VỀ PHÍA BAN MAI – TRUYỆN NGẮN CỦA CAO NGUYỆT NGUYÊN
Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên sinh năm 1990 tại Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Cô đã xuất bản: Trăng màu hổ phách, Nguyện của đêm, Alêhấp - Ké xanh, Truyện Kiều tự kể. Cô đạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội khởi xướng năm 2013-2014 với truyện ngắn Trăng màu hổ phách, đạt giải thưởng Văn học Hạ Long năm 2017.

VỀ PHÍA BAN MAI – TRUYỆN NGẮN CỦA CAO NGUYỆT NGUYÊN

Không gian tứ bề nơi thâm sơn cùng cốc này khiến một gã thanh niên phố thị không tài nào chợp mắt được. Lại là một đêm lặng gió, không tiếng lá rừng lay động. Luân nằm nghiêng người về phía cửa sổ. Nếu ban ngày sẽ nhìn ra dãy núi phía xa kia, trùng trùng, điệp điệp. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến gì Luân đến chốn này, vì thú ham khám phá? Không. Nhất định không. Vì tiền? Cũng không hẳn. Nhà hắn là dân buôn bán, tiền bạc không quá nhiều nhưng dư dả. Đúng hơn là vì một thứ rã rượi ở tuổi hai mươi, khi vừa trượt đại học lại chia tay cô bạn gái. Huyền giờ đang tung tăng ở khuôn viên trường đại học, tập tành mấy thứ mới mẻ và quên bẵng Luân, không biết Huyền có đau xót khi bỏ cái thai kết tinh mối tình đầu của hai đứa. Luân chỉ thấy chua xót. Cú vấp đầu đời sẽ khiến thằng trai trẻ mở mắt ra. Cả nhà quyết định tống Luân vào khu trại gấu này. Khu trại nằm trong thung lũng X, ít người qua lại. Cơ sở này đã tồn tại được mấy chục năm, do bố mẹ Luân xây dựng nhưng có người quản lý và công nhân làm, hầu như gia đình không mấy khi đến.

Bố mẹ nói, tất cả tiền bạc chi tiêu hoang phí ngần ấy năm của Luân đều trông cả vào cái trại gấu này. Nay bố mẹ giao lại khu trại gấu cho anh, coi như tặng anh cơ sở làm ăn. Được ăn thua chịu. Tự mà học cách làm người.

Ngày mới, Luân đi thăm quan một lượt. Mấy chục chuồng trại được xây dựng kiên cố, song sắt dầy dặn và có người coi chừng cẩn mật. Nem nép trong chuồng là những con gấu đen, đủ các loại, gấu mặt trăng, gấu trúc, gấu đen… cỡ to, cỡ trung và rất ít cỡ nhỏ.

Luân cũng chẳng tha thiết gì mấy con vật ấy. Cơ bản nhìn chúng lúc nào cũng nhe nanh, trợn mắt nhìn lũ người bên ngoài như thù hằn, căm hận. Mọi việc lão Kha quản lý đều rất tốt. Lão quen rồi nên rất thạo việc. Còn Luân có đến đây cũng chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Để biết cơ sở hoạt động ra sao mà thôi.

Đêm như đêm nay, giữa cảnh tĩnh lặng bỗng tru lên một tiếng gầm. Âm thanh thật đáng sợ, như tiếng gằn dỗi, căm hờn, ai oán mà Luân không lý giải. Theo phản xạ, Luân bật dậy chạy ra khỏi phòng đến hành lang nối dài nơi khu trại gấu. Mọi thứ đều vắng lặng.

– Cậu mất ngủ à?

Luân quay lại giật mình khi thấy lão Kha đang đứng phía sau.

– Tôi vừa nghe tiếng gầm ghê quá.

Lão Kha cười khề khề như đã quen.

– Tiếng gấu kêu đấy. Chắc chiều nay vừa lấy mật, đau quá nên nó định đấm ngực chết.

Luân tròn mắt kinh ngạc.

– Nó định đấm ngực chết ư?

– Cậu đừng lo, tay chân bị xích hết rồi không chết được đâu. Bất quá nó chỉ gầm lên mấy tiếng thôi, mai tôi tiêm cho một mũi thuốc giảm đau là lại như thường.

– Chuyện này có thường xuyên không?

– Như cơm bữa. Nó cũng biết đau chứ. Cậu cứ thử bị rút mật ngày này qua tháng khác xem có đau không. Nó chỉ không biết nói thôi.

Nói xong, lão Kha quay trở về phòng. Cái dáng lầm lũi, khô khan và tỉnh bơ của gã khiến Luân nghĩ ngợi. Hóa ra cái công việc lấy mật gấu này cũng li kỳ đấy chứ.

