PHƯƠNG ĐÔNG NHƯ MỘT NGƯỜI TÌNH
“Người tình” – câu chuyện về một mối tình kì lạ, đẹp đẽ xứ Đông Dương hay “Người tình” – chẳng có chuyện tình nào hết ngoại trừ những trăn trở trên hành trình đi tìm căn tính của cô thiếu nữ người Pháp mới lớn khi tham chiếu trên một mặt phẳng mang tên “phương Đông”, một phương Đông được xác lập chủ yếu bằng tọa độ “người tình” của cô – người đàn ông Chợ Lớn?

PHƯƠNG ĐÔNG NHƯ MỘT NGƯỜI TÌNH

“… đột nhiên cô không dám chắc là cô đã từng không yêu anh bằng một tình yêu mà cô không nhận thấy bởi vì nó lẫn vào trong câu chuyện như là nước thấm vào cát và chỉ đến bây giờ cô mới tìm lại được nó vào cái khoảnh khắc này khi tiếng nhạc tuôn ra xuyên qua biển cả.”

Những dòng cuối trong cuốn sách của Marguerite Duras có thể đã giúp vài bạn đọc thở phào. Những độc giả nhiệt tình vẫn chờ đợi diễn biến, phán đoán kết cục cho câu chuyện, giờ có thể tạm yên tâm gấp cuốn sách lại sau khi chứng kiến khoảnh khắc gần như là duy nhất của tiếng nhạc trên biển kia, khi cô gái rụt rè nhận ra mình, ngập ngừng nhận ra tình yêu trong mình. Còn bên phía kia, những độc giả hồ nghi, từ đầu đến cuối chỉ chực chờ những câu hỏi như: “có hay không một “người tình”, có hay không một “chuyện “tình”?” trong những trang viết này, cho tới tận lúc này, nấn ná đứng trước biển và chẳng dám tin điều gì là có thật trong cuốn sách. “Người tình” – câu chuyện về một mối tình kì lạ, đẹp đẽ xứ Đông Dương hay “Người tình” – chẳng có chuyện tình nào hết ngoại trừ những trăn trở trên hành trình đi tìm căn tính của cô thiếu nữ người Pháp mới lớn khi tham chiếu trên một mặt phẳng mang tên “phương Đông”, một phương Đông được xác lập chủ yếu bằng tọa độ “người tình” của cô – người đàn ông Chợ Lớn?

Người tình' và 'Đông Dương' trở lại cùng 'Người Mỹ trầm lặng' | Điện ảnh | Vietnam+ (VietnamPlus)

Người tình – một phương Đông cấm kỵ

Câu chuyện về “người tình” trước tiên là câu chuyện được nhớ và kể lại. Đó là thứ thuộc về quá khứ. Những gì đã bị đẩy về phía của hoài niệm thường đèm đẹp nhưng yếu đuối và lép vế, bởi, vì lí do nào đó, chúng đã không phải điều được chọn, được ở lại cùng với thực tại. Người đàn ông Chợ Lớn gốc Hoa mãi mãi chỉ là phần thuộc về kỉ niệm của cô bé da trắng mười lăm tuổi rưỡi năm nào, anh đã không bao giờ cùng cô bước chân lên chuyến tàu đó. Anh, người tình, là phương Đông bị bỏ lại. Xứ sở này, dù là nơi sinh và nuôi cô lớn lên, nhuộm vàng da cô, là nơi mang những dòng sông đẹp nhất, rốt cục vẫn bị bỏ lại. Anh, hay phương Đông, là miền đất thể nghiệm, là ga chờ cho những chuyến tàu sang bên kia. “Họ chẳng làm gì hết, họ chỉ giữ mình thôi, họ giữ mình cho châu Âu.” Họ, những người phụ nữ da trắng, kể cả cô, ngay từ đầu đã luôn ý thức đặt phương Đông vào vị trí như một “người tình”. Hai tiếng “người tình”, bản thân đó đã là ranh giới, vĩnh viễn trên hàng ghế chờ.

