ĐÂY LÀ MỘT BÀI VIẾT “KHÔNG HOÀN HẢO”  – Tác giả: Phạm Linh Nhi

 

  • Vậy tương lai ai sẽ là kẻ viết văn?
  • Hình như trong đó tôi đã thấy câu trả lời: AI sẽ là kẻ viết văn.

Những độc giả chân thành của chữ viết, những kẻ đi góp nhặt “bụi vàng” ở đời mà viết nên trang, những tín đồ đi lượm lặt từng khoảnh khắc, có chăng thấy bất bình với viễn cảnh AI đi hủy hoải thế giới văn chương nghệ thuật. Tôi, với sự thành tâm và nhiệt huyết đối với sự “đọc” và sự “viết”, sự nghiền ngẫm và nghiên cứu, sự tìm thấy cái vui ở đời và hứng khởi khi đọc những áng văn, không dám mường tượng đến tương lai AI là người cầm bút.

Vậy nên, đây càng là một bài viết “không hoàn hảo. Đó là vì một định lý muôn thuở: Không có gì là hoàn hảo, tuyệt đối trên cuộc đời này cả, kể cả sự hoàn hảo cũng có những khiếm khuyết của nó. Không có một quả trứng nào có vỏ trứng nhẵn nhụi hoàn toàn, và kể cả những giọt nước tưởng chừng như tinh khiết cũng vẫn dính những vẫn đục mà mắt thường không thể nào nhìn thấy. Vậy có thể nói nôm na rằng: Hoàn hảo hay không phụ thuộc vào quan điểm và góc nhìn của mỗi người, chính vì vậy nên chúng ta không thể nào cho ra đời một ý niệm, định nghĩa hoàn chỉnh nào cho sự hoàn hảo cả. Vì thế nên, tư cách là tôi khi là một người thích đọc, và một người nghiện viết, viết ra những thứ không hoàn hảo như AI.

Văn là chạm ngõ. Khi tôi nói văn là “chạm ngõ”, tức là văn là sự đồng điệu của tâm hồn người viết với cuộc đời, là sự đồng nhất trong khoảnh khắc của thế giới tinh thần với thế giới khách quan, để rồi chuyển hóa nó thành thế giới ý niệm trong thơ văn. Văn là chạm tới các ngõ ngách sâu thẳm trong lòng người khi rung động với vạn vật, rồi lại chính “Những chữ ấy làm cho rung động/Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài (Mayacopski). Giờ đây, chúng ta, những người cầm bút thực sự đang đứng trước nguy cơ bị “tuyệt chủng” bởi những mã số và công thức văn chương “đốn tim” độc giả. Thử hỏi, những con chữ do AI móc nối, thuật toán và cóp nhặt liệu chăng sẽ chạm ngõ được từ trải nghiệm của ai, do ai cảm để rồi cảm hóa được ai?

Văn là vùng trũng. Những người nghệ sĩ nhuốm cuộc đời với màu thơ văn hay chính là màu cảm xúc của cái tôi, cái bản ngã của anh ta. “Mỗi tác phẩm là một vương quốc riêng mà người cầm bút là quốc vương của mảnh đất ấy”. Vậy nên, văn là “vùng trũng” trong tâm hồn của người viết. Anh ta viết vì anh ta giao thoa với đời, anh ta viết vì chiếc lá cuối cùng rơi hay vì cái cồn cào của sóng nước sông Đà, anh viết về những cô gái gỡ bom thời kỳ chống Mỹ hay những anh bộ đội cụ Hồ thấy đầu súng trăng treo. Anh viết về gì thì nó cũng đều là những “vũng” tâm hồn còn sót lại sau “cơn mưa” cảm xúc đầy màu nhiệm. Đó là khoảnh khắc. Đó là sự chìm lắng của trái tim và sự đẩy đưa của xúc cảm. Thử hỏi tiếp, những con chữ do AI tổng hợp được từ trái tim của một người nghệ sĩ khác, phải chăng sẽ đâm thẳng vào trái tim người kia và khiến người ta rung động?

