Những lời cầu nguyện của ngoại – Truyện ngắn của Yukiko Tengo

Những lời cầu nguyện của ngoại – Truyện ngắn của Yukiko Tengo

1.

Lần đầu tiên tôi thấy dáng vẻ khổ tâm đến thế của ngoại. Bàn thờ giao thừa cuối năm giờ đã biến thành bàn thờ cầu an đảo bệnh cho mẹ. Không còn những đĩa hoa quả, bánh kẹo đắt tiền chất đầy trên mâm lễ. Tôi nhận ra mình chưa từng để ý đến thế về đồ cúng, liệu có phải sự khác biệt quá lớn giữa mâm lễ mọi năm với năm nay đã khiến cho một đứa trẻ con như tôi không thể không bận tâm. Bà ngoại thắp hương rồi đưa lên trán một cách đầy thành kính, nhưng không giống như bao nhiêu lần tôi từng thấy ngoại thắp hương, nước mắt ngoại không ngừng tuôn rơi trên gương mặt già nua, u ám và mệt mỏi. Nước mắt đọng xuống cằm ngoại thành từng giọt, từng giọt phản chiếu ánh đèn nến lung linh. Ngoại khấn vái gì đó rất lâu, lâu đến nỗi mồ hôi đã bắt đầu rịn ra trên trán và dưới cánh tay của tôi, cùng với sự nhẫn nại của một đứa trẻ đang bắt đầu cạn kiệt. Tôi chật vật chờ đợi ngoại cúng xong để được chạy ra ban công ngắm pháo hoa. Kể cả khi mẹ mình đang nằm trong viện nguy kịch, nỗi sợ hãi trong lòng cũng không thể át được chút háo hức vô tư của con trẻ, nhưng thật ra tôi rất muốn né tránh nỗi đau buồn trong lòng càng lâu càng tốt, bằng cách làm như không có gì xảy ra và đuổi theo những thói quen đã hằn sâu trong ký ức. Khi ấy, có lẽ tôi đã nghĩ làm vậy thì biết đâu mọi thứ sẽ trở lại như ban đầu. Hơn cả những suy nghĩ non nớt và ngây dại, tôi thật sự đã tin chắc như thế. Nhưng mãi mà màn trình diễn pháo hoa vẫn chưa chịu bắt đầu, còn bà ngoại, thay vì kết thúc lời cầu nguyện của mình thì lại bắt đầu đưa tay ra lấy chai nước trên bàn thờ ngoài trời. Ngoại cứ niệm hoài, niệm mãi chú Đại Bi trong khi đưa chai nước lên sát trán. Khi tôi nghĩ mình gần như sắp không chịu nổi nữa mà lên tiếng thì ngoại mở chai nước ra đưa lên miệng uống ừng ực. Nước mắt, nước mũi ngoại tèm nhem, như thể ngoại bị bắt phải uống một thứ độc dược nào đó đang xé toạc cổ họng của ngoại ra vậy. Dốc cạn một nửa chai nước, ngoại quay sang kêu tôi uống.

Dĩ nhiên tôi lắc đầu nguầy nguậy. Không tính đến chuyện nó chỉ là một chai nước lọc bình thường và tất cả những gì ngoại làm cho đến giờ chỉ là trì chú vào nó thì tôi khá ghét uống nước. Tôi nhìn vào nước trong chai qua lớp vỏ nhựa, trưng ra bộ mặt đầy nghi ngại nhất một đứa trẻ có thể làm. Chừng như sợ chưa đủ, tôi còn cố trợn mắt, chun mũi, bĩu môi lên để nói với ngoại rằng tôi khá nghi ngờ về độ tinh khiết của nó. Cuối cùng, ngoại cũng đành chịu thua và để lại chai nước trên bàn thờ sau gần mười mấy biến chú Đại Bi nữa.

– Xong chưa ngoại?

