PHÉP NHÂN HÓA KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỰC – Đức Anh Kostroma
Một cách nhìn văn chương khác với truyền thống, đi từ một góc độ nhỏ: phép nhân hoá
Văn trong nhà trường
Nếu bạn đọc đã mất công đọc một vài, hay toàn bộ các bài viết của tôi, có thể sẽ nhận thấy từ chỗ giải quyết những kỹ thuật sáng tác khô khan và bề nổi, càng về sau tôi càng đi đến một thứ trông giống như nằm ngoài sự viết lách, nhưng lại có quyền lực chi phối tất cả bút lực: thế giới quan của người viết. Giữa thế giới quan và cách viết: cái nào tạo ra cái nào? Tất nhiên không phải ngại ngần gì khi nói cách viết là hiện hình của một thế giới quan, và thế giới quan thì tạo ra cách viết.
Các khoá đào tạo “làm chủ ngôn từ” về cơ bản không nhìn lên những điều trên đỉnh mái che sự viết lách, và thám cứu dưới vực sâu của sự viết lách, mà dí cho người ta một cái liềm sắc bắt làm thợ gặt lúa. Tức là chúng không tập trung vào bút lực, mà lệch sang kỹ năng mềm. Nhưng cũng khó mà trách được cái máu thực chiến này, về cơ bản nhiều khi người ta đi học là để giải trí và tìm kiếm các mối quan hệ mới. Đa phần chúng ta không chịu đựng được lý thuyết, dưới cái nóng ẩm đầy nhục cảm của xứ nhiệt đới này.
Nhưng cái “học đi đôi với hành”, dù là học hành bất cứ cái gì đều chứa trong ấy ít nhiều huyễn tưởng. Chẳng hạn những bà nội trợ bỗng dưng muốn trở thành nhà thuyết trình quyền năng, thực ra là phản chiếu của ham muốn vượt thoát. Vượt thoát khỏi một lịch sử đè nén phụ nữ.
Từ lâu đã có những phản ứng về sự thiếu chuẩn xác (trong phát âm, hướng hình thành kỹ năng) với môn tiếng Anh, và bực mình vì cách dạy học khô khan của môn lịch sử trong nhà trường, nhưng tại sao chưa bao giờ thấy người ta phản ứng tương tự với môn văn? Và phản ứng nếu có, dừng lại ở một vài thầy cô yêu văn chương và thấy thất vọng về mô hình dạy và học cứ đổi mới loạn ly.
Theo như những gì tôi biết, giờ dạy văn ở những trường công ở các tỉnh đã đến độ giáo án được giao ban sẵn và thầy cô chỉ còn việc trình chiếu tài liệu và nói theo. Chợ giáo án online đã xuất hiện nhiều năm và trở nên nhộn nhịp vào năm học 2023-2024, với các bộ giáo án được quảng bá là do giảng viên từ các trường sư phạm có tiếng biên soạn. Các tài khoản trên mạng xã hội thường núp bóng “trao đổi” tài liệu để mua bán giáo án từ bậc tiểu học đến THPT, kèm theo các dịch vụ tư vấn nhiệt tình. Giá bán dao động từ 700.000 đồng cho giáo án cả năm đến 800.000 đồng cho các sáng kiến kinh nghiệm, gây ra lo ngại về tính minh bạch và đạo đức trong giáo dục. Khi tìm kiếm từ khóa “bán giáo án online,” xuất hiện nhiều hội nhóm công khai trao đổi tài liệu, giáo án từ bậc tiểu học đến THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phản ứng thứ hai (thường là từ các chuyên gia) là môn văn quá một chiều và đọc chép. Song chúng ta cũng phải thấy là ở một mức độ nhất định, môn nào cũng là một chiều và đọc chép mà thôi. Đòi hỏi tư duy độc lập là phải đòi hỏi ở tất cả mọi môn. Một môn học như môn thể dục có ý nghĩa sơ khởi là làm cho người ta hiểu và quý trọng thân xác và sinh lực của mình. Nhưng ở nhiều nơi, môn học ấy mới là môn đọc chép đúng nghĩa, dù không hề dưới hình thức giấy bút.
