Văn học nghệ thuật và AI, giây phút cùng nhìn nhận – Tác giả: Phan Trung Hiếu

  Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu đang không ngừng phát triển về khoa học công nghệ và đã có nhiều thành tựu trực tiếp thâm nhập sâu vào đời sống con người thì việc phủ nhận vai trò của chúng là không thể. Chỉ tính riêng về thành tựu của trí tuệ nhân tạo (AI), việc phát triển không ngừng nghỉ và ngày càng hiệu quả trong việc áp dụng đã khiến nhiều lĩnh vực, ngành nghề dần bị “tự động hóa”, “rô bốt hóa” và thậm chí không còn chổ đứng cho con người. Một bài toán nan giải được đặt ra không chỉ gần đây mà đã được đông đảo những nhà sáng tác, người đam mê văn chương và quan tâm đến nghệ thuật mổ xẻ từ lâu rằng liệu AI có thể “cầm bút” sáng tác và thay thế con người trong tương lai như cách nó đã đào thải con người trong những lĩnh vực khác hay không?

      Khoa học công nghệ phát triển đã giúp gì cho văn học nghệ thuật thuật?

Trước khi đi tìm lời giải cho bài toán hóc búa này chúng ta cần nhìn nhận những mặt tích cực mà khoa học công nghệ mang đến cho đời sống văn chương và trong sáng tác văn học nghệ thuật. Thực tế cho thấy, bằng những thuật toán khoa học, AI là một công cụ hỗ trợ tìm kiếm và chính là nguồn bổ sung kiến thức văn chương hữu hiệu, nhưng với tất cả những gì AI làm được chỉ là tác động “bên ngoài” mang tính chất trợ giúp con người. Nhưng cũng không vì cái “bên ngoài” đấy mà đánh giá tức thời rằng AI với công cuộc sáng tác văn học nghệ thuật là hai đường thẳng khác nhau và không giao thoa. Tháng 11 năm 2022, Open AI (một công ty chuyên nghiên cứu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo) đã cho ra mắt phần mềm ChatGPT, một mốc đánh dấu bước phát triển mới trong giới công nghệ và cũng là “mối lo” cho không chỉ riêng những nhà sáng tác văn học nghệ thuật. Với việc được tích hợp một lượng thông tin khổng lồ thì một bài thơ hay một tác phẩm văn xuôi được sáng tác từ phần mềm này chỉ là vấn đề đơn giản, không quá phức tạp. Hãy thử đưa ra yêu cầu cho phần mềm ChatGPT làm một bài thơ với bất cứ chủ đề, việc còn lại của chúng chỉ là ngồi chờ trong giây lát.

     Thực tế AI đã sáng tác được văn chương và đang cạnh tranh với những cây bút thực thụ?

Như đã trình bày bên trên, việc một tác phẩm văn học được AI cho ra đời là điều không quá khó. Tuy vậy, cần xét về khía cạnh liệu rằng sản phẩm đấy có thật sự là văn chương hay chỉ là một khối chữ với hàm nghĩa rỗng tuếch. Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng văn chương là sự kết tinh, pha trộn giữa những điều chứa đựng trong hiện thực, được nảy nở từ trí tuệ, nghĩ suy và viết nên bởi những dòng thăng hoa cảm xúc. Cứ cho rằng AI có một trí tuệ đặc thù, thông minh qua quá trình nhào nặn, có được sự tiếp thu thực tế qua bộ não nhân tạo với sức chứa hơn cả con người, nhưng cái cốt lõi và cũng chính là yếu tố quan trọng đủ để hội tụ thành văn chương là cảm xúc thì AI đành đầu hàng trước chúng ta. Rô bốt Sophia, nữ rô bốt đầu tiên trên thế giới với hơn 60 sắc thái cảm xúc được thể hiện trên khuôn mặt, nhưng dù có bao nhiêu sắc thái đi chăng nữa thì đấy vẫn chỉ là những xúc cảm được lập trình bởi chính con người, chẳng bao giờ là chân thật và xuất phát từ ý muốn giống con người, một độc bản duy nhất trên thế giới.

