Phê bình văn học hôm nay: Dấu ấn và thử thách (Đức Anh)
Phê bình văn học vốn là một trong ba mũi nhọn của khoa học nghiên cứu văn học, đi song song với văn học sử và lý luận văn học. Nhưng phê bình văn học còn có những đặc thù riêng biệt khiến cho bản thân hoạt động này trở thành một chuyên môn quan trọng bậc nhất. Thứ nhất, phê bình văn học đứng giữa sáng tác và nghiên cứu, trở thành cầu nối kích thích người sáng tạo, và trở thành nơi thực hành về chuẩn mực thẩm mỹ cho những người làm hoạt động lý luận văn học. Thực hành ở đây có nghĩa là thể nghiệm, siêu vượt và đôi khi là phá vỡ những chuẩn mực thẩm mỹ cũ. Thứ hai, phê bình văn học là cầu nối của độc giả và nhà văn. Chính nhà phê bình là người gợi mở những ngả đường thẩm mỹ để độc giả bước chân vào tác phẩm văn học bằng – trước hết – một tâm thế khác và sau đó, một trải nghiệm khác. Cũng chính nhà phê bình là những người khơi lên những cuộc tranh luận, làm cho văn chương trở nên có một đời sống sôi động bên ngoài trang giấy.
Thứ ba, điều này có lẽ là quan trọng hơn cả, phê bình chính là đọc và đọc lại, nhưng cũng đồng thời, là viết và viết lại. Xin nhấn mạnh những cụm từ này bởi lẽ chỉ có ở phê bình văn học, hai hoạt động đọc và viết đứng trong một tổng thể, có vai trò ngang nhau. Đó là yếu tố làm cho hoạt động này trở nên trang trọng. Trong phê bình văn học, cá tính và thị hiếu thẩm mỹ của người làm phê bình trở nên hết sức quan yếu. Trước đây, chúng ta thường chia phê bình văn học thành phê bình khách quan hay phê bình khoa học và bên kia là phê bình chủ quan. Nhưng ngày nay có lẽ bạn đọc yêu phê bình văn học đều hiểu rằng không ngả nào là không có dấu ấn của người viết phê bình. Sự đọc và viết của một nhà phê bình không đơn giản chỉ là động tác bình luận một tác phẩm của kẻ khác, mà nó có thân phận, đời sống và nhịp thở riêng tư.
Thưa quý vị đại biểu, thời nào văn chương cũng cần phê bình văn học, nhưng có lẽ chúng ta đang sống trong thời kì mà sự đòi hỏi, nhu cầu đọc phê bình văn học rõ nét hơn cả. Tại sao lại như vậy? Gần ba mươi năm trước, nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung có nhận xét, trong bài viết mang tên “Những giới hạn của phê bình văn học” rằng: “Chưa bao giờ xã hội Việt Nam có sự phân hoá sâu sắc như hiện nay giữa các tầng lớp trong xã hội giữa các giá trị văn học”. Nhận định ấy đã ba mươi năm, đến nay vẫn còn đúng và thậm chí còn đúng hơn nữa. Do sự vận động tất yếu của xã hội, sự du nhập các giá trị văn hoá toàn cầu, hoặc đơn giản là năng lượng sáng tạo được bung nở, đời sống văn học ngày nay đã có thêm nhiều đề tài, quan điểm thẩm mỹ khác nhau phục vụ các nhu cầu đọc khác nhau. Một mặt, chúng ta có nhiều tác phẩm, nhiều “trường văn học” để thưởng thức hơn. Mặt khác, chúng ta có thêm nhiều góc nhìn mới khả dĩ cho những tác phẩm cũ. Chúng tôi luôn có cảm giác tự thân mỗi người đọc bỗng nhiên trở thành một nhà phê bình nghiệp dư trong bản năng.
