HIỆU CHỤP ẢNH MÙA XUÂN – TRUYỆN NGẮN CỦA TÁC GIẢ HIỀN TRANG

HIỆU CHỤP ẢNH MÙA XUÂN – TRUYỆN NGẮN CỦA TÁC GIẢ HIỀN TRANG

HIỆU CHỤP ẢNH MÙA XUÂN

Truyện ngắn của HIỀN TRANG

Anh vẫn miên man nghĩ về mùa xuân trong khi vặn vẹo thân mình trước cái ống kính máy ảnh đang nằm cách xa hai mét. Mùa xuân luôn là một hình dung ám mờ khói trong tâm trí anh, một thứ mang nghĩa tượng trưng hơn là một quang cảnh thực. Ngay cả những người sống ở Bắc Cực cũng nói đến mùa xuân dù họ không bao giờ có mùa xuân ở đó, cả những người sống trên đường xích đạo. Nó là một từ ngữ đẹp, từ “mùa xuân” ấy, và bởi thế nó được lặp đi lặp lại trong ngữ cảnh ngôn từ mà không thực sự phải có thật, anh đồ rằng khi kỷ băng hà tiếp theo tràn đến, những người tương lai rúm ró dưới những lớp băng vẫn sẽ nói đến mùa xuân mỗi khi tháng hai tới, bất chấp cả mười hai tháng của năm vùi trong giá rét căm căm. Và anh cũng, như mọi người, thường nghĩ đến mùa xuân. Anh nghĩ về mùa xuân như một số người nghĩ về Venice hay hoa tường vi hay rừng bạch dương hay tình yêu, những thứ ta không nhất thiết đã từng thấy nhưng ta luôn biết – nhờ vào những nếp nghĩ sáo rỗng mà người ta đã hưởng ứng hàng bao thế hệ đến mức nó thành một chân lý kiên cố không thể nghi hoặc – rằng nó đẹp. Cái nếp nghĩ ấy không hẳn lúc nào cũng sáo rỗng, hẳn nhiên. Người đầu tiên nghĩ ra danh từ “mùa xuân” chắc chắn đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của anh đào ửng hồng trong chớm nắng, người đầu tiên ấy sẽ nói từ “mùa xuân” với một người nữa và người nữa này cũng bị choáng ngợp thực sự bởi mùa xuân, và người nữa nữa, nữa nữa nữa cũng vậy, nhưng đến một lúc, ở một mắt xích nào đó trong vòng chuỗi, sẽ xuất hiện một người chỉ vì nghe quá nhiều về cái đẹp của mùa xuân đến mức anh ta buộc phải tin, à, mùa xuân đẹp, dầu anh ta chưa thấy mùa xuân bao giờ hoặc anh ta cũng không cảm nhận mùa xuân có gì hay, nhưng vì rất nhiều người nói vậy nên họ hẳn phải đúng. Tín ngưỡng “mùa xuân” ra đời như thế, và anh bắt đầu thấy cách hoạt động của nó cũng kha khá giống với Chúa, Thánh thần, Phật, và mọi tôn giáo trên đời.

Nhưng những điều đó chỉ nằm ở trong anh còn ở ngoài anh, có một điều khác, đang đứng trước ống kính máy ảnh, và vặn vẹo. Còn thiếu hai tấm ảnh trong hồ sơ, người công vụ nói với anh trong khi đưa trả lại một túi tài liệu dày cộp anh đã thu thập được suốt những ngày qua, bao gồm tất cả những giấy tờ để chứng minh rằng anh tồn tại, kể cũng khiến anh chơi vơi, khi sự tồn tại của anh, những lực mà anh tác động lên mọi người và mọi vật, cái bộ mặt anh đây và những thứ anh có thể phá tan tành, tất cả chúng cũng không thể chứng minh được sự tồn tại của anh mà anh vẫn phải viện đến những giấy tờ kia.

Vậy mà chừng ấy vẫn chưa đủ. Anh vẫn cần hai tấm ảnh, chân dung, nền trắng, lộ rõ trán và lộ rõ hai tai, một tai anh đã bị hỏng nhưng không ai cần biết đến cái sự vô dụng bên trong đó, người ta chỉ cần chứng thực cái ngoài cùng của cái bề ngoài, thế thôi.

