THƯỢNG NGÀN – TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THU HẰNG

THƯỢNG NGÀN – TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THU HẰNG

Hàm Sinh Phong là tên mà quan huyện Hàm Thăng đặt cho chàng người rừng đã cứu ngài khỏi nanh vuốt ông Ba mươi trong cánh rừng già Thượng Ngàn.

Một ngày cuối thu, ngài Hàm Thăng lên hầu quan tỉnh Đông về muộn, đi lạc đường rừng thì bóng đêm ập xuống, ghập ghềnh, hiểm trở càng hiểm trở, ghập ghềnh. Bỗng có tiếng chân thú bỏ chạy rầm rập, chim chóc đập cánh bay lên loạn xạ, cây cối run rẩy, nghiêng ngả. Tiếng gầm làm rung chuyển núi rừng, cùng với mùi hôi thối bốc lên sặc sụa, một bóng hổ lực lưỡng xuất hiện, hai mắt sáng rực xuyên rừng đêm.
Ngựa chùn bước, hí không ra tiếng, chân sau đá ngược lên trời, hất quan ngã nhào xuống đất. Tên lính hầu run như rẽ, kinh hãi cực điểm, bỏ mặc quan ngửa đang đác, trèo vội lên một cây gần đó. Quan huyện bạt vía, mắt trợn ngược, người đơ ra như chết rồi. Bỗng, một bóng trắng từ đâu lao đến, nhanh như cắt, quặp chặt lấy quan huyện như quặp miếng mồi, rồi nhảy vọt đi.

Ông Ba mươi bị chọc tức, lồng lộn nhảy chồm lên như muốn xé nát kẻ cừu địch đã cướp trắng trợn miếng mồi ngon. Cái bóng trắng nghiêng người né đòn rất điêu luyện. Ông ba mươi lại tấn công lần hai, kẻ địch vẫn tránh được, còn ông thì mất đà trượt chân ngã vào vũng sình lầy um tùm lau sậy. Kẻ địch bí hiểm liền ôm con mồi biến mất dạng. Mắt ông Ba mươi quắc sáng, tiếng gầm rú kéo dài vang hơn cả lúc trước, vạn vật thêm lần nữa táng đởm kinh hồn.

*

Sáng hôm sau, vừa tỉnh lại, quan huyện cho đòi ngay chàng trai đã cứu mình vào. Trò chuyện một lúc, biết chàng trai bị thất lạc trong rừng Thượng Ngàn từ nhỏ, được ông lão tiều phu cưu mang, giờ không thể nhớ nổi tên tuổi, quê quán. Quan huyện động lòng trắc ẩn, liền nhận làm con nuôi, cho mang họ Hàm của quan, đặt tên là Sinh Phong.

Hàm Sinh Phong được quan huyện yêu quý chẳng khác gì con đẻ. Ngài đưa chàng tới ra mắt thầy Đồ Trương và cho theo học chữ Thánh hiền cùng với Lan Cơ, kiều nữ của ngài, và Hàm Thiếc, huynh đệ thúc bá với Lan Cơ.

Thoạt đầu, thấy diện mạo Sinh Phong hoang dại, hôi hám, mặt lúc nào cũng ngáo ngơ, chân tay lóng ngóng, đụng cái gì đổ vỡ cái ấy, trong đầu một chữ bẻ đôi chẳng biết, Lan Cơ và Hàm Thiếc tỏ vẻ khinh mạn. Nhưng thời gian sau, Sinh Phong đã được thầy đồ Trương khai trí, khai tâm, học đến đâu nhớ đến đấy, đọc một hiểu mười thì cả hai không còn dám khinh thường Sinh Phong nữa. Nhất là kể từ cái buổi Lan Cơ trốn học la đà chợ phiên, bị hai kẻ côn đồ dở thói xằng bậy, may được Sinh Phong đi tìm, cứu thoát khỏi tay bọn yêu râu xanh, còn đánh cho chúng một trận thừa sống thiếu chết, thì Lan Cơ đã hoàn toàn nể phục, và rồi nàng cảm mến Phong Sinh lúc nào không hay.