Thật may mắn, đời sống phê bình văn học ngày nay đang có sức sống dồi dào và và nhịp sinh hoạt sôi động. Riêng ở Thủ Đô Hà Nội, chỉ trong vòng vài năm qua, nhiều tác phẩm phê bình văn học được xuất bản, đến tay bạn đọc và tạo ra diễn đàn của riêng nó. Ta có thể kể đến như “Những thời xanh tráng lệ” – Nguyễn Thanh Tâm đưa ra những góc nhìn mới về văn học trước 1945; “Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi” – Đoàn Ánh Dương nhìn nhận văn chương trong những tương tác bên trong và bên ngoài nó từ sáng tạo đến xuất bản và tìm kiếm độc giả; “Thi pháp truyện ngắn hiện đại” – Bùi Việt Thắng đưa ra một cái nhìn minh mẫn và thấu suốt với sự vận động của truyện ngắn Việt Nam trong nhiều giai đoạn lịch sử; “Lảo đảo giữa nhân gian” – Đỗ Anh Vũ mê đắm trong những rung động tinh tế của thi pháp, nhưng đồng thời bứt ra khỏi khung khổ nghệ thuật để nhìn đời sống bên ngoài như thể những tác phẩm văn chương. “Thị hiếu thẩm mỹ công chúng văn học Việt Nam đương đại” – Vũ Thị Thu Hà dũng cảm đi sâu, cật vấn và giải quyết một vấn đề còn nhiều tranh luận là đời sống văn học trong thời đại kinh tế thị trường; “Ô cửa từ trang sách” – Nguyễn Quang Hưng khám phá nét đẹp của cuộc sáng tạo văn chương ở những tác giả tiêu biểu của văn học hiện đại. Và còn rất nhiều những tác phẩm phê bình văn học giá trị khác. Song song với đó, chúng ta hân hạnh có được sự trở lại của những tác phẩm và tác giả vô cùng uy tín với bạn đọc nhiều thế hệ. Có thể kể đến “Đa mang một cõi lòng không yên định” – Chu Văn Sơn, “Văn học đại chúng trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đương đại” – Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên), “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” – Trương Đăng Dung… Những tác phẩm này đều gần gũi với lý luận văn học, như để tạo ra hoặc cố định một nền tảng cho công cuộc phê bình. Điều đặc biệt là dù nhiều nội dung đã được biên soạn từ rất lâu, ngày nay sống lại để dang tay đón những mỹ cảm mới, hay nói không quá, âm thanh của những tiên tri xưa kia cũng đã vọng đến hôm nay.
Chỉ riêng những tác phẩm kể trên đã cho thấy một diễn cảnh văn chương sống động và đa diện. Bao nhiêu nét đổi mới đã được thấy rõ: phê bình văn học của hôm nay trước hết đang vươn mình, tìm cách tự trau dồi và cá tính hoá để tìm ra những chuẩn mực thẩm mỹ mới. Liên tục tiếp cận và thám cứu văn chương đương đại cũng như tái khám phá các giá trị cũ, phê bình văn học đang trên con đường đáp ứng những đòi hỏi cập nhật của thời nay. Nhưng còn quan trọng hơn, phê bình văn học đã kết hợp được những tiêu chí thẩm mỹ và tiêu chí bên ngoài thẩm mỹ. Bắt đầu chúng ta đã thấy những nỗ lực để nhìn nhận văn chương trong bối cảnh tồn tại của nó, với những tương tác cả tất yếu và ngẫu nhiên với đời sống. Qua các tác phẩm phê bình văn học đương đại, ta nhìn thấy cả một thế giới đang vận động, cái nỗi niềm ưu tư dẫu là thiên lệch của độc giả với riêng một vấn đề nào đó, hay thăng trầm của một loại hình văn chương nào đó, hay dấu vết thời gian phủ lên những biến nghĩa của một câu thơ nhỏ v.v… Qua đó, chúng ta không còn đơn giản chỉ nhìn thấy những hay dở của tác phẩm, chúng ta vượt lên cái nhìn bé nhỏ ấy để nhìn thấy diện mạo của chính mình đang sống trong thời đại.