Văn là thời – không hòa hợp. Là tiếng kêu tức tưởi của người chiến sĩ Cách mạng Tố Hữu khi “Ngột làm sao, chết uất thôi” trong ngục tù tăm tối mà “Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu” như thôi thúc, như trêu ngươi mà lại như dặm sâu thêm nỗi đau trói buộc của người chiến sĩ. Là tiếng van nài của Nguyễn Bính mà dường như là cầu xin lấy người con gái giữ nguyên cái chân phương chân thành: “Nói ra sợ mất lòng em, Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa”. Là tiếng chửi đời, chửi người, chửi cả đứa đẻ ra mình của Chí Phèo hay chính là tiếng kêu cứu của con người trong thời đại bí bách và ngột ngạt, khi lằn ranh giữa cái tốt và cái xấu mờ nhòa đi khiến cho người rơi vào đường cùng ngõ hẹp. AI sống ở mọi thời đại, mọi quốc gia, mọi lãnh thổ và khu vực, bất chấp chiều dài và chiều sâu của bất cứ thời – không nào vì tính tổng hợp của mình, liệu đã đủ là “thư ký chân thành” của thời đại chưa?

Văn là hồn cốt. Mỗi một tác phẩm văn chương, chúng ta đều nhìn thấy nhân cách của người cặm cụi trải lòng và trải tình lên trang giấy. Vì vậy, Oscar Wilde nhận định: “Tính đại chúng là vòng nguyệt quế thế giới khoác lên nghệ thuật tồi. Bất cứ thứ gì được đại chúng ưa chuộng đều sai”. Nhận định như vậy chẳng khác nào bảo đại đa số quần chúng sẽ là những người có thẩm mỹ kém cả. Đáng buồn thay, AI hoạt động chính là vin vào việc đại đa số quần chúng sẽ có xu hướng rơi vào trạng thái dễ dãi với văn chương, ưa thích những kiểu văn một màu, dập khuôn, “mì ăn liền”, coi những tác phẩm bất hủ và cổ điển là mất thời gian, tầm chương trích cú và dài dòng văn tự.

“Hãy đưa cho AI một đề bài và nó sẽ đưa ra đời những kết quả phù hợp với ý bạn”. Câu hướng dẫn khẳng định hai đặc điểm đáng sợ và đáng thương của xã hội hiện nay: Thứ nhất là, văn học nay đã được gói ghém và khu biệt thành các đề bài như việc chia chác thành các thùng hàng trên các xe container. Thứ hai là, con người bất lực với ngôn từ – thứ phương tiện chúng ta tạo ra và tự hào về nó, vì “ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy”, nay ngôn ngữ ta bất lực thì tư duy chẳng nhẽ lại không mai một hay sao? Vậy mà giờ đây, AI bằng những thông tin được “ném” lên hệ thống, có thể dễ dàng “đọc vị” và biết “vị” mà bạn ưa thích như thế nào để thiết kế theo. AI đã bằng cách đó giết chết khả năng độc lập suy nghĩ, lập trường và lăng kính chủ quan, thế giới quan của một người. Nói cách khác, chính người cầm bút đã chuyển cái bút của mình cho AI, và AI dùng lại nó như cái dao chĩa về kẻ lười biếng trong suy nghĩ.

AI, tựu chung lại, vẫn là sự trộn lẫn của những thông tin hỗn độn, của những suy nghĩ và luồng kiến thức được kiểm chứng hoặc chưa được kiểm chứng, nhưng trên bình diện văn chương nghệ thuật, có ai nói rằng những câu chữ đã được sắp xếp một ngẫu nhiên hay được sắp đặt, những cảm xúc đã được lên trước hay đặt lịch, những ký ức hiện ra đã có kịch bản hay hoàn toàn theo duyên số.

Văn chương còn là một bí ẩn. Người đọc lần mò và đoán mò theo dòng chữ dòng cảm xúc của mạch truyện, song cũng đoán định ý nghĩ tác giả và tự đối chiếu với bản thân mình, thậm chí phóng chiếu cảm xúc mình sang sự vật, hiện tượng khác ở ngoài thế giới khách quan. Quá trình nhập tâm – xuất tâm ấy làm sao có thể diễn ra trong thế giới của AI, với những giá trị quan mập mờ, lập lờ và xáo rỗng mà AI vẽ nên? Chúng ta chẳng thể quên một người chưa bao giờ gặp mặt, cũng chẳng thể tìm thấy một người lần thứ hai, dù là ở trong chính bản thân họ. Vậy thì, ta cũng đâu thể bắt gặp một cảm xúc vẹn nguyên như lần đầu khi đã được tái tạo bởi công nghệ hiện đại nào đó.

