“VĂN HỌC THIỂU SỐ” VÀ MỘT CÁCH ĐỌC KHÁC VỀ KAFKA”
Dưới đây là một trích đoạn có tính gợi mở trong bài viết “VĂN HỌC THIỂU SỐ” VÀ MỘT CÁCH ĐỌC KHÁC VỀ KAFKA” của triết gia, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.
Mời độc giả Văn+ thử cùng nghĩ về tiếng Việt, như một ngôn ngữ “thiểu số” và một cách đọc văn chương tiếng Việt, như đọc một nền văn chương thiểu số, và cùng chia sẻ với chúng tôi bằng những bài viết cho chuyên đề tháng Tư của Văn+: Chuyển ngữ văn chương – về sự chuyển dịch giữa các vùng kí hiệu.
——–
“Les beaux livres sont écrits dans une sorte de langue étrangère.”
(Những quyển sách hay được viết bằng một loại ngôn ngữ xa lạ) – Marcel Proust’
* “Văn chương tàn tức nhược như y”/ “Thơ văn tiếng thở như lời tơ than” (Nguyễn Du/ Bùi Giáng dịch) có thể là cảm tưởng đầu tiên của người đọc về Kafka. Hoàn cảnh đặc biệt của Kafka – như chính ông thú nhận – dường như củng cố cho cảm tưởng ấy. Là người gốc Do Thái, nói tiếng Đức, sinh sống và viết văn ở Praha (Tiệp Khắc), Kafka thuộc về thiểu số của thiểu số: thiểu số những người nói tiếng Đức và thiểu số với thân phận người Do Thái. “Chính theo nghĩa ấy, Kafka định nghĩa cái ngõ cụt đã ngăn cản người Do Thái ở Praha đến với việc viết và làm cho văn chương của họ trở thành bất khả về mọi mặt”‘. “Sự bất khả” ấy được Kafka mô tả trong thư gửi cho Max Brod, tháng 06.1921: “Không thể không viết, không thể viết bằng tiếng Đức và không thể viết bằng cách nào khác’*. Không thể không viết, bởi ý thức dân tộc bất an và bị đè nén buộc phải dựa vào văn chương. Nhưng, viết bằng ngôn ngữ nào? Tiếng Tiệp, tiếng Đức hay tiếng Do Thái? Không thể viết bằng ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Đức, bởi người Do Thái thiểu số ở Praha vẫn không vượt được khoảng cách với ngôn ngữ và mảnh đất Tiệp quen thuộc mà xa lạ. Ta biết rằng Kafka đã chọn viết bằng tiếng Đức.
Nhưng, làm sao có thể viết bằng tiếng Đức với tư cách một kẻ thuộc thiểu số ở xa? Nhất là khi tiếng Đức là một ngôn ngữ “lớn”, ngôn ngữ của đa số, với những tượng đãi như Goethe, Schiller hầu như là những mẫu mực đã định hình và dễ đẩy người viết vào chỗ tuân phục, mô phỏng, mã mô phỏng, bắt chước đồng nghĩa với cái chết của văn chương? Mặt khác, bản thân thiểu số dân cư Đức ở Praha cũng đã “bị mất gốc, bật rễ” (thuật ngữ trong sách này: “đã bị giải lãnh thổ hóa”): “một thiểu số thống trị sử dụng một “ngôn ngữ giấy, giả tạo, đặc tuyển, xa rời quần chúng”. “Ngôn ngữ giấy”, bởi nó ngày càng mỏng mảnh, nghèo nàn, khô héo về từ vựng lẫn ngữ pháp, một “ngôn ngữ quặt quề” nói như Bùi Giáng. Ngôn ngữ ấy có nguy cơ mất lời, mất tiếng và bất lực, giống như vô số ngôn ngữ của những nhóm di dân hay “bên lề”, không thuộc “dòng chính”. Chính trong bối cảnh ấy, Kafka, trong một vài ghi chú rời rạc trong Nhật ký và một luận văn dở dang, đã để ra quan niệm về một “văn học thiểu số”. Gilles Deleuze và Félix Guattari, trong “Kafka – Vì một nền văn học thiếu số”, triển khai quan niệm này bằng ba cột trụ: “Ba đặc điểm của văn học thiểu số là sự giải lãnh thổ hóa của ngôn ngữ, sự gắn kết của cá nhân với cái chính trị-trực tiếp và sự kết chuối tập thể của phát ngôn”.