Chính cô, từ những dòng đầu tiên, đã chọn cho mình vị trí đứng bên lề phương Đông. Ghế cô ngồi trên chuyến xe khách về Sài Gòn là chỗ được mẹ cô trả thêm chút tiền để sắp xếp – chỗ ngồi riêng của những hành khách da trắng, cạnh người tài xế. Vị trí của cô trong không gian tách cô khỏi những điều còn lại, những thứ thuộc về khu chợ Sa đéc: một ông tài xế biết đùa, những bà già nhai trầu ở hàng ghế sau, những đứa trẻ ngồi trên giá để hành lý. Chút tiền lẻ của mẹ cô, bà giáo dạy tiếng Pháp, có thể đặt cô vào một tọa độ bớt mùi của mồ hôi, của hàng hóa, của động vật hay hạn chế đi những rủi ro của tai nạn, hỏa hoạn, hãm biếp, cướp tấn công hay đắm phà. Vẫn là cô, khi bước xuống khỏi chiếc xe khách của người dân bản địa đó, chọn cho mình đứng ở nơi mạn phà, tách biệt với khung cảnh thuộc địa nhốn nháo phía sau, cùng với đôi giày cao gót dát kim tuyến, chiếc váy lụa tơ tằm đã sờn hay chiếc mũ đàn ông, thứ trang phục cô biết chắc khiến cô khác biệt với tất cả những gì ngoài cô. Bản thân cô trong câu chuyện này đã tự trao cho mình điểm nhìn của một kẻ đứng ngoài quan sát. Vẻ lãnh đạm đôi khi đến dửng dưng, bất cần này sẽ còn được bắt gặp trong những cuộc ái ân của cô bên người tình Chợ Lớn, trong những bữa ăn thịnh soạn của anh với gia đình cô. Cô đã gần như không nói, khi làm tình, cô vào hùa giữa cái im lặng của mẹ và các anh trai cô, khi ăn. Ngay cả thời khắc chia ly, “cô đã khóc mà không để lộ nước mắt, vì anh là người Hoa và người ta không nên khóc thương những người tình loại này”. Cái im lặng của cấm kỵ. Anh thuộc về phương Đông cấm kỵ, là “loại người tình” không được nhìn và không cần nhìn, và hiển nhiên, không cần khóc. Hậu tố “gốc Hoa” sau tên anh là một biển báo với dấu gạch chéo. Gia đình cô chưa bao giờ thực sự tha thiết cấm cản sự đi lại của cô và anh, vì họ đơn giản tin rằng: chỉ vì tiền, không bao giờ có thứ gọi là tình yêu giữa cô và anh, một da vàng và một da trắng. Cô, đến với anh, không có vẻ gì của một Juliet nhiệt thành, dữ dội đến với tình yêu, càng không giống một nỗ lực vượt lằn ranh để đi ngược lại những định kiến sắc tộc. Phương Đông thể nghiệm, người tình Trung Hoa là phép thử cho những trải nghiệm đầu đời về thân thể của cô gái mười lăm tuổi rưỡi, biết sẵn định mệnh của mình là để dành cho những hoan lạc của thể xác đó. Phương Đông thách thức, dấu X của bà mẹ nhà giáo đoan trang như quả phụ, của những phụ nữ da trắng “giữ mình cho những kì nghỉ ở Italia”, khiêu khích thứ tuổi trẻ đang cựa mình trong cô gào lên được chạm vào. Cô đi theo anh, cô tìm đến anh trong những ngày thứ Năm tại căn nhà khu Chợ Lớn, chạm tới phương Đông bằng thứ tinh thần tự do, quả quyết của một châu Âu khao khát được chứng tỏ, được định vị mình. Ngay từ đầu, cô đã biết chắc “anh nằm trong sự điều khiển của cô”. Cô, thiếu nữ mười lăm tuổi rưỡi, trong trải nghiệm xác thịt đầu tiên, đã nhìn thấy nỗi mặc cảm, sự tự khuất phục của chàng tỉ phú Trung Hoa, nhờ tất cả những nhạy cảm sắc tộc nằm trong mã gen di truyền của người da trắng. Phương Đông là hàng rào, nhưng giống như bức tường của ký túc xá, luôn là thứ mà bất cứ thiếu nữ nào cũng muốn được một lần trèo sang bên kia.

Người tình – phần phương Đông đáng khát khao

Vượt rào. Anh là người tình cô biết chắc mình cần gặp sau bức tường ký túc xá đó – phần phương Đông được chọn lọc. Khi cô chọn đứng ở mạn phà, chỉ có cô và phần còn lại. Anh là mảnh ghép phương Đông được lựa chọn trong bức phông nền đó. “Cô đã thấy anh nhìn cô, trong chiếc xe limousine to màu đen giữa bến phà. Anh những tưởng là mình đã may mắn thấy cô ở đó, nhưng bản thân sự thấy của anh chẳng hề là ngẫu nhiên, nó nằm trọn trong điểm rơi của ánh mắt cô. Anh, chứ không phải bất cứ người đàn ông nào trên chuyến xe bản xứ kia, có những tiêu chí để trở thành “người tình”.

