THƠ TRẺ VIỆT NAM – NHÌN TỪ KHÁI NIỆM TRẺ
Đọc văn chương Việt Nam đương đại, lấy điểm mốc có thể tạm tính trong khoảng mười lăm năm qua, kể từ khi đất nước bước vào thiên niên kỷ mới, có thể thấy sự ra đời của một thế hệ nhà thơ mới với tuổi đời trên dưới 30 thuộc cuối 7x và 8x, gắn liền với sự dịch chuyển hệ hình của tư duy thơ từ hiện đại sang hậu hiện đại. Thực ra, khái niệm “thơ trẻ” là phạm trù dễ gây ra nhiều ngộ nhận bởi tính mơ hồ về mặt ngữ nghĩa của nó. Thật khó để có thể đưa ra nội hàm chuẩn xác để có thể định vị ngoại diên của thuật ngữ. Như thế nào là thơ trẻ? Trước tiên cần phải gắn với tiêu chí tuổi tác, nhưng ngay cả tiêu chí này đã hàm chứa những bất đồng. Sự giãn nới của phạm trù trẻ tuổi đôi khi ở Việt Nam lại lên đến vài chục năm. Thế hệ những nhà Thơ mới đầu thế kỷ XX gần như xuất hiện lần đầu trên thi đàn ở độ tuổi dưới 20, mà tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên – được viết năm tác giả mới chỉ 17 tuổi là một ví dụ tiêu biểu. Ngày nay, những nhà thơ mà nay đã xấp xỉ 40 tuổi như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải… mặc dù đã có gần 20 năm đi lại với thi giới với rất nhiều thành tựu văn chương, vẫn “chỉ” được xếp vào hàng thơ trẻ. Phải chăng hiện trạng này xuất phát từ sự “lão hóa” sâu sắc của thi đàn Việt, nếu ta nhìn vào những hội văn nghệ, hội nhà văn hay thực tế nhiều nhà thơ hưu trí xuất hiện lần đầu trên văn đàn khi tuổi tác đã trên U60. Vậy câu hỏi đặt ra đó là biên độ tuổi bao nhiều thì được xem là trẻ? Nhiều bạn bè viết phê bình của tôi hiện nay đều trên 30 tuổi (thế hệ 8x) như Đoàn Ánh Dương, Mai Anh Tuấn, Trần Thiện Khanh, Nguyễn Mạnh Tiến… hay thậm chí thế hệ lớn hơn như Phạm Xuân Thạch, Phùng Gia Thế, Hoàng Đăng Khoa… (thế hệ 7x) đều bị xem là phê bình trẻ, cho dù họ khá dị ứng với cách định danh này.
Kế đến cần gắn tiêu chí “thơ trẻ” với “chất lượng thơ”. Thơ trẻ thường bị xem là văn học ngoại biên, chưa thực sự là văn chương đích thực. Theo cách hiểu của không ít những “cây đa, cây đề” hiện nay, trẻ tức là chưa trưởng thành, “trẻ người non dạ” và chỉ mới tập tành viết. Tiêu chí này thường gắn với sự phân định ngôi thứ, đẳng cấp. Ai cũng hiểu là nếu trẻ thì phải học hỏi, phải “trải nghiệm sống”, phải chịu sự chỉ bảo, dìu dắt, thậm chí “búa rìu” của những bậc đàn anh, cha chú trong thơ. Nhưng với tôi, thơ ca là thể loại luôn gắn liền với tuổi trẻ. Tuổi trẻ làm thi ca thăng hoa và phát lộ hơn bất kì độ tuổi nào khác, những vĩ thanh sau tuổi trẻ chỉ là sự chắt lọc của trí thông minh, tài làm xiếc chữ mà thôi. Người đứng tuổi và già thích hợp hơn để viết tiểu thuyết, Haruki Murakami từng bảo rằng chỉ có thể viết tiểu thuyết sau 30 tuổi, vì trước đó ông không có gì để viết. “Đến năm 29 tuổi tôi mới bắt đâu viết. Trước thời gian đó tôi chẳng có gì để viết. Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó của riêng mình để viết. Đấy không phải là một lời khuyên. Đơn giản là chính tôi đã trải qua như thế”1. Nguyễn Huy Thiệp trong Giăng lưới bắt chim thì cho rằng: “Ngày thơ Việt Nam được tổ chức đến nay là năm thứ ba đã lộ rõ sự dung tục, nhiều lố bịch, không văn minh. Thơ, đấy phải là của tuổi trẻ, của sáng tạo, của tình yêu, của cái mới, đam mê và khát vọng. Tôi đã nhiều lần nói đến ba loại người làm thơ. Loại một của những người trẻ, những “thiên thần”. Trong lịch sử thơ ca, những bài thơ tuyệt diệu nhất đều là của những trai tân, gái tân, những thần đồng… Thơ nói chung, nhất là thơ tình nên dành cho tuổi trẻ. Ngoài loại một, loại hai vốn là thơ đích thực, còn lại là thơ chính trị, thơ tâm lý chiến, thơ tầm phào, thơ của “đám giặc già lăng nhăng thơ phú”1. Ở Việt Nam, nhiều nhà văn chỉ sau 40 tuổi mới có thể viết tiểu thuyết hay như trường hợp Bảo Ninh, thậm chí như trường hợp Nguyễn Xuân Khánh thì tuổi già mới giúp ông đủ trữ lượng tri thức văn hóa, lịch sử để viết. Trong phần trước tôi đã chứng minh ba thế hệ nhà thơ trẻ là động lực chính cho cả ba quá trình cách tân hệ hình văn học Việt Nam trong thế kỷ XX và XXI. Chưa kể đến tiêu chí này vẫn thường vấp phải sự mơ hồ, trẻ ở đây là trẻ về tuổi đời hay tuổi nghề. Có một số nhà thơ bắt đầu làm thơ, rồi xuất bản, rồi nổi tiếng, rồi được kết nạp vào Hội nhà văn ở trung ương và địa phương khi… ở tuổi mới “về hưu”. Ở Huế, trước đây có một giám đốc Sở Văn hóa trở thành nhà thơ khi đã về hưu, rồi lên làm lãnh đạo hội văn nghệ địa phương, vậy có tính họ là những nhà thơ trẻ? Ngược lại, có nhiều người đã thành danh non cả phần tư thế kỉ, với vô số những giải thưởng văn học danh giá và sự đánh giá cao của thi đàn như Vi Thùy Linh thì tại sao ngày nay vẫn xếp họ vào hàng thơ trẻ? Vậy thơ trẻ là trẻ về tuổi nghề hay trẻ về tuổi đời là một câu hỏi lớn cần thống nhất nhằm xác định nội hàm.
Nếu chúng ta căn cứ vào văn bản thơ thì cũng không hề dễ dàng. Dẫu vẫn biết “chữ bầu lên nhà thơ” như cách ví von của Lê Đạt, nhưng “nhiệm kì” của thi nhân không thể kéo dài mãi mãi cùng văn bản. Bởi vì, văn bản thơ thì không già đi, nó đã đông cứng về mặt kí tự (dù ngữ nghĩa có thể tuôn chảy nhờ người đọc), nhưng thời gian thì cứ trôi và tác giả của nó lại phải già đi. Thơ trẻ là thơ viết về tuổi trẻ hay là do tác giả trẻ viết? Đó là một câu hỏi về mặt bản thể lí thuyết chúng ta cần giải quyết. Hàng loạt những nhà thơ khởi đi từ những phong trào thơ học đường, câu lạc bộ viết trẻ, gia đình Áo trắng, thơ báo Hoa học trò, báo Sinh viên Việt Nam… của hơn 15 năm trước như Đàm Huy Đông, Hoàng Anh Tú, Phạm Nguyên Tường… ngày nay vẫn được xếp vào hàng thơ trẻ như một “ám ảnh”, dù hành trình thơ ca của họ hiện nay đã đi rất xa, rẽ theo những lối rất khác các thành tựu cũ. Trong tiếp nhận và cả phê bình văn học, có thực tế mà đôi khi vô thức chúng ta vẫn mắc phải, đó là xem những sáng tác đầu tay, gây nhiều ấn tượng nhất (chứ không hẳn là thành tựu quan trọng nhất) và có mức độ phổ biến nhất là “căn cước và bản sắc chữ” cho cả sự nghiệp sáng tạo của nhà thơ. Do đó mới có việc ngày nay, nhiều sách vở vẫn cứ xem nhà thơ Trần Đăng Khoa là một “thần đồng thơ”. Hoặc rất nhiều công trình nghiên cứu, không cần căn cứ vào độ tuổi thực tế của nhà văn nữa mà cứ thản nhiên xếp Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh… là những nhà văn trẻ, bởi căn cứ vào độ tuổi khi họ xuất hiện lần đầu trên văn đàn.