Đến mùa xuân thì Sinh Phong hoàn toàn được lột xác, chàng đã trở thành một trang nam tử tuấn tú, khôi ngô, trí tuệ đã khai quang, võ nghệ càng cao cường, ít chàng trai nào trong vùng sánh kịp. Khi ấy, quan huyện có khách quý đến nhà, thỉnh thoảng cho gọi Sinh Phong lên tiếp khách cùng với Lan Cơ, Thiếc để ý thấy sự thay đổi đó, trong lòng ngấm ngầm ghen ghét Sinh Phong. Về sau, những khách thường mà đến nhà quan cậy cục, nhờ vả, tạ ơn thì ngài cáo mệt, cáo bận, sai Sinh Phong ra tiếp thay. Nhiều vị khách quý ngắm tướng mạo phi phàm của Sinh Phong, khen ngài có con mắt tinh đời, có người còn bạo miệng nói quan huyện khéo chọn con rể có tư chất hơn người. Lan Cơ nghe được thì đỏ mặt ngượng ngùng, quan huyện cả cười, chỉ có Sinh Phong là vẻ mặt vẫn phẳng lặng như như một chiếc khiên đồng.

*

Một sáng, Sinh Phong nghỉ học. Thầy Trương vẫn say sưa luận giảng kinh sách mà chẳng con chữ nào lọt vào tai Lan Cơ cả. Khắc thư giãn, Thiếc rủ Lan Cơ đi ra ngõ thả diều, nàng lắc đầu từ chối, mặt Thiếc tối sầm lại.

Tới bữa, cũng chẳng thấy Sinh Phong đâu. Lan Cơ mặc dầu vẫn giả bộ không thèm quan tâm tới vị con nuôi của cha, nhưng mãi không đành lòng được, cuối cùng nàng phải hỏi cha:“Cha! Sao hôm nay Sinh Phong nghỉ học?” “Nó sẽ tạm nghỉ một thời gian.” Ngài Hàm Thăng trả lời. Lan Cơ cãi: “Đang học mà lại nghỉ cứ như đi chợ vậy, cha thiên vị con nuôi hơn con đẻ. Sao con nghỉ cha không cho?”. “Con nghỉ thì làm cái gì?”. “Vậy thì anh ấy làm gì?”. Quan huyện nghiêm sắc mặt: “Phận nữ nhi, con dám so bì trí nam tử sao? Hãy cứ lo việc đèn sách cho thông tỏ!”.

Lan Cơ dấm dẳng dỗi hờn bỏ về phòng. Thương con, quan bà định chạy theo dỗ dành nhưng thấy chồng nghiêm sắc mặt, bà đành ngồi lại.
Sinh Phong vẫn ở khu nhà dưới, nơi dành cho bọn hầu nam, chỗ ấy gần giếng nước và vườn trúc, Lan Cơ chẳng mấy khi lui tới, vì xưa nay nàng vẫn cho là chỗ của hạng tôi tớ. Thế mà tối hôm sau, nhân việc con hầu gái bị đứt tay khi thái bèo, nàng cho nó nghỉ phiên giặt đồ rồi tự mình mon men tới bờ giếng. Dưới ánh trăng thượng huyền, bóng Sinh Phong mặc áo trắng đang luyện võ nghệ loang loáng trên nền sân đất, sau mỗi thế võ tung ra nghe như có gió giật trong bụi trúc.

Nàng Lan Cơ tay bê thau quần áo, đứng nép mình vào bụi trúc, tim đập thình thịch như trống hội. Mỗi lần nhìn trộm về nơi cuối sân, hai má nàng nóng bừng cứ như thể thẹn với chính lòng mình, muỗi đốt cũng chẳng hay.

Chợt cái bóng trắng quay ngoắt người lao vào bụi trúc, “ khấc…khậc” một cây trúc đã bị bẻ, “ vút…vút” bóng áo trắng lao đến, Lan Cơ thấy mình bị nhấc bổng bởi cánh tay rắn như đá, mùi mồ hôi lan sang người nàng. Sau mấy vòng quay tròn, mở mắt ra thì Lan Cơ đã ở cạnh bờ giếng, còn Sinh Phong đang cầm trên tay cây trúc vừa bẻ có con rắn lục đã bị cắm bẹp đầu đang giẫy chết. Kinh hoàng, Lan Cơ mặt mày tái nhợt. Sau khi bảo Lan Cơ duỗi chân cho xem để chắc chắn con rắn vẫn chưa kịp cắn vào chân nàng, Sinh Phong mới yên tâm ngồi dậy, nhìn nàng mà trách: “Đang đêm tối em còn ra vườn làm gì để suýt nữa thì nguy hại đến tính mạng?”.

