HƯ PHÙ – TRUYỆN NGẮN CỦA PHẠM GIAI QUỲNH
Buổi sáng, đám sương nhờ nhờ hay chẳng rõ là khói than còn lảng bảng trên mặt sông, Bạch mới chợp mắt được độ đôi ba giờ thì đã có tiếng bước chân người cót két leo lên gác. Bạch kéo lại cái gối quạ, ấy là cái gối mà y mua lại từ một ông ba Tàu chuyên sực tắc cái kéo sắt bán nộm đu đủ ở đầu ngõ, ai cũng chê rằng đen đủi nhưng riêng Bạch thấy nó có nét thú vị riêng, nói đúng hơn là đồng bệnh tương liên, đều là những thứ bị đẩy ra ngoài rìa. Bạch nhăn mặt trùm chăn quá đầu. Cái gác xép này nhỏ tới mức có thể nghe thấy tiếng động dội về từ bốn phía, tiếng họp chợ, tiếng cãi nhau, tiếng khóc cười, và hoan ái. Bước chân nọ dừng lại trước cửa, tiếp theo đó là tiếng đập cửa dội vào:
– Bạch!
Bạch kéo chăn lên cao hơn song tiếng đập cửa vẫn chẳng ngừng lại:
– Bạch, anh Bạch, dậy đi nào!
Bạch trằn trọc trở mình rồi vùng dậy, vô thức vò mái tóc rối như tổ quạ của mình, dò chân xuống rồi loẹt quẹt lê cái dép ra ngoài mở cửa, dụi mắt càu nhàu:
– Mới bảnh mắt ra mà gọi cái gì thế?
– Anh vẫn chưa tỉnh ngủ hả? – Người đàn ông kia hỏi.
Bây giờ Bạch mới nhìn kỹ lại, hoá ra là Quân, bạn mình. Họ bằng tuổi, lớn lên cạnh nhau, nhà đều ở Hàng Bạc, chia sẻ cho nhau từ vắt cơm nắm chặt hay một manh áo vá trở đầu trở đuôi, bởi hay đến nhà nhau chơi nên có nhiều khi người ta tưởng thầy u Bạch có đến hai người con trai. Một dạo oái oăm, Quân ngỏ lời yêu với một thiếu nữ song thiếu nữ ấy lại đem lòng yêu Bạch, vì lầm họ là anh em mà nàng chẳng dám tỏ tình hay từ chối, cứ thế lảng đi. Bẵng một thời gian, người con gái năm ấy đã đi lấy chồng, để lại câu chuyện nhỏ mà hễ nhắc tới là Bạch và Quân chỉ biết mỉm cười cho qua.
Bạch chưa kịp nói gì thì Quân đã lách mình vào trong, nhìn đống giấy lộn xộn trên bàn viết, càu nhàu:
– Anh lại thức trắng đấy à?
Bạch chưa đáp vội, y đến chỗ cái giá gác chậu rửa mặt, vốc tạm ít nước vỗ lên má cho tỉnh táo, cuối cùng buông một tiếng “ừ”. Quân biết rằng Bạch thường khó chịu sau khi ngủ dậy nên chẳng lấy làm lạ hay phật lòng với thái độ này. Anh tiện tay đưa cho Bạch cái khăn mùi xoa mình hay mang, Bạch gườm gườm:
– Sực mùi nước hoa, đêm qua lại ăn nằm ở đâu thế?
Quân phì cười, xếp lại đống giấy và sách, đặt cái cặp lồng mình mang theo lên bàn:
– Còn ở chỗ nào được, xong việc là tôi về nhà ngủ luôn. Cái khăn này của cô Tâm ở giáo phường Lâm Hương nhờ tôi gửi cho anh, nhắc anh đến thăm mấy chị em đấy.
