ĐỌC THƠ “LAI” CÙNG OCEAN VƯƠNG
Ocean Vương, nhà thơ người Mĩ gốc Việt, là tác giả của tập thơ và tiểu thuyết bán chạy nhất của New York Times Time is a Mother (2022) và On Earth We’re Briefly Gorgeous (2019), đã được dịch sang 37 thứ tiếng. Anh là người nhận giải thưởng “Thiên tài” MacArthur năm 2019, cũng là tác giả của tập thơ được giới phê bình đánh giá cao Night Sky with Exit Wounds, lọt vào top 10 cuốn sách xuất sắc nhất của New York Times năm 2016. Anh đã nhận được giải thưởng T.S.Eliot, giải thưởng Whiting, giải thưởng Thom Gunn. Anh sinh ra tại Sài Gòn và hiện đang sinh sống tại Northampton, Massachusetts. Năm 2022, anh được bổ nhiệm là giảng viên có nhiệm kỳ trong Chương trình Creative Writing MFA tại Đại học New York. Dưới đây là bài giới thiệu khóa học về thơ “lai” của Ocean Vuong được mở trong năm nay.
LỜI GIỚI THIỆU
Mặc dù khóa học này sẽ tập trung vào cách mà các nhà thơ “lai hóa” tác phẩm của họ – văn xuôi hóa, phi vần điệu hóa thể loại trữ tình – nhưng chúng ta vẫn cần phải bắt đầu từ việc cố gắng định nghĩa được khái niệm tiểu thuyết và mối quan hệ của nó với các thể loại trước nó. Cho đến giờ, đây vẫn luôn là một câu hỏi rất khó khăn bởi thật sự, tiểu thuyết có thể được định nghĩa một cách hoàn toàn hay không – hay có lẽ, nó chỉ có thể được xác định trong chính sự phủ định của chính nó.
Vì phải đợi đến khi các thể loại khác (sử thi và thơ trữ tình, lãng mạn, biên niên sử, kịch và lịch sử) trưởng thành (chưa kể đến sự xuất hiện của báo in), tiểu thuyết mới được ra đời, cho nên, với tư cách là một “thể loại” non trẻ, tiểu thuyết không hoàn toàn giống như một thể loại theo nghĩa thông thường. Nó là một hệ thống nguyên tắc tổ chức vừa hoạt động vừa dung chứa, vừa linh động, khó nắm bắt. Có thể sẽ hơi lạc điệu nhưng tôi thích gọi tiểu thuyết như là một chiếc công-ten-nơ queer, bởi các chức năng của nó chính là dịch chuyển, thay thế, sửa đổi, nhưng nó cũng đủ rộng rãi để xếp vào trong nó các thể loại “già” hơn : nó chính là một chiếc công-ten-nơ làm từ nước.
Điều này được thể hiện rất rõ trong cuốn tiểu thuyết được cho là đầu tiên của nhân loại Truyện kể Genji. Được viết bởi nữ sĩ cung đình Murasaki Shikibu vào năm 1011, hơn nửa thiên niên kỷ trước Don Quixote của Cervantes, tác phẩm văn học Nhật Bản này đã dự đoán các kỹ thuật tiểu thuyết hiện đại của châu Âu, bao gồm phân mảnh cú pháp, chuỗi giấc mơ, cốt truyện thời gian phi tuyến tính, nội tâm nhân vật và người trần thuật bất khả tín. Khi Shikibu, một cung nữ phục vụ trong triều, được hỏi tại sao bà lại táo bạo viết ra một tác phẩm đồ sộ, hoành tráng như vậy, bà trả lời rằng bà đã viết nó chỉ vì buồn chán.
Chỉ cho đến khi tiểu thuyết hiện thực Anh nổi lên vào thế kỷ 18 và 19, thời điểm mà ngày nay một số người gọi là “thời kỳ hoàng kim” của tiểu thuyết, thì đặc điểm của tiểu thuyết như một thể loại mới có những ảnh hưởng rõ ràng. Ngay cả các nhà phê bình đương đại, dù ý thức hay không, cũng sẽ đánh giá một cuốn tiểu thuyết mới dựa trên những tiêu chuẩn nảy sinh từ thời kỳ ngắn ngủi này, với sự ủng hộ những lý tưởng thời Victoria như tính liên kết, quá trình “cải thiện” hoặc thay đổi ở nhân vật, diến biến để đẩy tới cao trào được cài đặt vào đúng những thời điểm thích hợp và bước ngoặt quan trọng của cốt truyện phải rơi vào đỉnh cao nhất, nhờ đó, giống như hệ quả sự lên đỉnh của dương vật, câu chuyện sẽ dần thả lỏng, đi xuống phần kết thúc với một “chất” – một ý nghĩa, thông điệp nào đó – được tiết ra.