Văn chương là sự bâng quơ. Sự bâng quơ chưa bao giờ đồng nghĩa với cẩu thả, bông đùa đến giễu cợt, đùa vui không phải vì nó là trò chơi không quan trọng, nếu đánh đống như thế sẽ dẫn đến những thứ văn chương bỏ đi. Sự bâng quơ ở đây là sự dập dềnh của cảm xúc khi người ta xoáy sâu vào cuộc đời, khi những lát cắt của cuộc sống cho người ta nhiều nhộn nhịp, vui mừng, xốn xang, dịu dàng, cay đắng, tủi hờn, giận dữ, phẫn nộ, cuồng si và trầm lắng. AI đơn giản là những biến số phù hợp với đề bài, đó chỉ là sự xuất ra thông tin phù hợp với yêu cầu của người nhập biến, và dù có phức tạp và tinh vi đến đâu, cảm xúc đâu khởi phát từ những thuật toán hiện đại?

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu AI có khả năng tạo ra một thế giới văn chương nghệ thuật hoàn hảo bằng những công thức của mình?

Những người cho rằng AI tạo ra những “áng văn” hoàn hảo không một vết nứt hay đổ vỡ, thế thì tôi chấp nhận bỏ một bình phong đẹp đẽ nhưng mong manh dễ vỡ để kiến tạo nên một hòn đá dù sù sì gồ ghề nhếch nhác nhưng chịu được phong ba bão táp của cuộc đời. Vì thứ gì ăn sẵn thì sẽ có hại cho sức khỏe, thậm chí là ngộ độc. Văn chương cũng là một “thức ăn” mà cần được nấu chín kĩ lưỡng, và cần có liều lượng, nêm nếm phù hợp với người ăn nhưng cũng không chệch ra khỏi quỹ đạo tạo ra món của đầu bếp.

Nếu thế giới văn chương mà AI tạo ra là hoàn hảo, thế thì tôi khẳng định thế giới đấy vẫn chẳng hoàn hảo. Vì sao? Vì thế giới vẫn cần những con người vận động để duy trì, nhưng thế giới nghệ thuật mà hoàn hảo và phẳng lì với những con người hoàn hảo và không có nhu cầu phát triển bản thân hơn nữa thì sự hoàn hảo ở đâu ra? Việc câu chữ nào cũng hoàn hảo 100%=100%=bằng hơn mấy tỉ tác phẩm từ trước đến nay của toàn nhân loại nữa dẫn đến hệ quả là một đống hỗn loạn, mất trật tự do chẳng có nhà văn/nhà thơ/người nghệ sĩ/kẻ cầm bút nào nổi trội hay đặc biệt hơn ai về bất cứ lĩnh vực nào. Lâu dần chúng ta mất đi màu sắc của văn chương, và văn chương sẽ như những chiến dịch marketing kêu gào sự chú ý với những ngôn từ bóng loáng và bắt mắt như những banner quảng cáo ngoài đường.

Cuối cùng, sự hoàn hảo nhất của văn chương nghệ thuật này lại chính là sự không hoàn hảo của mỗi người viết và người đọc.. Vì âm dương không hề cách biệt mà quấn quít với nhau để hợp nhất thành một vòng tròn thể hiện sự cân bằng của mọi thứ trong nhân gian. Vì ngôi nhà cần có mái để che mưa gió còn mái che cần ngôi nhà để vươn lên cao. Vì người đọc và người viết có thể khác nhau về ngôn ngữ, lãnh thổ, khu vực, thậm chí là thời đại, vậy mà bằng cách thần kỳ nào đó họ vẫn đồng điệu với nhau thông qua nhịp đập của những con chữ xuyên thời gian và không gian. Vì văn chương là sự tung hứng không phải bừa bãi mà là ngẫu nhiên của ngôn từ, là trò chơi của trí tuệ và cảm xúc giao thoa. Vì bài viết này của tôi cũng không hoàn hảo mà, đúng không?

P.L.N

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)