“Nội tại và ngoại giới” – Trò chuyện với nhiếp ảnh gia Úc Bill Henson (Mai Trang dịch)
“Điểm mấu chốt ta luôn cần nhớ là có một sự khác biệt lớn giữa sự thân mật (intimacy) và sự quen thuộc đơn thuần (mere familiarity)...Tôi không hứng thú đến sự quen thuộc đơn thuần, tôi thậm chí không cố gắng tạo chân dung nhân vật, bởi cố gắng tạo chân dung nhân vật là một hình thức phản chân dung. Tôi quan tâm đến những chủ điểm phổ quát, đặc tính trừu tượng mang tính phổ quát của con người nói chung, hơn là một chân dung cụ thể”. Nhiếp ảnh gia Bill Henson không bao giờ ngại đề cập đến những chủ đề gây tranh cãi. Bill nổi tiếng với những bức ảnh nhân vật trên nền pha lẫn sáng tối - những thanh niên, thường là khoả thân, và những bức ảnh phong cảnh lúc chạng vạng. Giới phê bình dùng nhiều tính từ rất khác nhau để mô tả các tác phẩm của Bill, từ “mãn nhãn”, “dịu dàng”, “ngây thơ”, cho đến “khiêu dâm”, “mê hoặc”.

“Nội tại và ngoại giới” – Trò chuyện với nhiếp ảnh gia Úc Bill Henson (Mai Trang dịch)

“Điểm mấu chốt ta luôn cần nhớ là có một sự khác biệt lớn giữa sự thân mật (intimacy) và sự quen thuộc đơn thuần (mere familiarity)…Tôi không hứng thú đến sự quen thuộc đơn thuần, tôi thậm chí không cố gắng tạo chân dung nhân vật, bởi cố gắng tạo chân dung nhân vật là một hình thức phản chân dung. Tôi quan tâm đến những chủ điểm phổ quát, đặc tính trừu tượng mang tính phổ quát của con người nói chung, hơn là một chân dung cụ thể”. Nhiếp ảnh gia Bill Henson không bao giờ ngại đề cập đến những chủ đề gây tranh cãi. Bill nổi tiếng với những bức ảnh nhân vật trên nền pha lẫn sáng tối – những thanh niên, thường là khoả thân, và những bức ảnh phong cảnh lúc chạng vạng. Giới phê bình dùng nhiều tính từ rất khác nhau để mô tả các tác phẩm của Bill, từ “mãn nhãn”, “dịu dàng”, “ngây thơ”, cho đến “khiêu dâm”, “mê hoặc”.

Henson ý thức rất rõ tác động của các tác phẩm của mình lên khán giả. Anh không tránh nói về phản ứng của truyền thông với triển lãm của anh ở bảo tàng Roslyn Oxley9 ở Paddington, Úc, năm 2008 – nhưng ngược lại cũng rất thẳng thắn về ý định của mình khi tạo ra những bức ảnh có phong cách gần như tiệm cận các bức tranh. “Khi tôi làm việc trong studio, tôi không dự đoán về phản ứng của khán giả, mà khám phá con đường riêng của mình”, anh giải thích. “Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều bị bó buộc trong một không gian hay thời gian lịch sử, tất cả chúng ta đều bị điều kiện hoá bởi nơi ta sống và vị thế của ta trong xã hội. Nhưng tôi không muốn nói lên một thông điệp theo kiểu đó. Cái duy nhất tôi quan tâm là những bức ảnh mà tôi đang thực hiện”

Triển lãm cá nhân gần đây nhất của Henson (vẫn ở phòng trưng bày Roslyn Oxley 9) là triển lãm đầu tiên của anh tại Sydney trong 7 năm qua. Trong triển lãm này anh chụp lại phong cảnh Italy – những tàn tích cổ xưa lúc chạng vạng, hay những mặt vách đá đang đổ xuống vùng biển xanh phía dưới – bên cạnh những bức chân dung đặc trưng mà Bill vẽ trên nền hư vô mờ đục. Ta thấy trong ảnh của Bill hình ảnh một cô gái tựa mặt vào tay một cậu bé, mắt cô nhắm nghiền, nét mặt dịu dàng, da của họ ánh lên màu đồng và tựa như đang toả sáng từ bên trong. Sự sống nào tồn tại bên trong những lớp vỏ này? Những thiên hà nào mở ra ngoài những rào cản trên trái đất? “Tính gợi trong bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào rõ ràng mở ra không gian cho trí tưởng tượng”. Henson nói về kĩ thuật điều biến màu sắc đặc trưng mà anh thể hiện trên da thịt của các đối tượng. “Chính xác thì thế giới dừng lại ở đâu và chúng ta bắt đầu từ đâu? Ta kết thúc ở đâu và phần còn lại của vũ trụ bắt đầu ở đâu? Toàn bộ cảm giác về sự hữu tử, về việc cả đời bị mắc kẹt trong cơ thể, ta dần hiểu điều gì xảy ra với làn da…những suy tư như vậy là vô hạn”.