Bạch nhìn Quân chằm chằm, rồi như không hiểu được ý lẫy nơi bạn mình thành thử lạnh nhạt cả cái khăn thêu hoa, mở cái cặp lồng ra, than:
– Lại thịt kho nghệ, màu vàng ởn ra như người bị bệnh gan ấy. Tay anh thế nào rồi?
Quân lùi gót, đứng xa xa để ngắm Bạch, cười trêu:
– Tay tôi vẫn ổn nhưng nhà anh mà không bỏ cái tật rượu chè thì chẳng mấy mặt mũi cũng không khác nồi thịt ấy đâu.
Bạch lấy cái khăn bông thấm bớt nước lên mặt, vắt lại cho gọn rồi thủng thẳng nói:
– Trông người trước phải nhìn ta, anh nạt tôi mà không thẹn phỏng? Chú ý một chút, để nó nhiễm trùng là mệt đấy.
Quân chỉ cười cười, dọn dẹp đống chai rượu ngổn ngang trên sàn. Khi xắn ống tay áo lên, chỉ thấy một vết sẹo lớn đang kết da non trông vằn vện như rắn rết, anh nói với vẻ đắc ý:
– Đấy thấy chưa, nhà tôi xưa làm thuốc mà, sao mà nhiễm trùng được.
Sớm, tiếng rao xôi đỗ ran lên rồi dần khuất đằng xa. Mùi con sông bốc lên nghe lợm giọng, Bạch thò cổ ra một cái để nhìn phố rồi trụt vào ngay, vội đóng cửa sổ lại. Quân càu nhàu:
– Ở đây cho chết bệnh ra!
– Không ở đây thì còn ở đâu? – Bạch thủng thẳng, gấp lại chăn và cuốn lại màn.
Đã nhiều bận Bạch muốn chuyển quách sang chỗ khác để làm việc, hiềm một nỗi là không có tiền. Cũng có một dạo người bạn đang mở xưởng in ngỏ lời rủ Bạch sang nhà mình ở tạm, tiện thể giúp đỡ mấy việc liên quan đến câu chữ luôn, Bạch lần lữa, và cũng bởi một cái nhìn sắc lạnh của người vợ bạn mà Bạch thôi hẳn. Ai cũng khó khăn, Bạch hiểu và thông cảm.
– Anh phải giở hết chăn ra, rũ đã rồi hẵng gấp, thế kia nó không vào nếp được. Nào, đưa đây, anh ăn sáng đi. – Quân thấy Bạch lần khần bèn vỗ vào vai bạn một cái.
Bạch cười đưa hết mọi thứ cho Quân, bởi đã quen, và cũng như người nhà nên không ái ngại làm gì. Y đẩy ghế, ngồi xuống, vừa so đũa vừa hỏi:
– Anh ăn luôn chứ?
Quân lắc đầu, ghém lại nếp chăn, rồi sực nhớ ra điều gì đó, bảo Bạch:
– Cô Huyền dạo này có nhắn gì với anh không?
Huyền là tên gọi bằng tiếng Việt của Naoko. “Ấy là một người con gái đẹp”, sau này nhớ lại, Bạch chỉ có thể bắt đầu mô tả nàng bằng câu này. “Con lai”, lúc đưa cho Bạch hồ sơ của nàng, Quân đã nói, “Cha là thương nhân người Nhật, di chuyển luôn, hầu như nơi nào cũng có một vài mối tình.” Ở thời thế này, nợ phong nguyệt đeo đẳng giống như một liều thuốc phiện, một chén rượu mạnh có thể khiến người ta lãng quên. “Quân không như thế.”, Bạch bảo, “Trông thì tưởng như rất phong lưu nhưng thực chất lại vô cùng nghiêm chỉnh, dù ngoài mặt có buông tuồng thế nào thì vẫn giữ thái độ một thái độ xa cách, chỉ bởi đã thông tỏ được thế gian. Biết rằng cái chết nhẹ tựa lông hồng nên lựa chọn con đường đầy máu và nước mắt.” Đã có mấy bận u của Quân giục con trai lấy vợ, Quân cười cười rồi gạt đi. Bạch hỏi Quân vì sao không kết hôn đi cho cụ yên lòng, Quân nói: “Tôi sống được một ngày là thêm được một ngày, lấy người ta về cho khổ người ta ra.” Bạch biết Quân nói thật, nhưng vẫn còn một điều gì đó bí ẩn mà y lờ mờ cảm nhận được, nó xuất hiện ở đó tựa như một bóng ma bợn quẩn quanh gáy.