Rồi anh thấy mình bước vào hiệu chụp ảnh này. Anh hoàn toàn biết và anh hoàn toàn nhớ mình dạt đến hiệu chụp ảnh này theo cách nào, anh đã đến đây, hồi nhỏ, và khi nghĩ tới một hiệu chụp ảnh thẻ vốn dĩ là thứ đã gần tuyệt chủng trong thành phố nơi anh sống, anh luôn nghĩ tới nơi này, một hiệu chụp ảnh thẻ chỉ chụp ảnh thẻ, không kiêm nhiệm bất cứ một công việc nào khác, không photocopy, không chụp ảnh thờ, không in ấn. Anh đã đến đây hồi nhỏ, như anh nói, cụ thể hơn thì anh chịu. Có lẽ là một lúc nào đó khi anh lên mười, và anh cần một tấm ảnh dán vào một hồ sơ khác, luôn là những tập hồ sơ bám lấy anh và bám lấy những người đang sống, và cả những người đã chết. Có lẽ thế, mọi sự chỉ là có lẽ. Nó không gắn với một ký ức gì quan trọng, cái hiệu chụp ảnh này, đã không có một sự kiện gì lớn lao đáng nhớ ở đây nhưng anh vẫn nhớ đến nó và từ lâu anh đã chấp nhận bộ não con người thường hoạt động theo lẽ ấy, ta sẽ quên tất cả những nỗi đau đau nhất và những niềm vui vui nhất nhưng những thứ luẩn quẩn và vơ vẩn ở giữa giữa, những thứ không thật sự tầm thường cũng không thật sự thiết yếu, sẽ luôn còn lại.

Người chụp ảnh cho anh, một cô gái mà anh không thể đoán được tuổi tác, không thể nói cô còn trẻ hay cô đã già và cũng không thể nói cô khoảng chung chung. Cô là cô, như một người đàn bà trong một bài hát của Bob Dylan viết năm 75 tuổi và tuổi tác của ông làm nhiễu đi hình ảnh nàng thơ trong ca khúc. Người ta không thể tưởng tượng “nàng” của ông là một thiếu nữ 20 tuổi, nhưng một bà già 50 tuổi lại thiếu đi sự nên thơ và dù nàng bao nhiêu tuổi vẫn có sự bất hợp lí ở đó. Nên cô chỉ là cô. Một thực thể đã bị vô hiệu hóa bởi thời gian hay đã vô hiệu hóa thời gian, chủ động hay bị động cũng đúng. Khác với người đàn bà của Bob Dylan, cô không đẹp và đừng hòng sẽ có một vị nhạc sĩ nào viết nhạc về cô, đừng hòng. Cô là một cung nữ bị buộc phải chôn sống sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, nếu như cô sống vài ngàn năm trước, một kiểu xác chết vẫn sống khi nó chết và đồng thời, đã chết khi nó còn đang sống. Một cách mô tả hiện thực hơn, cô có nước da xanh xao như ma cà rồng hút bao nhiêu máu vẫn không có máu và cái hiệu ảnh này là sào huyệt của bá tước Dracula, nhưng hình như cũng chẳng hiện thực lắm. Không không, anh dường như không bị mê hoặc bởi những gì thuộc về hiện thực.

Cô đứng sau ống kính máy ảnh và nói anh hãy tươi lên, đừng làm mặt ủ rũ thế, nếu không ảnh sẽ không đẹp. Ồ, không cần đẹp, cô ạ. Anh nói lí nhí, vừa để cô không nghe thấy, vì anh sợ câu ấy là một sự xúc phạm đến nghề nghiệp của cô: chụp những tấm ảnh không cần đẹp. Nhưng đúng là không cần đẹp, những tấm ảnh thẻ và con người ngoài đời phần lớn là khác xa nhau, như đêm và ngày và như hình tròn với hình tam giác, và điều thần kỳ là sẽ không một ai thẩm vấn ta vì chuyện đó và bạn sẽ yên tâm qua cửa soát vé hay cửa an ninh một cách nhẹ như không. Dường như người ta không chờ đợi một sự giống hay khác, người ta chỉ cần có sự hiện diện của tấm ảnh, và họ có lí của riêng mình, giống hay khác quan trọng gì đâu, ai-rồi-cũng-khác, một châm ngôn ba xu của nhà văn hai xu trong thời đại năm xu. Chúng ta đã đi từ haiku tới hai xu, vậy đó.

Anh mong một tiếng cửa trập sụp xuống đánh tách nhưng không có. Chỉ có một thoáng yên lặng và rồi mọi thứ xong xuôi. Những sự yên lặng luôn biết cách giải quyết mọi vấn đề. Không biết nó đã xoay xở ra sao nhưng cuối cùng nó luôn đem mọi hỗn loạn về trạng thái hoàn chỉnh. Ảnh đã chụp rồi, anh đợi tầm hai mươi phút để lấy ảnh, cô nói không xúc cảm. Cô lúi húi xem lại những bức ảnh trên máy, anh không dám bảo cô cho anh xem chúng với được không. Nếu không đẹp, chẳng nhẽ anh lại bảo cô ơi hãy cho tôi chụp lại, chính anh đã nghĩ những tấm này không cần phải đẹp, chỉ cần đó là anh, mà không là anh thì còn là ai nữa.