Cái thời khắc được ấn định cho công việc buồn tẻ thường là buổi chiều. Khi nắng chớm xiên qua ngọn cây. Ba người công nhân, trẻ trai có sức vóc khiêng một con gấu đực đến. Con gấu này thuộc dòng gấu mặt trăng vì trên ngực nó có một vệt trắng hình lưỡi liềm. Mắt con gấu lờ đờ như say thuốc. Mặc cho mấy thằng người vứt ịch nó xuống tấm phản và tròng vào tay chân nó đủ thứ dây dợ, nó nằm chềnh ềnh ra đó, phơi cái bụng đã có sẵn một lỗ khoét. Luân đoán đây là một lỗ khoét trực tiếp nối vào đường ống mật đã nhiều năm nên xung quanh miệng lỗ có vết lành và vết mới.

– Nó làm sao thế kia?

– Vừa tiêm thuốc tê. Cu cậu còn lâu mới tỉnh.

Lão Kha bắt tay vào việc. Lão chọc một ống xilanh thật sâu theo đường ống khoét sẵn trên bụng con gấu. Thứ nước mật xanh từ từ được rút ra chầm chậm. Luân nhìn sâu vào mắt con gấu đực. Đó là một nỗi buồn hoang hoải và tuyệt vọng. Luân đứng bật dậy, đi ra phía vườn ngoài. Ruột gan bỗng trở nên nhộn nhạo như bị ai đó thò tay khoắng một đường. Anh nôn thốc nôn tháo. Nôn đến sạch ruột. Rồi đờ đẫn đi ra khu trại gấu.

Trong cái cảnh im lìm bất động của khu gấu trưởng thành, Luân tìm được chút vui tươi của sự sống ở khu nuôi gấu nhỏ. Những con gấu còn chưa trưởng thành, chúng hoạt bát và vui nhộn, đang tranh giành thức ăn của nhau. Nhưng vừa thấy bóng người đồng loạt chúng chạy về mép lều co cụm lại. Rõ ràng lũ gấu non này chưa đến tuổi khai thác mật, nhưng chúng biết điều gì chờ đợi mình đằng sau cánh cửa sắt kia.

Những đêm mất ngủ thêm nhiều, Luân thấy cuộc sống nơi đây thật ma mị, như một địa ngục vô hình. Nó không phải dành cho con người. Một trần ai khác dành cho loài vật. Có đêm, để dỗ cơn ngủ anh xem đủ thứ trò chơi trên điện thoại, đủ thứ hình tạp chí mà lũ trai mới lớn thèm thuồng. Rồi trong cơn mê anh thấy bước chân của lão Kha, của đám thanh niên sức vóc, có cả bố và mẹ anh nữa đều đến bên giường, nhìn chăm chăm vào mặt anh, nhấc cánh tay anh lên, dò xét. Lão Kha bắt đầu bơm mũi tiêm vào bắp tay Luân, để cơn ngủ kéo đến. Họ khiêng anh đi, dù ngàn vạn lần Luân muốn lắp bắp gào lên “Đưa tôi đi đâu thế?” Họ vật anh xuống tấm phản y như thể anh là một con gấu đực. Tay chân Luân bị quấn những thứ dây dợ và xiềng xích. Họ điên thật rồi, họ nhầm lẫn rồi. Luân không phải là gấu. Trên bụng Luân được khoét một lỗ bằng ngón tay. Chao ôi, thuốc mê chưa ngấm, anh còn cảm nhận rõ thế này cơ mà. Dòng mật màu xanh… dòng mật màu xanh từ từ được rút ra… Những tiếng cười khanh khách. Nước mắt Luân trớ ra, nhìn xuống tay chân mình lông lá mọc ra lúc nào, cả đến cái móng tay cũng thành móng tay loài thú.

Tiếng chuông điện thoại reo khiến Luân bừng tỉnh. Anh bật dậy, mồ hôi, nước mắt còn nhòa vào nhau. Anh giơ tay lên trước mặt để soi. Ơn trời, mình vẫn còn là người. Luân khe khẽ thốt lên. Anh dần nhận ra, ở lâu trong chốn địa ngục này có khi anh bị tẩu hỏa nhập ma mất. Hết tuần này, Luân sẽ xin gia đình cho về phố. Đây không phải là đất sống, và anh cũng không muốn mình trở thành đồ tể. Mình lão Kha làm là được rồi. Nhìn lão khô khan mà máu lạnh, có lẽ hợp hơn.

Đến khu trại gấu này, dần dà anh cảm thấy nỗi xấu hổ đến cạn lòng của mình khi nhớ đến những lúc ăn chơi trác táng cùng bạn ở phố. Đã có lúc anh hào hứng, thậm chí đầy huênh hoang tự hào với bạn rằng, nhà mình có mật gấu xịn, mỗi ngày kiếm tiềm trăm bạc vạn. Một công việc kinh doanh siêu hời. Chứ anh đâu nghĩ nó lại tàn ác thế này.

