ĐỪNG ĐỂ AI LÀM VĂN CHƯƠNG TRỞ NÊN VÔ CẢM – Tác giả: Nguyễn Thị Huyền

Những ngày cuối năm 2022, khi mà khắp mọi miền đều đang rạo rực chuẩn bị cho cái Tết Nguyên Đán ấm áp và yêu thương thì các anh em văn phòng lại xôn xao bàn tán về một chatbot mới ra mắt của OpenAI: ChatGPT. Chỉ sau chưa đầy hai tháng tiếp cận công chúng, nó đem đến một “cơn bão lòng” khủng khiếp cho nhiều người trên thế giới vì sự lo ngại rằng AI (Artificial intelligence – Trí tuệ nhân tạo) sẽ thay thế con người vào một ngày không xa. Từ các cuộc thảo luận về công nghệ trong công ty cho đến dăm câu chuyện phiếm ở mấy quán trà đá vỉa hè, chúng ta không khó để nghe được lời than vãn “Anh em mình sắp thất nghiệp hết rồi”. Trong suốt bao năm phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, lần đầu tiên mà người người, nhà nhà đều phải suy nghĩ về một đối thủ nặng ký trong công việc của mình – AI.

Dành thời gian để tìm hiểu kỹ về cơn sốt ChatGPT và trí tuệ nhân tạo, các anh chị em sẽ trở nên bình tĩnh hơn và tự tin hơn khi chỉ nghe phong thanh về những câu marketing của các nhà phát triển cũng như mấy lời giật tít của báo đài. Trên thực tế AI hiện tại chỉ có thể thay thế con người trong các công việc lặp đi lặp lại máy móc, cung cấp kiến thức cơ sở dựa trên các nghiên cứu đã được công bố và dừng lại ở việc “sáng tạo” bằng cái não của con người mà thôi. Với các ngành nghề phổ thông, AI có thể hỗ trợ con người các thao tác nhập liệu để đảm bảo tính chính xác. Trong việc hoạch định kế hoạch, AI sẽ giúp con người dự báo dựa trên các công thức, thuật toán đã có và đáng tin cậy trên thế giới. Với các ngành nghề thiên về ý tưởng, sáng tạo, AI cũng chỉ giúp con người sưu tầm các thông tin hữu ích và gợi ý treo trào lưu chứ không thể giúp con người đột phá. Vậy trong một lĩnh vực mang đầy tính sáng tạo và cần nhiều cảm xúc, lan toả như văn chương, liệu AI có thể giúp chúng ta những gì?

Chúng ta đều biết trí tuệ nhân tạo được sinh ra dựa trên những bộ não của con người. Các nhà phát triển đã mất rất nhiều thời gian để “dạy” các kiến thức cơ bản cho chúng dựa trên các thuật toán và nguồn dữ liệu khổng lồ. Để biết bạn là ai, AI cần phải thu thập đủ thông tin từ phía bạn hoặc các trang thông tin thì mới có thể đưa ra câu trả lời được. Tương tự trong văn học, để AI có thể viết được một bài thơ thì nó phải được học các thể thơ, lối dùng từ, cách gieo vần,…; để kể lại một câu chuyện thì bắt buộc bạn cần cung cấp cho chúng không gian, thời gian, cốt truyện thì AI mới có thể thực hiện yêu cầu của bạn. Tuy nhiên, liệu rằng kết quả mà AI tạo ra có phải điều mà bạn muốn?

Mượn ChatGPT – một trong những công cụ đáng tự hào trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo viết một bài thơ, tôi đã ngã ngửa khi nhận về bốn câu “đủ chữ mà chẳng phải thơ” khiến bản thân vô cùng thất vọng. Chủ đề tôi đưa ra là “Một bài thơ lục bát bốn câu về buổi chiều buồn”, ChatGPT đã viết đúng yêu cầu mà nó nhận được dựa trên các từ khoá: thơ lục bát, bốn câu, buổi chiều buồn.