Tôi cố nén cái ngáp nhưng thất bại. Nước mắt trào xuống gò má qua đôi mắt đã díu hết cả lại vì cả khói nhang cay xè lẫn cơn buồn ngủ. Làn gió ngoài ban công thoáng qua làm những giọt nước mắt mới còn nóng hổi một giây trước giờ đã lạnh ngắt trên da. Tôi không thể tin nổi trong đời mình lại có một đêm giao thừa buồn và bất an đến như vậy. Dường như cả thế giới đã bỏ lại ngoại và tôi sau lưng từ một khoảng cách rất xa, và trong khi ngoài kia là những giai điệu và không khí rộn ràng của sự sống thì nơi hai bà cháu đang cầu nguyện chẳng khác gì đáy vực của tuyệt vọng và bất hạnh. Tôi chưa từng được chuẩn bị cho bất cứ thứ gì như vậy cả, kể cả việc phải làm sao để thoát ra khỏi nỗi khốn cùng này. Ngoại vẫn đang kiên trì cầu nguyện, cúi đầu và nhắm nghiền mắt với cái dáng vẻ lần đầu tôi được thấy. Tôi biết ngoại đang làm gì, và tại sao lại hành động như thế, nhưng lại không chắc mình có nên làm những gì ngoại đang thử không.

– Lại đây, quỳ xuống rồi chắp tay như ngoại đi con!

– Một mình ngoại làm được rồi. Con có biết gì đâu!

Tôi nhìn về phía chai nước khoáng và lư hương, đảo mắt theo hướng làn khói mỏng manh bảng lảng vẽ lên hư không tối mờ những đường nét mơ hồ. Trong đêm tối ngoài ban công chỉ được ánh đèn đường hắt vào đôi chút thứ ánh sáng trắng nhàn nhạt, những đốm lửa của cây nhang trông thật yếu ớt đến khó tin. Giống như những ngọn hải đăng mẹ từng chỉ cho tôi vào một tối nào đó mùa hè năm ngoái. Tôi từng tự hỏi làm sao mắt người có thể phát hiện ra tia sáng đỏ nhỏ xíu như vậy trong màn đêm tối hù, và giờ đây, tôi lại đang có trong đầu một băn khoăn tương tự như thế. Làm thế nào những lời thì thầm trong ánh đèn đường và những đốm lửa nhỏ như nốt ruồi trên mũi tôi lại có thể vực mẹ tôi dậy khỏi giường bệnh sau một giấc ngủ dài cả tháng trời như thể mẹ chỉ chợp mắt thiếp đi có mười mấy phút? Nhưng nét mặt ngoại khiến tôi buộc mình phải quỳ xuống cạnh ngoại. Đó không phải là nét mặt nghiêm nghị áp đặt tôi, cũng không phải là ánh mắt tha thiết đến quẫn trí, nửa cầu xin nửa như van nài. Tôi đọc được trong mắt ngoại một sự tin tưởng tuyệt đối đến choán ngợp, và niềm tin ấy bằng một cách nào đó mà cả đứa trẻ ngày ấy và tôi bây giờ cũng không rõ, đã thuyết phục được tôi.

– Cầu sao ngoại?

– Con cầu xin trời Phật phù hộ cho mẹ con mau hết bệnh, để mẹ con về với con. Con nghĩ sao trong đầu thì cầu nguyện với trời Phật như vậy chứ cầu sao?

Ngoại sửa lại đôi bàn tay chắp lên của tôi cho ngay ngắn ngang ngực. Thấy tôi cứ lắp bắp lặp đi lặp lại lời ngoại vừa nói một cách vụng về, lặng đi vài giây, ngoại nén tiếng thở dài rồi dạy tôi nói theo ngoại:

– Con tên là…

– Con tên là…

Tôi lặp lại. Ngoại cứ nhìn theo đôi môi tôi đang mấp máy. Tôi thầm nghĩ hay là mình cứ hét thật to thay vì thầm thì như thế này nhỉ? Có khi làm như thế lời cầu nguyện của hai bà cháu sẽ không bị những tiếng chúc tụng và hát karaoke không ngớt ở bên ngoài làm át đi và biết đâu nhờ vậy mà trời Phật sẽ nghe rõ hơn những gì chúng tôi muốn bày tỏ. Nói cho cùng, chẳng phải tất cả những gì ngoại và tôi đang làm là để lời cầu nguyện cho mẹ đến được với trời Phật hay sao?

– Xin trời Phật thương xót phù hộ cho mẹ con, được bình yên vô sự, bệnh tật tiêu trừ.

– …Bình yên vô sự, bệnh tật tiêu trừ.

– Bệnh tật tiêu trừ là sao vậy ngoại?

– Là mẹ con khỏe lại, lành bệnh, bớt bệnh đó.