– Huyền hẹn tôi ở quán Lý Hảo.
Bạch không uống cà phê, chỉ ưa chè mạn, đặc cắm tăm. Và rượu. Vả chăng Lý Hảo đông người quá thế nên Bạch hẹn lại ở quán rượu X, chủ quán là người Hoa, thuê được một gian ở gác hai của một căn nhà lớn, bên dưới là hàng bán trà quả, thuốc lá, dăm ba bó nhang thơm, tạp pí lù cả. Bấy giờ Bạch đang đứng bên lan can, nhìn xuống chỉ thấy Naoko đang đứng ở nơi bậc cấp. Nàng vận một chiếc váy xanh da trời, nhưng sắc độ thẫm hơn, mà ở nơi cổ áo, nàng đã tự tay thêu lên đó hoạ tiết dây cúc, đường chỉ mỏng manh tinh tế.
Đó là một trong hai người bạn tâm giao của tôi, sau này Bạch kể với người lữ khách khi y đang ngồi ở quán ăn quen, thực ra đó chỉ là một người lạ mặt, một trong số muôn ngàn qua đường trên con phố hẹp và dài đó. Song theo thói quen của mình, Bạch vẫn cố mô tả gã khi viết nhật ký: “Một người gày gò, nước da nâu sẫm hơi ngả xám, trông như người đau lá lách, đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống như đang ngủ nhưng tôi biết, so với những người nhìn mình chăm chú đầy thích thú thì đó mới là người lắng nghe tường tận nhất.” Bạch viết, mép sổ hằn lên lòng bàn tay đang tóm chặt lấy trang giấy của y, vệt đỏ nom như một đường chỉ tay cắt ngang đường sinh mệnh.
Quân từng bảo rằng Bạch sẽ sống thọ, nhưng lênh đênh trắc trở. Lời vận vào đời, người trôi dạt như con thuyền không hướng gió.
Như chiêm bao…
Naoko chào Bạch và ngồi xuống, chủ quen mùi khách, luôn miệng cười nói bằng giọng nhài nhại lơ lớ:
– Vẫn món đó chứ ông?
– Vâng. – Bạch mỉm cười đáp. – Cô Huyền dùng gì?
Naoko lắc đầu, đặt chiếc xắc tay nhỏ nơi cạnh bàn:
– Em đã ăn ở nhà rồi, thưa anh.
Bạch gật đầu và bảo:
– Tầm này cũng chỉ có món vịt quay của quán là còn, nếu là mùa thu thì còn món cơm nếp chân giò bọc lá sen, chỉ ông chủ đây biết làm thôi đấy.
Ông chủ vắt cái khăn lên tay, hấp háy mắt cười thân thiện:
– Thưa ông, bây giờ vẫn còn món đó, tiếc là lá sen khô, nhưng hương vị vẫn được lắm.
– Ừ, thế cũng hay. – Bạch bảo – Ông cứ làm như cũ, ông nhé?