      Liệu có một “thuật toán”, lập trình tiến bộ giúp AI có thể sáng tạo văn chương thật sự là văn chương, một rô bót là nhà văn, nhà thơ thật sự với một cái tôi riêng biệt?

Vẫn tiếp tục câu chuyện xoay quanh bài thơ được cho ra đời từ phần mềm ChatGPT, tuy được thực hiện rất nhanh và từng câu chữ đều có nghĩa nhưng xét về nghĩa tổng thể bài thơ và giá trị để so với một sáng tác văn học thì chưa thể. Thậm chí trong tương lai, mười, hai mươi hay nhiều hơn nữa những thập kỉ thì cũng chẳng có một công thức chung hay một “thuật toán” chuyên biệt nào dành cho AI để khiến chúng có thể biến sáng tác của mình thành những tác phẩm văn học thật sự. Bàn tiếp đến khía cạnh bên trong, về sự có hay không cái tôi bên trong một rô bốt với bộ não AI. Cần phải hiểu rằng, bộ não nhân tạo được cài cắm bên trong mỗi rô bốt là một không gian mở, bộ não này sẽ tiếp thu nhanh chóng và lưu trữ các thông tin từ ngoài môi trường. Thử hỏi nếu cho một rô bốt đọc và tiếp thu vô vàng những thể loại văn học từ đa dạng nhà văn, nhà thơ từ xưa đến nay thì cuối cùng chúng lĩnh hội được gì? Công bằng rằng tất cả những tinh hoa sẽ được AI đúc kết và thu nạp nhưng để cấu thành nên cái tôi nghệ thuật thì chắc rằng chỉ con người và chỉ những cây bút với niềm say mê bất diệt với văn học nghệ thuật mới sở hữu được. Nếu giả sử những gì AI lĩnh hội có thể giúp phù phép những máy móc trở nên “mềm mại” và có riêng cho chúng một cái tôi nghệ thuật thì đấy vẫn và mãi là sao chép từ một hay nhiều luồng khác nhau, và chắc chắn rằng chẳng một độc giả nào muốn nếm một tác phẩm văn học được nêm bằng những thứ gia vị cũ mèm được “làm mới” một cách đầy khiên cưỡng.

      Một tương lai nếu máy móc cũng là tác giả

Với những quan điểm cá nhân đã nêu thì việc rô bốt với một trí thông minh AI khó có thể sáng tác ra những giá trị thật sự và trở thành một tác giả. Nhưng chẳng điều gì có thể chắc chắn được khi nói về khoa học công nghệ. Thực tiễn đã minh chứng công nghệ đang tiến triển lên những dấu mốc mới nhanh hơn bao giờ hết và khi nói về công nghệ, người đứng đầu Microsoft đã đanh thép khẳng định “Ngành công nghiệp của chúng ta không tôn trọng truyền thống, nó chỉ tôn trọng sự đổi mới”. Với những lý do trên, không loại trừ một tương lai AI sẽ thật sự có khả năng sáng tác văn chương ở một chừng mực nhất định và việc dự phóng, lên kế hoạch cho một tương lai “không xa” là điều cần thiết. Hàng trăm trang tiểu thuyết với tên tác giả được đề hai từ “rô bốt” hay việc chúng ta mất đến mấy tháng trời cho ra một tác phẩm truyện ngắn trong khi chỉ vài phút đã có một tác phẩm “tương tự” được cho ra lò bởi AI. Nếu bỏ qua về bản chất thật sự trong quá trình sáng tác nên một tác phẩm văn chương thì quả thật AI là một đối thủ đáng gờm trong tương lai. Nhưng đừng lo lắng, vì bản chất luôn hiển nhiên tồn tại là bản chất. Việc AI cho ra đời một tác phẩm cạnh tranh trực tiếp với chúng ta thì xét về bản chất, tác phẩm đấy chỉ được đúc kết từ những lập trình, dù cho có hàm ý, giá trị thì đấy cũng chỉ là “giả tạo”, đi ngược lại hoàn toàn với bản chất thật sự mà văn chương vẫn luôn chứa đựng. Vì thế, nếu viễn cảnh “điên rồ” đấy xảy ra, hãy vẫn là chính mình, vẫn yêu và cống hiến vì văn chương và chỉ một lý do vì văn chương.

