MỘT CHUYỆN TÌNH – TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THÀNH LONG
Phố X. hẹp nhưng dài, phố của phần lớn là dân lao động, chợ búa, gái điếm, và lũ sinh viên tỉnh lẻ theo học tại các khu kề cận. Đó là một “tập thể ô hợp”, như cách nói của các bậc phụ huynh, vì quanh đó hội tụ đủ mọi thứ mà tụi sinh viên nhác nhớn thường hay sa vào: quán điện tử, quán bida, hàng dài các quán cơm bụi, các hiệu buôn sách cũ, các quầy photo, các tiệm cà phê theo mốt thời bao cấp, các quán karaoke đèn mờ, vân vân. Năm 2010, sau bốn năm trời ngất ngưởng quanh các tiệm net, tôi cũng lê lết ra được trường. Cầm tấm bằng hạng khá của Ngoại thương trên tay, tôi xin vào làm việc ở một công ty chuyên phụ trách về xuất nhập khẩu, có trụ sở đặt tại tuyến đường cắt ngang phố X. Tôi bỏ gian gác xép ở Chùa Láng để thuê một căn trọ mới, trong một ngõ nhỏ ngay khúc quanh đầu ngã tư, để tiện đường đi làm. Chiều lại chiều, muốn khuây khỏa đôi chút sau cả ngày dài ngồi văn phòng, tôi thường vác giày ra sân chơi bóng rổ cùng tụi sinh viên trong trường Bách Khoa, và cũng nhờ thế mà tôi gặp Hoa.
Hoa kém tôi ba tuổi, là sinh viên năm hai khoa tiếng Pháp của trường Ngoại Giao. Khi tôi gặp Hoa lần đầu, em đang mặc bộ đồng phục Chuyên Ngữ, thập thò nhìn trước ngó sau rồi, chọn lấy một hàng ghế khuất dưới bóng cây xà cừ, chăm chú nhìn những hình người mải miết đuổi theo một trái bóng. Tôi đã lần lữa việc làm quen em vì tôi vốn rụt rè, thành thử tới tận lần thứ ba em ra sân, khi bảo vệ tắt đèn như một lời đuổi khéo và cả lũ lục tục ra về, tôi mới đem vo viên dũng khí của mình mà tiến tới. Trái ngược với điệu bộ kiêu kỳ (hoặc do tôi tự tưởng tượng ra thế), Hoa tỏ ra rất dạn người và trò chuyện theo lối khoái hoạt mà tôi không hay bắt gặp ở những cô gái tôi từng quen. Tới buổi thứ ba, tôi nói rằng tôi yêu em và em đáp lại rằng em chỉ hơi hơi thích tôi thôi, nhưng rốt cuộc thì chúng tôi cũng chính thức trở thành người yêu.
Lần hẹn hò đầu tiên, tôi mượn chiếc xe ga của một đàn anh trong văn phòng tới đón Hoa. Khi tới nơi, tôi thấy em đang đứng đợi dưới mái vòm của một siêu thị xập xệ, dần cải biến thành khu vui chơi trẻ em. Tôi dẫn em đi ăn bún riêu ở Hàng Khoai, chọn một quán ở Đinh Tiên Hoàng, gọi cà phê mang đi, vẩn vơ bên Bờ Hồ rồi lại lượn lờ quanh vườn Bách Thảo. Em tỏ ý muốn lên hồ Tây thử trò đạp vịt. Ra tới nơi, đông quá nên chúng tôi đổi ý, vậy là tấp tạm vào một quán cà phê ở phố Vệ Hồ rồi ngắm làn nước lững lờ trôi. Chiều hôm đó chúng tôi đã tạt cả qua cầu Long Biên. Tới nơi thì con đường đã nhuốm màu đỏ ối của chiều tà, ông mặt trời xa xa là một quả cầu lửa. Tôi tựa tay vào thành cầu nhìn xuống dòng sông, phẳng như một tấm gương; một chiếc thuyền dật dờ thật êm đềm và vài khóm lau tản mác, xa xa ngọn khói bốc lên nghi ngút. Hoa với tay ra như muốn thâu tóm khoảnh khắc này. Cả màn trời phía trước như nhoè đi, gói gọn lại vào thân hình em, tràn đầy trong vòng tay tôi.