Anh cảm thấy những năm qua anh có thay đổi (với tư cách là một nghệ sĩ) hay không, và nếu có thì như thế nào?

 

Tôi không nghĩ là tôi đã thay đổi, bởi mỗi tác phẩm mới luôn vượt lên tác phẩm cũ. Trong studio của tôi, có bức ảnh chụp cách đây một năm, và cũng có những bức ảnh chụp cách đây sáu hay bảy năm trước, những bức ảnh chất dần lên nhau như những lớp trầm tích. Những bức ảnh mới phát triển vượt lên những bức cũ, rồi mối liên hệ giữa những bức mới và bức cũ, những đối thoại giữa các bức ảnh khi ta đặt chúng cạnh nhau….nhìn tổng thể thì như thể chúng đã bị rút gọn theo một kiểu nào đó…Khi xem những bức trước đó, những bức ảnh chụp người luôn có một không khí phong cảnh xung quanh – ánh sáng thành phố và những thứ tương tự – một dạng không khí dường như tràn ra khỏi những bức ảnh. Còn bây giờ, khuôn mặt và cơ thể người dường như bị bao quanh bởi một mảng tối, cứ như thể có một sự tách biệt khỏi thế giới đang vận hành. Đó là một kiểu thay đổi dần dần, từ từ. Sự thay đổi đó thể hiện chính xác điều gì, chính tôi cũng không hoàn toàn chắc chắn.


Khi xét đến kiểu người mẫu và độ tuổi người mẫu trong ảnh của anh, thì tuổi trẻ đóng vai trò gì trong việc thể hiện tầm nhìn của anh?

Những nghệ sĩ khác nhau cần những thứ khác nhau, nhưng rút cục thì tất cả đều cố gắng tìm phương tiện hiệu quả nhất để biểu đạt cách họ hiểu về những thứ khiến họ tưởng tượng và say mê. Với tôi, đó là việc tìm ra yếu tố then chốt của một chủ đề. Có thể là một núi lửa, hay là một cậu bé 12 tuổi đang trượt băng. Tôi tìm kiếm thứ mình cho là quan trọng.

Tôi hứng thú với nhóm tuổi thanh niên, bởi nhóm tuổiđó giống như một dạng xã hội thu nhỏ, một xã hội vi mô điển hình cho xã hội vĩ mô. Đấy là khoảng thời gian các cô cậu bé rời khỏi vòng tay cha mẹ và có sự phát triển vượt bậc trên nhiều bình diện: thể xác, cảm xúc, tâm trí. Tất cả các yếu tố đó tạo nên một thế giới rất lỏng và linh hoạt, một thế giới như thể đang trôi với tiềm năng vô cùng lớn.

Đột nhiên các cô cậu có thể cứ thếđặt chân lên một chuyến tàu với bạn bè và tự đi vào thành phố. Có vô số thứ đang diễn ra. Không ai phải về nhà lúc 7h tối nữa. Nhưng có tiềm năng cũng đồng nghĩa với tiềm năng trở nên tốt hơn hoặc tệ đi. Theo một kiểu nàođó thì nó cũng như một dạng biểu tượng cho tiềm năng của xã hội ta đang sống – khả năng mọi thứ trở nên tốt hơn hoặc tệ đi. Thế giới tuổi thanh niên hàm chứa rất nhiều khía cạnh. Đó cũng là nhóm tuổi có bản chất mơ hồ, nơi mọi dạng định danh đang liên tục vậnđộng và biến chuyển – tất cả các yếu tố này khiến mọi thứ trở nên mơ hồ và lỏng hơn. Cái thú vị ở đây là chính “sự mơ hồ”đặt ra nhiều khả thể: nếu vậy thì sao? Những người này là ai? Đây làđâu? Chuyện gìđang diễn ra? Bằng cách mở ra tất cả những câu hỏi đó, nghệ sĩ tạo ra một không gian nơi người xem có một hành trình tưởng tượng. Còn nếu ta siết mọi thứ lại và cố quy thành một dạng bản chất co gọn, thì nó giống như một dạng tuyên truyền “đấy, đấy chính là cái tôi muốn nói, anh hiểu rồi và thế là xong”. Nếu thế thì chả còn gì thú vị cả.