“Đó không phải là một người da trắng. Anh ta vận đồ kiểu Âu, anh ta mặc bộ quần áo bằng lụa tussor màu sáng như các chủ nhà băng ở Sài Gòn. Anh ta nhìn tôi.” Sắc tố da vẫn là thứ đầu tiên cô chú ý đến, nhưng ở anh còn có bộ quần áo lụa, có chiếc nhẫn, có chiếc limousine đính kèm. Anh là người đàn ông gốc Hoa mang trong mình nỗi nhớ về Paris với những cô gái dễ thương, những cuộc ăn chơi, nhậu nhẹt, những tên phố, tên cửa hiệu bằng tiếng Pháp. Những nỗi nhớ, hoặc cách nói về nỗi nhớ có hương vị giàu sang. Và sự thật là, chỉ qua việc hồi tưởng, anh đã chứng tỏ mình có những nỗi nhớ đẹp không thua kém một người con đẻ của Paris nào. Anh không nằm trong phần đa số của phương Đông. Anh là đứa con lai giữa màu da vàng thuộc địa không thể chối cãi, thân hình gầy gò, không sức lực, không cơ bắp với những trải nghiệm lấp lánh từ phía Tây, từ chiếc nhẫn anh đeo, những kỉ niệm anh đã chi trả, số tài sản mà cha anh sở hữu. Lai căng. Có một truyền thống về những “người tình” của phương Đông mang trong mình đặc điểm này. Từ những bà me với những kĩ nghệ lấy Tây trong những trang viết của tay nhà văn bản xứ Vũ Trọng Phụng cho đến Phượng, người tình của những người Anh, người Mỹ trầm lặng dưới ngòi bút của Graham Greene, tất cả họ, hoặc giỏi làm tình, hoặc giỏi nhảy đầm, hoặc có thể nói vài câu tiếng Pháp, hoặc biết nghiêng đầu bắt tay khi chào hỏi, đều chung nhau ở cái “lai” rất Tây đó. Phần phương Đông bị gạt ra hẳn khỏi ống kính, đó là chiếc xe chật chội, hôi hám, bẩn thỉu đang đỗ lại kia. Còn anh, khi anh ngồi sau chiếc xe limousine đen huyền bí, quyền lực kia, anh đã lái anh vào cùng một mặt phẳng, một trục tọa độ với cô. Bản thân cô cũng là đứa con “lai” của phương Đông, với thân hình gầy gò, mảnh khảnh, chiều cao khiêm tốn và bộ ngực lép. Họ đã cùng nhau bước vào chiếc xe đó để trở về Sài Gòn, cả cô và anh, một nỗ lực vượt thoát khỏi những gì đang diễn ra nháo nhào và thô tục. Có lẽ không cần phải nói nhiều tới niềm say mê, khao khát cô trong anh, sức quyến rũ mãnh liệt từ “một thiếu nữ da trắng trong chiếc xe khách của dân bản xứ”, chính cô, cô cũng bị thuyết phục bởi anh. “Tôi nói với anh tôi thèm muốn anh vì anh là người như vậy, với nhiều tiền bạc, rằng lúc tôi gặp anh thì anh đã ở trong chiếc ô tô ấy, với số tiền bạc ấy.” Anh không phải một cuộc chơi mạo hiểm của cô, không hề là một cú vượt rào mù quáng. Bản thân anh trong tạo hình bề ngoài là một dấu đóng cho nỗi yên tâm trong cô, đứa con của một gia đình Pháp với đầy đủ sự nghèo khó, bần hàn, thế cùng lực kiệt, leo lắt, bơ vơ nơi thuộc địa.

Tình yêu của cô (nếu có thể gọi đó là tình yêu) đối với “người tình”, đối với phương Đông có những quy ước của riêng nó. Một người tình Trung Hoa hấp dẫn, một phương Đông đáng để mắt phải là một phương Đông biết cách tiệm cận với những cảm giác phương Tây, biết cách chiều lòng những hành khách da trắng với nỗ lực đồng nhất cho dù còn vụng về. Sau sự xuất hiện của chiếc xe limousine đen, “tôi sẽ không bao giờ đi xe khách dành cho dân bản xứ nữa”, phần phương Đông bóng bẩy, hào hoa này sẽ chiến thắng vĩnh viễn cái xù xì, thô kệch, hun hút bí hiểm trên chuyến xe đi từ miền Sa Đéc kia. Vĩnh viễn. Sau này, cô sẽ còn tiếp tục chối từ nốt anh, người tình – phần phương Đông lấp lánh, được gọt giũa – để đi lên chuyến tàu về Pháp như cô đã từng bỏ lại chuyến xe khách của cả những năm tháng niên thiếu của cô. Để đi tìm kiếm những thỏa mãn cho những khao khát khác.