– Sao mình không nói thẳng là xin trời Phật cho mẹ con mau bớt bệnh, lành bệnh mà phải cầu là tật bệnh tiêu trừ?

– Mày cầu sao cũng được. Miễn là thành tâm, trời Phật sẽ phù hộ cho mẹ mày. Hiểu không? Sao hỏi nhiều thế? Lạy đi chứ!

Tối đó, lúc nằm cạnh ngoại trên giường, giữa làn sóng những tiếng chúc mừng năm mới và cười đùa hoan hỷ từ nhà hàng xóm vọng sang, tôi khẽ khàng hỏi ngoại trong bóng tối:

– Ngoại tính mang nước đó vào cho mẹ thật hả?

– Ngoài cách đó ra thì tao còn biết làm gì bây giờ đây!

Ngoại rấm rứt khóc với bức tường. Ngoài ban công, bàn thờ đêm giao thừa vẫn còn phảng phất khói hương. Chai nước nằm giữa những đĩa bánh kẹo rẻ tiền và tàn tro của nhang, nến, trơ trọi và cô độc cho dù đó là ngày đầu tiên của năm mới. Những nén nhang cuối cùng vẽ lên trời bức tranh ảm đạm màu trắng của khói, màu tóc bạc trên mái đầu muối tiêu của ngoại, màu trắng khăn tang cứ lởn vởn trong giấc mơ đầu năm của tôi nằm trong lòng ngoại. Phải chi mà những lời cầu nguyện khẩn thiết của ngoại theo được cùng làn khói đó mà bay về trời, đến được nơi cần đến…

2.

Chai nước đó là của sư bà ngôi chùa ngoại tôi hay lui tới cho. Cái ý tưởng đưa chai nước vào cho mẹ uống và truyền vào tĩnh mạch cho mẹ cùng mấy túi thuốc khác mới nghe thật chướng tai và kỳ quặc. Cả cái chuyện cầm chai nước đó trên tay rồi đọc cả mấy ngàn lần bài chú Đại Bi khó hiểu, khó nhớ và khó đọc. Nhưng tôi chỉ có thể phản đối yếu ớt với lý do làm sao biết được chai nước kia từ đâu mà ra, có sạch không. Rồi làm thế quái nào mà ta có thể vượt qua con mắt của mấy người y tá, điều dưỡng trong phòng bệnh mẹ nằm để tuồn chai nước vào, thậm chí còn cho mẹ uống nữa. Đến cả cháo mẹ còn chẳng thèm mở miệng ra để ăn thì nói gì đến một chai nước lọc lạt nhách. Tôi đồ chừng sau cả ngàn biến chú Đại Bi của sư bà với ngoại thì chắc vị lạt nhách chán phèo của chai nước kia chắc gì đã giữ được (nhưng có cạy miệng tôi cũng không dám nếm thử ngụm nào của chai nước đó đâu)

– Đừng có báng bổ! Không tin thì cũng không được nói!

Sau bao lý lẽ của tôi, ngoại gắt lên đúng một câu rồi đứng dậy. Chai nước được nhét vào trong túi đồ cùng bình giữ nhiệt đựng cháo lỏng với vài chai Ensure nước. Tôi không biết ngoại có cho mẹ dùng thứ nước thánh đó hay không, nhưng một tuần sau thì hai bà cháu phải buông tay để mẹ đi. Cho dù đã thử hay chưa, cuối cùng phép mầu vẫn không xảy ra. Tôi không lần nào nhắc lại chuyện chai nước đó với ngoại nữa. Bộ dạng thành tâm của ngoại khiến tôi oán trách và có ác cảm với tất cả những gì liên quan đến niềm tin siêu hình. Tôi không muốn chính mình phải trải qua nỗi đau mất mát khổng lồ với một niềm tin rã rời và tả tơi, gom góp từng mảnh vụn của nó để đứng lên bước tiếp bởi vì đó là cách duy nhất. Ngoại còn tin vào thần chú Đại Bi và những vị Phật, những phép mầu? Tôi không biết, cũng chẳng muốn tìm hiểu. Tôi đã đủ đau đầu với khoảng trống mẹ để lại trong ngoại và chính mình.

3.

