháng xóc ngày lầy

Đời như đất cát bắn đầy áo mưa

Phải cơm phải gạo thì đưa

Biết đâu gian dối mà chừa cả tin

Chàng trai trở lại từ “ta” để trở lại sự nghiêm túc, tạo cảm giác an toàn cho nữ khách hàng. Giờ thì chàng than “đường xa”- đúng thực trạng. Chàng nói miêu tả con đường chàng đi hôm nay và cả nghiệp xe ôm của chàng bằng một loạt tính từ: “trơn”, ‘xóc”, “lầy”- đường đi đầy những gian nan, thử thách! Các tính từ kết hợp với các từ chỉ thời gian “năm”, “tháng”, “ngày” khiến cho câu thơ ngắt nhịp 2/2/2, tạo cảm giác về vòng xe chạy, về tốc độ xe, về sự gập ghềnh của con đường chàng xe ôm chạy ngày nối ngày, triền miên. Nỗi khổ của chàng được tăng lên bằng sự so sánh: Đời như đất cát bắn đầy áo mưa! Đúng là nghề nào nghiệp đấy. So sánh vừa tả được hiện thực (xe ôm đi dường, bị cát bụi bám vào áo mưa) vừa mang ý nghĩa của triết lí của những quan niệm “đời vô thường” (vòng quay đổi: cát bụi từ đường – bám ám mưa- bị gột rửa – rơi về đất…); “đời cát bụi”, “đời mưa gió”… Thế mà, với chàng trai, bụi đường đất và những “trơn”, “xóc”, “lầy” chưa phải thử thách lớn nhất. Khó khăn nhất là lòng người:

Phải cơm phải gạo thì đưa

Biết đâu gian dối mà chừa cả tin

Nghề xe ôm, ai hỏi thì đi. Biết đâu tốt xấu. Đó là sự nguy hiểm nhất mà nghề xe ôm phải đối mặt. Nói như thế, có nghĩa chàng trai đã có thâm niên nghề nghiệp, đã từng trải qua mọi ngọt bùi lẫn đắng cay nghề nghiệp. Để rồi, chàng kết lại bằng hai câu thơ:

Bài thơ được kết lại bằng hai câu:

Lùi ra dịch lại đi mình

Để ta chất nốt nhân tình lên xe

Lời đề nghị vẫn tiếp tục có cặp đại từ “mình – ta”, thể hiện giọng điệu thiết tha và khát khao của chàng trai về tình người thân yêu, nồng thắm trên mỗi chuyến xe. Hóa ra, chàng xe ôm đâu chỉ vì tiền, cần tiền. Cái chính là tình người như câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.

Đến đây, người đọc có thể băn khoăn: liệu có phải bài thơ chỉ nói về công việc xe ôm? Hình như có thêm cả ý nghĩa về những cuộc đồng hành trong đời sống, trong tình cảm…? Hình như có cả cuộc mang chở nhọc nhằn của cộng đồng, của người dân? Có lí. Vì thơ là đa nghĩa. Từ một sự việc, nhà thơ có thể khái quát nhiều vấn đề của cuộc sống. Từ chuyện xe ôm, bài thơ của Trần Hưng hoàn toàn có thể gợi đến những cuộc đồng hành, những sự mang chở cuộc đời nhọc nhằn nhưng ấm áp tình đời.

Phải nói rằng, với Xe ôm ca, bằng thể thơ lục bát, kết hợp với các biện pháp tu từ, cách vận dụng ca dao dân ca…  nhà thơ Trần Hưng đã thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông với nỗi nhọc nhằn với những người làm nghề xe ôm. Quan trọng hơn, nhà thơ diễn tả được sự thông minh, ý nhị của “nhà xe ôm” và đặc biệt là đề cao nhân cách cùng khát vọng tình người của họ. Với Xe ôm ca, Trần Hưng đã khiến nghề xe ôm được trọng vọng, trân quý! Hơn thế, bài thơ còn khái quát đến sự thắm thiết khát khao tình cảm trong những cuộc đồng hành, trong chuyên chở cuộc sống ở cõi nhân sinh.

Nguyễn Thị Tính, Nguyễn Doanh Chính (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2)

 

 

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)