Để cải thiện dạy và học môn văn, người dạy cũng đã nỗ lực nhiều điều, chẳng hạn tổ chức cho người học thuyết trình, phản biện. Cơ bản thì nó cũng tốt thôi. Song những kỹ năng mềm đó rất có thể không phải và thậm chí đối lập với văn chương. Kỹ năng mềm là một công cụ để tiến thân trong cuộc đời, nó không liên quan nhiều đến tư tưởng, ý chí và cảm năng nghệ thuật.
Dù gián tiếp hay trực tiếp, văn chương, hay ngôn ngữ, thậm chí là những thanh âm tí tách líu lo và nhạc điệu của từ ngữ, có những ẩn lực tác động đến đời sống tinh thần, và qua đó là đời sống xã hội. Nó đứng sau mọi ngành kinh tế, tuy nó không chỉ huy trực tiếp, nhưng nói một cách ví von, như một thầy dùi.
Văn chương không đại diện và thật ra hoàn toàn không liên quan đến bất cứ cái gì đã được xác lập trong danh sách sau đây: lý trí, tình cảm, cảm xúc, nỗi niềm, giao tiếp, EQ… So với văn chương, những khái niệm vừa rồi hoàn toàn là những khái niệm đã chết – vốn chỉ là cái phần ứ đọng y như Calci Carbonat kết rắn trong nước máy nhiễm vôi sau một lần lửa. Nếu không đưa người ta vào chỗ ảo ảnh, thì cũng cuỗm mất của người học những cơ hội được giữ khoảng cách với các thuật ngữ đã chết trên từ điển
Nhân hoá
Tôi ngờ rằng biện pháp nhân hoá – cũng giống như chuyện người ngoài hành tinh, cũng giống như những lời hứa giữ hộ tiền lì xì của các bà mẹ – không bao giờ có thực.
Trước hết, môn văn trong nhà trường, và biến tướng của nó là các khoá học viết và làm chủ ngôn từ sau này, tách tu từ ra khỏi bản chất của văn chương. Làm như đó là một liệu pháp kỹ thuật dùng để áp dụng, và làm như nó là một thứ son phấn đắp vào chẳng có can hệ gì với dung nhan. Điều này thoạt nhìn không sao cả, nhưng phải đi kèm với giải thích về cơ chế, vì nếu không thì không khác gì dạy lịch sử theo biên niên mà không cho thấy các động lực bên trong.
Nhân hoá không phải là một khái niệm thịnh hành trong dạy văn chỉ ở Việt Nam. Ở phương Tây, nó được gọi là personification, có nhiều cuốn sách nói về nó, như James J. Paxson trong The Poetics of Personification. Nhân hoá được SGK hiểu là cách biến các thực thể phi nhân (gồm sinh vật và những vật vô tri) có tình cảm, hành động như con người để khiến cho câu văn sinh động hơn.
Khi ra trường, môn văn dừng lại, ta không theo nó nữa, nó cũng tách khỏi cuộc đời ta, với những thứ đồ đạc gói dở bỏ lại trong căn phòng trống vắng của tinh thần. Nhưng hãy cẩn thận với những cái gì một nửa. Yêu một nửa. Sống một nửa. Và làm một nửa. Thật đáng sợ khi ta cắn một quả lê và nhìn thấy nửa con sâu, thay vì một.
Khi chúng ta viết một câu như “sóng hôn lên bờ cát”, thì có phải là một hành động được nhân hoá lên để giống như con người không? Nếu trên đời ai chưa từng thấy – thật là bất hạnh – nếu chưa từng thấy sóng đã thực sự hôn lên bờ cát (“Nếu ai trên đời chưa một lần thấy / không có quyền phán xét những câu thơ” – Lưu Quang Vũ). Nụ hôn là gì nếu không phải là một cú táp của vật chất rắn và tạo ra những con sóng?
Tương tự, những chú lợn trong truyện của George Orwell (Chuyện ở nông trại) hay con khỉ Shinagawa của H. Murakami là được nhân hoá như con người? Đúng. Nhưng kết luận như vậy không để làm gì, không gợi mở bất cứ điều gì ngoại trừ để làm bài tập. Nó còn vi phạm một nguyên tắc có tính cách cốt lõi hơn của tiểu thuyết: tiểu thuyết là một hệ thống khép kín, trong đó nó có luật lệ riêng quy định cách vận hành của nó. Những chú lợn, ngựa, vịt… của G. Orwell biết nói, biết đau buồn không phải vì chúng được nhân cách hoá cho sinh động, mà vì đó là cơ chế của cuốn tiểu thuyết, trong đó ít nhất có cơ chế ngụ ngôn và ẩn dụ.
