“NHỮNG KẺ CỐ CHẤP” – TRUYỆN CỦA NHẬT PHI
“Ông ấy lại tới rồi.” C. quay sang thì thầm với cô gái đồng nghiệp ngồi kế bên sau bàn quầy. “Hôm nay là ngày thứ bảy rồi đấy.”
Cô bạn, M., đơn giản nhún vai, cô còn đang bận cọ móng tay bằng một cái giũa có đầu nhọn. Cô ta đứng lên quay vào trong để rửa tay khi người đàn ông thất thểu tới trước bàn tiếp khách. Đó là một người đàn ông dong dỏng cao, gương mặt gầy gò vẻ khắc khổ, cặp môi mỏng, đôi mắt rất sâu và sáng. C. áng chừng ông vào khoảng cuối tuổi bốn mươi, mấp mé năm mươi. Cô chào ông theo phép tắc của bưu điện.
“Chào ngài, ngài cần giúp gì…”
“Hôm nay vẫn không có gì từ ông B. đâu, K. bạn tôi ơi,”
Đó là P., một đồng nghiệp tiền bối đã làm việc rất lâu trước C. ở chi nhánh bưu điện này, một người đàn ông luống tuổi có mái tóc muối tiêu và cặp râu cong rất điệu đàng. P. có vẻ đã quen với sự xuất hiện của người kia. Rất quen là khác.
“Vâng, cảm ơn anh,” người đàn ông tên K. đáp yếu ớt, gần như là cam chịu. “Vậy tôi về.”
“Cô C. mới chuyển tới đây một tuần nhỉ?” P. hỏi khi người đàn ông đã đi khuất khỏi toà nhà bưu điện. “Cô không biết cũng phải. Anh bạn cũ của chúng ta chỉ chờ đúng một thứ thôi, cứ việc nói với ông ấy là không có gì từ ông B. cả là được.”
“Ông ấy đã đến đây suốt từ trước khi em chuyển tới rồi ạ?”
“Trước cả khi tôi bắt đầu làm việc ở đây ấy chứ,” P. cười ha hả. “Tôi còn không đếm được đã bao nhiêu năm rồi nữa.”
“Thật vậy sao?” C. mở tròn mắt. “Ông B. hẳn quan trọng với ông ấy lắm.”
“Cô có biết về loài gián không? Họ nói rằng ngay cả khi bị mất đầu thì con gián vẫn sẽ tiếp tục sống và hoạt động thêm một thời gian nữa, trước khi chết vì đói. Họ cũng nói rằng gián là loài tồn tại trên thế giới hàng triệu năm, trước và sau cả khủng long đấy.”
“Vâng…”
“Anh bạn này cố chấp như một con gián vậy.”
Cố chấp ư? Tại sao lại là cố chấp? C. nghĩ thầm. Trong thời gian làm việc tại bưu điện, cô đã gặp nhiều người không ngừng xuất hiện trước mặt cô để chờ đợi một bưu phẩm nào đó từ người thân. Vẻ mòn mỏi đeo trên gương mặt họ luôn khiến cô bận lòng, nhưng mỗi khi cô tự nhủ mình cần phải làm gì đó cho họ thì họ lại không còn đến nữa. Sự áy náy cộng dồn trong nhiều năm thôi thúc cô tìm hiểu và giúp đến cùng người đàn ông cố chấp này. Ngày mai… ngày mai… cô tự nhủ.
Rồi bao nhiêu ngày mai như thế, cho tới ngày cô có thể mở lời với K., một ngày mà P. xin nghỉ phép để về thăm nhà.
“Hôm nay có gì gửi cho tôi không hả cô?”
“Ông K, phải không ạ?” C. mau mắn kiểm tra danh mục. “Không… em e là hôm nay cũng không có ông ạ.”
“Vâng, cảm ơn cô,” K. đáp, không thể đọc được trong giọng nói của ông rằng ông có còn quay trở lại nữa hay không. “Tôi về vậy.”