Hoa am hiểu về văn hoá Tây phương nhưng hơi mù mờ về phong tục nước nhà, cũng tựa như một số thanh niên thế hệ này. Tuy vậy, em có vẻ rất yêu thích chuyên ngành mình đang học, có thể thao thao bất tuyệt về nó hàng giờ. Em kể chuyện gia đình, tiết lộ một gia cảnh trung lưu, dư dả: em chỉ trú nhờ giảng đường vài tháng, nếu theo đúng dự liệu, đương lúc bố mẹ em bên Pháp lo chuyện bảo lãnh. Nếu trù tính bất thành, em có thể kiếm học bổng du học. Mọi sự đều đã được tính trước. Chẳng chóng thì chầy, em sẽ tạm biệt nơi đây.
Về phía mình, tôi không dám kỳ vọng, cũng như đòi hỏi ở Hoa bất cứ điều gì. Tôi cố gắng không buông lơi những hứa hẹn xa vời (một thứ cố tật đàn ông!) hoặc ít nhất tôi những tưởng mình đã làm thế. Trông chúng tôi giống một đôi bạn cố tri hơn là tình nhân – tôi và em bị thu hút bởi những điểm chung mà mình thấy ở đối phương: thích phim ảnh, ham chuyện trò và giết thì giờ bằng các dạo quanh. Trong những buổi đi dạo như vậy, em thường rảo bước trước tôi, từ phía sau, bóng em do ánh đèn điện hắt xuống nền đất cũng làm tôi xốn xang vô ngần, và tôi những muốn hôn chi chít lên đôi bàn tay buông thõng, những lọn tóc lơ thơ, và cần cổ thon gọn như một nhành lau kia. Muốn hôn cả bóng em. Nhưng cái bản năng hèn nhát lại hoá ra một mãnh lực ngáng tôi lại. Thế là, chúng tôi cứ bước đi, dông dài những chuyện không đầu không cuối, dưới ánh đèn vàng nhập nhoạng, dưới cái tĩnh lặng rụt rè của những điều muốn nói nhưng không biết diễn tả ra sao. Thi thoảng, phát hiện ở đối phương một điều tương hợp, em buột miệng thốt lên:
“Ơ! Em cũng thế!”
Trách nhiệm của đàn ông là che chở, và bản năng của người phụ nữ là nhu cầu được chở che. Đã đành rằng Hoa ít tuổi hơn tôi, đáng ra tôi phải sắm vai người anh, người thầy, người cố vấn cho em, vậy mà em lại gây ở tôi cảm tưởng về một người chị. Em tự đan cho tôi một chiếc khăn chẳng nhân dịp gì cả, hỏi han tôi về một ngày làm việc, gật gù khi nhắc tới những sở thích nhỏ mọn của tôi, và, chỉ một cái nhíu mày, hay một lời ta thán phật lòng về sở làm từ tôi cũng khiến em lưu tâm. Chúng tôi cùng là con một: em ao ước có một cậu em trai, còn tôi, tôi mơ về một người chị gái.
Quen nhau lâu, tôi phát hiện nơi em nhiều trò ngộ nghĩnh cũng như vô số điều huyễn hoặc mà lũ người tầm thường thường hay sa vào. Chẳng hạn, em thích thứ nhạc xập xình nhức óc, thích những chốn đông đúc nhộn nhịp, hoặc thói la cà đêm hôm của bọn sinh viên ngất ngưởng – dạo quanh phố phường vào giờ khuya, khi quán xá quây kín rèm và những tòa nhà dựng đứng u tối trông như bị bỏ hoang. Trong những dịp hoạ hoằn (em thường lấy cớ đi học thêm để được đi chơi tối), em ngửa cổ thích thú khi tôi đèo em trên xe, cảm nhận làn sương đêm phả vào mình, rùng mình khi hơi lạnh ẩm ướt thấm vào từng tấc da và cơn gió ve vuốt khiến xống áo phập phồng. Ban đầu, tôi thấy rất bất ngờ vì những sở thích của em tương phản hẳn với cảm tưởng em gây nên nơi tôi, nhưng tôi cũng tập làm quen và lâu dần chúng không làm tôi chướng nữa. Tôi yêu em quá đỗi, thành thử tôi buông lơi theo thói nuông chiều.