Những tác phẩm của anh gợi nên một không khí thần thoại. Với anh thì cảm giác này kết nối ra sao với thế giới thực?

Nói sao nhỉ, dường như tất cả chúng ta đều có một vùng biển tiềm thức rộng lớn bên trong, và đôi khi vùng tiềm thức đó tràn ra bên ngoài? Giống như khi ta mơ vậy. Giấc mơ là gì? Nó như một vùng biển rộng lớn bên trong mà ta không hiểu hoặc chỉ hiểu một phần. Vùng biển đó ở trong tất cả chúng ta. Ta có cuộc sống thực mà ta đang sống, nhưng cũng có cuộc sống ta đang mơ. Ta muốn có khả năng dịch chuyển qua lại giữa hai vùng ý thức và tiềm thức đó. Thế giới bên ngoài dừng khi đèn đỏ và tiếp diễn khi đèn xanh, cũng như việc ta cần thế giới thực vận hành một cách vật lý vào ban ngày, và cũng cần thế giới cá nhân bên trong – một vùng chứa cảm xúc, tâm thức, tâm linh – thế giới tác động rất lớn đến ta, ảnh hưởng cách ta cảm nhận về bản thân và vị trí của mình trong thế giới, cũng như cách ta tương tác với những vẻ đẹp và sự phức tạp xung quanh.

Thế giới này luôn ở đó. Vậy nên dĩ nhiên ta muốn gợi nhắc đến nó theo một cách nào đó. Cách duy nhất để gợi một sự vật nào đó là không tả nó ra một cách lộ liễu. Tất cả những gì ta có thể làm là hỏi “đây là gì vậy?”. Khi ta thức dậy và có cảm giác rất rõ về một giấc mơ, ta có thể nhớ vài phần của một giấc mơ, và việc thật kì lạ là giấc mơ cứ vậy biến mất, và chỉ một giờ sau ta không thể nhớ giấc mơ đó có chi tiết gì. Mọi người đều có thế giới bên trong như vậy, ngay cả khi ta đi bộ trên đường phố. Đó chính là thế giới bên trong. Ta cần có khả năng gợi nó.

Anh có tin vào linh hồn?

Tôi không nghĩ về linh hồn theo kiểu linh hồn của cá nhân cụ thể. Cơ bản thì tôi cảm giác văn hoá không bao giờ nằm ngoài thiên nhiên (culture is never outside nature). Con người nằm trong văn hoá. Nhưng văn hoà lại tồn tại bên trong tự nhiên. Và nó chảy qua ta. Thế nên tất cả những tranh luận triết học về con người như thể con ngườiđã tồn tại qua hàng thế kỉ, và rằng chỉ có hiện tại, hay quá khứ và tất cả những kiểu như thế. Tất nhiên những thứ đó là thật, ta có suy nghĩ và cảm giác. Tôi không nghĩ tôi dành nhiều thời gian suy nghĩ về chủ đề này theo cách đó – linh hồn như một vấn đề cá nhân. Tôi nghĩ đúng là có sự hiện diện, có một dạng năng lượng, và bạn có thể gọi nó theo bất kỳ cách gì mà bạn thích.

Nhưng anh không quá chú tâm đến nó?

Tôi luôn quan tâm đến cách chúng ta cảm nhận sự vật. Chúng ta có cách để cảm nhận xem cái gì là quan trọng, tôi nghĩ vậy. Một cái gì đó có ảnh hưởng mạnh lên ta nhưng ta không chắc chắn điểm cốt yếu là gì. Một số người cơ bản hiểuđược họ nghĩ gì và có một niềm tin chắc chắn về sự vật, còn cá nhân tôi thì lại thấy mọi sự trở nên lạ lùng hơn. Có lẽ đó là một dạng vẻ đẹp và vẻ đẹp là tác nhân của tình yêu. Tôi thích nghĩ là vũ trụ vận hành trên sự hấp dẫn, từ kiểu lực hấp dẫn giữa hai phân tử trong chân không cho đến kiểu hấp dẫn trong tập phim “những bà nội trợ Hollywood” chẳng hạn. Mọi thứ là một dạng hấp dẫn. Tôi nghĩđó là cách mọi thứ hình thành – cách các phân tử phản ứng trong vũ trụ. Thế nên ta luôn là một phần của toàn thể đó. Ta có các hạt hạ nguyên tử chạy quanh mình mỗi lúc. Thế nên ranh giới của sự bắt đầu và kết thúc, hay nơi phần rìa cơ thể kết thúc và phần còn lại của thế giới bắt đầu, tôi nghĩ ranh giới đó mơ hồ hơn ta nghĩ.