“Ông ơi,” C. đứng bật dậy khỏi ghế. K. đứng lại, nhìn cô bằng ánh mắt sâu hút. “Ông cho em hỏi… Thứ ông đang chờ, thứ mà ông B. sẽ gửi cho ông ấy, là gì thế ạ?
“Em xin lỗi đã đường đột,” cô vội nói thêm. “Em chỉ muốn cố gắng giúp ông.”
“Tôi e là chỉ có anh bạn B. mới giúp được tôi thôi.” K. cười. “Vì tôi đã giao phó hết cho cậu ấy rồi. Cậu ấy sẽ gửi cho tôi thôi, sớm muộn.”
“Đó là gì thế ạ?” C. quả quyết. “Em muốn giúp ông.”
“Giấy, cô gái ạ, rất nhiều giấy.” K. kéo ghế ngồi xuống trước bàn quầy, một điều đã lâu lắm ông không làm. “Tôi là một nhà văn. Tôi đang viết dở rất nhiều bản thảo trước khi đến đây. Trước khi đi, tôi có nhờ anh bạn B. gửi cho tôi. Tôi cần chúng để viết tiếp.”
“Nhưng ông có nghĩ ông B. cũng đã không còn ở đó nữa không?” C. lúng túng. “Thì ông ấy sẽ không thể gửi cho ông được nữa. Có thể ông ấy đã ở đây rồi.”
“Không đâu, chắc chắn B. sẽ gửi bản thảo cho tôi trước khi đi bất kì đâu. Cậu ấy biết chúng rất quan trọng đối với tôi. Quan trọng như cầu nguyện mỗi ngày vậy.”
C. xin nghỉ phép ngày hôm sau đó. Đầu tiên, cô tới tàng thư để tra cứu về K., về ngày ông bắt đầu trở thành một người ở đây. Việc đó rốt cuộc lại đơn giản hơn cô tưởng. Nhưng con số cô tìm thấy lại thật không thể tin được. K. đích thực là một kẻ cố chấp. Và vô vọng. Ngực cô thắt lại khi nghĩ mình sẽ phải nói với ông rằng người bạn B. của ông chắc chắn không thể nào gửi cho ông những bản thảo ông cần từ nơi ấy được nữa. Và giờ đây thì người tên B. ấy hẳn đã ở đây rồi. Cô sẽ tìm ông ta, trong khi K. tiếp tục đến bưu điện mỗi ngày. C. mỉm cười với chính mình, với ý nghĩ chính cô cũng đã trở thành một kẻ cố chấp rồi.
Cô tìm tới D., kẻ biết nhiều về nơi này hơn bất kì ai cô từng gặp. D. mang một vẻ trẻ trung vui tươi hơn những gì hắn tự nhận về mình. Luôn luôn mang theo mình năm hòn đá lớn, bốn hòn cột vào chân và tay và một hòn được hắn giữ khư khư trước ngực, D. nói đó là hình phạt cho năm lần tìm cách đào thoát tới đây của hắn. Tới lần thứ năm thì hắn thành công, nhưng vẫn phải chịu phạt cho lần đó nữa. Điều đó không khiến hắn biết tỏ ra sám hối. Dường như riêng niềm khoái lạc của việc được ở đây, hoặc không phải ở đó nữa, đã choán hết tâm trí hắn rồi.
“B., bạn của K, phải, tôi biết ông ta,” D. nói, có gì đó như châm biếm. “Một lão già chán ngắt, chẳng bao giờ nói năng gì. Lão đến đây sau tôi một thời gian và vẫn ngồi ở sân ga từ đó tới giờ.”
