CÓ PHẢI CỨ TRẢI NGHIỆM MỚI VIẾT ĐƯỢC VĂN?

CÓ PHẢI CỨ TRẢI NGHIỆM MỚI VIẾT ĐƯỢC VĂN?

Tôi không biết mình có tư cách để nói về việc viết hay không. Nhà văn Phan Hồn Nhiên từng nói rằng: “Muốn viết hay thì trước hết phải sống hay cái đã.” Tôi không thể không đồng tình, mà cũng không thể không thừa nhận rằng mình sống chưa được hay ho lắm. Cuộc sống của tôi, nhìn từ bên ngoài, cũng giống như một trái hạt dẻ xám nâu nhăn nheo rơi lăn lóc trên đất ẩm, chờ đợi võ vàng một con sóc nhỏ đến nhâm nhi, nhưng đợi mãi, đợi mãi mà không có con sóc nào lui tới. Thế là cứ đành nằm trơ ở đó.

Mặc dù thế, tôi vẫn viết. Mà tôi nghĩ người ta ai cũng đều viết.  Trên đời này tưởng như không có gì tự nhiên hơn đặt bút và viết. Ta có thể không bao giờ mó tay sửa xe máy, có thể không nấu cơm, có thể không biết chơi một bản sonate của Mozart hay vẽ chân dung những bông hoa huệ, nhưng không có ai lại, không một lúc nào đó, viết một cái gì đấy. Và vì ai cũng có quyền viết, nên cả những người như thế hệ như chúng tôi, một thế hệ bị coi là nhạt, cũng được quyền viết. Murakami đã biện hộ cho chúng tôi, những người mà tất cả những gì thú vị nhất họ làm trong đời thực là nấu spaghetti và nuôi những con mèo.

Tôi không biết tại sao vào thời điểm hiện tại ở Việt Nam, người ta lại thường quy cho các tác giả phi hiện thực như chúng tôi là không có đủ trải nghiệm sống. Bạn có thể nhớ lại, nhân vật vĩ đại đầu tiên trong tiểu thuyết phương Tây là Don Quixote, một nhân vật hoàn toàn phi thực. Homere viết sử thi về những vị thần có phép màu. Shakespeare viết về những nàng tiên. Và cái thời mà tiểu thuyết cạnh tranh với hộ tịch, như Balzac, đã đi qua xa lắm rồi.

Nằm ở cốt lõi của văn chương, không phải là  vấn đề hiện thực hay siêu thực hay viễn tưởng, mà là ngôn từ.

Nếu có một nghề nghiệp nào đó tương đồng nhất với nghề viết lách, tôi nghĩ đó là nghề thủy thủ, hoặc nhà thám hiểm đại dương. Người thủy thủ dong buồm ra khơi, anh trôi vào khối ngọc bích vô cùng tận, anh đứt neo khỏi đất liền, và khi nói tới đất liền, đó không chỉ là những gương mặt người cau có hay những ống khói phì phạch thở, đó còn là những cây anh đào nở hoa vào tháng ba, là món bánh nhân đậu đỏ bán nơi góc phố, là chiếc bình tựa cửa cắm hoa phi yến thảo, nghĩa là anh đứt neo khỏi cả những thứ xấu xa và cả những thứ chân thiện. Anh tiến vào một miền hư vô rộng khôn cùng nơi anh phải tự phân biệt mọi phải trái đúng sai, nơi anh sẽ luôn lúng túng bất chấp anh đã kinh qua bao nhiêu chặng hải hành. Ngôn từ là những loài thủy sinh tung tăng bơi bên dưới, anh sẽ không thể nào đánh bắt được hết tất thảy, anh sẽ phải vật lộn chiến đấu với những con cá mập hung hăng, và những con cá voi thì anh chỉ có thể từ xa nhìn ngắm, bởi anh biết, nếu không phải một bậc đại sư như Gabriel Garcia Marquez, anh sẽ không thể nào săn đuổi chúng.

Người đi biển biết rằng biển cả luôn lớn hơn anh ta. Người viết lách cũng biết văn chương luôn lớn hơn chính mình. Một người có thể đi hết Địa Trung Hải, cũng chưa chắc đi hết Đại Tây Dương, mà đi hết Đại Tây Dương cũng chưa chắc đã đặt chân tới biển Thái Bình, mà cứ cho có thể đi hết năm châu bốn bể, cũng đâu lặn được xuống chín tầng nước mặn. Chẳng thế mà con người có thể bay tới tận Mặt Trăng, khi trở về quả đất vẫn hồ đồ bối rối chẳng biết làm cách nào chạm tới tận cùng biển cả. Chẳng thế mà con người có thể dùng công thức toán học mô tả cả sự khai sinh vụ trụ, thiên hà, vậy mà chẳng bao giờ có đủ đầy ngôn từ để nói về tình yêu với một cây sơn trà trước cổng.