Cơn sợ hãi giờ mới làm Lan Cơ bật khóc. Điều đó khiến Sinh Phong bất ngờ. Mọi lần, Lan Cơ luôn đối đầu bằng cách cãi lại, với ánh mắt khiêu khích, thách thức và bất cần. Lần đầu tiên, Sinh Phong nhìn thấy nước mắt của một người con gái ướt nhoà dưới ánh trăng, mềm yếu và lóng lánh, cho dù trái tim bằng đá thì dễ cũng phải mềm đi, huống hồ là Phong Sinh, trong ngực chàng, trái tim đang rần rật bởi dòng máu nóng hổi đỏ tươi. Trái tim ấy đã được khai lương do được thụ giáo đạo Thánh hiền và thời gian sống cùng mọi người trong nhà quan huyện. Trái tim như thầm mách bảo bàn tay chàng đưa chiếc khăn thấm đẫm mồ hôi cho Lan Cơ, nhưng nàng còn đang nức nở nên không hề hay biết. Sinh Phong đành liều cầm khăn, lúng túng thấm nhẹ những giọt nước mắt đang chảy dài trên má…

“Em Lan Cơ đừng khóc kẻo cha mẹ nghe thấy lại mắng tôi…Tôi có nói gì thất lễ thì mong em bỏ quá cho”. Giọng Sinh Phong âu yếm như hơi thở nhẹ khiến Lan Cơ chợt thấy ấm lòng, đang khóc mà nàng nín ngay được. Mùi mồ hôi từ thân thể cường tráng và từ chiếc khăn nhỏ đã bện lấy nàng khiến đầu óc nàng mụ mị mà buông một câu lạc điệu: “ Sao tự dưng anh lại nghỉ học?”. “ Cha nuôi bảo có việc cần tôi chuyên tâm luyện tập võ nghệ!”.“ Việc gì?”.“ Cha nuôi chưa nói”. Lan Cơ dấm dẳng: “ Hứ! Em mặc kệ. Nếu anh không tới lớp, em sẽ tới đây mỗi tối…để tìm anh đấy!”.

Lan Cơ nói thật nhanh câu cuối cùng vì sợ không nói nhanh nàng sẽ không thể nói được. Cùng đó, nàng nghiêng người, ôm chặt lấy Sinh Phong, đặt lên má chàng một nụ hôn vội vã, rồi nàng ù té bỏ chạy. Sinh Phong sững sờ, có gì đó nghe râm ran như đang lan toả từ nơi gò má xuống khắp thân thể, dường như ánh trăng bối rối đang vương đầy vườn trúc…

Đêm đó Lan Cơ thao thức mãi, ánh trăng bạc qua song cửa sổ rơi nhẹ trên gối, đưa nàng chìm vào giấc mộng miên man.
Lan Cơ về rồi, Sinh Phong luyện võ cả đêm, mồ hôi túa ra như tắm, ngực trái cứ phập phồng như con đê muốn vỡ òa vì sóng lớn.
Đêm hôm sau, vầng trăng thượng huyền vẫn mờ mờ tỏ tỏ như đầy vẻ hàm ẩn.

Không đặng cầm lòng, Lan Cơ lại bê thau giặt ra bờ giếng, nhưng Sinh Phong không còn tập luyện mà đã đi nghỉ sớm. Nhìn bọn người hầu, kẻ dọn dẹp bếp núc, kẻ chuẩn bị cỏ, ngựa, cung, nỏ, Lan Cơ đoán sẽ có một cuộc đi săn trong rừng. Nàng lên nhà trên, vừa đi qua cửa buồng cha mẹ, nghe có tiếng nói chuyện vọng ra, nàng đứng lại.