Tuy nhiên với cách “gieo vần” như “bài thơ” mà AI đem đến, có lẽ tất cả chúng ta đều thấy được “trình độ làm thơ” của trí tuệ nhân tạo hiện nay còn chưa có gì đáng tự hào. Điều chúng mang đến là bốn câu nhạt nhoà, vô vị, còn chưa bằng người mới tập viết thơ. Cất giọng đọc bốn câu trên, có lẽ tất cả chúng ta đều không hề thấy sự mượt mà từ câu chữ cho tới cảm xúc, bởi vốn dĩ AI làm gì có cảm xúc!

Văn chương là một lĩnh vực cần rất nhiều cảm xúc, nó làm cho người viết và người đọc thăng hoa trong sáng tác và cảm thụ. Một chương truyện hay có thể làm cho biết bao độc giả vui cười, oà khóc; một bài thơ vỏn vẹn vài câu lại đọng lại cả một trang sử tự hào dân tộc. Và hơn thế, ẩn chứa trong từng câu chữ là cái tinh hoa của riêng người viết, là nỗi lòng, là trải nghiệm, là những thứ rất riêng của tác giả đem đến thế giới văn chương. Chúng ta là con người bởi chúng ta có những cảm xúc thiêng liêng, tôi khác với bạn bởi vì tôi hiểu câu chuyện này theo ý nghĩ của riêng tôi. Văn học ngoài những điểm chung thì cũng có những điều rất riêng mà mỗi con người lại cảm thụ theo một hướng. Bởi vậy, kẻ đi mượn cảm xúc như AI dù là hiện tại hay mãi về sau đều hoàn toàn không thể thay thế được con người trong sáng tác văn chương.

Từ ngày mà các bậc phụ huynh biết đến AI có thể làm văn, kể chuyện, sự quan trọng của môn Ngữ Văn ở trường lại bị giảm đi một bậc. Họ kháo nhau rằng học văn thì làm gì có tương lai vì đến con robot cũng có thể viết. Hàng ngàn content writer sợ thất nghiệp vì AI có thể sưu tầm, xử lý thông tin và mô tả sản phẩm tốt hơn cả họ. AI hiểu rõ các thực thể hơn con người bởi khả năng tìm kiếm thông tin nhanh chóng và chính xác, biết các trào lưu đang nổi đình đám và bắt chước chúng, tạo ra các bài viết mang độ tin cậy cao và bắt kịp xu hướng con người.

Dạo gần đây, học sinh bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo để “làm văn”, dẫn đến các bài viết na ná nhau và thiếu đi những chất riêng cùng cảm xúc. Các công ty để tiết kiệm chi phí dần tìm đến AI để viết các bài quảng cáo để tiết kiệm chi phí nhân lực và thời gian. Họ dần biến văn học trở nên vô cảm, làm cho các tác phẩm thơ văn thiếu đi cái hồn của mỗi thi nhân. Bạn cứ thử tưởng tượng bài văn nêu cảm nghĩ mà bài nào cũng gần giống nhau thì nhàm chán biết bao nhiêu. Bài mô tả cùng một sản phẩm dù của công ty nào cũng luôn cùng nội dung và cách dùng từ thì người tiêu dùng sẽ thấy chán ghét nhường nào. Rồi khi nhắc về một kỷ niệm sâu sắc về mẹ, nếu cùng một chủ đề và cùng một trang viết, AI sẽ làm chúng ta khó chịu ra sao?

(Viết bởi WriAi)

Tôi xin lấy một ví dụ cho chất lượng viết văn của AI với chủ đề “Kỷ niệm sâu sắc về mẹ” được viết bởi một công cụ trí tuệ nhân tạo như trên. Chúng ta dễ dàng nhận thấy các từ ngữ được sử dụng không phù hợp, cách hành văn có phần lủng củng và đặc biệt là có những đoạn giống với một số bài văn được đăng tải trên internet. Từ đó, chúng ta cũng thấy thêm một tác hại to lớn khi lạm dụng AI trong văn học, đó chính là đạo văn.