Nhân hoá / Personification cần được nhận ra như một tín hiệu nghệ thuật, trong những văn bản nhất định, để đi vào không gian sáng tạo của văn bản; không phải là một biện pháp tu từ
Bởi nó nguy hiểm ở chỗ nó mặc định thẩm quyền cấp tiếng nói và tâm hồn của vạn vật cho con người, điều sẽ đúng trong một ý hệ, nhưng va chạm với hầu hết các ý hệ khác.
Nếu bạn từng ngó ra một cơn mưa cuối hạ, và nếu khoảnh khắc bạn thấy ô cửa sổ bật khóc [1], đó không phải là nhân hoá. Ô cửa sổ, với khoảnh khắc đó của riêng bạn, nó thực sự bật khóc. Khoảnh khắc ấy xác lập một thế giới của bạn. Thế giới ấy tan vỡ rất nhanh. Nhưng nếu bạn thực sự đã thấy, và không nghĩ đó là nhân hoá, thì lúc đó mới chạm đến văn chương.
Nhân hoá là những gì còn lại, hoang tàn khi thoát khỏi thế giới văn chương. Sóng hôn bờ, cửa sổ khóc. Đó là một kỷ niệm. Thế giới quan tạo ra cơ chế để phát sinh một thứ mà sau này người ta không còn cách nào khác, buộc phải gọi là nhân hoá, chứ không phải theo chiều ngược lại, nhân hoá được sử dụng
Ta sẽ cùng xem Nguyễn Tuân:
“Phía tây thành Bắc Ninh, trên một nền đất rộng đồ sát vào chân thành cho lần gạch ngoài thành được thêm vững chãi. Lũ cây chuối mật tha hô mặc sức mà mọc. Nó um tùm, tàu lá rộng và không bị gió đánh rách, che kín cả bóng mặt trời. Trên áng cỏ bốn mùa ẩm ướt, loài nấm dại sinh nở hết sức bừa bộn.
Khoảng đất ấy ở phía sau kho lúa xây trong thành quanh năm không có vết chân người.” (Trích Chém treo ngành)
Nhân hoá không làm nên sự sinh động, ngược lại, sự sinh động của trần gian là sẵn có, nó xuất hiện trước và là một phần cách nhìn thế giới của người sáng tạo. Nó làm nên một thứ gọi là không gian văn chương, một cái xới mà vạn vật đều mang tâm hồn của chúng góp vào. Khoảnh khắc ta phát hiện ra tâm hồn của sự vật chính là lúc mở được một cách cửa vào thế giới khác. Đi vào tâm hồn của sự vật, đó là bản chất của văn học. Chẳng có ai thèm đi bắt chước con người hoặc được gán cho các yếu tố của nhân tính cả. Bởi những chuyển động của tự nhiên trong văn học đi song song với chuyển động của từ ngữ. Đúng hơn là các từ bắt đầu thoát y và chuyển nghĩa để đi vào thế giới với một sức sống khác. Tại sao ta lại cho rằng ô cửa sổ được ví von như là khóc mà tại sao không nghĩ rằng: sự khóc được định nghĩa lại?
Văn học, do đó, không phải là sự mô phỏng của thực tại, mà là sự tham gia vào một chiều kích khác, nơi từ ngữ được giải phóng khỏi nghĩa thông thường và mang lấy những ý nghĩa mới.
Cơ hội không chỉ mở ra cho sự viết, mà hơn nữa, mở ra cho sự đọc văn học, sự đọc đánh thức ngữ cảm
(Chính vì thế Nguyễn Tuân mới hay cầu kì, trong thế giới cuả Nguyễn Tuân: từ ngữ và biểu nghĩa của nó hoà vào làm một. Các từ không phải chỉ tự bày tỏ ý nghĩa mà nó chịu trách nhiệm truyền tải, mà bản thân nó có câu chuyện riêng: ta còn thấy được các từ của các nhà văn lớn còn liên lạc với nhau. Hấp lực của nhịp hành văn đôi khi cuốn tác giả vào.)
