“VƯỜN ĐÀO CHIỀU CUỐI NĂM” CỦA HOÀNG LIÊN SƠN – BẢN TÌNH CA CHỚM NỞ Ở VƯỜN ĐÀO XUÂN

Ai đó đã từng nói: “Thơ ca khơi dậy trong lòng tay lớp lớp những đợt sóng cuốn trào của muôn vàn cung bậc tình cảm: Yêu đương, căm giận, xót xa, nghẹn ngào, xao xuyến, bâng khuâng. Thơ không phải là một thứ tôn giáo cao siêu, huyền bí cũng không phải là những ghi chép tủn mủn, vặt vãnh vô giá trị về cuộc đời, về con người quanh ta. Thi sĩ không thể làm nên thơ nếu cửa lòng khép kín, nếu không mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời. Bởi “nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ “. Thấu hiểu điều đó người anh Hoàng Liên Sơn – Tác giả của tập thơ “Chuông gió ngoài hiên” luôn mang đến sự vận động trong chính tâm thức người đọc về bản tình ca chớm nở ở vườn đào qua thi phẩm:

VƯỜN ĐÀO CHIỀU CUỐI NĂM

Hai người một xe máy

Thoáng va nhau đường nhỏ chênh vênh.

Chiều cuối năm

Hoa e ấp hơn, chúm chím như chào.

Anh phủi giúp rất lâu một cánh nhỏ hoa đào

Bám hờ trên áo.

Không chỉ mùi thơm của tóc

Hương đào xuân đang ở quá gần.

Em vui với ánh nhìn ấm áp

Tha thiết nồng nàn xin hướng đến hoa kia.

Lối đi nào có dốc đâu

Anh chìa tay thì em nắm lấy

Đất mịn nên không đau dù da mỏng chân trần.

Đừng chê nhé sự khiêm nhường lạch nước và doi cát

Muốn cảnh huy hoàng hơn nhưng nắng tắt mất rồi.

Mai này

Khi mùa đào đi qua

Dải đất dưới chân ta sẽ thành thỏi socola vĩ đại

Anh có về phủi bụi áo ai không?

Ngay đầu nhan đề tác giả đã mở ra cho người đọc thấy được không khí xuân đang tràn ngập. Tôi tự đặt ra một câu hỏi : “ Tại sao thi sĩ lại chọn khoảnh khắc vào vườn đào vào khoảng thời gian đặc biệt vậy “chiều cuối năm” mà lại không phải một khoảng thời gian khác. Một khoảng thời gian mang nhiều dư âm nhất, cũng giống như bao buổi chiều khác còn là khoảng thời gian để gia đình ngồi quây quần bên bữa cơm cùng nhau tổng kết lại những thành công, thất bại, những buồn vui, cùng nhau bỏ qua hết bộn bề của năm cũ, hướng đến đến một năm mới của sự bình an và hạnh phúc. Đối với tôi chiều cuối năm mang suy nghĩ ngổn ngang sự tiếc nuối, tiếc cho khoảnh khắc tuổi xuân trôi qua nhanh, bản thân trong năm qua sống gấp , vồn vã và vội vàng, những kế hoạch đề ra trong năm chưa thực hiện được. Phải chăng khoảnh khắc vừa mang niềm vui của sự giao thoa giữa năm mới và năm cũ, vừa mang những suy ngẫm về cuộc đời trong năm cũ. Không gian mà tác giả nhắc đến là “vườn đào”. Hoa đào mang tín hiệu báo xuân sang, khép lại mùa đông lạnh giá. Tác giả mang cả sắc xuân tươi tắn, sức sống mãnh liệt của mùa xuân để thổi hồn vào trang thơ của chính mình. Bài thơ mang thiên hướng nhẹ nhàng chậm rãi, đọc chậm như cách thưởng thức một ấm trà nóng.

Hai người một xe máy

Thoáng va nhau đường nhỏ chênh vênh.

Chiều cuối năm

Hoa e ấp hơn, chúm chím như chào.

Đọc những dòng thơ này tôi hình dung ra cảnh “hai người” giống như bao con người khác họ nhộn nhịp hòa vào dòng người đi sắm tết và tới vườn đào để ngắm hoa, chọn mua cây đào, đẹp, ưng ý nhất để trưng tết. Hình ảnh đôi nam nữ thoáng va vào nhau không biết là vô tình hay hữu ý, vì sau vế của câu thơ đã nói ra nguyên nhân “đường nhỏ chênh vênh” . Câu thơ bước vào bài thơ thật tự nhiên tạo cảm giác nhẹ nhàng mà hé mở mở nhiều suy ngẫm. Có được lối viết tự nhiên như vậy bởi thi sĩ sáng tác thơ với lối ngôn ngữ đời thường, tự do, không gò bó nhưng mang lại hiệu quả nghệ thuật cao, gợi nhiều tầng ngữ nghĩa.

Chiều cuối năm là thời điểm tấp nập người nhất, họ đi sắm sửa, đi ngắm hoa rồi mua hoa đào về. Có người ngắm hoa, hoa trở nên  e ấp thẹn thùng như nàng thơ mới lớn, thế nhưng hoa vẫn không quên nhiệm vụ của mình là phải về căn nhà nào đó tỏa sáng trong những ngày đầu xuân năm mới.

Câu thơ trên là khung cảnh làm nền cho những câu thơ tiếp theo, là sự khởi đầu cho vài hành động của đôi nam nữ mới yêu:

Anh phủi giúp rất lâu một cánh nhỏ hoa đào

Bám hờ trên áo.

Không chỉ mùi thơm của tóc

Hương đào xuân đang ở quá gần.