“Ngày mai, ngài Đỗ Dương sẽ tới đây thăm thú. Ngài thích cảnh núi rừng Thượng Ngàn, thích săn bắn chim thú, tôi đã sai lính chuẩn bị chu toàn để thằng Sinh Phong dẫn ngài đi săn. Mai bà dậy sớm đốc thúc bọn chúng!”. “Thượng Ngàn lắm thú dữ, lỡ không an toàn, hay ta cứ tiếp ngài bằng đặc sản vùng miền cho an toàn?”. “Đức ngài không ưa ba chuyện ca nữ như mấy vị trước, ta phải lựa theo ý ngài mà nghinh tiếp cho chu đáo mới mong được lòng bề trên, bà cứ thế mà làm. À, mà bà cũng nên để mắt tới con Lan Cơ, nó lớn rồi, chẳng thể lơ là được!”. “Thế thằng con nuôi của ông chẳng phải là…”. “Của mình thì cứ phải lo mà giữ đã, chưa biết thế nào mà tính trước.”

*

Về phòng mình, Lan Cơ đi nằm mà bao ý nghĩ ngổn ngang, ánh trăng vẫn như người bạn đồng hành lọt qua khe rèm cửa sổ khép hờ tĩnh lặng. Mãi khuya, vừa chìm vào giấc ngủ thì một cơn mộng lạ lùng đầy kinh hãi cũng chợt kéo tới…

Nàng vào rừng đi săn cùng với Sinh Phong, bỗng đâu một cơn tố lốc bất ngờ cuốn phăng Sinh Phong đi, nàng bơ vơ một mình giữa rừng, rồi bị một con hùm trắng cắp vào hang của nó. Con hùm hung dữ, vần vũ cào xé xiêm y nàng tơi tả. Nàng khóc thét, run rẩy, kinh hãi tột độ, nhưng hùm không ăn thịt nàng, nó vờn nàng như mèo vờn chuột, những móng vuốt của nó chạm lên da thịt nàng mà không để lại một vết xây xước nào, nó lè lưỡi liếm vào vòm ngực non tơ của nàng, nàng không thấy đau, nó nhìn nàng tựa thôi miên, thấp thoáng những vệt vàng trắng bung tỏa tự đáy mắt hoang dại nơi chúa sơn lâm, nàng thiếp lịm đi trong cơn run rẩy vô thức…

“ Tỉnh rồi! Bà ơi!” Tiếng con hầu Thắm kêu lên.

Toàn thân Lan Cơ hầm hập sốt, trên trán đắp nắm bã cỏ nhọ nhồi, vết nước còn loang nhẹ hai bên vành tai xinh xắn, nàng định rứt ra thì con hầu Thắm giữ tay: “Cô chủ bị cảm, từ đêm qua đến chiều nay mới tỉnh đấy!”. “Ta cảm ư? Đã sang chiều rồi sao?” – Nàng lơ đãng khẽ hỏi. “Dạ, sắp qua chiều rồi. Cậu Sinh Phong đưa quan tỉnh đi săn về, săn được nào, nai, thỏ, sóc, khỉ…” Nàng nhỏm người bất chợt sốt sắng: “Sinh Phong và mọi người về an toàn cả chứ?. “Chẳng an toàn thì sao…”, con hầu Thắm giấu nụ cười ý nhị: “Ông hỏi cô muốn ăn gì thì bảo người nhà làm thịt chúng ngay ạ?”. Lan Cơ vội xua tay: “Ta không ăn những thứ đó. Nấu cho ta bát cháo hoa là được rồi.”

Trăng lên cao, Sinh Phong mới xong việc tiếp quan trên, trở vào thăm bệnh Lan Cơ. Chàng trở ra rồi, Lan Cơ ăn một mạch hết bát cháo, mặt mày chợt tươi tắn như hoa nở sớm mai, khiến con hầu Thắm cứ ngỡ rằng bát cháo hoa đó đã giải cảm giúp cô chủ, nó lại bắc bếp chuẩn bị sẵn một nồi cháo cho sáng ngày mai.