Tôi cho rằng một khi đã chọn viết là ta đã chấp nhận cúi đầu. Cúi đầu trước một bông sơn trà màu trắng, bởi ta liệu có bao giờ nắm bắt được khoảnh khắc trổ bông của nó bằng chữ nghĩa. Ta luôn không tìm kiếm đủ ngôn từ. Nhiều khi ta đinh ninh mình đã gần tiệm cận, ấy thế mà chỉ là ảo giác của phối cảnh mà thôi. Ngày ta bắt đầu biết rằng mình xếp dưới đóa sơn trà, ngày đó ta bước vào con đường viết.

*

Có hai điều mà người ta thường quy cho người viết: một, người viết là nghệ sĩ, và hai, người viết đều có vốn sống dồi dào.

Về điều thứ nhất, tin tôi đi dù văn chương là nghệ thuật nhưng người viết văn lại không bao giờ là nghệ sĩ. Một ca sĩ, một họa sĩ, một diễn viên, họ bề ngoài đã có gì đó lấp lánh ánh kim, nếu không thì cũng tỏa rạng hào quang kiêu bạc, còn người viết ư? Bộ dạng họ chẳng khác vì một anh nhân viên công sở, một cô viên chức quèn, tóm lại là nhìn họ rõ chán đời và nhiều khi là không đàng hoàng nữa. Có lần xem bức tranh Đêm Sao Trên Cầu Sông Rhone của Vincent Van Gogh, ở mé phải bức tranh, có hai người tiện dân mặt mũi nhòa nhạt đi dưới bầu trời xanh tím, nhìn họ, tôi cảm tưởng như chính họ cũng có thể là nhà văn được, và khi bước ra khỏi tầm mắt của Vincent, họ sẽ về với ngôi nhà lụp xụp của mình, khẽ khàng đặt mình bên bàn giấy bộn bề, và dưới ánh nến tù mù, họ viết.

Còn về điều thứ hai, rằng viết đòi hỏi một vốn sống dồi dào, tôi cho rằng nó chỉ thu hẹp trong một dạng nhà văn. Còn có những dạng nhà văn khác, người viết về cái tri thức mình tiếp nạp được qua việc đọc, chứ không phải sống, như Jorge Luis Borge. Thậm chí, tôi cho rằng đôi khi vốn đọc còn quan trọng hơn vốn sống, vì chỉ có đọc, mới giúp cho người ta có thể đi tới vô cùng. Tôi nghe Orhan Pamuk có 12.000 cuốn sách trong thư viện cá nhân, trong bụng ông lại có ba vạn điển phạm, đó là cách mà Orhan lao động để sáng tác văn chương, và là cách để Orhan băng qua nghìn trùng đại dương, lặn xuống nghìn trùng con nước để mang về kim cương châu báu.

Tôi vẫn đọc đi đọc lại câu chuyện về Vua Lear của Shakespeare, một vị vua già mù quáng đuổi đi đứa con gái chính trực nhất, rồi phát điên sau khi bị hai đứa con còn lại bội phản, để rồi khi nhìn lại, bên ngài chỉ còn duy một thằng hề luôn cười hềnh hệch trước tất thảy mọi biến cố. Giữa thế giới người điên, chỉ có thằng hề là tỉnh. Và nhà văn, nhà văn đứng giữa thể trạng của Vua Lear điên rồ và thằng hề minh mẫn. Nhà văn muốn làm tri kỷ của thàng hề, lại chỉ thành bạn đường của Vua Lear. Nhà văn bất lực quỵ xuống trên con đường thiên lí đi tới sự thức tỉnh, họ vươn tay lên như tên thầy tế Imhotep cố vươn lấy tình yêu thuần khiết của đời mình, nhưng tình yêu ấy hóa ra cũng là ảo tưởng, nên họ đành buông tay để cho hồn mình bị âm ti xâu xé. Hay đơn giản, họ ngước mắt lên để thấy đêm sao huy hoàng, nhưng mãi mãi đôi chân họ sẽ dính liền với mặt đất và trần thế.

Tôi nghĩ đó mới là định nghĩa về một nhà văn, chứ không phải sự phân biệt hiện thực hay phi hiện thực.

Nhưng nói thế cũng đã là đi quá xa rồi. Nhà văn có khi cũng chỉ là một cái nhà, trong cái nhà ấy, có phòng ngủ để ngủ, phòng tắm để tắm, phòng ăn để ăn, và có cả một cái bàn, trong hộc bàn, đựng văn.

Hiền Trang

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)