GỐC MUỒNG VÀ ĐỨA CON

GỐC MUỒNG VÀ ĐỨA CON

CUỘC THI LỚN ĐẦU TIÊN

Đêm trước buổi thi đầu con ít ngủ

Nhưng hôm sau phải dậy sớm đến trường.

Bữa tối tránh số không con kiêng món trứng

Nên thực đơn còn cá và rau

Bố bảo dại, hãy ăn thêm xương cá

Là điểm mười mơ ước sẽ thành thôi.

Gốc muồng này nơi tạm biệt con tôi

“Luôn làm gì trước khi làm bài, bố không cần

nhắc lại đâu, con nhỉ?”

Con cười tươi

Bảo bố ơi hãy có cho mình bữa sáng hay ho

ở một nơi mới mẻ

Lời khuyên rất nữ tính rồi.

Bố mong rồi đây lại thấy con cười

Nhìn theo con xa dần sau hành lang hun hút

Khi bóng khuất bố chẳng còn nơi đặt mắt

Trong hàng hàng ô cửa trên tầng cao.

Chuông reo rồi bạn bè con nườm nượp bước

theo nhau

Mai này ít người thôi

Được bước tiếp qua tán cây muồng hoàng yến

Và con đã ra đây, nhưng rầu rầu nét mặt:

”Xin lỗi bố, con làm có phần sai vì không đọc kỹ

đầu bài”.

Không sao đâu cuộc đời vẫn còn dài,

Điều dặn con nhưng đôi khi bố cũng không

làm được

Nếu mỗi môn thi đã luôn gắng sức

Thì dẫu thua con cũng có thể cười.

Và cuộc đời còn nhiều thi thố lắm con ơi!

(Ảnh tác giả bài thơ Hoàng Liên Sơn và tác giả bình thơ  Trương Thị Thu Huyền)

Có người đã từng nói: “Tấm lòng của người cha là một tuyệt tác của tạo hóa”. Viết về đề tài cha con có vô số những bài thơ và tác giả viết về chủ đề này, và trong đại dương mênh mông viết về đề tài ấy “Cuộc thi lớn đầu tiên” của tác giả Hoàng Liên Sơn (in trong tập thơ Chuông gió ngoài hiên, xuất bản năm 2014) rất sâu sắc tình phụ tử, và đã chiếm trọn trái tim của các bạn độc giả.

Đêm trước buổi thi đầu con ít ngủ

Nhưng hôm sau phải dậy sớm đến trường

Trong cuộc đời mỗi người ai cũng có cho mình những dấu mốc quan trọng và đối với các em nhỏ hay những bạn học sinh, sinh viên thì thi cử chính là những bước ngoặt vô cùng quan trọng đó. “Buổi thi đầu” mang đầy tâm trạng của sự bồi hồi và lo lắng, có lẽ vì vậy mà người con trong câu thơ chẳng thể ngủ ngon giấc. Ngay câu thơ đầu đã cho thấy sự quan tâm của tác giả dành cho người con đến từ những điều nhỏ bé nhất chính là miếng ăn và giấc ngủ:

Bữa tối tránh số không con kiêng món trứng

Nên thực đơn còn cá và rau

Bố bảo dại, hãy ăn thêm xương cá

Là điểm mười mơ ước sẽ thành thôi.

Đọc thơ Hoàng Liên Sơn nhiều tôi mới thấy rằng ngôn từ không cầu kì, bóng bẩy mà hết sức đời thường. Nếu ghép xương cá và quả trứng lại sẽ tạo thành con số 10 tròn trĩnh. Phong cách sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ trẻ trung, vui tươi hay như giới trẻ thời nay còn gọi là “teen”, tạo nên cảm giác gần gũi với thế hệ trẻ, cũng là cách pha trò làm cho bầu không khí trước cuộc thi trở nên bớt căng thẳng.

Gốc muồng này nơi tạm biệt con tôi

“Luôn làm gì trước khi làm bài, bố không cần

nhắc lại đâu, con nhỉ?”

Cụm từ “Gốc muồng này” tưởng rằng chỉ là chi tiết nhỏ, nhưng ẩn sâu trong đó chính là những thông điệp mang đậm tính thời sự chứ không chỉ gói gọn trong khuôn khổ là một ngày thi bình thường. Trong cuộc sống, mỗi người ai cũng đều phải học cách buông bỏ cũng giống như những bậc làm cha mẹ cho dù yêu thương con nhiều đến đâu thì tới một ngày nào đó cũng phải buông tay để con có thể tự mình bước qua những cánh cổng rộng lớn của cuộc đời, thỏa sức sống với những ước mơ mà con mong muốn, lúc này việc cuối cùng mà người cha có thể làm được chính là sự dặn dò.