Chưa đến ngày về phố, luật đời đã đánh cho anh một đòn ngã quỵ. Để cả đời anh không tài nào thanh thản được. Một buổi trưa, khi công nhân trong trại gấu đang ăn trưa ở khu nhà ăn thì một việc khủng khiếp đã xảy ra. Nhìn quanh quẩn không thấy lão Kha đâu. Đám công nhân bảo lão còn chuẩn bị dụng cụ cho buổi chiều lấy mật. Một tiếng động khủng khiếp vang lên, giống như tiếng đứt gãy, tiếng xé nát những vật bằng kim loại. Tất cả đám người bỏ cơm chạy ra khu chuồng gấu. Trước mắt Luân là một con gấu cái vừa giật đứt sợi dây xích tay và xé nát rào sắt chắn phía trước. Chưa bao giờ Luân thấy một con gấu lại có sức mạnh kinh hoàng đến vậy. Điều này chỉ có trong phim mà thôi, bằng kỹ xảo. Không, đây là hiện thực. Con gấu nhe nanh lừ mắt nhìn về phía đám người bằng đôi mắt vằn đỏ, khiến luân và đám người kia phải dạt lại co cụm phía xa. Nó nhao đến khu trại gấu con. Thì ra lão Kha đang ở đấy, để chọn con gấu con đầu tiên bước vào công cuộc lấy mật như cha mẹ nó. Con gấu con kêu lên từng tiếng thảm thương khi tay bị xích và thấy lão Kha cầm kim tiêm tiến lại gần. Vừa nhìn thấy con gấu mẹ, lão Kha đã biết chuyện gì xảy ra. Lão vùng chạy vứt bỏ cả kim tiêm.

Dù đã bị tách chuồng, nhưng gấu mẹ vẫn đêm ngày thương nhớ con. Từ bên này khu chuồng nó vẫn quan sát nhất cử nhất động của đứa con nhỏ. Nó yên tâm khi thấy khu chuồng bên đó còn an toàn. Cho đến hôm nay… Gấu mẹ nhao đến ôm siết lấy đứa con của mình, dụi đầu nó vào ngực rồi ngước mắt lên trời tru lên một tiếng tang thương. Nó cũng nhìn về phía Luân, Kha và cả đám người kia như lũ cai ngục. Nó ôm con thật chặt. Nửa tiếng sau, nó buông con và ngồi bệt xuống đất. Con gấu nhỏ rơi xuống đất, bất động. Luân nhìn thấy từ khóe mắt gấu mẹ một dòng nước mắt rơi ra. Nó nhìn con rồi lặng đi thật lâu. Nó đứng dậy, lao đầu vào bức tường phía xa bằng một cú húc trời giáng. Máu loang cả vào bức tường trắng.

Chứng kiến cảnh tượng ấy, Luận khụy xuống đất, hai tay ôm đầu. Trong khi đám người kia lặng đi. Tiếng một gã nào đó thì thào như vọng về từ địa ngục.

– Nó giết con rồi tự sát đấy.

Đêm, lão Kha và Luân ngồi bên thềm. Dáng lão như gù khoằm xuống trượt theo bóng trăng. Lão rít một điếu thuốc.

– Hơn ba mươi năm nay, đây là lần đầu tiên tôi thấy cảnh này. Tôi đã gọi điện báo cho ông bà chủ.

Luân không hiểu câu nói ấy của lão có ý gì. Lo vì xót tiền đầu tư, hay sợ ông bà chủ mắng? Hay điều gì khác. Còn Luân, trong đầu anh trống rỗng. Trong ruột gan, một luồng gió lạnh toát vẫn còn vần vũ.

– Có lẽ không thế này được đâu, sẽ có báo ứng nhãn tiền cả.

– Thôi, muộn rồi, cậu vào ngủ đi.

Lão Kha thở dài đứng dậy. Bên hiên gió, chỉ còn mình Luân. Anh lưỡng lự đi lại nơi trại gấu. Một là thả tất cả lũ gấu kia ra, hai là anh sẽ nhốt đời mình chung vào đấy. “Được ăn, thua chịu, tự mà quyết định lấy.” Câu nói ngày ra đi của bố mẹ khiến cho anh có thêm sức mạnh. Anh đứng thất thần rất lâu. Khi tiếng chim gọi ngày cất lên, Luân lặng lẽ đến khu trại gấu, mở tất cả các lồng nhốt, dây xích. Lũ gấu lúc đầu còn bỡ ngỡ, sợ hãi nhưng sau đó chúng định thần lại, nhao đến bên cánh cửa mở toang. Rừng thăm thẳm thế, cố mà đi thật xa, núp thật kín để tránh lũ người. Luân khẽ mỉm cười và thầm nhắc thế.

– Cảm ơn con trai! Cuối cùng ta cũng đã được giải thoát.

Tiếng lão Kha phía sau. Thì ra lão đã đứng đợi từ lâu. Khuôn mặt đầy những nếp nhăn trũng sâu của lão giãn ra thanh thản. Thì ra chính con người khô khan, cằn cỗi như lão cũng đã chờ khoảnh khắc này từ lâu.

– Không, chính tôi và chú đã được giải thoát.

Hai thằng người đứng bên nhau trong ánh sáng lờ mờ buổi ban mai nhìn về phía thăm thẳm./.

 

Cao Nguyệt Nguyên

 

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)