Giây phút cuối cùng của ngoại thật dữ dội, ít nhất là trong cảm nhận của tôi. Tôi trưng ra gương mặt cam chịu và vui vẻ chấp nhận trước những người đi đưa đám, miệng mỏi nhừ vì cứ phải lặp đi lặp lại câu chuyện ngoại ra đi như thế nào với họ. Trả lời những câu hỏi như tại sao gương mặt ngoại lại bầm đen như vậy, sao lại không cắt tóc cho ngoại đẹp hơn, để ngoại đi tóc tai rũ rượi chỗ dài chỗ ngắn, mỉm cười về hùa với những lời đồng cảm, động viên trăm người như một, rằng bà đi như thế được rồi, thôi cũng đừng buồn, nuôi người già khổ vậy đó, tôi như con robot được một ai đó lập trình sẵn. Lần đầu tiên tôi cầu nguyện với mẹ trong khẩn thiết và tuyệt vọng, xin hãy để ngoại sống thêm với con vài năm nữa. Lần đầu tiên tôi cảm thấy bẽ bàng và tức giận đến thế khi lời cầu nguyện của mình rơi vào thinh lặng. Lần đầu tiên tôi không thấy lời cầu nguyện của mình bị chối bỏ hay khước từ, trong lúc tất cả những gì tôi nên làm là ngừng lại mọi thứ mình từng cho là vớ vẩn này và bước tiếp. Tôi vẫn không biết làm thế nào mình có thể mở miệng ra để nói chuyện với ngoại, và mẹ khi giờ đây tôi không còn nắm bắt được hình bóng của họ, hay bất cứ sự hiện diện nào của họ nữa.

Ngoại đi như thể vẫn còn đang ở đâu đó trong nhà để chờ tôi gọi dậy đút cháo, thuốc và cho uống sữa, để vẫn tiếp tục chờ tiếng xe đạp ngoài cửa của tôi vang lên sau mỗi chuyến đi mua đồ, để vẫn ngồi nghe tôi cằn nhằn hậm hực về một điều trái tai trái ý gì đó. Tôi không định để ngoại đi như thế. Tôi không ngờ ngoại sẽ đi theo cách như thế. Một điều gì đó len lỏi trong tôi đêm đầu tiên thức canh ngoại cùng với nỗi đau. Có lẽ đó là sự tuyệt vọng vì không cảm nhận được ngoại bên mình nữa, và cả nỗi sợ phải ở lại một mình với lời cầu nguyện trong vô vọng. Ngày đó, ngoại cầu nguyện cho mẹ. Trước đó, tôi cầu nguyện cho ngoại. Giờ này, tôi chẳng còn ai để cầu nguyện cho nữa ngoài chính mình. Nhưng tôi biết cầu nguyện gì cho bản thân? Cầu nguyện với ai? Tôi có nên cầu xin cho mình được tai qua nạn khỏi, bình yên vô sự, tật bệnh tiêu trừ không? Tôi có nên tưởng tượng mình đang xin xỏ ngoại với mẹ từ một nơi xa xăm nào đó thay vì trời Phật, những đấng thiêng liêng mà tôi đã không còn tin tưởng nữa? Sau mỗi một sự ra đi, mỗi một mất mát, tôi lại cảm thấy mình không còn bất cứ niềm tin nào nữa, kể cả với chính mình. Làm sao tôi có thể hướng về ai đó ở ngoài kia mà xin xỏ, van nài khi đến chính tôi còn không thể tin nổi vào bản thân mình chứ? Đến cả mẹ và ngoại tôi, những người tôi yêu thương nhất cũng đã buông tay tôi, thì làm sao tôi có thể tin vào một ai đó khác đây? Tôi góp nhặt chút niềm tin để bấu víu vào sự sống của ngoại, thì y như rằng, mọi thứ lại một lần nữa sụp xuống trên đầu tôi.

– Cầu cho ngoại con được hạnh phúc!