Chỉ có  “một cánh nhỏ hoa đào/ bám hờ trên áo”, một hành động quan tâm săn sóc rất nhẹ nhàng. Qua chi tiết ta thấy thi sĩ đã  rất tinh tế chọn lựa những chi tiết rất nhỏ mà nhiều sức gợi. Biết mấy tình cảm yêu thương ân cần của anh gói gém lại trong hành động nhỏ dành cho em, để rồi khoảng cách  tình yêu của hai ta được gần lại bên nhau. Hương thơm của tóc em thoang thoảng quyện cùng hương hoa. Những yêu thương cứ thế cất lên và lan tỏa khắp vườn đào.

Em vui với ánh nhìn ấm áp

Tha thiết nồng nàn xin hướng đến hoa kia.

Một hành động đáp lại tình cảm của chàng trai, hai câu thơ mang một nét tình tứ, vẻ đẹp của sự e ngại nữ tính. Chỉ với cái nhìn thôi cũng cho thấy được nhiều cấp độ khác nhau của nấc thang tình cảm. Em gửi phần “tha thiết nồng nàn ấy đến hoa”, tình cảm của anh dành cho em có lẽ cần thêm thời gian để cảm phục, tâm thế em chưa sẵn sàng đón nhận vì em mới biết yêu mà. Có thể người con gái muốn đợi đến mùa xuân năm mới, để tình yêu đủ tròn đầy.

Lối đi nào có dốc đâu

Anh chìa tay thì em nắm lấy

Đất mịn nên không đau dù da mỏng chân trần.

Hành động “chìa tay – nắm lấy” không chỉ là hành động cần giúp đỡ nhau để trao hơi ấm cho nhau những ngày cuối đông, còn là niềm tin gửi gắm tình yêu. Đến đây đọc giả sẽ ngầm thắc mắc về câu thơ, tại sao lại “Anh chìa tay thì em nắm lấy” mà không phải là “Anh chìa tay cho em nắm lấy”.Vì cách diễn đạt “Anh chìa tay cho em nắm lấy” không gợi được cảm giác như lúc ban đầu mới yêu. Nhưng cách diễn đạt “Anh chìa tay thì em nắm lấy” thì lại khác câu thơ ngầm cho biết giữa hai người còn đó sự ngại ngùng, tình yêu thương mới nảy nở. Đọc câu thơ, nghe như có sự biện minh của cô gái về sự chủ động trong tình yêu. Em luôn muốn anh dang rộng cánh tay che chở em, ôm lấy em đón nhận tình cảm của em. Mặc dù là yêu đó thế nhưng em muốn người mình yêu phải chủ động hơn thì em mới đón nhận và thắp lửa ấm cho tình cảm. Em e ngại và thanh minh cũng là lẽ đương nhiên bởi vì người con gái không mấy khi tự là người nhen lửa cho tình yêu, họ cần phải có tác động từ đối phương, từ các anh chàng.

Đừng chê nhé sự khiêm nhường lạch nước và doi cát

Muốn cảnh huy hoàng hơn nhưng nắng tắt mất rồi.

Người con gái luôn làm dáng với người mình yêu. Vẻ đẹp của em là vẻ đẹp thiết yếu, thứ mà mọi cô gái đều có, vẻ đẹp của sự chải chuốt, son phấn nhưng thứ em cần nhiều hơn là ánh sáng của tình yêu để thêm rạng rỡ.

Kết thúc bài thơ là một câu hỏi:

Mai này

Khi mùa đào đi qua

Dải đất dưới chân ta sẽ thành thỏi socola vĩ đại

Anh có về phủi bụi áo ai không?   

Người con gái là thế, trong tình yêu luôn thường có ít nhiều dự cảm lo âu, niềm thương ấy rồi sẽ đi qua, sẽ nhạt phai theo năm tháng, cũng giống như hoa đào hết xuân là sẽ lụi tàn. Tình yêu liệu có bền vững đi theo năm tháng hay không, liệu có thể mãi mãi không? Sự âu lo của người con gái càng trở nên rõ hơn khi hai người rời khỏi vườn đào – cũng là chia tay nhau trong thời khắc năm cũ sắp đi qua năm mới lại tới. Viết về sự phấp phỏng, âu lo trong tình yêu của người con gái không chỉ có nhà thơ Hoàng Liên Sơn mà trước đó nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cũng bày tỏ:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Tuy biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Tuy là người đến sau, thế nhưng nỗi phấp phỏng lo âu trong tình yêu của người con gái trong thơ của tác giả Hoàng Liên Sơn luôn không nguôi hi vọng, sự tin tưởng và phép nhiệm màu vào tình yêu, không giống như khát vọng dâng hiến bất tử hóa tình yêu  của người con gái trong thơ Xuân Quỳnh. Tuy là người đến sau trên mảnh đất ấy, thi sĩ luôn biết ơn thế hệ đàn anh đi trước và không ngừng cố gắng sáng tạo ra cái mới để thổi hồn hương vị lạ, độc vào thơ của mình.

Hình ảnh “thỏi socola” – biểu tượng đẹp của tình yêu, tình yêu chỉ có thể bền chặt, sâu sắc khi bắt đầu từ gốc, rễ cho đến khâu vun trồng và chăm sóc, cũng giống như cây đào vậy! Sự liên tưởng của thi sĩ thi vị quá ! Ngỡ như chính bản thân tôi đang đứng trước không gian rộng lớn của đồng bằng châu thổ sông Hồng, đắm mình không gian của mảnh đất Hà Thành, ngắm những con người lao động mang tín hiệu xuân về. Có lẽ trên dải đất socola đằm thắm ấy sẽ còn những mùa đào ấm áp, sẽ còn những dư vị ngọt ngào của mùa yêu thương mỗi độ xuân về.

Tác giả: Khương Thành Trung

(Sinh viên lớp K45C- Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2)

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)