…
Deleuze và Guattari xem ngôn ngữ quả thật có thể bị giải lãnh thổ hóa theo nghĩa bị “bật rễ” như trường hợp tầng lớp bên trên nói tiếng Đức ở Praha (Tiệp) đối với Kafka, nhưng cũng có thể được giải lãnh thổ hóa thông qua tài năng sáng tạo của nhà văn. Deleuze xem những gì đã được viết ra, về căn bản, là đã được giải lãnh thổ hóa. Qua miệng và răng – tạo nên âm từ – ngôn ngữ “lãnh thổ hóa” và tìm thấy chỗ của mình trong thanh âm.
Trong văn từ được viết ra, ta thấy nảy sinh một hiệu ứng của việc giải lãnh thổ hóa, và ngôn ngữ viết được tái lãnh thổ hóa thành công cụ của nghĩa. Trong khi đó, theo Deleuze, nhà văn còn phải nỗ lực hơn thế nữa: “Ngôn ngữ không còn mang tính biểu tượng nữa để vươn đến những cực điểm hay những ranh giới của nó”. Nếu giải lãnh thổ hóa, nói chung, là sự giải phóng ngôn ngữ, thì nhà văn còn mang ngôn ngữ đến tận những ranh giới của nó, nghĩa là, đi tìm một cái “bên ngoài” ngôn ngữ. Nhờ đó, đi tới được những sự căng bức và , gây vỡ, làm cho văn chương trở nên hấp dẫn và lý thú.
[…]
—–
(Trích từ cuốn sách “Kafka – Vì một nền văn học thiểu số” của Gilles Deleuze và Félix Guattari, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, nhà xuất bản Tri thức, tr7-9)
Ảnh minh họa: Tranh của Tullio Pericoli
——-
THƯ MỜI GỬI THAM LUẬN – Chuyên đề “Chuyển ngữ văn chương”
Tháng Tư này, Văn+ tổ chức tọa đàm chuyên đề “Chuyển ngữ văn chương” với sự tham gia của dịch giả Trịnh Lữ, chúng tôi xin gửi lời mời cộng tác các bài viết xoay quanh các chủ đề như: việc dịch văn học, việc sáng tác bằng một ngôn ngữ khác, câu chuyện của ngôn ngữ, con đường để các tác phẩm Việt Nam bước về phía độc giả thế giới….
Chúng tôi mong nhận được thêm những chia sẻ, suy tư của chính các tác giả, dịch giả đang làm việc trong một tình thế “ở giữa” các ngôn ngữ. Những thách thức, khó khăn, những khoái cảm của việc di chuyển giữa các vùng kí hiệu chắc chắn sẽ là một chủ đề được nhiều người đón đọc.
Bài viết (bài dịch) có độ dài không dưới 1500 chữ. Chúng tôi không có bất cứ quy định nào về thể loại, văn phong, tùy thuộc vào sở trường hay phong cách của người viết.
Nhuận bút dự kiến: 800,000 VNĐ/1 tham luận. Số lượng tham luận được chọn để trình bày tại tọa đàm: 5 bài.
Hạn gửi tham luận: 24h00, 17/4/2024
Email nhận tham luận: bbtvancong@gmail.com.
Ưu tiên các bài viết của các tác giả trong độ tuổi dưới 35.
Trân trọng kinh mời tác giả có bài viết được chọn tới trình bày trực tiếp tại toạ đàm.
Trân trọng kính mời mọi người quan tâm cùng cộng tác và tới tham dự