GIẤC MƠ CỦA KAFKA – Thơ của Trương Đăng Dung

GIẤC MƠ CỦA KAFKA – Thơ của Trương Đăng Dung

GIẤC MƠ CỦA KAFKA
Một số ghi chú và hình ảnh Văn+ ghi lại từ buổi nói chuyện nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn Franz Kafka tại Cà phê Thứ Bảy Hà Nội về “Trạng thái tồn tại người trong thế giới nghệ thuật của Franz Kafka” vào ngày 28/7/2024 với sự tham gia của nhà nghiên cứu, nhà thơ, dịch giả văn học Trương Đăng Dung và PGS.TS, Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy.
Trong buổi nói chuyện này, nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung đã bắt đầu bằng việc phác họa một bức tranh đánh dấu sự chuyển giao tư tưởng giữa thế kỉ 19 và 20 như một động lực để làm nên tư cách “thi nhân triết gia” của Kafka.
Thông qua những phân tích về tác phẩm của Kafka, nhà nghiên cứu cũng nói với chúng ta về trạng thái bị lưu đày như một ngẫu nhiên định mệnh, sự sợ hãi, nỗi hoài nghi cô đơn và bất lực hay cả những vượt thoát lẫn tái lập giới hạn của con người trong đó.
Chúng tôi gửi tới các bạn thêm một bài thơ của Trương Đăng Dung để cùng thấy thêm một góc nhìn về tác giả vĩ đại này, từ lăng kính của những giấc mơ.
——–
GIẤC MƠ CỦA KAFKA – Trương Đăng Dung
“Ở New York chiều chiều
những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông
cứu những con chim sẻ.
Ở Paris trước cửa Viện bảo tàng
người nằm ngáp
trâu xếp hàng mua cỏ.
Ở Moskva những thiếu phụ da vàng
chơi với hổ
trên quảng trường ngập nước.
Ở Tokyo nữ phát thanh viên truyền hình
không có miệng
huơ tay chào khán giả…
Khắp nơi
những đôi mắt
dính trên cổ những người không có mặt
những tiếng kêu
phát ra từ miệng những người không có cổ
những bàn chân
càng bước càng lún sâu vào đất”
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)