Để trả lời cả ba câu hỏi trên, nhằm xác lập một căn cước thơ trẻ, tôi nghĩ cần đặt ra hai tiêu chí cơ bản nhằm định nghĩa khái niệm. Thứ nhất, thơ trẻ phải là thơ do những người trẻ tuổi làm ra, và độ tuổi của họ chỉ được phép xấp xỉ tối đa trên dưới 30 tuổi. Trong cái nhìn mang tính “lịch sử cụ thể”, những nhà thơ ngày nay đã “trưởng thành” nhưng từng là nhà thơ trẻ, mỗi lần trích dẫn, phê bình cần nói rõ những bài thơ này đã từng được làm khi nhà thơ đó còn trẻ.
Thứ hai, thơ trẻ phải bao gồm nội hàm về mặt “chất lượng thơ”, tức là phải bao hàm trong nó sự cách tân tư duy thơ so với những thế hệ trước. Cứ không phải ai trẻ tuổi làm thơ, thậm chí là nổi tiếng hay được thị trường sách mến mộ với hàng chục vạn bản sách vẫn có thể được xem là thơ trẻ đúng nghĩa. Trẻ tuổi phải bao hàm trong nó một “giá trị” có tính khai phóng, cách mạng hệ hình thơ, chứ không đơn thuần chỉ căn cứ vào giấy khai sinh của tác giả. Từ đó, tôi quyết liệt từ chối xác nhận danh từ “thơ trẻ” như một sự phân định ngôi thứ cao thấp, mà theo đó đứng tuổi, lớn tuổi thì bao giờ cũng hay và nhiều trải nghiệm hơn trẻ tuổi. Ngược lại, tôi xem trẻ tuổi như một động lực, điều kiện để đổi mới thi ca1. Sứ mệnh của thơ trẻ hiện nay, ngoài những cách tân về mặt ngữ nghĩa hay nội dung phản ánh của thời đại, điều cốt lõi là phải cách tân hệ hình (paradigm) tư duy thơ. Bởi vì, mỗi thế hệ nhà thơ cần khẳng định vị trí lịch sử của mình trong lịch sử văn học bằng việc chuyển đổi thời đại văn học, hạt nhân tư tưởng của nó là chuyển đổi hệ hình văn học. Theo nghĩa ấy, trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, bộ phận thơ trẻ có nhiều đóng góp nhất được viết theo hướng cách tân hậu hiện đại (postmodern), dù hướng cách tân này không phải là duy nhất và những hướng viết theo các khuynh hướng, tư trào khác không hẳn là không còn có giá trị.
Sự thất bại hay thành công của thơ trẻ ngày nay vẫn còn nằm ở phía trước, những thành tựu tác gia hay tác phẩm có thể là chưa có, nhưng chí ít thế hệ cầm bút trẻ đã bước đầu tạo ra một bước ngoặt tư duy thơ. Có thể nói, họ là những người mở đầu cho một hệ hình (hậu hiện đại) đang từ ngoại biên tiến vào và trở thành trung tâm trong tương lai. Thành công sẽ phụ thuộc vào sự kiên nhẫn, tài năng cá nhân và cả điều kiện khách quan bên ngoài của xã hội, chính sách văn nghệ. Có thể còn đó những giới hạn mà ai cũng dễ dàng nhận ra, nhưng mọi sự khởi đầu đều như thế, mọi cái mới đều như vậy. Nếu như thế hệ trẻ này chưa làm được những dự cảm và quan niệm nghệ thuật mà họ đặt ra, thế hệ sau họ sẽ nhất quyết làm được. Mỗi hệ hình khi đã sang trang, nhất định không thể tái hôn lại từ đầu (với những tư duy hệ hình cũ) mà sẽ là một khởi đầu mới, một tương lai mới.
Yến Thanh