Người tình – một phương Đông có thể hòa giải

Cô gái đó sẽ còn phải đi, phải viết nữa để chạm tới được tận cùng của nỗi khát khao bí hiểm chưa thể hiểu hết trong cô. Bởi cô cũng như anh, đứa con “lai” sống giữa thuộc địa xám xịt, nghèo nàn này, đầy khiếm khuyết và thèm được lấp đầy, bằng tiền, bằng tình dục hay tình yêu. Anh đã không giấu đi cái đáng thương của mình, anh đã khóc khi đi vào cô, khi tha thiết được yêu cô. Cô đóng vai như một Đức Mẹ dang tay đón đứa con đầy mặc cảm, tội lỗi vào bộ ngực nóng hổi của mình với một tấm lòng như bao dung. Trong hầu hết những phân cảnh diễn ra trong căn phòng khu Chợ Lớn nhập nhoạng bóng người, tiếng người đó, cô duy trì im lặng như một người đang ban ơn. Bản thân cô, chưa từng khóc thành tiếng vì người tình, cô khéo léo ngụy trang mình trước phương Đông yếu đuối kia, rằng mình ở đây, thế thượng phong, kẻ nằm đây nhưng dây cương với quyền làm chủ. Sự kiêu hãnh bất biến ở mã gen người da trắng trước phương Đông suýt đánh lừa tất cả, suýt ngó lơ đi rằng cô cần anh như anh cần cô biết chừng nào. Một gã khờ bóng bẩy nhưng yếu ớt, bất lực với những lựa chọn cho cuộc đời mình, vụng trộm khát khao có được tình yêu, một thiếu nữ da trắng sống trong bần hàn với thân thể khiếm khuyết của một thuộc địa nhược tiểu, lạc lõng, trơ trọi, không nơi bám víu, không một căn tính vững chắc nào. Chính anh, phần phương Đông lai căng đó cho cô sự yên tâm về cơ thể mình, về giá trị của cái thân hình mảnh khảnh lẫn tâm hồn yếu ớt này. Cô có thể kiêu hãnh về thứ mà trước đó khiến cô phải thầm thèm khát nơi người bạn gái da trắng duy nhất trong kí túc xá của cô – nước da, thân hình, bộ ngực đẹp. Anh, người tình Trung Hoa nhưng có đủ sự vừa vặn, trang nhã của một phương Tây khiến cô có cơ sở để tự tin rằng mình hấp dẫn và có sức hút. Anh, không được phép là một phương Đông quá xa lạ, đã cho cô lấy lại được một phần kiêu hãnh về gốc gác của mình, thứ mà trước đó, cô bị chính người mẹ, người anh cả trong gia đình khước từ và người bạn gái luôn khỏa thân đi lại trong phòng kí túc xá sau khi tắm luôn vô tình làm cho cô thêm mặc cảm.   

Cả người tình và phương Đông có lẽ đã hòa giải được ở cô những mặc cảm đó. Chỉ bằng cách hiện diện và đi vào trong cô không ngừng, người tình có lẽ đã khỏa lấp nỗi ngờ vực của cô về chính cơ thể mình. Phương Đông với vẻ xù xì, hoang dại của nó tạm cho cô và gia đình mục ruỗng, tan nát từ trong ra ngoài của cô một cảm giác: ở đây, tất cả vẫn còn có thể tiếp tục được. Cả hai bên đều đã được an ủi, dẫu có thể sự vỗ về đó đã diễn ra chẳng hề nhẹ nhàng, bằng nỗi đau đớn của một cô thiếu nữ với mọi thứ chưa hoàn thiện, từ thể xác đến tinh thần. Cô, đã tự chủ để bước vào căn phòng khu Chợ Lớn này, phần phương Đông này, cô, cũng đã tự bước ra khỏi nó bằng những lựa chọn tự thân của mình. Chỉ có điều, tất cả những thứ đó diễn ra năm cô mười lăm tuổi rưỡi. Ai dám chắc được được tự do đã là sự hòa giải thực sự?  

“… đột nhiên cô không dám chắc là cô đã từng không yêu anh bằng một tình yêu mà cô không nhận thấy…” đó là một cấu trúc câu phải viện đến ba lần phủ định bởi chẳng dám khẳng định một điều gì. Rời khỏi phương Đông này trên chuyến tàu đó, cô gái da trắng sẽ còn mang trên mình mãi những câu hỏi, những phần tương lai mà cô sẽ chẳng bao giờ biết được. Vùng đất này, cả thứ trông giống tình yêu này, vẫn cứ mãi là một bí ẩn nằm trong cát.  

V.T.K.C

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)