TRUYỆN NGẮN CỦA VEIKO HUOVINEN: NỖI ÁM ẢNH VỆ TINH (NGÔ TỰ LẬP DỊCH)

TRUYỆN NGẮN CỦA VEIKO HUOVINEN: NỖI ÁM ẢNH VỆ TINH (NGÔ TỰ LẬP DỊCH)

Đã lâu rồi, dân làng bắt đầu lục đục bỏ đi. Nhiều người, nhất là lớp trẻ, đến định cư ở Thuỵ Điển, thậm chí ở Na Uy. Nghĩ cũng phải, tuổi trẻ ưa hoạt động, làm sao chịu nổi cuộc sống tù túng giữa rừng sâu u tối như thế này. Nghề nông bị khinh miệt. Quanh đi quẩn lại vẫn lũ bò với mùi phân xú uế. Rồi nợ nần chồng chất đến phát sợ. Rồi buồn… Chỉ có ở thành phố – người ta nói – cuộc sống mới ra cuộc sống: công ăn việc làm bảo đảm, lương bổng lại khá. Thế là người ta niêm phong nhà cửa, kéo đi cả vợ chồng con cái.

Mới đầu những người già cả vẫn ở lại, nhưng đến khi trường học đóng cửa và lái buôn dẹp bỏ sạp hàng thì tất cả đều bán đất đai, tài sản, bỏ ra thành phố nốt.

Cuối cùng trong làng chỉ còn lại ông già độc thân tên là Phônke Viatai. Ông kiên quyết không đi đâu, mặc dù cũng có người đến gạ mua nhà đất. Phônke sống trầm lặng và đơn giản. Ông có bốn con cừu, một con chó, một con mèo và khoảnh ruộng khoai tây.

Phônke đặt mua đủ thứ báo chí, rất chăm mượn sách ở thư viện lưu động, nói chung là đọc rất nhiều. Ông tậu một chiếc ti vi và chiều chiều chăm chú theo dõi thời sự quốc tế. Ông thuộc thế hệ mà hồi trẻ đã từng kinh ngạc khi nhìn thấy chiếc xe đạp đầu tiên, chiếc ô tô đầu tiên. Họ làm ruộng, trồng rừng theo lối cũ, tuy đã lỗi thời nhưng chắc chắn. Phônke đã nếm trải nhiều thứ trong đời, đã phải chịu đói rét, đã phải vượt hàng nghìn cây số, lúc trượt tuyết, lúc bơi thuyền, lúc đi bộ đến kiệt sức. Cũng không chỉ một lần ông phải quay máy tách bơ. Vì vậy, sự phát triển chóng mặt của kỹ thuật, cũng như thế giới rộng lớn và kỳ diệu mở ra mắt nhờ chiếc ti vi gây cho ông một ấn tượng cực kỳ sâu sắc. Chúng khiến ông kinh ngạc, choáng ngợp, thậm chí kinh sợ. Việc ăn uống của ông được chăng hay chớ. Những thứ thực phẩm mua ở xe hàng lưu động, gói giấy dầu đã xỉn màu, lăn lóc rất lâu trong tủ lạnh. Cháo và mấy thứ đồ ít ỏi khi để thiu, khi thì két vào xoong, vào hộp sắt tây. Buổi sáng ông cho cừu ăn và thả chó, mèo đi dạo.

Hồi làng còn chưa bị bỏ hoang, Phônke Viatai là một ông già bình thường, sống cởi mở. Ông năng lui tới thăm hàng xóm, thích dự những bữa ăn khao sau mỗi chuyến đi săn và bao giờ cũng có mặt ở đám bạc bên hồ. Từ khi dân làng bỏ đi, thỉnh thoảng Phônke cảm thấy buồn ghê gớm, ông phải sang làng bên cạnh, tìm ai đó để chuyện trò cho khuây khoả. Nhưng dần dần ông cũng quen với thực tại và cuối cùng hoàn toàn trở thành người ẩn dật. Bất kỳ ai tình cờ qua làng cũng khiến ông giật mình hoảng sợ. Ông đóng chặt then cửa và kiên quyết không cho kẻ lạ mặt vào nhà.

Một lần, như thường lệ, bưu điện chuyển đến cho Phônke Viatai một chồng báo, trong đó có tờ “Tin khoa học và kỹ thuật Xcăngđinavi”. Bìa tạp chí có dòng chữ lớn: “Vệ tinh do thám đang nhìn thấy BẠN”. Chữ “bạn” được in bằng chữ đỏ.

– Không lẽ họ nhìn thấy mình – Ông kinh ngạc.