Tôi thẫn thờ đưa sát mấy cây nhang vào ngọn đèn trên bàn thờ, chờ cho lửa phức lên rồi thổi phù một cái cho làn khói cay xè lan tỏa. Bất giác cảm thấy mình như con nhỏ bán diêm trong truyện cổ Andersen, nhưng thay cho những que diêm ướt nhẹp tuyết mùa đông là mấy cây nhang rẻ tiền từ quế màu nâu sạm đang đạu tàn thành từng nhúm nhỏ trên cái lư sứ to đùng trước di ảnh. Chẳng có hình bóng nào của ngoại hiện ra để đưa tôi theo cả, những lời cầu nguyện cứ tuôn ra trong đầu tôi. Thay cho những giọt nước mắt tôi không thể khóc được nữa. Có những cơn gió thổi bạt đi làn khói nghi ngút trên linh sàn, làm nhòe đi gương mặt ngoại trên tấm hình thờ mà tôi sẽ không đời nào nhìn thẳng. Tôi không thể đối diện với sự ra đi của ngoại, cũng không thể cho mình một cơ hội để có được nhiều can đảm hơn mà vượt qua. Tôi nhận thấy “vượt qua” là một thứ gì đó thật xa xỉ và nằm ngoài tầm với của mình. “Ở lại” với nỗi đau là một lựa chọn tôi luôn có thể giữ cho riêng mình ở mọi nơi mọi lúc. Cũng chẳng sao nếu như tôi không thể bước tiếp. Có ánh sáng nhấp nháy từ mấy ngọn đèn led người ta lắp trên ban thờ để trông ấm cúng hơn, nhưng chẳng khác gì nỗi đau được trang trí bằng những gì tàn nhẫn nhất mà lòng người có thể nghĩ ra. Nhảy nhót cùng làn khói hương in bóng trên mặt bàn và khung hình, những hình ảnh muôn hình vạn trạng của một cơn ác mộng đã hóa thành sự thật lướt qua mắt tôi. Nếu như tôi ngừng cầu nguyện, đầu tôi sẽ nổ tung mất. Tôi liên tục nhủ với bản thân rằng tất cả những gì mình đang làm chỉ là cố gắng chấp nhận sự thật, thích nghi với đau thương và tổn thất. Theo bản năng.

Căn nhà không còn ngoại âm vang tiếng nói của tôi. Trống rỗng đến mức ngột ngạt. Tôi vẫn liên tục nói với chính mình: “Cầu cho ngoại con được hạnh phúc”, chẳng hiểu tại sao giờ mình vẫn không tài nào dứt ra được. Những nuối tiếc vẫn ùa về dưới hình hài những ký ức, phải chăng nhìn đâu cũng gợi nhắc tôi nhớ đến ngoại đã khiến đầu óc tôi bị chai lì? Có lúc nào đó tôi đã sai lầm khi lựa chọn bấu víu vào một lời cầu nguyện vô thưởng vô phạt? Thế nhưng tôi không cảm thấy mình sẽ phát điên vì đau. Tôi thực lòng muốn ngoại sẽ hạnh phúc ở đâu đó ngoài kia. Nếu có thể làm chút gì đó cho ngoại được hạnh phúc, tôi đã làm rồi. Nhưng có nghĩ nát óc tôi cũng không biết phải làm sao. Chưa biết chừng bởi thế nên thay vì một câu hỏi, tôi đã vô thức tìm đến một lời nguyện cầu và đắm chìm vào trong nó. Tôi không biết mình nên làm gì với nó khi không thể xua nó ra khỏi đầu. Tuy nhiên, tôi cũng không thấy mình có chút vấn đề nào với nó.

4.

Tôi choàng tỉnh giữa đêm vì tiếng niệm Phật trên bàn thờ ngoại. Vốn dĩ đã định tắt máy niệm Phật đi, nhưng cơn buồn ngủ vì kiệt sức ập tới khiến tôi không cách gì gượng dậy nổi. Headphone trong tai gắn với điện thoại còn đang phát bản nhạc của Taylor Swift. Tôi thực sự đã thiếp đi giữa tiếng niệm Phật đầy ám ảnh dành cho người mất và một bài hát nhạc đồng quê Âu Mỹ. Lúc mở mắt ra, tôi lập tức nhận ra mùi hương đó của ngoại. Không lẫn đi đâu được. Phải đến vài phút sau tôi mới nhớ được rằng mình đã phải trải qua những gì. Ký ức như một thứ khói hương vấn vương trong đầu óc đang mụ mị đi của tôi, đánh thức cảm giác đau đã tê liệt vì giấc ngủ lẫn ý thức mất mát đang trỗi dậy mãnh liệt. Không còn cách nào để thoát khỏi nỗi đau, tôi lại bám vào lời cầu nguyện “Xin cho ngoại con được hạnh phúc”