Nhưng nếu chỉ điểm danh các tác phẩm phê bình văn học thì e rằng mới chỉ tương đối đầy đủ chứ chưa thật toàn vẹn. Nhu cầu lựa chọn, đọc và thưởng thức văn chương luôn luôn đa dạng. Với điều kiện giao tiếp bằng văn bản ngày càng thuận tiện hơn, Internet phát triển, thật đáng ngạc nhiên là ngày nay chúng ta thực sự đọc nhiều hơn trước. Qua mạng xã hội, chúng ta giao thiệp bằng văn bản, bằng sự đọc và viết, điều đó đã làm phát sinh cho văn chương một đời sống tương tác khác. Nhiều bài viết bình phẩm về văn chương ở các dạng khác nhau được đăng tải lên mạng xã hội. Có lúc đó là những bài viết ngắn mang theo cảm xúc nhất thời của độc giả. Nhưng cũng có lúc, chúng ta nhìn thấy cả những so sánh, khám phá độc đáo ở những người đọc dụng công nghiên cứu hơn. Các nhà phê bình, nhà văn bản thân họ cũng đang hằng ngày tiếp xúc với những dạng thức gần gũi và tiệm cận phê bình văn học như vậy. Ảnh hưởng tạo ra là rất nhiều. Ở mặt tích cực, điều đó giúp cho các nhà phê bình và nhà văn có những tiếp thu kịp thời ý kiến của độc giả, quan sát được một cách toàn cảnh hơn đối với sức sống và ảnh hưởng nhất thời của một tác phẩm đến những giá trị văn hoá và thẩm mỹ của xã hội. Phần nào đó, việc sáng tác văn chương cũng được giải thiêng, trở nên gần gũi và dễ cảm nhận hơn với đại chúng.
Ở chiều ngược lại, đây hẳn nhiên là một yếu tố thách thức đối với phê bình văn học. Bởi nếu không có những đầu tư nghiêm túc, phê bình văn học sẽ bị co cụm trong một vài đối tượng độc giả. Không phải là không có những than phiền rằng tác phẩm phê bình văn học rất khó bán bên ngoài thị trường. Sự thách thức này chắc chắn sẽ tác động nhiều trong tương lai và dần dần làm thay đổi diện mạo và tâm thế của phê bình văn học. Nhà phê bình văn học trước hết không thể dẫn dắt và định hướng thẩm mỹ một cách một chiều được nữa, điều này là chắc chắn. Nhưng hơn nữa, nhà phê bình cũng khó có thể chỉ bình thản đứng sau câu chữ, mà phải xuất hiện nhiều hơn, tạo ra phong cách, sắc màu riêng biệt hơn. Điều này trước kia chỉ là điểm cộng, có cũng được mà không có thì cũng không đáng ngại, nhưng ngày nay thì là điều cơ bản, gần như bắt buộc nếu muốn thực sự tồn tại như một nhà phê bình chuyên nghiệp. Thời gian qua, chúng ta đã thấy các nhà phê bình văn học như Nguyễn Hoài Nam, Hoàng Đăng Khoa, Đỗ Anh Vũ, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Ánh Dương, Mai Anh Tuấn… với tinh thần nhập cuộc rất cao, tự họ đã tạo ra một cá tính, một nếp nghĩ, một giọng điệu riêng biệt.
Cuối cùng, với tư cách những người độc giả yêu chuộng và mến mộ phê bình, chúng tôi một lần nữa đề cao nhu cầu tìm đọc và thưởng thức phê bình văn học. Cái ta đang nghĩ là đúng hay sai, ta phải cư xử ra sao với một chuẩn mực mới.. Tất thảy những băn khoăn ấy trong một đời sống cá nhân, đều có thể được tác động bởi phê bình văn học, thậm chí còn mạnh mẽ hơn một tác phẩm văn học cụ thể. Phê bình văn học tạo ra những nhịp để neo giữ tư duy, làm ra những điểm tham chiếu về cách nhìn nhận cuộc sống. Nhà phê bình văn học sống thêm nhiều cuộc đời của những người khác, tìm cách thông báo về tồn tại của những thiết chế, những định kiến vô hình và tuy không định nghĩa lại về thế giới, nhưng mách bảo chúng ta luôn phải nghĩ khác đi. Vì thế, việc nâng niu, trân trọng và liên tục khẳng định, vun đắp cho giá trị của phê bình văn học là công việc cần thiết và cơ bản hơn cả mà đội ngũ làm phê bình hôm nay cần tự tin, sắc sảo và mạnh mẽ hơn, đi kèm với việc nghiên cứu hay giải mã nhu cầu của người đọc phê bình.
Đức Anh
Hà Nội, 11/2022