Vậy là anh có hai mươi phút đợi ở hiệu chụp ảnh. Bình thường anh có thể làm gì với hai mươi phút? Ăn một bữa ăn nhanh, phóng xe máy tới chỗ làm (nếu đường không tắc nhưng chẳng ngày nào đường không tắc), cổng ra máy bay sẽ đóng hai mươi phút trước khi khởi hành, khoảng nghỉ hai mươi phút giữa hai hiệp đá banh, giặt quần áo, bốn bản jazz của John Coltrane và Johnny Hartman, hai bản sonate số 19 và 20 của Beethoven cộng thêm bốn phút chìm trong tịch mịch, hoặc là một chùm những bài ca không lời của Felix Mendelssohn, anh cũng có thể đọc mười lăm trang sách – nếu là những trang dài, và hai mươi nhăm – nếu chúng ngắn gọn và dễ hiểu. Hai mươi phút làm được nhiều điều, nhưng ngay lúc này, hai mươi phút chỉ là một nhúm chân không, một sự xê dịch của kim đồng hồ, một khoảng tắc nghẽn nơi không gì tiến triển, trừ thời gian vẫn một mực qua đi, một cuộc thiền định buồn chán không chủ đích. Anh chọn một cái ghế đợi ở phía gần cửa ra vào hiệu chụp ảnh, một địa điểm thuận tiện để anh nhìn toàn cảnh không gian. Hiệu ảnh như một cái hố chôn xác chết những vì sao, và khi nói ra phép so sánh này, ý anh nó là một mảng trời mà ta có thể thấy khi leo đến đỉnh Kilimanjaro ấy, và khi anh nói ra phép so sánh thứ hai kia, ý anh là nó đã hầu như đã không thay đổi gì so với hai mươi năm trước, khi anh đến đây thời thơ bé. Không phải là anh nhớ hai mươi năm trước hiệu chụp ảnh trông như thế nào, có phải những khung ảnh được xếp trên chiếc giá bên tay trái này và những chiếc giá lại được đặt ở chỗ kia và những chiếc máy tính thì xếp bên tay phải và anh đã từng ngồi đây, năm mười tuổi, trên băng ghế mà lớp vải nhung đã bục chỉ và rách nát, cũng chờ những tấm ảnh đang trôi dập dềnh trong dòng hóa chất nơi căn phòng tối. Không, anh làm sao mà nhớ được chừng ấy những chi tiết của một hiệu chụp ảnh nơi chẳng có sự kiện lớn lao nào đã diễn ra. Cũng không phải vẻ cũ kỹ thảm đạm của hiệu ảnh làm anh cảm thấy thế, dù đúng, hiệu ảnh thật cũ kỹ và thảm đạm, như mọc ra từ mạng của một con nhền nhện, những trụ trần ẩm mốc gần như xệ xuống và trên sàn nhà hằn in những vệt cáu bẩn không thể chỉ mới có hôm qua hay tuần trước mà phải là một mênh mông thời gian không đáy, và toát ra từ cái hiệu ảnh không hẳn là sự hoang phế, nhưng nó là sự hoang phế nửa vời, cái hiệu chụp ảnh nơi anh đang ngồi, chờ những bức ảnh chụp anh, song chúng còn quan trọng hơn chính anh vì không có chúng anh sẽ không tồn tại trong hệ thống xã hội phức tạp này. Anh tóm lại không thể lí giải cảm giác của mình, vì sao anh nghĩ chỗ này đã không thay đổi trong mấy chục năm. Chỉ là ngay từ lúc anh ẩy cánh cửa kính mờ rồi nhón gót vào đây, cảm giác ấy đã kèo trùm lên anh như một màn khói lãng đãng mơ hồ trong suốt mà nằng nặng. Hoặc đơn giản bởi anh đã mong ít nhất có một thứ gì không bao giờ thay đổi trong chuỗi biến thiên kỳ ảo của cuộc đời và cuộc đời một lần chiều ý anh, đơn giản thế.
Nghĩ đến đây, anh cứ nghĩ mình đã nghĩ được nhiều điều, vậy mà không, chỉ mới mười phút trôi qua từ thời điểm cô kêu anh hãy đợi, và khi anh loay hoay không biết còn có thể nghĩ tới gì cho hết mười phút tiếp theo thì cánh cửa hiệu ảnh rung lên nhè nhẹ, như thể sinh vật bước vào sẽ là một con rẻ quạt nhưng bước vào lại là một thiếu phụ tóc dài, theo sau cô, một đứa bé chỉ độ lên năm. Thiếu phụ vẫn còn lấp lánh nắng trên nước da màu ngà, nàng giống một người mẫu cho những ấn phẩm thời trang đám cưới đã lỗi thời, dù vậy, vẫn rất xinh, rất xinh theo kiểu một chiếc chuông bằng sứ treo trên cây thông đêm Noel bên lò sưởi đỏ rực trong khi bên ngoài tiếng gió reo vi vút. Đứa bé đi cùng cô, nó không có nét nào giống cô cả, nếu cô là cái chuông, có lẽ nó là hộp quà sặc sỡ trên mặt đất, được bọc bằng một lớp vỏ bóng loáng có thắt nơ. Thiếu phụ nói muốn chụp bốn tấm hình 3×4, phông xanh, hai cho cô và hai cho đứa nhỏ. Vậy thì cô sẽ phải lấy mười sáu, tám cho cô và tám cho đứa nhỏ, vì một lần rửa sẽ ra chừng ấy, đó là quy định chung, cô gái ma cà rồng đáp. Lại thêm hai người không thể chứng minh sự tồn tại của mình, chúng ta, những người khốn khổ, Victor Hugo thì biết gì cơ chứ, đoạn này là suy nghĩ của anh.