Tôi gần như lặp lại những gì ngoại đã làm mười mấy năm về trước sau ngày mẹ mất. Việc đó đồng nghĩa với chuyện tôi phải sống lại những nỗi đau và ký ức mà mình từng làm mọi thứ để quên đi. Cái chết khắc nghiệt và không bao giờ dễ dàng đối với bất cứ ai, dù là kẻ ra đi hay người ở lại. Tôi kê bàn thờ cho ngoại ngay chỗ ngoại đã kê bàn thờ cho mẹ. Cúng cơm cho ngoại theo cái cách ngoại đã làm thế để tưởng nhớ mẹ, lúc nào cũng để phần cho người đã khuất trên bàn ăn. Hàng đêm, tôi đều đem chỗ quần áo ít ỏi của ngoại mà đấu tranh dữ lắm với nhà quàn tôi mới giữ lại được, với hy vọng sẽ mơ thấy ngoại. Tôi không biết mình đã làm vậy bằng một niềm tin được hồi sinh trong tận cùng bế tắc hay chỉ đơn thuần là thứ bản năng trong vô thức muốn bằng mọi giá được thoát khỏi nỗi đau. Dù có là gì đi nữa, tôi vẫn phải chịu sự tra tấn khôn kham về tinh thần.

Bộ quần áo đó của ngoại làm bằng vải gấm trơn, mềm mượt và thơm mùi nước xả vải. Khi lấy nó từ tiệm đồ giặt ủi về, tôi đã có chút thất vọng. Nếu ngoại sống thêm vài ngày nữa thì biết đâu lại chẳng được mặc bộ đồ thoải mái này thêm lần nữa, và tôi sẽ ngửi được mùi thơm của ngoại trên bộ đồ thay cho thứ hương thơm hăng hắc của nước xả vải Comfort. Tôi đã để bộ đồ dưới gối vì nhớ ra ngoại từng ôm đồ mẹ ngủ suốt cả tháng trời sau tang lễ. Mất mát ập đến từng khiến tôi có một sự ám ảnh với mọi thứ về cái chết. Tôi ghét tiếng niệm Phật, tiếng nhạc đám ma. Tôi gần như đã giận ngoại suốt cả tháng trời khi ngoại nghe lời hội người cao tuổi rủ rê đi chụp ảnh thờ. Tôi căm thù những ai bóng gió việc hậu sự cho ngoại, và chẳng thể chịu nổi khi vô tình lướt mạng xã hội mà bắt gặp hình ảnh hay video nào về đám chết. Vậy mà giờ đây tôi có thể bình tĩnh mở máy niệm Phật suốt đêm, ăn ngon lành mấy bát cơm cúng ngoại, thậm chí còn ôm luôn bộ quần áo ngoại để lại vào lòng hít hà lấy để mà chẳng hề cảm thấy buồn nôn, chóng mặt hay ghê tởm gì hết.

Thật lạ lùng là tôi lại có thể nghe ra mùi hương của ngoại, sau ngần ấy thời gian chỉ tìm thấy nước xả vải Comfort trên đó. Mùi hương rõ rệt đến nỗi tôi suýt òa lên khóc vì nhớ ngoại, và cùng với niềm xúc động bất ngờ ấy, tôi cảm nhận được sự hiện diện của ngoại. Không phải tôi đang ôm một hình hài nào đó trừu tượng và rỗng không được tạo nên bởi nỗi nhớ và trí tưởng tượng, bởi cảm giác ấm áp và mềm mại đầy thân thương và quen thuộc đến nghẹn lòng đó chỉ có thể là ngoại của tôi. Như thể tôi đang được áp mặt vào lòng ngoại và lắng nghe tiếng thở phì phò phát ra từ bên trong bụng ngoại, được tay ngoại xoa đầu vậy. Cái đụng chạm trìu mến sượt qua da thịt tôi mà tôi tưởng mình đã vĩnh viễn không bao giờ bắt gặp lại được nữa. Trong khoảnh khắc, tôi đã quên mất rằng ngoại đã đi rồi. Thời gian một tuần, hai tuần hay bảy tuần, rồi ba tháng hay một năm trải dài miên man trong trí óc tôi vời vợi thoắt tan biến một cách thần kỳ như phép mầu, và trong tôi chỉ còn cảm giác được ở cạnh ngoại. Đó là khi tôi gọi thành lời hai tiếng “ngoại ơi” mình đã cất giấu từ tận đáy lòng mình. Tôi không chắc mình đã gọi như thế trong bao lâu, nhưng khi mở mắt dậy lần nữa, tôi lại thốt lên “Cầu xin cho ngoại con được hạnh phúc”.  Dường như tôi đã giữ chặt chúng trong lòng mình quá lâu, vì không dám và không nỡ chứ chẳng phải vì không tin hay không biết. Lần này, đó không còn là một cái phao giữa đại dương rối bời những xúc cảm và nghĩ suy nữa. Tôi chỉ biết rằng đó là một lời cầu nguyện không phải chỉ dành cho ngoại, mà còn dành cho chính mình, và xuất phát từ trái tim chứ không phải cái đầu.