Thi thoảng vào cuối tuần, để đổi gió, tôi dẫn em tới những nhà sách xưa cũ, nằm tít sâu trong các con ngõ của khu phố Cổ và phải để giày dép ở ngoài. Hoa thích thú trước hơi hướng hoài niệm của những trang sách ngả vàng, nhưng em chỉ coi sách như một thứ phương tiện dìu vào giấc khuya. Tôi buộc phải dẫn em tới những chốn đỡ nhàm hơn.
Năm 2011, thành phố khởi động một dự án xây dựng khu phức hợp trên dải đất tái định cư. Nền kinh tế đang vực dậy: các dự án bắt đầu được khởi công, các hàng quán đóng cửa hàng loạt rồi tái sinh, cũng đồng loạt theo cách tương tự. Phố X vào một phong hội mới: một siêu thị lớn nhô lên, bao quanh là các tiệm ăn vặt, giải khát, quán cà phê, shop quần áo, vân vân. Phố nghèo nàn tôi ngụ bỗng chốc trở thành vùng trũng của thị trường theo cải cách mới. Về phần mình, tôi đã thất nghiệp nửa năm, trù trừ không muốn quay lại thị trường lao động và cũng không muốn nhận về mình những phàn nàn muôn thuở từ phía gia đình, tôi nói dối mình vẫn chu toàn ổn thỏa, trong khi thực chất đã vét cạn hũ tiết kiệm. Tôi không thổ lộ với Hoa, nhưng ắt hẳn em có nhận ra một sự lao dốc từ từ trong tình trạng tài chính của tôi, hiển lộ rõ rành qua các buổi hẹn hò: không còn những quán ăn Nhật nữa, giã từ món bít tết, gửi lời tạm biệt tới những quán fine dining quanh mạn Hoàn Kiếm. Giờ đây, tôi và Hoa chỉ đi vòng quanh, từ tầng này qua tầng khác của trung tâm thương mại, ngắm nghía mỗi chỗ một tí, hít hà những trầm hương, xịt những lọ nước hoa dùng thử, ướm vào người những chiếc áo. Chúng tôi đi ngang qua những quán ăn thơm nức mũi mà nhân viên sẽ rào đón ngay tại cửa, và chúng tôi chỉ gật đầu phui phủi rồi khẽ lướt qua.
Đông sang, cơn gió luồn qua tay áo làm tê dại từng tế bào và những sợi lông tơ dựng đứng ngay hàng thẳng lối, Hoa ngồi sau, vòng tay ôm lấy tôi và kể lể đủ thứ chuyện trên đời. Em dẫn tôi tới một quán ấm cúng rất được nằm đối diện trường cấp ba em học, giờ đây quán đã sang tên đổi chủ, như thể nó cũng trôi dạt khỏi thực tại như chính cuộc tình của hai đứa. Em dẫn tôi tới những hàng bán trang sức ở hội chợ thương mại ngắn ngày, chọn những khuyên tai, nhẫn, vòng cổ, với giá rẻ như cho, mà tôi tin chắc sẽ hỏng sau vài tuần hoặc thất lạc đâu đấy.
“Anh mua giày thế này không sợ em bỏ đi mất à?” Hoa nói, trong một ngày gió rét, khi tôi đưa em tới trước cửa hiệu.
“Vớ vẩn thật,” tôi đáp, và khoát tay như thể không quan tâm, “em tin mấy cái đó à?”
“Thì”, em ậm ừ, “biết đâu được.”
***
Mọi người trong nhà kể lại sau khi chia tay độ một hai tháng, khi tôi bận rộn đi tỉnh công tác, Hoa vẫn đều đặn ghé thăm và đôi khi còn ngủ lại trên chiếc giường hai đứa từng ôm ấp nhau qua những ngày giá rét. Em thó hết mấy chiếc áo thu đông trong tủ, mà mẹ tôi đã nói dối rằng bà đem quyên góp. Một lần đi tỉnh về, tôi tạt qua thăm mẹ vào buổi trưa thì được cho hay em đã ngủ tại phòng mình ngay đêm trước, và em chỉ mới vừa rời đi thôi, tầm hơn tám giờ sáng gì đấy. Quả là một thứ tình cờ oái ăm.