Họ lần lượt bước vào trước ống kính máy ảnh, đầu tiên là người thiếu phụ. Anh quay đi, một phần bởi cảm giác nhìn ngắm một người đang tạo dáng trước ống kính, dù là ống kính chụp ảnh thẻ, là một sự xâm phạm cõi riêng tư, bởi vốn dĩ đó là một khoảnh khắc phải trôi qua không dấu vết nhưng rồi cái máy ảnh đã làm chệch tiến trình của thời gian để bắt khoảnh khắc ấy ở lại, lưu tồn, và bằng cách đó, công cộng hóa một khoảnh khắc rất mực riêng tư, cho nên, anh không muốn tham gia vào cuộc đánh cắp thời gian của người thiếu phụ, một đôi mắt cũng là một chiếc máy ảnh mà thôi, một chiếc máy ảnh hủy hoại khoảnh khắc của cô là quá đáng lắm rồi. Nhưng anh quay đi, một phần khác còn bởi vì anh lại nghĩ tới mùa xuân. Sự xuất hiện của người thiếu phụ và đứa bé chí ít đã giúp anh tiêu tốn thêm ba phút trong hai mươi phút phải đợi chờ, và chỉ còn bảy phút nữa, bảy phút nữa, tấm ảnh sẽ nằm trên tay anh, anh sẽ cất nó vào tập hồ sơ, rồi anh sẽ lao xe đến người công vụ, anh ước chừng đường dài không quá mười lăm phút, và giấy tờ coi như đã xong xuôi, anh sẽ ung dung trở về nhà, đợi đến ngày nhận dấu triện đỏ chứng minh mọi sự tồn tại của anh là chân thật và anh đã, đủ điều kiện, đủ hợp pháp, đủ thành khẩn, đủ hiện hữu, đủ thực tế, để đến với miền đất nơi mùa xuân đến sớm. Phải, anh cần mùa xuân. Anh đã chán những mùa đông dai dẳng, chán việc mỗi ngày phải thòng vào đầu ba chiếc áo len và một chiếc khăn dày và chán việc những đốt ngón tay cứng đơ mỗi khi thò ra khỏi găng len khiến anh không thể gẩy dù chỉ một dây đàn trên cây guitar gỗ. Với anh mùa đông chỉ là thế, tê liệt và bất động và thối chí và rầu rĩ và đau khổ, anh cần mùa xuân, cần sự tan chảy và tươi ướt dù có thể, dù rất có thể, dù hơn cả có thể mà là gần như chắc chắn, mùa xuân cũng chẳng tốt đẹp gì hơn, bất chấp nó được phát âm thật êm tai và ngọt ngào, hai tiếng ấy, “mùa xuân”, bất chấp những ảo giác thơm tho và ấm áp, cũng chỉ là một cái bẫy ngôn ngữ tiếp theo mà ta sa lưới. Và những ý nghĩ về việc sắp được chạy trốn đến mùa xuân quả đã lôi anh đi khỏi sự chú ý về phía người thiếu phụ, chỉ duy có một giây phút, anh hình như đã nghe tiếng cô ngân lên và nói với thằng bé đi theo mình, lúc này đang đứng trước ống kính, rằng nó không được cười toe toét thế và hãy làm mặt cho nghiêm trang và đúng mực. Thằng bé, hạ cái miệng đang hí hớn của mình xuống, trùng cơ mặt lại, khẽ cụp đôi mắt to tướng và giả vờ nhìn buồn bã, nhưng không che giấu được sự phấn khích bồn chồn trên những ngón tay – bộ phận lọt thỏm bên ngoài ống kính. Đã xong, cô gái ma cà rồng nói, cũng sau một thoáng lặng yên, hai mươi phút nữa có thể lấy ảnh, chị có thể qua kia ngồi đợi, cô chỉ về phía băng ghế gần cửa. Người thiếu phụ hơi liếc sang anh, dường như sợ rằng mình sẽ rơi vào trạng thái đờ đẫn như người đàn ông kia nếu cũng ngồi đó, trên băng ghế nhung rách nát, mốc mồm chìm vào hai-mươi-phút-chân-không, cô trả lời ngày mai cô sẽ ghé tới, không việc gì phải vội. Và cô đi. Khi cô đi, không một tiếng lanh canh, cô chắc không phải như quả chuông trên cây thông Noel như anh nghĩ. Anh nhìn đồng hồ. Đã hai mươi hai phút.