Ông đọc hết bài báo, nhưng vẫn không sao nắm được toàn bộ nội dung của nó. Điều duy nhất ông hiểu là từ trên cao vệ tinh có thể chụp ảnh và phân biệt rõ từng người.

Điều này hướng suy nghĩ của Phônke Viatai sang một đề tài mới. Trước đây ông vẫn cho rằng tình hình thế giới đã quá sức căng thẳng. Theo ý kiến của ông, cũng như của mọi người có lý trí, và thậm chí cả những người không có lý trí, đặc trưng nguy hiểm nhất của thời đại ngày này là cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc. Tuy chỉ ở vị trí của một người đứng ngoài quan sát, Phônke vẫn biết rõ rằng những vũ khí có sức mạnh khủng khiếp đang ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và có thể giết chết hàng trăm triệu con người. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho bản thân,  dù chỉ ở mức tối thiểu, ông đắp thêm đất lên nóc kho khoai tây và để sẵn ở đó mấy hộp thực phẩm, một chiếc ấm đun nước nhỏ và dăm chai rượu để uống trong trường hợp có chuyện gì đó xảy ra…

Bây giờ tình thế càng căng thẳng hơn. Các quan chức quân sự từ thế giới rộng lớn, xa xôi kia đã quyết định theo dõi và chụp ảnh mọi cử động của ông. Điều này chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Đêm đêm, Phônke giật mình tỉnh dậy, toát mồ hồi hột. Vậy là họ đã sờ đến cả ông. Họ không bỏ qua từng bước đi của ông. Còn ông, cũng như nhiều người khác, kiên quyết ủng hộ đường lối của Phaaxikivi – Kecônen, kiên quyết không dự trữ bom nguyên tử.

– Quỉ thật! – Ông gầm gừ trong bóng đêm tĩnh lặng, tay lần tìm bao thuốc lá cạnh giường. Họ muốn gì ở ông, một lão già cô đơn, tội nghiệp, chẳng giữ trọng trách gì. Đi lính thì bây giờ ông không còn đủ sức, tin tức bí mật thì chẳng biết gì. Ở xứ khỉ ho cò gáy này chẳng hề có một trận địa, thậm chí cả các xí nghiệp khai thác kim loại cũng như không có nữa.

Ý nghĩ này khiến ông run lên bần bật như một chiếc máy quay bơ, đến nỗi con chó hoảng lên đòi ra ngoài. Ông trằn trọc rất lâu mới chớp mắt nổi với một giấc ngủ chập chờn, hoảng loạn.

Cuối cùng ông vạch ra những biện pháp cụ thể. Trước hết ông quyết không để cho các quan chức quân sự từ những nước xa xôi kia nắm được hành tung của mình. Muốn vậy sẽ phải nguỵ trang, và nói chung là cư xử sao cho đừng gây ra sự chú ý của người khác.

Nhiều ngày liền sau đó, Phônke chăm chú nghe ngóng thời tiết. Thật may nắm, bầu trời đầy mây đen, và Phônke hiểu rằng chẳng một loại máy ảnh nào có thể hoạt động được. Đất trời ướt át, tuyết bay mù mịt. Đến máy bay trong thời kỳ chiến tranh cũng không dám cất cánh trong điều kiện thời tiết như vậy, ông vẫn còn nhớ rõ. Nhưng bây giờ đã đến lúc cho cừu ăn. Ông lấy tay che mặt, rón rén lẻn ra sân…

Vừa lắng nghe dự báo thời tiết Phônke vừa lo lắng đợi ngày trời đẹp. Khi đó ông sẽ không thoát khỏi con mắt xoi mói của vệ tinh do thám trên trời.

Phônke vào làng mua một bộ quần áo nguỵ trang màu xám loang lổ của thợ săn. Vào mùa đông chiếc áo len một màu, nhất lại là màu sẫm, rất dễ bị lộ. Ông lấy từ gác xép xuống chiếc áo dài nguỵ trang màu trắng, còn lại từ hồi chiến tranh, treo lên chiếc đinh ở phòng ngoài. Trong góc tủ có một chiếc mũ cổ lỗ sĩ, không vành. Nó sẽ đảm bảo che kín mặt ông, không để ai nhận ra được…

Phônke Viatai kiên quyết phản đối hành động chụp ảnh trộm. Một lần ông cùng với đoàn khách du lịch đến thăm Lêningrát và Pêtrôdavốtxcơ. Khi một người trong đoàn định chụp cảnh xếp hàng mua thực phẩm, một nhân viên cảnh sát lập tức xuất hiện và tịch thu cuộn phim. Đấy, rõ ràng không thể có chuyện muốn chụp ảnh ai thì chụp!