Mẹ tôi rầy rà vô kể khi đã “vuột mất một đám tốt”, vì xét về gia cảnh lẫn học thức, tôi và Hoa có vẻ sẽ hợp thành một cặp vợ chồng kiểu mẫu. Thực chất mà nói, tôi tin mẹ mình quý Hoa chỉ bởi em cũng là dân Hà Nội: bà vốn dĩ không ưa tôi lấy người ngoại tỉnh. Những lời thúc giục về việc thất gia sum vầy ban đầu dồn dập như mưa trút nhưng trước nhiệt hứng suy tàn nơi tôi, bà đâm nản rồi lâu lâu, bà chỉ nhắc khéo như đánh tiếng gọi là thôi. Tôi thấy nhẹ nhõm như cất được một gánh nặng. Tôi thậm chí dằn lòng sẽ không lấy vợ, như một toan tính trẻ con, một điều yếm thế mà người ta có cho mình vào những năm tháng xốc nổi đầu đời. “Ngựa non háu đá”, mẹ tôi hẳn sẽ nói thế.
Vì sầu muộn, tôi tự cho mình cái cớ để sa vào men rượu và thuốc lá, vả chăng tôi cũng tới tuổi rồi. Nhưng những hồi ức không hề thuyên giảm mà ngược lại còn lũ lượt kéo đến nhiều hơn. Tôi đã xoá toàn bộ liên lạc từ Hoa, chẳng nghĩ tới con người ta cần giữ lại gì đó cho sau này. Tôi chỉ không muốn cho mình bất cứ cơ hội nào để tỏ ra yếu đuối. Những cung đường xưa cũ dường như vẫn in hằn dấu chân hai đứa, những cặp tình nhân rả rích ngồi kia khiến tôi hờn giận, vì chúng mang dáng dấp của mối tình dang dở của tôi, hoặc khuấy động trong tôi những hoài tưởng xa xăm. Phải, chúng nhấn chìm, tra tấn, đoạ đày tôi.
Ở sở làm, tôi cố gắng che đậy tâm hồn mục ruỗng của mình bằng cách ôm hết việc vào mình, cốt để bản thân thật bận rộn, những mong thân thể rã rời xua tan nỗi khắc khoải của con tim. Dần dà, tôi quên mất, hoặc chí ít là tôi tưởng mình đã quên được, sự tồn tại của Hoa trên đời. Cuộc sống của tôi chầm chậm trôi, chỉ xoay quanh việc đi từ nhà tới sở làm rồi từ sở làm trở về nhà. Tôi ăn cơm tối một cách qua quýt, lên giường đọc sách và tập đi ngủ sớm. Tình yêu đối với tôi như một chiếc kẹo cao su hết vị. Tuy nhiên thi thoảng tôi vẫn cho phép mình được yếu lòng, vồ vập để vỡ mộng vì tính chất phù phiếm tạm bợ của những mối tình qua đường. Cứ thế, tôi lê lết qua những ngày ủ rũ chán chường.
Ba mươi tuổi. “Bạn bè con đã lấy vợ sinh con hết cả rồi!” mẹ tôi nói.
Ba lăm tuổi: “Mẹ không muốn thúc ép con, nhưng ngoài kia, không phải không có lời ra tiếng vào..”
Thây kệ, tôi chẳng mắc nợ vì điều ấy. Công việc yêu cầu tôi đi tỉnh nhiều hơn. Tửu lượng tôi tăng đáng kể, và đồng nghiệp còn tưởng tôi là một tên sâu rượu, mặc dù tôi chỉ uống vì muốn được say thôi. Sếp thậm chí còn cắt cử cho tôi riêng nhiệm vụ thết đãi khách khứa, ông gọi tôi là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đại loại vậy. Tôi bằng lòng. Vì tôi đem được tiền về cho ông, nên ông dành tặng tôi nhiều biệt đãi: những lời mời tới nhà ăn bữa tối, và nhiều tuần liền không phải đến văn phòng. Tôi khoái cái vế sau hơn.
Trong những kỳ nghỉ phép như vậy, ngày mưa cũng như ngày nắng, tôi đứng bần thần hoài niệm về những ngày đã qua, mơ mộng về những ngày chưa tới và đâm ngán ngẩm với thực tại tầm thường đáng ghét. Đôi khi tôi thấy thật cô đơn, nhưng cảm giác ấy cũng chỉ bộc phát như một nhu cầu bản năng về mặt thể xác, thấp thoáng rồi lại qua đi. Những đêm rối bời như thế, tôi thường tìm thấy mình vào sáng hôm sau, đầu óc chếnh choáng, lòng rỗng hoác như một căn nhà bỏ hoang, vài vỏ lon bia lăn lóc dưới sàn và, cô ả mà tôi vớ được tối qua đã đi mất rồi.