Ông chủ nhanh nhảu nhận khay gia vị, bát đũa từ thằng bé con – Cũng chính là con trai của ông – đặt hết lên bàn. Sau này gia đình phải bom, ông chủ đang ngồi sau hè, không trốn kịp và cũng chẳng biết phải trốn vào đâu, gia đình cứ thế li tán. Cũng may còn cậu trai ấy, Bạch nói, tôi gặp lại cậu ở bến cảng lúc định bụng qua Hồng Kông, hẳn đang đau ốm nên trông bệu rệu thấy rõ, ký ức cứ dội về cái thời điểm ấy, phong hoa như khói mây khôn bề níu giữ…
Bạch giơ bao thuốc lá thơm ra một cách ý nhị, chủ quán đã quen, tủm tỉm nhận một điếu rồi giắt vào tai:
– Ông và cô đợi một lát, món sẽ lên ngay.
Nói xong bèn chạy đi khi thấy một bàn khách mới vào.
Giọng nói của Quân kéo Bạch về với thực tại:
– Nghe nói cô ấy sắp về Nhật?
– Ừ, thấy bảo ông cụ thân sinh của Huyền ốm nặng lắm.
“Ốm nặng lắm” chẳng qua chỉ là cách nói nhẹ đi. Có lẽ ở nơi muôn dặm trùng dương kia, người đàn ông đang đến độ nhắm mắt xuôi tay đó chợt nhớ ra rằng mình có một vài đứa con đang lưu lạc, hẳn trong đó sẽ có một đứa đáng để tự hào, hoặc giả bỗng chốc tình phụ tử dấy lên, nhìn quanh mình chẳng có mấy người, tới lúc thần chết gióng lên hồi chuông tử thì mới phát hiện ra bản thân mong được hưởng thụ cảnh gia đình quây quần đoàn tụ. Không một ai biết được, thảy chỉ là suy đoán.
Naoko nhấp một ngụm nước ấm, ngập ngừng một lúc rồi nói:
– Chuyến này đi, em không biết có về nữa không.
– Ừ. Cũng khó. – Bạch nói, sau đó mở cái ca táp, rút một xấp giấy được đóng thành quyển đưa cho nàng. – Quân bảo anh đưa cái này cho em.
Naoko ngạc nhiên nhận lấy:
– Em tưởng Quân thôi viết rồi?
– Nhung nhăng mãi làm sao được. – Bạch cười.
Quân đã từng mời bạn bè đến thết một bữa ra trò, rồi tuyên bố từ nay gác bút. Nhưng Bạch hiểu rằng đấy chỉ là lời nói lẫy, hoặc giả, Bạch đoán, có lẽ là một trong số những âm mưu bé nhỏ để đánh lạc hướng những kẻ đang nhìn chòng chọc vào những gì Quân đang làm. Tối sau kế hoạch ám sát, trước ngọn đèn leo lét, Quân lau máu trên cánh tay, máu rỏ vào giấy và bút, đọng két chẳng thể tẩy xoá.
Bạch bần thần. Anh sợ cảm giác chẳng thể nắm rõ được tương lai.
– Anh Bạch có muốn đi với em không? – Naoko không ăn, nhưng đã xin một chén rượu nhỏ của chủ quán như muốn tiếp thêm dũng khí cho mình, im lặng một lúc rồi mới hỏi người đối diện. – Ra biển, về phía Đông…
Bạch giật mình nhìn Naoko, đôi mắt nàng như ánh lên một điều gì đó mà đến bây giờ y mới hiểu. Ở nhà, thầy u đều sốt ruột vì chuyện thành gia lập thất của con trai, ngay cả mẹ của Quân cũng thỉnh thoảng giục Bạch tìm một cô gái hiền lành nào đó rồi kết hôn. Cho các cụ yên lòng. Mỗi lần nhắc tới việc này, cả Bạch và Quân đều lảng đi. Quân không muốn cưới vợ bởi vì sự hung hiểm trong việc mình làm còn Bạch thì sao? Đến bây giờ Bạch mới tự hỏi chính mình, suốt bao nhiêu năm qua, từ lúc thơ dại cho đến khi biết thế nào là nam và nữ, như thể y vẫn chưa từng xao động với ai? Phải chăng? Ngay cả với Naoko, dẫu biết nàng là người dịu dàng xinh đẹp, hợp tính, song sự quan tâm của Bạch với nàng chỉ như em gái trong nhà mà thôi.