*

Mùa mưa đến sớm, những trận mưa nguồn thác lũ tràn về ngày một nhiều, khiến Thượng Ngàn càng trở lên bí hiểm, dữ tợn. Vài bản, mường đã bị ông Ba mươi về bắt gà, bắt lợn, có người đi rừng còn nhìn thấy ông Ba mươi ngồi chồm hỗm ở gốc cây đại thụ chỗ rẽ xuống nơi đầu ngọn suối Mẹ, dân bản càng không dám đi ra ngoài khi trời tối. Tin ấy chưa được báo mà loan nhanh đi khắp mấy vùng.
Một hôm, quan trên Đỗ Dương về Thượng Ngàn còn dẫn theo một vị khách trẻ là ngài Nguyễn, tướng mạo phi phàm. Ngài có một đoàn xe con, súng ống lỉnh kỉnh, người hầu đi theo một bầy. Quan trên nói với quan huyện Thượng Ngàn: ngài là thượng khách đại nhân, phải tiếp đón chu đáo, còn yêu cầu đích danh Sinh Phong sẽ dẫn đường cho ngài Nguyễn vào rừng săn hổ.

Quan huyện vẫn nhớ trận bị vụ hổ vồ hụt giữa Thượng Ngàn, lại thấy quan tỉnh khúm na khúm núm với vị khách thì mở cờ trong bụng, biết đâu đây lại một vị đại quan triều đình, hay còn to hơn thế nữa, nếu làm vừa lòng vị thượng khách thì con đường tiến thân của ngài còn rộng mở.

Nghĩ vậy, ngài bèn mở tiệc thiết đãi long trọng, rồi gọi riêng Sinh Phong vào hỏi, liệu có giúp quan trên săn cọp không? Sinh Phong thưa, xưa nay chàng chỉ quen săn những động vật nhỏ bé như sóc, hoẵng, nai, hươu, đối mặt với hổ như lần cứu quan thì có nhưng chưa từng làm việc giết hổ dữ dội ấy bao giờ. Loài hùm vốn tinh anh, lại lắm mánh khóe, với những con già sắp thành tinh thì có lẽ không thể chỉ dùng súng mà giết được nó, dùng súng chỉ là những con non, con cái.

Hai người đang trò chuyện thì Hàm Thiếc ở đâu đi vào, chen ngang câu chuyện, nói có thể đi cùng Sinh Phong dẫn đoàn đi săn hổ. Trước kia ở quê, Thiếc đã từng cùng hai người làng đi săn hai đêm bắn được đôi hổ vàng, hai con nai, ba con hoẵng, hổ thì lột da, róc cốt, những con hươu, nai thì lấy thịt nướng ăn, hoặc phơi, sấy, ướp ăn dần cùng với số lương thực mang ở nhà đi, nên ở rừng săn cả tháng không biết đói mệt là gì. Nay đoàn săn binh hùng tướng mạnh, cớ gì không săn được con hổ lớn cho thỏa chí tang bồng của bề trên.

Nghe cháu trai nói thế, quan huyện vẻ yên tâm về chuyến đi săn đợt này, nên đồng ý cho Hàm Thiếc đi cùng Sinh Phong đưa các quan bề trên vào rừng săn thú dữ.

Sinh Phong nhận lệnh, lẳng lặng về phòng chuẩn bị mã tấu, dây mây, cung tên…rồi ra sau vườn, luyện tập võ nghệ. Đang tập thoáng thấy có bóng người lẩn trong khóm trúc, thì quát khẽ:“Ai?”. Khóm trúc chợt rung lên như có gió thổi, tiếng trả lời khẽ hơn cả gió thoảng: “Biết rồi còn hỏi!”

Sinh Phong bèn lại gần. Lan Cơ đang đứng dựa bụi trúc tần ngần, tay nàng cầm một chiếc khăn thêu bông hoa lan tím. Lan Cơ trao khăn cho Sinh Phong. “Để anh lau mồ hôi này. Đường rừng nguy hiểm khó lường, anh đừng quá ham mồi…”.“Chiếc khăn em thêu đẹp quá…”, Sinh Phong chưa dứt lời khen, bờ môi mềm mướt của Lan Cơ đã chạm lên gò má của chàng, nóng hổi. Bóng nàng lại vụt đi như làn gió.