Không chỉ một lần, Phônke hét to một mình trong phòng: “Tôi không muốn bị chụp ảnh!”. Ông tuyên bố bằng một giọng đanh thép, đến nỗi con chó và con mèo đều đứng phắt lên, nhìn chủ chằm chằm, vẻ tràn đầy quyết tâm hành động.

Phônke Viatai thường chặt củi trong một khoảnh rừng nhỏ. Những hôm trời u ám ông có thể ung dung ra đó mà không ngại điều gì. Nhưng khi trời quang đãng ông phải dùng áo nguỵ trang. Về sau ông còn thận trọng dùng một cành thông để xoá dấu vết đi lại trên tuyết. Bởi vì vết xe trượt tuyết có thể khiến kẻ do thám trên không nghĩ rằng trong rừng có điều gì đó xảy ra…

Vào những ngày đẹp trời Phônke đi lại trong rừng hết sức thận trọng. Ông nấp kín dưới những tán lá thông rồi chạy vụt từ gốc cây này sang gốc cây khác. Ông thậm chí luôn luôn cúi gằm xuống đất, cố tránh nhìn lên bầu trời. Ông không đốt lửa vì sợ sẽ gây nen sự nghi ngờ.

Phônke kéo từ trong rừng ra một đống cành thông. Từ thềm nhà ông đến kho củi và chuồng súc vật cũ khoảng hai mươi mét. Ông lấy cành thông che phía trên con đường mòn thành một đường hầm nguỵ trang để đi lại trong trường hợp cần thiết. Nhưng ngay cả lúc đó ông vẫn cúi gằm xuống đất, còn chiếc mũ kéo sụp xuống sát mắt.

Phônke Viatai có thói quen đọc báo tại bàn, cạnh cửa sổ. Nhưng bây giờ ông sực nhớ rằng vệ tinh có thể chụp ảnh ông qua cửa sổ trên nền ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn. Thế là ông phải treo lên cửa sổ một tấm màn nguỵ trang bằng mảnh chăn cũ.

Mỗi khi phải đi ra kho thóc hoặc đi tắm, Phônke che đầu bằng một chiếc ô loang lổ, mặc dù không mưa, và ngoài trời nhiệt độ là âm bốn mươi độ. Mặc dù làng đã bị bỏ hoang, thỉnh thoảng vẫn có người ghé đến. Có khi là một toán thợ săn đi xe trượt tuyết, khi là một cán bộ nghiên cứu những vấn đề lâm nghiệp. Từ trên con đường mà người bưu tá thường đi có thể trông rõ nhà của Phônke Viatai. Một lần có cả nhân viên hãng chế biến gỗ đến chỗ Phônke đang chặt củi. Anh ta kinh ngạc khi thấy ông cúi gằm xuống đất và không đốt lửa.

Thật ra không chỉ riêng ống kính của những vệ tinh dò thám mà cả những cặp mắt người cũng luôn luôn xoi mói và tọc mạch.

Cứ theo logic cũ, ta có thể đoán trước được những sự kiện sẽ xảy ra. Thậm chí có thể tin chắc, không nghi ngờ gì cả.

Người ta bắt đầu kháo nhau rằng Phônke Viatai bị dở người vì cô đơn…

Cách xử sự của ông kỳ quặc đến nỗi kết luận ấy là điều dĩ nhiên.

Tình trạng ấy kéo dài rất lâu, trước khi…

Có ai đó đã đến gặp chính quyền địa phương với bản báo cáo về những vấn đề xã hội. Một người khác – dĩ nhiên nhân có việc riêng – đến gặp bác sĩ của trạm xá khu vực, kể lại rằng có lúc một ông già vẫn dùng ô mùa hè để che đầu giữa lúc trời băng giá. Dễ hiểu bác sĩ nghĩ sao về chuyện đó.

Dù sớm hay muộn, chắc chắn sẽ có một người quan tâm, đến tìm hiểu tình trạng của Phônke. Có thể họ khuyên ông đi khám bệnh, điều trị, chuyển hẳn đến trại dành cho người già yếu không nơi nương tựa. Ở đó những người già cả sẽ được chăm sóc, và Phônke có điều kiện giao tiếp với mọi người.

Chắc chắn Phônke đã nổi giận, vung rìu đuổi vị khách ấy ra khỏi nhà, mà có khi còn đem súng ra doạ.

Không biết rồi chuyện này sẽ kết thúc ra sao./.

                                                            

Ngô Tự Lập dịch từ tiếng Nga

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)