– Anh Bạch? – Naoko thấy ánh mắt Bạch đăm đăm, nhưng như thể đang không nhìn nàng mà đang suy nghĩ một chuyện gì đó khác, họ quen thân đến mức có thể không nói mà vẫn tỏ được lòng người kia. Chẳng qua nàng đang muốn cược với bản thân mình một phen. Naoko đổi chủ đề cuộc chuyện – Sau khi giải quyết xong việc ở bên đó, em sẽ thử nhờ liên hệ với nhà in, có lẽ sẽ lâu vì em chưa quen biết nhiều người ở đó lắm.
Bạch không trả lời câu hỏi của Naoko, y chỉ bảo:
– Quân sao làm ba bản, chúng ta mỗi người giữ một bản làm kỷ niệm. Nếu em muốn in giúp cậu ấy thì để anh báo lại một tiếng.
“Hư phù?”, Bạch ngả lưng vào đầu giường, nhìn Quân.
“Ừ, hư phù, tên cuốn tiểu thuyết này là hư phù”, Quân gật đầu rồi nhăn nhó gỡ miếng băng gạc trên tay, vết thương đương kết vảy lại tươm máu thấm qua lần vải trắng, Bạch xót bạn nhưng chẳng biết phải làm sao.
Bạch nhằn miếng mỡ nhờn nhợn, gạt sang một bên để dành trộn cơm cho mèo ăn.
Hồi đầu Bạch cũng không định nuôi con mèo ấy. Ở cái buổi mà ngay cả một con mèo hoang cũng chẳng dám đi lang thang ngoài đường như thế này, Bạch lại vô tình bắt gặp nó đang nấp trong một bụi cỏ dày. Trời thì mưa, Bạch nói, chớp giật đằng chân trời khiến lòng người hãi hùng. Màu lông trắng của con mèo nổi lên, nó chỉ nhỏ như nắm tay, đói và rét, kiệt sức để có thể kêu lên một tiếng. Bạch chần chừ một lúc lâu, đã định quay lưng đi song lại như nhớ tới lần Quân về với mình mẩy đầy thương tích, Bạch vô thức ôm nó theo về.
Bạch bọc con mèo trong cái áo rách, rồi xin thêm than, đặt nó cạnh lửa cho ấm, chú ý quan sát để con mèo không lao vào lửa nóng. Ngày nhỏ, Bạch từng vớt một con gà con sũng nước ao lên bờ, ngay khi thả xuống cạnh bếp lò, nó lao vào lửa ngay lập tức. Chẳng kịp trở tay. Khi hồi lại, con mèo nhìn Bạch bằng ánh mắt ngờ vực, rúc vào búi giẻ, mãi khi nhận ra y không có ác ý thì mới thả lỏng, yên tâm nằm ngủ. Như một đứa trẻ, Bạch nghĩ. Con mèo ấy, dù đến bữa là về, dù vẫn rúc vào chăn hằng đêm và quấn bên chân mỗi khi Bạch châm thuốc lá, nhưng gần năm sáu giờ sáng là nó lại rời khỏi căn gác, chẳng rõ nó đi đâu và làm gì, có thể tiếp tục cuộc sống như một con mèo hoang.
Tất cả những gì tôi yêu quý đều thích những thứ nguy hiểm, lửa, đao kiếm hay súng đạn chẳng qua cũng chỉ là một định nghĩa mà thôi, Bạch nói với Quân. Quân cười, nếu thế, với tôi, anh cũng là một điều nguy hiểm. Bạch như nhận ra điều gì đó mà Quân muốn nói, mà cũng như là không.