Nếu các tu từ trở lại vị trí trung tâm của nó trong văn chương, ta sẽ bắt đầu có thế giới riêng của từng nhà văn. Thế giới đó có toạ độ, tốc độ và hệ thời gian riêng. Dưới đây là một điều như vậy, những đoạn văn của Bruno Schultz trong “Dưỡng đường đồng hồ cát”:
“Những viên pha lê rủ xuống từ chiếc đèn treo lấp đầy căn phòng với những màu được khuếch tán, một cầu vồng bắn tung tóe vào mọi góc và, khi chiếc đèn lắc lư ở đầu sợi xích treo nó, cả căn phòng xoay vòng trong những mảnh màu cầu vồng, như thể các khối cầu của chín hành tinh đã bị đổi chỗ, cái này vòng qua cái kia.
Tôi thích ngồi giữa hai chân bố tôi, níu chặt mỗi bên như những cây cột. Đôi khi ông viết thư. Tôi ngồi trên bàn làm việc của ông và xem, bị hút hồn, những nét nguệch ngoạc chữ ký của ông, ngoắn ngoèo xoắn xuýt như âm láy của giọng ca đầy màu sắc. Những nụ cười chớm nở trên giấy dán tưởng, những con mắt nhắm, những cú nhảy lộn nhào. Để mua vui cho tôi, bố tôi thổi ra bong bóng xà phòng từ một ống rơm dài; chúng vỡ tung óng ánh trong khoảng không hay đập vào tưởng, màu sắc của chúng còn đọng lại lơ lứng trong không trung.”
Cự ly
Ai cũng có thể nhân hoá sự vật. Tuy vậy, chuyển động của các sự vật không tồn tại để làm son phấn. Hiểu văn chương một cách máy móc như phép cộng cuả các tu từ (so sánh, nhân hoá) lâu dần sẽ tước mất khả năng giao cảm với những sinh thể phi nhân. Và kết quả biến việc hành văn trở thành một công việc kiểu như đắp hoa tươi lên tử thi.
Văn chương là xác lập các cự ly. Cự ly gồm hai thứ: khoảng cách và quan sát. Cự ly không được quá xa, vì nhìn từ xa thì thành báo chí. Và cũng không quá gần, quá gần thì không thành gì cả, đó là đời thường. Người nghệ sĩ là một người thợ với thước dây tỉ mẩn đong đếm từ mili cho một cái nhìn, có lẽ phần nào khá giống với quay phim, nhưng quay phim thì chỉ bằng thị giác, con văn chương là mọi giác quan, kết hợp trực giác, nhìn sự vật trong tiến hoá sáng tạo và thời tính (la duree) của nó. Sự vật ở đây gồm cả những vật thể tồn tại, nhưng cũng gồm các trạng huống, những tình cảm trừu tượng. Tu từ, nghĩa là nhìn thực tại bằng một trường liên tưởng, và chính là thứ phát sinh ra từ cự ly.
Già đi vài phân thì là hài kịch, non đi một tấc thì thành một thứ tản văn não nùng. Chỉnh lại thước ngắm để nhìn mọi sự là công việc suốt đời, có lẽ không phải chỉ của những người viết.
Ở trên chúng ta có nhắc đến Tiến hoá sáng tạo và Thời tính. Cần phải làm rõ một ý hệ liên quan ở đây: Henri Bergson. Henri Bergson, triết gia người Pháp nổi tiếng với triết học về “sự sống” (élan vital) và khái niệm “thời gian nội tại” (la durée), đã đưa ra quan điểm rằng tiến hóa không đơn giản chỉ là sự thích nghi máy móc của sinh vật với môi trường [2]. Thay vào đó, ông nhìn nhận quá trình này như một hành trình sáng tạo và liên tục mở rộng của sự sống, một dòng chảy tự phát không thể tiên đoán, vượt qua cả những lý giải cơ giới thuần tuý. Trong cách nhìn này, mọi hiện tượng trong tự nhiên đều mang một giá trị tự thân, không phải do con người áp đặt bằng ý niệm hay cảm xúc. Bergson khuyến khích con người đắm mình vào dòng thời gian sống động và sự sáng tạo tự nhiên thay vì áp đặt những cấu trúc nhận thức nhân tạo lên nó. Từ góc nhìn này, các hiện tượng tự nhiên đã mang trong mình ý nghĩa sâu sắc, tự thân. Việc nhân hoá không làm tăng thêm ý nghĩa mà chỉ là cách con người dễ dàng hóa và diễn dịch thế giới theo lối tư duy hạn chế của mình. Điều này có can hệ đến bài viết của chúng ta đang đọc: có lẽ văn học và nghệ thuật cần vượt ra khỏi lối mòn nhân hoá, thay vào đó khám phá và diễn đạt tính phi nhân hoá (de-anthropomorphization), tìm ra những ngôn ngữ mới để miêu tả thế giới theo cách nó vốn có.