Thông qua diễn ngôn toàn cầu hóa và lối dạy văn theo hướng Âu trung luận (xem châu Âu là trung tâm) như một tiêu chuẩn vàng, ngay cả trong những tổ chức tinh hoa bên ngoài phương Tây thì những cái nhãn về tiểu thuyết này, ban đầu chỉ là hàng bản địa của châu Âu, giờ đây đã trở nên phổ biến và được chấp nhận rộng rãi, nhưng chính nó đã xóa bỏ đi sự đa dạng và những truyền thống tiểu thuyết phong phú tồn tại khắp nơi trên thế giới. Và khóa học này sẽ đi tìm hiểu xem cách mà các nhà thơ trong hoàn cảnh tương tự với tiểu thuyết, đã chống lại chủ nghĩa bá quyền của thể loại một cách cực đoan này để phá vỡ sự thống trị của nó kể từ thể kỉ 19, thời điểm khi các định nghĩa thể loại bắt đầu có nhiều ảnh hưởng hơn đối với một nền văn hóa, văn học đang ngày càng bị thương mại hóa.
Nói cách khác, mặc dù không có một tiêu chuẩn thực sự cố định nào để đánh giá về tiểu thuyết, nhưng khóa học này sẽ tập trung vào cách các tác giả, những người quan tâm đến việc thách thức những kỳ vọng về thể loại của thời đại, đã tạo ra các văn bản của minh thông qua một phép biện chứng đối lập theo hướng “lai hóa” nhằm xóa tan những ranh giới thể loại. Ngoài ra, chúng ta sẽ tìm hiểu xem làm thế nào và tại sao những nhà thơ này vẫn quyết định rằng dù mất nhiều thời gian và công sức nhưng vần điệu sẽ không thể đáp ứng đủ những kỳ vọng dành cho thơ ca nữa. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu thi ca không còn đủ vần điệu nữa? Khi mà các cuộc khủng hoảng xã hội và quốc gia trở thành chất xúc tác cho sự tan rã bản thể? Lớp học này không có ý định trả lời tất cả những câu hỏi này, nhưng trong khả năng tốt nhất của mình, chúng tôi có thể sẽ mở rộng phạm vi của sự hiếu kì mà trong đó, một diễn ngôn phong phú và sống động có thể được nhận ra.
MÔ TẢ KHÓA HỌC
Trong lớp học này, chúng ta sẽ xem xét các khả năng “lai” thuộc về văn bản và hình thức, tập trung vào cách mà dòng tác phẩm còn mới mẻ nhưng dồi dào, phong phú này đã làm mờ đi, phá vỡ và thay đổi ranh giới của các thể loại vì nó liên quan đến sự tự vấn về tiểu sử của chính văn học. Điều gì sẽ xảy ra khi một tác phẩm văn học thách thức các thông số đã được định trước về thể loại của nó, khiến bản thân trở nên khó nắm bắt, vô định hình, nhưng vẫn tư tin về giá trị của nó như một phương tiện khám phá trí tuệ và cảm xúc? Những chiếc nhãn thể loại có công dụng gì và liệu những định nghĩa này có thể được sửa đổi cùng với sự phát triển của văn bản liên thể loại hay không? “Sự lai” trong căn tính của một nhà văn có liên quan như thế nào đến sự giao thoa được nhìn thấy trong các tác phẩm của y?
Chúng ta sẽ đọc cả những người đi trước và những người mới với hình thức này, cũng như sẽ thử tự mình tạo ra một văn bản “lai” gây ngạc nhiên, thách thức và đối thoại lại với quan niệm của chính chúng ta về những gì tiểu thuyết, thơ hay tiểu luận nên hay không nên làm và cách làm thế nào để những quan niệm đó có thể thay đổi. Mục tiêu cuối cùng chính là để cơi nới và mở rộng sự tự ý thức của chúng ta và những tiềm năng trong sự viết của mỗi người thông qua việc đọc kỹ, mô phỏng lại những tác phẩm và tranh luận cặn kẽ.
DANH MỤC TÁC PHẨM CẦN ĐỌC
Theresa Hak Kyung Cha, Dictee (Người ra lệnh) • Bhanu Kapil, Schizophrene (Tâm thần phân liệt) • Marguerite Duras, The Lover (Người tình) • Matsuo Bashō, The Narrow Road to the Deep North (Con đường hẹp dẫn tới miền Bắc xa xôi) • Aimé Césaire, Notebook of a Return to the Native Land (Sổ tay trở về bản xứ) • Walt Whitman, Leaves of Grass (Lá cỏ) • Samuel Ace/ Linda Smukler, Meet Me There (Gặp tôi ở đó) • Arthur Rimbaud, Arthur Rimbaud: Complete Works Bilingual Edition (Rimbaud toàn tập: ấn bản song ngữ) • C.D. Wright, One Big Self (Một cái tôi lớn) • Lucille Clifton, Generations (Các thế hệ) • Dao Strom, The Gentle Order of Girls and Boys
Tâm Đan dịch từ The Literary Hub.