*

Đoàn săn tiến vào rừng sâu, chừng đã thấm mệt thì tới được nhánh lớn của con suối Mẹ giữa rừng, bèn dừng lại hạ lều trại. Khi bọn người hầu chuẩn bị cơm nước, ngài Nguyễn cùng Sinh Phong đã phi ngựa bám theo dòng suối lên phía thượng nguồn để hòng thám thính đường qua lối lại của hổ chỗ gốc cây đại thụ. Chuyến dạo qua thực địa trở về, trên ngựa của ngài Nguyễn đã có con hươu vắt ngang lưng.

Cơm rượu vừa xong, Sinh Phong vào lều, lấy một chai rượu thuốc xoa lên khắp mình, lại bảo những người đi theo cũng làm như vậy, rồi cùng quan Đỗ Dương và ngài Nguyễn đem con hươu vừa bắt sống được tới chiến địa.

Con hươu đã bị buộc chân vào gốc cây con ngay sát bên cây đại thụ, miệng kêu rao rao, công việc cắt đặt đã xong xuôi, cả ba tìm những bụi cây rậm rạp ngồi nấp kĩ.

Đợi đến hơn một trống canh, thì có tiếng gầm rung chuyển rừng núi vang đến, muông thú kinh hãi chạy trốn, chỉ có chim công, chim khướu bay lại.

Sinh Phong ngồi gần ngài Nguyễn, ra hiệu hổ đang đến, không khí rừng chiều trong lành bỗng chốc trở lên đầy ám khí, mùi hôi thối nồng nặc sộc đến, lan rộng, một con hổ vàng tiến lại, hai người nép mình, nín thở ngồi chờ.

Con thú dữ vào đúng tầm ngắm, ngài Nguyễn giương súng nhằm yếu huyệt giữa trán mà bắn hai phát liền. Súng Tây hỏa lực mạnh, đạn đi trúng đích, con hổ đau đớn cuồng nộ giẫy lên, gầm một tiếng oán hận, định bỏ chạy, nhưng chỉ được vài bước nó đã ngã gục xuống.
Ngài Nguyễn bước tới, ngắm nghía vết đạn về đích của mình, cứ gật gù tỏ vẻ thích thú. Xem xong liền bỏ đi, tiếp tục cuộc săn thú vị nhưng cũng dự ẩn đầy bất trắc.

Sinh Phong lại gần con hổ thấy cặp mắt đã chết của nó trợn trừng nhìn mình thì nổi da gà, đó là một con hổ cái mới lớn, bị giết rồi mà thân hình nó vẫn toát lên vẻ đẹp dữ tợn và duyên dáng, hừng hực nhựa sống, chàng nhận thấy lông tơ khắp người chợt dựng đứng, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, chàng không dám tiến đến gần con hổ. Trong khi ấy, quan Đỗ Dương vuốt ve bộ lông, luôn miệng khen ngài Nguyễn là một xạ thủ điêu luyện, rồi ngài lại khen bộ lông đẹp, lột da mà đem nhồi bông để trưng trong phòng thì oai phong biết mấy, đoạn ngài gọi bọn lính hầu đang nấp ở đằng xa lại khiêng hổ về.

Nhà quan huyện như có hội, lửa cháy ở sân sau rừng rực suốt đêm ngày. Gái sơn cước đẹp như tiên nữ, nhảy múa quanh đóng lửa như mời gọi khách quý, nhưng chỉ có quan Đỗ Dương là tỏ ra ham quyến, còn ngài Nguyễn thì dửng dưng ngồi rít tẩu thuốc. Cho đến khi nhìn thấy bóng dáng thướt tha của Lan Cơ thấp thoáng sau ánh lửa bập bùng thì ngài Nguyễn vẫy Hàm Thiếc đứng gần lại, hỏi: “Nàng thiếu nữ xinh đẹp đó là ai?”. “Dạ bẩm ngài, đó là con gái quan huyện đấy ạ!”.“Hoa đã có chủ chưa?” Ngài Nguyễn gặng hỏi. Hàm Thiếc đằng hắng rồi nói: “Hoa vừa độ chúm chím còn trong vườn cấm sao đã có chủ được, thưa đại nhân!”. “Nhà ngươi hãy gọi huyện Thăng tới đây!”.
Lửa vẫn bùng cháy ma mị. Lan Cơ lén tới vườn trúc, không thấy Sinh Phong đâu. Một lúc sau thì quan bà đi tới: “Có con hổ đực to lắm đang bén bảng quanh vùng này, đã giết nhiều gia súc, lại vả chết một người Mèo. Thằng Sinh Phong được quan trên sai vào rừng thám thính từ chiều rồi. Giờ thì con hãy vào trong, ngài Nguyễn muốn gặp con!”. “Đó là chuyện khách của cha. Con sao phải gặp ông ấy?”. “Ngài ấy là bậc đại nhân trong triều, nếu con mà lọt mắt xanh ngài Nguyễn, không chỉ mình con được vinh hoa phú quý mà cả họ nhà ta cũng được thơm lây!”. “Con không muốn. Con đã có Sinh Phong rồi!”. Quan bà bất thần kinh ngạc, sau phút định thần, bà lớn tiếng: “Sinh Phong là anh nuôi của con, ai cho con dám coi thường đạo lí? Nó lại đang ở trong vuốt cọp, con kháng cự lại cha con không ra mắt ngài, liệu có được không?”. “Cha mẹ đừng ép con!”. “Xưa nay chuyện hôn nhân thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Mà ngài Nguyễn lại không phải là người thường…”