Rất dễ hiểu về cái hại đạo văn của AI, bởi thực tế những gì nó biết đều là những gì con người từng biết. Dùng ngôn ngữ của khoa học công nghệ để hình dung thì cái gọi là “bộ não” của AI đều được tổng hợp và dạy dỗ bởi con người. Do đó AI chỉ biết nhiều cái đã có hơn chúng ta chứ chưa có khả năng cảm thụ và sáng tạo. Vậy nên hiện tại khi ra lệnh cho AI viết văn thì chúng sẽ thực hiện phân tích đề bài thành các từ khoá, tìm kiếm chúng trên internet và cắt gọt, lắp ghép lại để tạo nên một văn bản đáp ứng mệnh lệnh được đưa ra. Nói cách khác, chúng sao chép chất xám của người khác và đương nhiên không hề ghi nguồn. Đó là một loại ăn cắp trí tuệ mà chúng ta cần phải bài trừ ra khỏi cuộc sống xinh đẹp này.

Vậy là những tác giả văn học, chúng ta cần phải ứng dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào để AI thực sự mang lại giá trị và giúp ích người viết?

Việc đầu tiên mà tôi nghĩ tới có lẽ là mỗi chúng ta đều cần hiểu rõ những lợi ích và tác hại của trí tuệ nhân tạo trong văn học. Như đã đề cập ở các phần trên, AI giúp cho người viết tìm kiếm nhanh các thông tin cần thiết nhờ vào việc biết chắt lọc dựa trên các nguồn tin cậy; giúp chúng ta biết được các xu hướng mới nhất, được quan tâm nhất hiện tại để dễ dàng lựa chọn chủ đề phù hợp. Bên cạnh đó, AI cũng là trợ thủ đắc lực trong việc kiểm tra các lỗi chính tả, phân tích và tổng hợp các tác nhân, yếu tố liên quan tới điều chúng ta muốn viết. Tương lai, khi mà trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, chúng sẽ trở nên thông minh hơn, hiểu biết rộng hơn. Những gì AI mang lại cho chúng ta có thể nhiều hơn hiện tại, đa dạng và phong phú hơn về ngôn từ, thậm chí có thể nhận xét về cách biểu đạt cho văn chương thông qua các tiêu chí đánh giá của cộng đồng.

Nhưng chúng ta đều biết, AI không có cảm xúc riêng. Do vậy, mỗi một cây bút đều cần giữ ngọn lửa yêu văn trong trái tim mình, giữ những chất riêng biệt mà chỉ cá nhân mình mới có, giữ những cảm xúc mà nơi lồng ngực vẫn luôn đập rộn ràng. Chúng ta cần thêm nhiều sự sáng tạo hơn nữa trong thơ văn, cần chiều sâu hơn nữa để cùng AI tạo nên những áng văn đẹp và thời đại. Chúng ta cần có những tuyên truyền để phần nào thay đổi suy nghĩ một số bạn đang lạm dụng AI để chống đối môn văn, để những content writer viết lên những nội dung dựa trên sự sáng tạo của chính mình, để những cây bút đang lo lắng về tương lai nhà văn thất nghiệp có thêm động lực và tự tin. Chúng ta cần xây dựng nên cái riêng trong cảm xúc và văn chương của bản thân mình, đắp xây những áng văn bằng trải nghiệm và tâm hồn của chính chúng ta.

Cầm bút đã là một việc khó, tạo được sự đột phá trong văn học lại càng khó hơn. Trí tuệ nhân tạo có thể cạnh tranh với rất nhiều ngành nghề khác, nhưng đối thủ thực sự của chúng ta trong văn chương chỉ có thể là con người, mãi mãi cũng sẽ là con người. Xin đừng để AI làm thế giới văn chương mà chúng ta yêu bằng cả trái tim trở nên khô khan và vô cảm.

N.T.H

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)