Một nhà duy lý khác: Merleau-Ponty lập luận rằng con người trải nghiệm thế giới thông qua cơ thể của mình. Cơ thể là một phương tiện của tri giác, tạo ra sự gắn bó trực tiếp với thế giới xung quanh. Mỗi thực thể trong tự nhiên tự biểu hiện qua sự tồn tại và chuyển động riêng của nó. Trong thế giới sống động của Merleau-Ponty, không có ranh giới rõ ràng giữa con người và môi trường. Thế giới không phải là một tập hợp các sự vật tĩnh mà là một quá trình liên tục, nơi mỗi thực thể tham gia vào dòng chảy của thời gian và sự sống [3]. Văn chương theo cách ấy được xem là không gian nơi sự sống và ngôn ngữ song hành, cùng chuyển động, hòa quyện vào quá trình biểu hiện mới.
Cự ly – theo cách nói của chúng ta – gắn liền với vai trò của các chiều không gian (gồm cả thời gian xét như một chiều không gian). Viết văn nghĩa là chọn đúng vị trí, xác định khoảng quan sát. Đó là lý do vì sao lại có những tác phẩm rất tầm thường dù nó rất giỏi những đề tài khủng khiếp đùng đoàng và rất quan trọng về kinh tế chính trị. Và vì sao lại có những kiệt tác dù chỉ viết về những thứ đề tài nhàn nhạt, một chuyến về quê xa, một cánh buồm trên biển nhiệt đới, một chuyến săn cá voi, những cái ấm đất, một Hồi ức thiếu nữ như của Annie Ernaux.
Duy mỹ trong hành văn không phải là bóng bẩy phông bạt, mà là nhắc nhở và đánh thức mỹ cảm ngôn ngữ mẹ đẻ của người đọc. Giá trị của một ngôn ngữ nằm ở chỗ là vốn nó không thể chuyển ngữ được (và chuyển ngữ nghĩa là cố gắng làm điều phi lý này). Nó nằm trong khối tình riêng tư của một dân tộc với thế giới tự nhiên. Ta có thể dịch được câu “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” trong Tây Tiến của Quang Dũng, nhưng hẳn nhiên chỉ có người Việt mới thấy trọn cái hay của nó, mà không thể giải thích nổi.
Cách tiếp cận như vậy, đi từ bản chất, ít nhất mới là xuôi chiều, và đúng đắn để đi vào lĩnh vực tu từ. Vậy nếu nhìn lại, hẳn phương án của môn văn trong nhà trường đã đẩy văn chương vào chỗ chỉ còn là một bộ môn của những cảm tình xủng xoảng, một phép cộng vô hồn của kỹ thuật tu từ. Và của nói dối. Trong khi đó, đáng ra ta phải thấy rằng không có nhiều lĩnh vực đòi hỏi ý chí và tinh thần mạnh mẽ như văn chương. Một thứ ý chí đúng đắn sẽ xác lập một căn tính và một nhân dạng đúng đắn. Và điều ấy – nếu phải nói đến tính ứng dụng – sẽ lànhững vũ khí đầu tiên để chiến thắng một thứ bệnh của nhân tính: depression.
Đ.A
[1] Ý thơ của Đinh Trần Phương
[2] Bergson, H. (1911). Creative Evolution. New York: Henry Holt and Company.
[3] Merleau-Ponty, M. (2013). Phenomenology of Perception (Dịch bởi Donald A. Landes). London: Routledge