Tháng năm có thêm một mùa trong “Mùa nhớ” của Nguyễn Duy Chung
Phía ấy tìm đâu mùa gió bấc
Không mùa phố lấm tấm cúc My
Thế còn nhớ…
Có không em mùa nhớ
Phía này giăng từ độ em đi
(Mùa nhớ- Nguyễn Duy Chung)
Nhà thơ Nguyễn Duy Chung là cựu sinh viên K39 Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay từ thời sinh viên, Duy Chung đã là cây bút tiêu biểu trong phong trào thơ sinh viên sôi nổi của Hà Nội những năm 1990. Từ bấy đến nay, Duy Chung vẫn dành tình yêu tha thiết cho thi ca. Nhà thơ vừa xuất bản tập thơ Những mùa nhớ (NXB Hội Nhà văn, 2021). Thi phẩm Mùa nhớ in trong tập thơ này.
Nếu như chúng ta vẫn thường biết đến một năm với bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông thì nay, qua những vần thơ của “người thơ” Nguyễn Duy Chung, ta được biết thêm một mùa đặc biệt, đó là “Mùa nhớ”.
Một “Mùa nhớ” chỉ vỏn vẹn năm dòng thơ nhỏ nhưng sao chất chứa biết bao nỗi niềm. Ngay mở đầu bài thơ, nỗi nhớ trải dài đã len lỏi trong từng câu chữ: “Phía ấy tìm đâu mùa gió bấc/ không mùa phố lấm tấm cúc My”. “Phía ấy” ở đây là nơi “em” ở, là nơi cách xa, khác biệt giữa thời tiết và cảnh vật so với “phía này”, nơi mà cả hai chắc chắn có nhiều kỉ niệm. Qua những hình ảnh đặc trưng của “Phía này” tôi có thể nhận ra một Hà Nội cuối thu, đầu đông đang đón từng cơn gió bấc se lạnh, những bông cúc họa mi lấm tấm ngập tràn trên phố phường. Vậy đối ngược với tiết trời này, phải chăng “nàng thơ” của Mùa nhớ đang ở miền Nam xa xôi, quanh năm chỉ có hai mùa nắng mưa.
Sau dòng thơ “Thế còn nhớ…” là dấu ba chấm lưng chừng và dòng thơ “có không em mùa nhớ” được in cách điệu như một dấu ngắt nhịp ngập ngừng của nhân vật. Phải chăng vì chính anh cũng không rõ liệu “em” còn nhớ hay không? Dấu ba chấm “…” của những lặng yên, lửng lơ trong những tháng ngày chờ đợi, mong ngóng, trong những tương tư thầm kín anh muốn giữ cho riêng mình. Anh vừa muốn em nhớ cũng vừa sợ năm tháng phai nhòa đi kỉ niệm, khi mà nơi “phía ấy” không có gì gợi nhắc về anh. “Có không em mùa nhớ”, câu hỏi được lặp lại lần hai, như tiếng lòng tha thiết đầy mong cầu của nhân vật trữ tình. Nỗi nhớ da diết ấy đã được tác giả khắc họa lên thành một mùa, như vòng tuần hoàn của thiên nhiên đất trời. Mùa thì năm nào cũng trở lại. Nhưng không như tự nhiên, ví như mùa đông nối sau mùa thu, mùa nhớ của “anh” ở sẵn đó, bừng dậy mỗi khi cảnh vật đều gợi nhắc về kỉ niệm. Đặc biệt hơn, thời điểm giao mùa với tiết trời lạnh âm trầm, khoảng thời gian khiến con người ta càng dễ hoài niệm và chất chứa nhiều ưu tư. Người đến rồi đi tựa cúc my dễ dàng bay theo làn gió, chỉ đến vào đúng một mùa rồi gây thương, gây nhớ cả một năm. Vậy nên, anh muốn hỏi em thật rõ, bởi chính anh đang trải qua “mùa nhớ”, những nhớ nhung đã “giăng từ độ em đi”. Từ “giăng” được sử dụng thật tài tình, “giăng” có nghĩa là làm cho căng ra theo mọi hướng trên bề mặt, bủa ra khắp không gian, thời gian và Như cánh họa my mỏng manh trước gió, bay khắp “phía này”, nỗi nhớ của anh cũng “giăng” đầy vấn vương từ rất lâu rồi.