Hôm ấy, Bạch ngồi cùng Naoko đến nửa đêm, họ ăn ít và uống cũng ít, những lời muốn nói đều đã nói cả, nên chỉ muốn ngồi cạnh nhau vào khoảng thời gian dư lại này. Chia tay nhau ở ngã tư đường, ở đó, gánh cháo đêm lác đác vài người, ông đánh xích lô chụp cái nón lên mặt, gác tay ngủ một giấc khi vắng khách. Đèn đường ảm đạm, ăn vào mỗi chiếc bóng, nhoè dần theo bước chân người.
Đêm, cái giá của cuối đông đầu xuân chờm lên thành phố. Đâu đây tiếng trẻ con khóc. Bạch thắp ngọn đèn dầu, ngồi xuống chiếu cùng Quân. Cửa sổ được đóng chặt nhưng y vẫn để ý nghe ngóng. Không một âm thanh nào có thể giấu được trong bóng tối. Xa xa góc chân giường là cái điếu đèn phủ bụi.
“Đây là đồ của thày tôi.”, Quân cười, “Hồi còn mồ ma ông cụ, thày tôi nghiện nặng nhưng nghiện theo cữ, mỗi hôm chỉ một vê thuốc. Con thạch sùng bò ra, phải hơi thuốc, nằm lật bụng, phơi chân trắng hếu, tưởng chết, sau lại ngỏng dậy bò đi.” Người được thuốc, bóng mắt bóng môi, mơ về quá khứ của triều đại cũ nay đã đến hồi sụp đổ nay chỉ còn lại cái vỏ rỗng tuếch không cáng đáng được bất cứ cuộc khởi nghĩa nào, cũng không chỉ huy được cuộc canh tân nào. Ai cũng nhìn ra điều đó. Nhưng không ai lên tiếng. Ngôn ngữ đọng lại trong lồng ngực, dồn xuống đè vào ký ức vàng son. Đôi lúc Quân cảm thấy những gì mình đang làm giống như một trò anh hùng trẻ con, chẳng rõ rồi sẽ đi được đến đâu, nhưng bất cứ việc gì cũng cần có một vài người đứng ra cáng đáng…
Bạch lẳng lặng đẩy dịch cái điếu vào.
Thày của Quân mất khi còn rất trẻ, khi ấy ông cụ mới tầm ba mươi hay ba nhăm? Đã chẳng ai còn nhớ. Quân bảo:
– Ông bị quân Pháp chặt đầu rồi thiêu cháy, thân xác tan thành tro bụi. Phải có một thằng tọc mạch cho đám ấy, nếu không biết đâu gia đình chúng tôi đã có cách cứu được ông khỏi lao ngục, dù biết rằng khả năng ấy rất nhỏ. Những người mà thày tôi cho nấp trong phòng thuốc đều là những chàng trai còn rất trẻ, chỉ tầm mười bảy mười tám, có một cậu chỉ mới mười ba tuổi thôi, thấp hơn tôi cả một cái đầu, lúc nào cũng lăng xăng giúp việc vặt trong nhà. Cậu ấy tên là gì nhỉ? Phải rồi, Xuân, tên như con gái. Xuân quý thày tôi lắm, siêng học chữ Nho hơn cả tôi, nếu không có gì bất trắc thì chắc thày tôi đã nhận cậu ấy làm con nuôi.
Bạch chạm ly với Quân. Đây là câu chuyện mà Quân đã kể nhiều lần, nhưng lần nào Bạch cũng im lặng lắng nghe như thể là lần đầu tiên. Bám vào ngôn từ và thời gian, câu chuyện dần dà trở thành câu chuyện của tha nhân, được phủ lên một cảm giác bình thản bàng bạc, mỏng tựa như sương.
– Bến Tầm Dương trăng khuya tiễn khác, kiếp sau anh là khách sông hồ hay muốn làm Kinh Kha? – Bạch bỗng lẩn thẩn nói một câu.