Như cái cách ngoại đã dạy tôi cầu nguyện. Tôi đã nghĩ như thế này, té ra nói ra những gì trong đầu bằng trái tim chính là lời cầu nguyện thành tâm.

Buổi sáng của một ngày không còn ngoại nữa trong chuỗi ngày vô hạn vắng bóng ngoại. Nhận thức về cái ngày đang đến với tôi và cái ngày đã đưa tôi đến đây sau cả một giấc ngủ đủ sâu khi đã tìm được ngoại trong khoảnh khắc không khiến tôi hụt hẫng quá nhiều. Ngay cả khi phải thắp cho ngoại nén nhang đầy ngày mới, mắt lảng tránh ánh nhìn của ngoại, cố kìm nén những giọt nước mắt bất chợt chực tuôn rơi khi cất đồ ngoại lại vào trong tủ, tôi vẫn không mấy khó chịu với lời cầu nguyện cứ hằn in trong đầu mãi nữa. Đôi lúc đang làm việc nhà, tôi vẫn tự hỏi mình sẽ ra sao nếu như chẳng có ai nghe thấy tiếng lòng của mình, nhưng giờ đây, câu hỏi đó không khuấy động trong tôi sự bất mãn hay lấy đi trong lòng tôi chút niềm tin ít ỏi còn lại. Đột nhiên, tôi lại nảy thêm trong đầu một suy nghĩ nữa, rằng cho dù thứ tôi có chỉ là ước muốn của riêng mình hay một lời cầu nguyện đích thực, và điều giữ tôi ở lại với nỗi đau này là cái gì đi nữa, niềm tin hay bản năng, nó không bao giờ vụt tắt và từ bỏ tôi. Sẽ không có một sự níu kéo nào vì nó đã buông tay hay cảm thấy chới với vì bị tước đoạt. Nó vẫn sẽ luôn ở đây với tôi dù cho tôi có ra sức đuổi nó hay biến nó thành một thứ phép mầu, thần thánh hóa và tôn thờ nó.

Ngoại tôi chưa từng cảm thấy bị chối bỏ vì những lời cầu nguyện của mình, vì ngoại đã cầu nguyện nó bằng cả trái tim hay không thể phủ nhận một thứ mình đã cược bằng cả trái tim? Trong hành trình tìm kiếm sự thương xót của trời Phật, ngoại và tôi đều đã chẳng là những kẻ khờ khạo nhất hay sao? Nhưng cả tôi và ngoại đều đã được một thứ gì đó từ thứ chúng tôi mặc định là niềm tin. Thế nên tôi quyết định mình sẽ không ngừng và thay đổi lời cầu nguyện đó, cho đến khi nó trở thành hiện thực:

– Xin cho ngoại con được hạnh phúc.

Yukiko Tengo

Đôi điều về tác giả:

Nguyễn Văn Toàn, bút danh Yukiko Tengo, sinh năm 1994 tại Quy Nhơn, Bình Định, hiện là giáo viên Ngữ văn tại trường THPT Xuân Diệu, Bình Định. Anh bắt đầu cộng tác với các báo từ năm 2022, với truyện ngắn đầu tay “Một nửa tấm hình” đăng trên báo Phụ nữ TP.HCM. Từ đó đến nay, anh đã cho ra mắt nhiều tác phẩm được đăng trên các tạp chí uy tín như “Mê cung,” “Trăng điên,” “Người hùng” (Đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Định), “Lời cầu nguyện của mẹ” (Báo Giác ngộ), “Những người điên trong thành phố” (Báo Văn nghệ Trẻ). Truyện ngắn “Con bóng già” của anh đã đạt giải khuyến khích trong cuộc thi truyện ngắn Đường Văn và được tuyển đăng trong tuyển tập truyện ngắn cùng tên.

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)