Nhìn từ góc độ đó thì tính cá nhân trở nên thiếu chắc chắn hơn rất nhiều. Và đấy là một trong những lí do tại sao tôi sử dụng kĩ thuật trong chụp ảnh để tăng độ mờ trong bức ảnh, khiến cho các nhân vật dường như đang ở trong một thế giới thực thực, hư hư. Như thể những nhân vật này đến từ thế giới tưởng tượng để bước vào thế giới thực, và khiến vùng lãnh thổ đó ít xác định hơn, ít chắc chắn hơn. Tôi nhớ đến một nhà văn vĩ đại người Áo tên Elias Canetti – sống cùng thời với Sigmund Freud. Trốn khỏi Vienna khi phát xít đến rồi sau đó dành giải Nobel. Elias từng nói đại ý làđôi khi việc phát ngôn về một sự vật là hàm chứa tính phá huỷ nó. Còn tôi thì thích diễn giải rằng việc thấu nhận một sự việc không có nghĩa là hiểu nó. Thế nên tiếp tục hành trình (hiểu) đó có lẽ là thú vị hơn. Nó khiến ta mở rộng hơn với sự vật sự việc.

Anh hi vọng mọi người sẽ cảm nhận và phản hồi ra sao với triển lãm của mình?

Tôi không thể đoán một người bất kỳ nghĩ gì khi xem tranh tôi, bởi đơn giản tôi không dành 20 năm trong đầu bạn. Thi thoảng khi có mấy em học sinh đến xem ảnh tôi, nhìn vào bức ảnh một con đường dẫn đến một khu rừng tối. Khi đó tôi sẽ diễn giải bức ảnh đó như thế này: “Xem nào, chú là người chụp ảnh, nhưng cách các cháu chú tâm vào con đường ra sao biến con đường đó thành con đường của các cháu”. Và về cơ bản thì tôi cũng nghĩ đấy là một trong những quà tặng tuyệt vời của nghệ thuật: nó giúp mài sắc và làm sâu hơn cảm quan cá nhân. Nghệ thuật đôi khi đặt ta về với chính mình, có lẽ vậy.


Nói một chút về bức ảnh con đường tối – dường như từ lâu anh luôn hứng thú với việc thể hiện bóng và bóng tối trong ảnh của mình. Bóng tối có gì khiến anh thấy hấp dẫn như vậy?


Trong một bức ảnh thì khoảng tối không chứa thông tin, nhưng nó cũng chính là một dạng thông tin, bởi khoảng tối có một hình dạng, một kiểu đường biên nơi mảng tối chấm dứt và vùng sáng bắt đầu. Đường viền trên thân thể thay đổi và rơi vào phần bóng. Tôi nghĩ khoảng tối là một trong những thứ mà một nghệ sĩ có thể sử dụng để mô tả những vùng chưa biết bao quanh những vùng đã biết. Nó giống như là một vạt phát trong rừng; ta có thể thấy bầu trời và đi vào rừng, nhưng ta không thể quan sát xa được. Các nhà nhân học có nghiên cứu về một số bộ lạc dành cả đời trong rừng. Những bộ lạc này không có khả năng quan sát xa, bởi họ chỉ có thể nhìn thấy 20m trước mắt. Như vậy thì phần tối và phần bóng đối với họ mang sức gợi rất lớn. Đôi khi chỉ có một ít thông tin, nhưng người xem có thể tưởng tượng phần còn lại. Nó giống như mở rộng không gian trên hành trình cá nhân, tôi cho là vậy. Tôi nghĩ đó là sức mạnh gợi mở mà bóng tối có thể khơi ra.

Mai Trang dịch.

Mai Trang là biên phiên dịch tự do tại Hà Nội, quan tâm chủ yếu đến triết học và văn hoá. Trang từng tham gia dịch cho một số sự kiện văn học, mục văn hoá của báo vnexpress và dự án dịch kinh tế học của nhóm thị trường tự do.

Link bài viết gốc:
https://www.russh.com/within-and-without-in-conversation-with-bill-henson/

 

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)