THƠ CỦA VĨ HẠ
phục kinh
sau ngàn năm có một giọt máu tái thế
rơi dưới đáy mắt
và một mảnh da phương Đông
có gương mặt chao nghiêng
chợt gãy đôi trong gió thoảng cánh nhạn giấy
bay vì một màu tóc vừa quên
người ta vẫn hỏi về ngàn năm
cái bóng của người cha đi hoang
đứng trước cổng nhà thờ
chấp tay khấn một chiếc lá mục
đứa con đứng chổng chơ nhìn lên cánh nhạn
những chuyện kể mai táng những chuyến bay
buổi chạng vạng lung lay từng nhịp thở
cha quay lưng trước từng bóng lưng dài
cánh nhạn đau lắm vết nứt trên lông
sà xuống đất như cha hôn ngực xác mẹ
tượng chúa dang rộng hai tay
bên tay trái người cầm một câu hỏi
tay còn lại cầm một cõi hư vô
trăm gân máu quấn quanh mắt chúa
che mù hết
những những lời ru đêm chết úa trên tường
da mặt tôi rã rời
khi trong đêm tiếng mẹ rên vọng
mà tôi không thấy mặt cha
tôi chấp tay cầu nguyện trước xác chúa
trong căn nhà vỡ mộng trước khi
tôi đốt xác chúa để chúa tái sinh trong mình
để không thấy cánh cửa mình khép lại
cha lại bỏ xác mẹ ngồi khóc trên bậc cửa
rồi đi như ngọn lửa tôi đốt một bài kinh
ngàn năm ấy
như một cánh nhạn hạ xuống mặt cha đi về
những điều ấy vẫn ở đây
khi người đến, cửa nhà
vẫn chưa mở để cho hơi thở ngoài hành lang
chạm vào bộ bàn ghế mà ông tôi để lại.
một chiếc ấm trà chờ tôi rót
cho người uống
và thở dài.
người hẹn tôi để nói về một khoảnh khắc
người nghĩ, chỉ nhẹ như sương trôi xuống cuống họng
nhưng ngực người vẫn run
và chỉ muốn nói, bằng ánh mắt người nhìn
vào bức tranh kí họa người tôi treo trên vách tường.
ta đã nói gì về nó, khi đang ngồi với nhau ?
về quyển sách ta đã đọc vào ba năm trước, đến bây giờ
chỉ còn cơn tức giận trong lớp chữ trong đầu ?
về những ước muốn người đã từng làm
chưa bao giờ, người không biết
ta có nên ở đây để viết tiếp ?
về nước mắt ngoài sân vườn,
mưa lầm rầm một bài kinh cuối xuân
trong khu vườn mưa đang xưng tội với một mầm cây nhỏ
không biết khi nào vượt qua bầu trời ?
rồi người ngồi cười, tôi ra mở cửa.
người bước ra, tôi đóng hờ con mắt mình để mong người
gõ vào cửa chờ một sự lặng im.
danh sách những điều cần làm trước khi ra khỏi nhà
tặng Hiếu –
1. cơm vẫn còn hâm nóng trong nồi. nhớ nuốt một chén để màu trắng chảy trong huyết quản.
2. quần áo nhớ giũ mạnh trước khi phơi. mặc một bộ đồ,thật im lặng.
3. kiểm tra lại bình nước, nấu thêm một miếng nước, đổvào chai. cần lưu giữ những kí ức kín đáo, nhưng vẫn cần uống cho có nước mắt và mồ hôi.
4. nhớ tắt điện. hôm nay là một ngày cần được nghỉ ngơi.
5. trước khi dắt xe máy ra, hãy nghe tiếng xì xèo từ xe bắp nướng của cô hàng xóm.
6. nghĩ về một người sắp sửa đi xa.
7. bánh xe mới bơm. thắng xe bị trôi, thiếu nhớt. nhớmang theo ví dù không có tiền để sửa. vẫn còn cà vẹt xe,đỡ mất công bị quắt vào.
8. nhớ chào người bạn cùng phòng. hôm nay cậu ta sắp có việc mới.
9. trước khi đi, nhìn lên bầu trời, và châm một điếu thuốc cho lần cuối.
10. không phải lúc nào bầu trời cũng biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.
11. hãy đọc những dòng này bằng chính mình.
———
Về tác giả:
Vĩ Hạ, sinh năm 2004 ở Phan Thiết, hiện đang sinh sống và học tập tại TP. Hồ Chí Minh. Là một người viết trẻ vẫn đang thực hành với thơ và cách thể loại văn chương khác.
Quan niệm của Vĩ Hạ về việc sáng tạo văn chương, là “Văn chương là văn chương kèm theo một dấu phẩy,” phần còn lại là chỗ trống mà mỗi người cần tự điền vào. Riêng với tác phẩm, nội sinh nó là một sinh thể sống đang tìm cách kể cho người tiếp nhận một câu chuyện, có thể là về chính nó, về một điều gì đó. Riêng với Thơ ca, góc nhìn của Vĩ Hạ có phần cá nhân hơn một chút. Với Vĩ Hạ, thơ ca là một người đứng trong con mắt tác giả và độc giả, vừa lắng nghe vừa uốn nắn – thay đổi bản thân họ, vừa là người cần họ lắng nghe và uốn nắn ngược lại mỗi khi muốn tự bộc bạch. Nhưng sau cùng, hành trình cùng đồng hành với Thơ ca, là hành trình để nhận ra những Cái Đẹp của riêng từng ý nghĩ, từng cảm giác, từng vết thương để sẹo và món quà hồn nhiên, và là hành trình đôi khi đầy bi quan nhưng vô cùng xứng đáng để nghe được giọng hát của một người trong cuộc đời hay như thế nào.
Vĩ Hạ đang vừa học cách sống và học cách viết, vẫn luôn suy nghĩ làm sao để có thể sống tử tế, có thể viết được những câu chuyện vừa giúp được mình, vừa tìm ra một giọng nói “chung” của bản thân, vừa trả lời cho câu hỏi “Ta đã, đang và sẽ là ai ?”, vừa giúp được một ai đó, vì một lẽ: không thể cứ cô đơn mãi mà viết, và không thể đọc, viết và sống mà chỉ biết một mình và cũng không thể đọc, viết và sống mà quên đi chính mình. Các tác phẩm của cậu, là viết từ những trải nghiệm còn non nớt về kí ức, về đời sống thường nhật, những câu chuyện của bạn bè, cha mẹ, những thân phận cậu gặp, giữa mối quan hệ giữa người và người, sinh thể người và sinh thể chữ, sinh thể cuộc đời và sinh thể Cái Đẹp, của mặt thực tế và những góc độ siêu hình giữa nội tâm xen lẫn thế giới xung quanh – vốn vẫn chưa thể giải thích được, và cả những trang sách, những ý niệm, những câu chuyện cậu đã, đang và sẽ trải qua.