Con cười tươi

Bảo bố ơi hãy có cho mình bữa sáng hay ho

ở một nơi mới mẻ

Lời khuyên rất nữ tính rồi.

Nụ cười tươi cùng với lời dặn dò “bố ơi hãy có cho mình bữa sáng hay ho ở một nơi mới mẻ”. Hàm nghĩa của cụm từ “nữ tính”, ít nhiều cho thấy cô bé trong bài thơ đi thi ở trong độ tuổi còn rất nhỏ. Nhưng đã biết quan tâm lo lắng đến người cha của mình, một cô bé vô cùng trưởng thành.

Bố mong rồi đây lại thấy con cười

Giây phút cô bé bước vào phòng thi cũng chính là lúc chuỗi tâm trạng của người cha bắt đầu đan xen hòa quyện vào nhau. Cụm từ “con cười” ẩn dụ một niềm mong muốn của người cha rằng cuộc thi này sẽ diễn ra thành công, tốt đẹp. Và dù kết quả có ra sao thì anh mong cô con gái của mình vẫn luôn lạc quan vui vẻ đón nhận thất bại và làm nên thành công. Ẩn sâu bên trong tác giả, đây cũng là điều mà anh mong người con của mình khi trưởng thành sẽ có được để có một cuộc sống tốt hơn giữa một xã hội xô bồ, mệt mỏi đầy gian nan thử thách.

Nhìn theo con xa dần sau hành lang hun hút

Bốn từ “hành lang hun hút” là kết quả của mã hóa và trau chuốt tạo ra một trường liên tưởng cho người đọc. Tính từ “hun hút” cho thấy đó là một hành lang rất sâu và dài, không biết đâu sẽ là điểm dừng, hút lấy tầm mắt của người đối diện. Người con cũng vì thế mà cứ xa dần khỏi tầm mắt của người cha, hàm ý một điều rằng người con đang ở rất xa sự quán xuyến, hỗ trợ của người cha.

Khi bóng khuất bố chẳng còn nơi đặt mắt

Trong hàng hàng ô cửa trên tầng cao.

Nhà thơ đã rất chú trọng khai thác những chi tiết đặc tả chính xác tâm trạng cũng như không gian, thời gian. Từ tượng hình “hàng hàng” , mở ra cho người đọc trước mắt một không gian cao vời vợi; cứ trùng điệp nối tiếp nhau, càng đi lên cao sẽ mở ra một thế giới mới. Đó chính là thế giới mà người con bước vào.

Chuông reo rồi bạn bè con nườm nượp bước

theo nhau

Mai này ít người thôi

Chỉ với hai từ “ít người” đã chủ đích bộc lộ, nhấn mạnh sự cạnh tranh cao độ và khắc nghiệt của cuộc thi này. Vậy sự cạnh tranh đó lớn đến mức nào? Ở đây, nhà thơ đã khéo léo trong việc sử dụng biện pháp nghệ thuật tương phản : ít người >< nườm nượp. Từ nườm nượp cho thấy thí sinh tham gia cuộc thi là rất đông cứ nối tiếp nhau, cho thấy sự tương phản giữa số người đến thi và số người có thể đỗ đạt là sự chênh lệch rất lớn.

Được bước tiếp qua tán cây muồng hoàng yến

Tới đây, chúng ta tiếp tục bắt gặp hình ảnh “cây muồng” đã được nhà thơ nhắc đến ở khổ thơ trước, tuy nhiên ở câu thơ này hình ảnh đó lại mang một nội hàm khác: Chứng nhân của sự đỗ đạt. Như trên tôi đã nói, thơ Hoàng Liên Sơn mang đậm chất thơ tự sự và chính vậy mà yếu tố “chuyện” cũng được khai thác một cách triệt để. Nhà thơ đã thổi hồn vào “cây muồng hoàng yến” để nó mang cảm xúc giống như một nhân vật.

Buổi thi kết thúc, hiện lên trong đôi mắt người cha là một gương mặt cùng giọng nói buồn bã:

Và con đã ra đây, nhưng rầu rầu nét mặt:

“Xin lỗi bố, con làm có phần sai vì không đọc kĩ

đề bài”.