Cuối cùng thì Lan Cơ đành thuận đi theo mẹ vào phòng khách. Ngài Nguyễn vừa nhìn thấy nàng bê khay trà bước vào lập tức mê mẩn tâm thần.

*

Hàm Thiếc bày tiệc rượu ngoài vườn trúc thiết đãi Sinh Phong. Thiếc mồi, rượu thuốc ngâm lâu ngày lại được chôn dưới giọt gianh, nên mới uống vài tuần Sinh Phong đã thấy nóng mặt, thái dương bỗng giật binh binh, trăng lên thì chàng đã lăn ra chiếu gáy như bễ lò rèn.
Sinh Phong không được gặp Lan Cơ, con hầu Thắm bảo, bà đã biết chuyện của hai người nên đã giam lỏng nàng ở trong buồng.
Đoàn thợ săn quý tộc lại lên đường.

Nhưng con thú lần này không dễ gì có thể dùng động vật ra mà nhử mồi. Đã cả tuần chầu trực mà nó chưa chịu xuất đầu lộ diện. Cho tới khi ngài Nguyễn sai thay mồi bằng hình nộm con hổ đã nhồi rơm, ngay đêm ấy, con hổ lụy tình đã lao đến.

Súng hỏa lực mạnh của ngài Nguyễn bắn trượt, đạn chỉ xuyên qua da. Nó phát hiện ra chỗ nấp của kẻ thù, lồng lộn lao đến. Một cái vả sướt qua mặt trái khiến ngài Nguyễn xây xẩm mặt mày, sái quai hàm, loạng choạng ngã, máu đã rỉ ra bên mang tai. Mùi máu khiến hổ càng điên loạn, hung dữ. Nó lao vào Nguyễn. Hổ giương vuốt chồm hai chân trước lên, để hở hai bên mạng sườn, chỉ chờ có thế, từ chỗ nấp khác, Sinh Phong lao đến xuống Xà tấn. Hổ quay sang vồ chàng, cú vồ của nó cũng đã phập vào đúng chân trái của chàng, đau nhói nhưng Sinh Phong né đòn, lách người, rút ngay thanh mã tấu chọc vào yết hầu nó. Gió đem theo mùi hôi thối, tanh tưởi từ cú lao của hổ phả vào mặt Sinh Phong. Dòng máu hổ phun vào mặt chàng như dòng nham thạch, ộc lên, tràn xuống, Sinh Phong thấy trời đất chao đảo, cuồng quay, rung chuyển. Máu hổ chảy đến đâu, khắp người Sinh Phong sần sùi ngứa ngáy, lông lá mọc dài ra đến đấy, ngả ra màu bạc trắng, móng tay móng chân biến thành vuốt sắc nhọn, hai chiếc răng cũng dài ra như nanh hổ… Chàng kinh hãi tột độ khi nhận thấy mình đang bị hóa hổ, bèn ngửa cổ thét lên một tiếng nhưng đó không phải là tiếng kêu của con người mà nó biến thành tiếng gầm rú của loài hổ, mùi hôi thối tóa ra từ cuống họng phả lên không trung khiến Sinh Phong phải cúi ngay mặt xuống đất kẻo sợ phạm tới Trời. Trong phút hóa thân kì lạ, Sinh Phong thấy mình đang quay cuồng trong một vùng tối tăm, hỗn độn, nhầy nhụa, một vầng sáng xanh bỗng loé lên hút chàng đi, chàng nhìn thấy một vị pháp sư tay cầm quyền trượng đang đứng trên đỉnh núi cao nhất Thượng Ngàn. Trí nhớ từ tiền thân xa xăm vụt hiện về xoẹt qua như ánh chớp, chàng buộc miệng vô thức kêu lên, tiếng kêu đã méo mó như tiếng hổ gầm:“Thầy ơi,… cứu con!”