Thỉnh thoảng, khi trên đường, một người phụ nữ gợi nhắc về dáng người thân thuộc, và tôi những muốn sấn tới làm quen, bày tỏ tâm tình với người ta, nhưng lý trí tôi như tách ra làm đôi, một cái khuyến khích tôi tiến bước, một cái ghìm chân tôi. Cái tính chây lười ngáng đường như một chướng ngại vật. Tôi ngại phải phó thác tâm hồn, trái tim mình cho người khác một lần nữa. Tôi ngại làm quen, hò hẹn, yêu đương, và cảnh chia ly do bất cứ nguyên do nào cũng khiến tôi ngao ngán.
Đôi khi tôi cũng ước gặp được một người khiến tôi có thể nói chuyện với họ như cách tôi từng nói chuyện với Hoa. Tôi thử nguôi khuây bằng cách trò chuyện với những ả gái mại dâm, rồi, ra giọng như một thầy tu, hé mở về một sự hoàn lương. Bọn chúng nhìn tôi bằng ánh mắt dè bỉu như thể tôi là một gã dở người. Quay trở lại bàn giấy, công việc tẻ nhạt gia tăng nỗi buồn, và nhận ra sự vô nghĩa cũng như cái bất khả của những huyễn tưởng về một sự tái ngộ càng làm tinh thần tôi kiệt quệ và gia tăng cảm giác thất vọng nơi tôi.
***
Tôi hiện ba mươi bảy tuổi, làm giám đốc xuất nhập khẩu tại một công ty vận tải. Tôi chuẩn bị lấy vợ, cô kém tôi mười tuổi, là giao dịch viên tại ngân hàng. Mẹ tôi hơi phật lòng vì nhà vợ tôi quê gốc ở Hưng Yên, gốc gác không lấy gì là nổi trội, nhưng, trước những yêu cầu bức thiết và số tiền không thể không chi, bà đòi hỏi đám cưới phải được cử hành ngay tức khắc. Tôi vẫn đang cố làm tròn bổn phận.
Còn Hoa, tôi chẳng nghe tin tức gì từ em nữa. Giữa chúng tôi không có lấy một người bạn chung. Em đã trôi dạt khỏi cuộc đời tôi mãi mãi. Thi thoảng, vào những đêm trằn trọc mất ngủ, tôi tự trách mình ngu vì khi xưa đã xoá hết mọi liên hệ về cuộc tình của hai đứa. Căn nhà em ở ngày trước, trên phố An Xá, giờ là một tiệm âu phục. Gia đình em có vẻ đã định cư hẳn bên hải ngoại. Có lẽ em đã lấy chồng rồi, tận hưởng đời sống vui vầy bên đàn con yêu dấu. Đêm lại đêm, em nghiêng mình áp đầu trên gối, thiêm thiếp ngủ, bàn tay vỗ về tấm lưng thơ trẻ.
Kể từ ngày em rời đi, tôi vẫn thường lẩn thẩn quanh những ngóc ngách của con phốX., nơi in hình dấu bóng những kỷ niệm tươi mát về thời gian đã mất của hai đứa. Mỗi lần đi qua đó, tôi đều thấy một nỗi buồn trong mình, ban đầu chỉ như một chấm đen nhỏ, loang lổ ra như vết mực trên tờ giấy ẩm, rồi, tràn đầy, nhấp nhô như từng đợt sóng tới tấp đẩy tôi vào những hoang đảo mịt mùng. Những ký ức về Hoa hiện lên rõ mồn một như mới hôm qua, và tôi yêu em của ngày tháng ấy xiết bao, khi em còn dịu dàng phơi phới, và khi tôi chưa phá huỷ những gì tốt đẹp nhất trong em.
Liệu em còn nhớ tôi chăng? Dù chỉ là trong những đêm trái gió trở trời? Về người đã chiếm đoạt tất thảy những gì tươi đẹp nhất trong em và đồng thời nhẫn tâm rũ bỏ chúng, trong một ngày mưa phùn chớm đông, khi em phát giác ra tôi ngoại tình?
V.T.L
Tác giả: Vũ Thành Long, 23 tuổi, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Đọc thêm các sáng tác của Vũ Thành Long tại: https://vuthanhlong.blog/
Tranh minh họa: Young Man at His Window của Gustave Caillebotte