Đã hai mươi hai phút. Anh chưa kịp nói với cô gái ma cà rồng thì cô đã quay lưng, tiến về phía căn phòng tráng ảnh nằm sâu hun hút ở dãy hành lang phía trong, như dẫn sâu vào một tầng hầm nơi tâm trái đất. Những tiếng lộp cộp bước chân cô đặc rồi mỏng lại và cô quạnh, anh dõi theo cô, nhìn cách cô bước nhẹ như đang bay, anh có một điềm báo rằng cô sẽ không bao giờ trở lại, cô sẽ đi đến tận cùng bức tường phía bên kia của căn nhà này, rồi xuyên qua nó như một hạt lượng tử tí hon, để ra ngoài, và sẽ tiếp tục xuyên qua tất cả những chướng ngại vật ở bên ngoài bất kể đó là một cái ô tô, một cái cây, một cái thùng rác, một con voi trong sở thú, một sở thú, một viện bảo tàng, một cây củ cải, một ông luật sư, một lá cờ, một ống pô xe máy, một biên giới, một lõi thiên thạch, một vụ nổ lớn, một cổng tò vò, một tên hề, một kẻ điên, một nhà văn, tất cả, cho đến khi hạt lượng tử ma cà rồng ấy tới được đường diềm của thực tại. Nhưng không, cô trở lại, cô không xuyên qua đâu và cô trở lại, trên tay cô, một bao giấy nhỏ ghi sẵn tên anh cùng cỡ ảnh yêu cầu. Anh đón lấy, tháo chiếc găng tay đang đeo trên tay phải và với cái tay phải gần như tê liệt vì lạnh, anh gỡ ra tấm ảnh chứa trong bao. Trong bao không phải ảnh của anh, chắc cô đã nhầm, đây không phải ảnh của anh, đây là ảnh một đứa nhỏ, một đứa nhỏ chừng bảy tuổi, đứa nhỏ làm bộ với gương mặt nghiêm trang, đứa nhỏ lẽo đẽo đi theo người thiếu phụ rất xinh đã vừa đi khỏi. Anh không muốn thắc mắc vì sao tấm ảnh của đứa bé tráng nhanh tới vậy vì đã quá muộn để tò mò cho những bí ẩn không can hệ tới bản thân, anh chỉ định khiếu nại với cô gái ma cà rồng rằng đây không phải anh, hoàn toàn không phải, anh cần tấm ảnh của anh kìa và sao cô có thể nhầm lẫn như vậy chứ, tôi đang rất vội và tôi phải chạy trốn khỏi đây, chạy trốn khỏi mùa đông và chạy trốn tới mùa xuân và tôi không thể kéo dài thêm dù một giây một phút nào ở chốn giá băng này nữa, nhưng khi nhìn lại một lần vào gương mặt của đứa bé trong tấm ảnh chân dung, và thấy trên gương mặt ấy một ánh nhìn như đã ở yên không suy suyển ở đó từ hai mươi năm trước, anh bàng hoàng nhận ra cô gái đã không nhầm. Anh cất tấm ảnh vào bao, choàng lại chiếc áo khoác lên người, quên cả lời cảm ơn lịch sự, cảm thấy điều đó cũng đâu còn đáng kể nữa một khi anh đã không còn cơ hội nào để chạy trốn khỏi mùa xuân bởi mùa xuân đã mãi mãi chạy trốn khỏi anh.

H.T

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)