– Thôi thì hãy cho tôi làm khách sông hồ. – Quân tủm tỉm trước câu đùa kiểu cách và rất sáo của bạn – Kiếp Kinh Kha thì tôi đã làm rồi đấy thôi. Tôi bảo với u rằng mình đi làm ăn xa, Bạch ạ, sau này có gì nhờ anh cả.
Đêm nay Quân phải đi.
– Đừng có gở mồm! Gieo hạt châu trên mâm đồng, ở đây không có châu ngọc, thôi thì tôi tặng anh một phách đàn nhé? – Bạch gượng cười, cười mà như mếu.
Quân đánh một hơi cạn chén rượu, khà một tiếng, rồi xua tay:
– Anh đọc cho tôi nghe cái truyện vừa viết xem nào. Chứ cái phách đàn của anh nghe như đưa ma ấy, đen lắm.
Bạch nheo mắt nhìn Quân, hơi rượu bốc khiến giọng y trở nên cao hơn:
– Dòng đầu tiên à?
– Ừ, từ dòng đầu tiên, phải đọc hết đấy!
– Vẫn là chiếc lá đỏ chao vào mùa thu lặng.
Họ uống với nhau suốt đêm, rượu quá chén thứ năm rồi đến chén thứ mười. Rượu mà Bạch chôn ủ từ năm mười lăm tuổi, chỉ đào lên và uống một lần này thôi. Chẳng ai buồn đếm số chén đã cạn, tới độ mềm môi dại lưỡi, rượu vào chẳng rõ vị cay hay là ngọt, hay là đắng? Hay là mặn của nước mắt tràn vành mi, rỏ xuống chén, bởi biết rõ kiếp người ngắn ngủi bất trắc?
Đến hồi rượu phải say người.
Tảng sáng, Quân lẳng lặng khoác áo, giắt khẩu súng vẫn được Bạch giữ ở hốc bí mật trong gầm giường vào thắt lưng, rồi nhìn y hồi lâu. Bạch vẫn ngủ say, chắc bởi rượu quá nặng. Thực ra đêm qua Quân uống rất ít, chỉ ba chén là ngừng… Anh đưa tay muốn chạm vào Bạch, song bàn tay dừng ở lưng chừng, rồi lần xuống kéo lại chăn cho bạn, nhẹ gót rời đi.
Căn gác lại nghiến lên những tiếng đanh người dù Quân đã tháo giày ra, cầm ở trên tay, lại tiếng mắng vang lên từ phòng bà chủ:
– Đi như ăn cướp thế? Se sẽ cái chân thôi! Bảnh mắt ra, không để cho ai ngủ à?
Nếu là ngày thường hẳn Quân đã vặc lại ngay, thỉnh thoảng có người để cãi nhau cũng thấy vui chứ trên thực tế, anh không phải là người ưa cự cãi. Lâu nay Quân nhịn Bạch như nhịn cơm sống, nhưng anh bằng lòng với điều đó. Nếu không ở cái thế thời này, dễ họ đã cùng nhau phiêu bạt, đi tới cùng trời cuối đất.
Bạch nằm trên giường lắng nghe, cho tới khi bước chân quen thuộc xa dần rồi tắt hẳn thì mới trở mình. Quân không hay biết, những giờ khắc còn lại ấy, Bạch không dám chợp mắt dù chỉ một giây. Mắt mở thao láo, cơn váng vất do rượu và thiếu ngủ ào tới như nước triều dâng. Nằm một mạch cho đến nửa đêm, đôi mắt y đỏ ké vằn vện những tơ máu.
Bên ngoài kia, đội lính tuần đang đi lùng tìm kẻ đã bỏ thuốc độc vào thức ăn của viên Toàn quyền Đông Dương khi gã bí mật ra Kẻ Chợ. Ám sát bất thành, những người bị bắt tự sát tại chỗ, cũng bằng chính chất độc đó./
P.G.Q