. Tiếng vị pháp sư văng vẳng núi rừng: “ Con đã xin ta được rũ bỏ lốt hổ vì con ghê sợ nòi giống của mình là loài hung dữ, ác độc nhất Thượng Ngàn, chuyên đi sát hại các con vật khác để sinh tồn, để làm bá chủ núi rừng. Con nhất tâm tu luyện để hậu thân được biến thành con người, để được khôn ngoan và lương thiện, được lao động và yêu thương như con người. Con đã toại nguyện. Nhưng giờ con lại bị chính con người đầu độc bằng trò ngải. Họ đã lấy râu hổ cắm vào búp măng tre đang mọc, biến thành loài sâu có sức độc khủng khiếp, họ chế thành ma thuốc độc mà nói là rượu thuốc quý cho con uống để hại con. May mà con vốn tiền thân là loài hổ nên khi bị thương nặng gặp được máu đồng loại cứu rỗi, hóa giải bùa ngải, nên đã biến lại thành hổ đó! ”. Vầng sáng xanh xoay tít, loãng ra, tan biến, Sinh Phong thấy mình bị rơi xuống một vực xanh thẫm, chỉ còn là những tiếng gầm rống lên. Trời đang tối sầm, bỗng đâu nổi cơn thịnh nộ, sấm sét muốn nong trời nở đất vì một con hổ đã vô lễ dám ngửa mặt lên trời gầm để phả ám khí. Sét đánh liên hồi, chớp giật nhì nhằng, không át được tiếng gầm ghê rợn, thống thiết, bi ai của con hổ. Khi ngài Nguyễn tỉnh dậy, chợt nhìn thấy ngay trên chiến địa, một bóng hổ trắng lách mình lên khỏi đám lau sậy, tập tễnh chạy vụt vào rừng sâu, những tia sét chớp giật lằng nhằng đuổi theo sau. Mãi sau thì Hàm Thiếc và bọn lính mới chạy tới hộ tống ngài Nguyễn. Con hổ đực đã chết, toàn thân nó tê cứng, mũi dao vẫn cắm chặt vào ức hầu, nhưng bốn chân con hổ thì ôm chặt hình nộm da hổ cái.

Đền thờ ông Ba mươi ngay cửa rừng Thượng Ngàn, chính điện có hình nộm vợ chồng ông Ba mươi đặt trong tủ kính lớn trông dữ dội, hùng dũng, oai phong, uyển chuyển và ma mị, đền quanh năm được dân trong vùng đến khấn vái, cầu nguyện, khói hương nghi ngút. Đi ra phía trái đền xuống trăm bậc đá là đền Cô được dựng toàn bằng đá núi, nơi đây thờ người con gái của quan huyện ngày trước. Nàng đã nguyện chung tình với người anh nuôi, chối từ cuộc sống vinh hoa phú quý mà cha mẹ sắp đặt, xô khỏi kiệu hoa, nhảy xuống vực núi này để tự vẫn.

Vực sâu thăm thẳm.

Người ta không tìm thấy xác nàng. Người Mường già vừa đốt nhang vừa kể tiếp câu chuyện cho du khách đến viếng đền nghe rằng, lúc ấy ông ta còn là một chú bé vào rừng kiếm củ mài với mẹ, chính mắt ông ta nhìn thấy một con hổ trắng chỉ còn ba chân đã lao tới đỡ nàng rồi cõng chạy thẳng vào rừng sâu, rừng Thượng Ngàn.

N.T.H

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)