Từ láy “rầu rầu” chính là sự chủ đích tạo ra hiệu ứng tương phản với cụm từ “con cười” ở khổ trước. Chính sự tương phản này đã làm nổi bật ý tưởng cũng như những tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm vào trong bài thơ. Đọc thơ của anh nhiều, tôi mới thấy cách sử dụng chữ nghĩa cũng như các thủ pháp nghệ thuật được anh đưa vào trong thơ diễn ra một cách vô cùng tự nhiên mà hợp lý. Những dòng thơ cứ tuôn theo cảm xúc, không qua một sự sắp đặt nào cả rồi dần dần những thủ pháp nghệ thuật cứ thế dần được nhen nhóm và bộc lộ. Theo tôi, đến được “độ” như vậy có lẽ chỉ có những nhà thơ cầm bút lâu năm mới có thể làm được. Đứng trước gương mặt cùng lời nói như vậy của người con, người cha chỉ nhẹ nhàng mà đáp lại:

Không sao đâu cuộc đời vẫn còn dài

Điều dặn con nhưng đôi khi bố cũng không

làm được

Những lời thơ tuy giản dị nhưng cũng thật sâu sắc, cuộc đời còn dài và sẽ còn rất nhiều kỳ thi khác mà con sẽ trải qua trong học tập cũng như trong cuộc sống, vì vậy hãy coi đó là một bài học đắt giá để làm tốt hơn trong những lần sau.

Có lẽ cả một mạch nguồn bài thơ, câu thơ khiến tôi cảm thấy tâm đắc và yêu thích là câu nói:

“Nếu mỗi môn thi đã luôn gắng sức

Thì dẫu thua con cũng có thể cười.”

Ở đây, người cha muốn nói với con rằng: thất bại không phải là điểm số kém, cũng không phải là thứ ta mong muốn nhưng không đạt được nó, mà là ta chưa thật sự cố gắng, chưa nghiêm túc đặt tâm huyết của mình vào trong đó. Bởi lẽ cuộc sống chính là câu nói “Một người chiến thắng thì không bao giờ ngừng cố gắng”. Hai câu thơ trên còn gợi nhắc cho tôi về lời dăn dạy của Đức Phật “bạn có thể mưu cầu, muốn rất nhiều thứ thế nhưng quan trọng nhất để không bị khổ đau thì bạn đừng “dính mắc” vào cái mình mưu cầu, mà hãy buông xuôi để tâm được thanh thỏa.

Nếu mở rộng thêm tính thời sự ở hai câu thơ trên có thể thấy rằng , sống trong xã hội hiện đại ngày nay có quá nhiều người cực đoan trong việc đòi hỏi bản thân, gia đình và đặc biệt là con cái phải thành đạt và đạt được mục tiêu mà họ đề ra, bất kể hậu quả. Thế mới thấy, đến với thơ Hoàng Liên Sơn người đọc không chỉ được thưởng thức những tinh hoa về nội dung và nghệ thuật mà còn lĩnh hội và chiêm nghiệm cả những thông điệp khác nhau của cuộc sống.

                                 Và cuộc đời còn nhiều thi thố lắm con ơi!

Cuối bài thơ, tác giả đã chốt lại bằng một ý thơ với đầy sự ý niệm của một người từng trải, đồng thời cũng muốn nhắn nhủ với con rằng: Sẽ còn rất nhiều kỳ thi phía trước đang chờ con cũng giống như trên bước đường đời có vô vàn những gập ghềnh sỏi đá, gian nan và nhiều thử thách mà con cần phải kiên cường để vượt qua. Qua câu thơ ta cũng có thể thấy, đó cũng là nỗi âu lo của người cha dành cho người con trên đường đời xa hút và bất trắc.

Nhắc đến thơ Hoàng Liên Sơn mà không nhắc đến các thủ pháp nghệ thuật và việc sử dụng chất liệu ngôn từ quả là một thiếu sót vô cùng lớn. Những cụm từ “bữa sáng hay ho”, “một nơi mới mẻ”, “rất nữ tính”, “hành lang hun hút”… những tưởng chỉ là các cụm từ rất bình thường; nhưng nhờ có thủ pháp xây dựng cấu trúc thời gian tuyến tính đã giúp cho người đọc được thâm nhập sâu hơn, để lại ấn tượng mạnh trong lòng. Cùng với đó là phương pháp “kể” một thi pháp nghệ thuật có thể nói là rất phổ biến trong thơ của anh. Việc sử dụng như vậy không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách giữa thơ và tác giả mà còn cho thấy rằng thơ ca không phải cái đặc quyền thưởng thức của một đối tượng hẹp nào đó mà nó dành cho tất cả mọi người, bất kì ai cũng đều có thể thưởng thức thơ ở những cấp độ khác nhau.

Bài thơ đã kết thúc nhưng đọng lại trong tôi là những sự hoài niệm về một quá khứ tươi đẹp cũng như những thông điệp và sự chiêm nghiệm của cuộc sống. Càng đi sâu qua từng lớp vỏ ngôn từ sẽ càng thấy được sự thú vị và các tầng nghĩa mới, thế mới thấy thơ Hoàng Liên Sơn thật biết cách “lôi kéo” người đọc.

 

Xuân Hòa, mùa thu 2022

Tác giả: Trương Thị Thu Huyền

(Sinh viên lớp K47D- Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2)

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)