Theo chỉ dẫn của D., C. tìm thấy B. trên một băng ghế ngoài cổng sân ga. Đó là một người đàn ông đường bệ trong bộ vest cứ chực bung ra với mỗi hơi thở. Vẻ ngoài tươm tất gợi về một người đã từng có thời thảnh thơi sung túc, nhưng C. không thấy bất kì một chút vết dấu nào của điều đó nơi B. Cô lập tức nhận ra điều gì đã giữ cho B. tiếp tục ngồi lại sân ga sau ngần ấy thời gian.
“Ông phải đi theo em!” C. đón đầu K. ở cửa bưu điện, rồi không cần biết ông có nghe hay không, cô nắm lấy tay ông mà kéo đi. “Hôm nay cũng sẽ không có bưu phẩm nào chờ ông đâu.”
C. dẫn K. tới trước nhà ga mà chẳng hề gặp chút nào kháng cự. Có lẽ chẳng mấy lúc K. gặp một kẻ nào cố chấp ngang ngửa mình. Cô dẫn K. tới thẳng trước mặt B. rồi rút đi, quan sát hai kẻ cố chấp ấy từ xa.
Thoạt đầu, họ sững lại đó, nhìn nhau rất lâu, chừng như để nhận cho rõ người đối diện. Rồi họ ôm chầm lấy nhau. Dưới đây là những gì cô nghe được, khi họ đã cùng nhau ngồi xuống băng ghế.
“Anh khác quá.”
“Đã bao nhiêu năm rồi còn gì. Còn anh thì vẫn thế. Không, tôi nói thừa rồi.”
“Tới đây rồi sao anh không tới chỗ tôi?”
“Bạn thân mến ơi, làm sao tôi dám gặp lại anh được nữa? Tôi đã trái lời anh.”
“Phải rồi, tại sao anh không gửi những bản thảo ấy cho tôi?”
“Tôi quyết định trái lời anh, tất cả là ý của tôi. Tôi để chúng lại ở chỗ chúng mình khi trước. Ở đó họ cần những bản thảo ấy hơn, tôi nghĩ thế.”
“Họ nào? Tôi mới là người cần tới chúng, tôi cần phải làm tiếp những gì còn dang dở.”
“Không, đủ rồi. Không cần phải hoàn thành thì chúng cũng đã quá vĩ đại rồi, bạn thân mến. Ngay cả khi phải trái lời anh thì tôi cũng phải để chúng lại ở đó. Vì những người ở đó. Phúc phần của họ là được đọc những gì anh đã để lại.”
“Thế còn tôi thì sao?”
“Anh có thể nghỉ ngơi rồi.”
“Nghỉ ngơi ư? Làm sao tôi có thể nghỉ ngơi được? Không thể viết tiếp thì tôi làm sao tôi có thể sống nữa chứ?”
“Bạn ơi, anh quên rồi sao? Chúng ta đã chết rồi. Tất cả chúng ta.”
“Họ thích ở lại đó quá nhỉ?” Đó là lời của D., hắn đang tung hứng hòn đá thứ năm trên hai tay. “Thật là cố chấp. Tôi cũng bỏ lại đó mấy thứ còn dang dở. Nhưng tôi vẫn ổn đấy thôi.”
– 2/8/2017 –
Nhật Phi, trực tiếp từ TCF, 184 Pasteur.
Đôi điều về tác giả: Nhà văn Đỗ Nhật Phi sinh năm 1991 và sống tại Hà Nội. Anh đã xuất bản: “Người ngủ thuê” – truyện dài, NXBTrẻ, 2014 – giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 của; “Nhật kí một người cô đơn” – tập truyện ngắn, NXB Thế giới, 2015. Anh đồng thời là dịch giả của cuốn tiểu thuyết “Con nhân mã ở trong vườn” (Moacyr Scliar), NXB Văn học, 2022. Ngoài ra, Nhật Phi còn được biết đến là một nhà văn của văn học mạng với các tác phẩm “Limited Doom – Cái chết giới hạn”, “Crimson Apple – Quả táo đỏ”, “Spectral City – Phố của thành phố”…