Ở đây có sự đổi mới so với thơ ca trung đại và ca dao xưa. Thơ ca trung đại và ca dao xưa, người rời đi luôn là những chàng trai và nỗi nhớ sẽ để lại cho các cô gái, cho những người phụ nữ đợi chờ trong mòn mỏi. Đó là người con gái như bến sông, bến đò đợi chờ người thương:
Thuyền đi có nhớ bến chăng,
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
(Ca dao)
Đó là chinh phụ thăm thẳm dõi mắt trông theo chinh phu ra trận:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ gối chăn.
Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh.
(Chinh phụ ngâm khúc- Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm)
Đó là một nàng Kiều:
Nàng thì chiếc bóng song mai,
Đêm thâu đằng đẵng, nhặt cài then mây.
Sân rêu chẳng vẽ dấu giầy,
Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân.
khi Từ Hải: “Cánh bằng tiện gió cất lìa dặm khơi” (Truyện Kiều- Nguyễn Du). Đến văn học hiện đại, cuộc sống thay đổi, người ra đi không còn là “độc quyền” của những chàng trai nữa. Thay vào đó, người con gái cũng trở thành “cánh hồng bay bổng tuyệt vời” để các chàng trai “đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”! Chế Lan Viên từng diễn tả cảm xúc đợi chờ như thế:
Buổi sáng em xa chi
Cho chiều, mùa thu đến
Ðể lòng anh hoá bến
Nghe thuyền em ra đi!
(Lòng anh làm bến mùa thu)
Qua đây, ta có thể thấy sự hoán đổi đặc điểm, cuộc sống của giới tính giữa các thời đại. Đến Nguyễn Duy Chung, tính bình đẳng hóa, những quan niệm quy ước xa xưa tiếp tục được phá bỏ, đổi thay giúp tôi thấy sự đổi ngôi thú vị. Có điều “em đi” là thế nào? Là tạm chia xa (người yêu về quê, đi công tác,..)? Hay đó là sự chia tay? “Từ độ em đi” là tự bao giờ? Mới hay đã vời vợi xa xôi năm tháng? Câu thơ ngắn, gợi sự đa nghĩa, mở nhiều chiều ý tưởng, nhiều cách hiểu với người đọc. Chỉ có điều, hiểu theo nghĩa nào thì nhân vật trữ tình cũng vẫn dành cho “em” một nỗi nhớ thân thương, tha thiết. Cánh hoa cúc mi mong manh, trong trắng gợi đến dáng vẻ yêu kiều và tâm hồn trong sáng của “em” qua nỗi nhớ của “anh”. Cánh hoa cúc mi hẳn cũng gợi đến những kỉ niệm của chàng trai cô gái khi họ còn là lứa đôi hạnh phúc. Đó có thể những bông cúc mi chàng trai tặng người con gái, cũng có thể là cảnh họ đi dạo bên nhau giữa mùa cúc mi Hà Nội… Mỗi bạn đọc, tùy vào sự liên tưởng hoặc từ chính những kỉ niệm của bản thân mình mà lại có thêm bao ý nghĩ! Một bầu trời nỗi nhớ từ nhà thơ đến bài thơ và lan tỏa mênh mang đến bạn đọc gần xa! Nỗi nhớ mỗi lúc một thiết tha hơn. Bởi nhớ nhung là chất xúc tác mạnh mẽ nhất để minh chứng cho tình cảm đôi lứa, nỗi nhớ sẽ càng trở nên mãnh liệt, khắc khoải hơn khi ta không thể biết “người ấy” đang ra sao.
Khoảng cách, thời gian khiến nỗi nhớ dâng trào, vài dòng thơ nhỏ, mang nỗi nhớ giăng khắp. Đọc “Mùa nhớ” của Nguyễn Duy Chung, tôi lạc vào một chiều cuối thu Hà Nội, lạc vào một mùa để thương, để nhớ…
Tác giả: Nguyễn Minh Hiền