      Giữa sự giao thời, được – mất của văn học nghệ thuật và vai trò người cầm bút

      Chúng ta đang sống giữa thời đại mà sự giao thoa những giá trị xưa cũ với những điều mới mẻ ngày càng nhiều, chính sự trộn lẫn ấy làm cho con người ta bối rối, chẳng biết níu giữ hay vội nắm bắt. Với đời sống văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ nói chung và AI nói riêng đã bắt nhịp cùng những con tim chảy về nguồn sáng tác, không thể phủ nhận những gì AI mang đến cho đời sống, cho văn học nghệ thuật nhưng cũng như đã trình bày, tất cả sự nhận lấy từ chúng ta là sự bổ trợ, giúp ích “bên ngoài”, điều quan trọng là những cốt lõi bên trong, những giá trị thật sự vẫn đang và sẽ được giữ lấy, phát huy bởi những người cầm bút. Bàn ngược lại vấn đề được hay mất, từ sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ và AI, những người sáng tác văn học nghệ thuật đang ngày càng mất đi những hồn văn chương chân thật, họ thiếu đi phần nào những thực tế bên ngoài do quá lạm dụng những dửng dưng mà có từ thông tin mạng, nếu một ngày, chẳng còn ai thấy cái trữ tình của dòng sông mà viết sông, ngắm cái hun hút của núi non mà tả núi thì sẽ thật tai hại quá. Là một người trước hết yêu văn chương, sau cầm bút dệt từng câu chữ, ta phải luôn nêu cao những giá trị mà chỉ con người ta có được. Trước hết, hãy luôn trau dồi bút lực, không ngừng chấp bút cho những xúc cảm từ con tim, sáng tác bởi duy nhất những gì bắt nguồn từ mạch thăng hoa người nghệ sĩ. Tiếp đến, hãy luôn yêu văn chương, mê say với văn học nghệ thuật như những gì vốn có của bản thân và đừng vì bất cứ điều gì, kể cả sự phát triển không ngừng nghỉ của trí thông minh nhân tạo AI mà buông bỏ, bởi lẽ, chỉ duy nhất chúng ta mới có khả năng sáng tạo vô hạn, một đặc ân mà tạo hóa đã thật sự ưu ái ban cho. Đối với riêng những cây bút trẻ, phải luôn dựa vào sự tiếp cận công nghệ của bản thân để vừa học hỏi, vừa đề phòng những điều tiêu cực mà AI đem đến cho văn học nghệ thuật, phải luôn thực hiện đúng vai trò là lớp người tiên phong đi đầu trong công cuộc “phi AI hóa” trong văn học nghệ thuật.

      Tóm lại

Trên đà phát triển nhanh, mạnh, không ngừng nghỉ của khoa học công nghệ và AI thì văn học nghệ thuật đã chịu tác động từ hai khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Với việc những công cụ hỗ trợ từ phần mềm ngày nay, một tác phẩm văn chương đã có thể được tạo nên bằng cách “tự động hóa” qua vài thao tác nhưng tất cả đều là một khối chữ với hàm nghĩa rỗng tuếch. Cũng không ngoại trừ việc tương lai khi một nền khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, một tác phẩm thật sự được công nhận viết nên bởi AI chứa đựng những giá trị sâu sắc. Nhưng dù có hoàn hảo, trau chuốt đến đâu thì tất cả những gì AI làm được, từ quá trình sáng tác cho đến kết quả đều đã đi ngược lại bản chất thật sự mà văn chương mang lại. Cuối cùng, trong một thời đại mà sự giao thoa giữa mọi thứ cũ, mới diễn ra nhanh và khắc nghiệt thì những cây bút thật sự, hơn cả là những cây bút trẻ phải biết nêu cao vai trò và không ngừng trau dồi, phát triển bản thân để không bị bỏ lại phía sau như cách những gì AI đã làm với những lĩnh vực khác.

P.T.H

     

 

 

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)