CHÚNG TA CÓ CẦN TIỂU THUYẾT GIA KHI AI ĐÃ HỌC ĐƯỢC CÁCH VIẾT?

CHÚNG TA CÓ CẦN TIỂU THUYẾT GIA KHI AI ĐÃ HỌC ĐƯỢC CÁCH VIẾT?

CHÚNG TA CÓ CẦN TIỂU THUYẾT GIA KHI AI ĐÃ HỌC ĐƯỢC CÁCH VIẾT?

Kiều Chinh dịch, theo Jon Day, The Financial Times

Tiểu thuyết cho phép chúng ta bước vào tâm trí của kẻ khác – nhưng máy móc sớm muộn rồi cũng sẽ làm việc đó tốt hơn.
Vài năm về trước, tôi có dịp đến thăm Đại học Exeter và chứng kiến các chatbot đang cố thuyết phục mọi người rằng chúng là con người. Tôi ở đó vì Giải thưởng Loebner dành cho trí thông minh nhân tạo được trao mỗi năm cho robot hoàn thành tốt nhất “trò chơi mô phỏng” của Alan Turing: một thử thách được thiết kế để xác định xem máy móc có thể suy nghĩ hay không.

Tất cả các robot đều thể hiện khá tệ và kết quả thì gần như không đi tới đâu. Hugh Loebner, một nhà phát minh lập dị đồng thời là nhà tài trợ thiện nguyện cho giải thưởng, đã có một bài phát biểu mà trong đó, ông làm một phép so sánh trí thông minh với những ấn phẩm khiêu dâm: “Tôi không thể cắt nghĩa được nó, nhưng tôi lại cảm thấy thích thú khi nhìn thấy nó.”

Mặc dù các tiêu chuẩn được đặt ra trong thử thách của Turing đã trở nên quen thuộc nhưng giờ đây, chúng ta có thể nhìn lại chúng trên một phương diện khác: trong những phép lặp đầu tiên, bài test của Turing quan tâm nhiều về nhận dạng giới tính và năng lực viết lách không kém gì về khả năng nhận thức và các robot. Ông từng lần đầu đề xuất một tựa game văn học trong một bài báo xuất bản năm 1950 có tên: “Máy tính điện tử và Trí thông minh”. Trò chơi này có sự tham gia của ba người chơi: một người đàn ông, một phụ nữ và một “người thẩm vấn” – nhân vật này có thể thuộc giới tính khác.

Người thẩm vấn sẽ đặt những câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn cho những người tham gia, sau đó đoán xem ai là người đàn ông, ai là người phụ nữ. Những câu trả lời của người đàn ông thường đánh lừa người thẩm vấn rằng anh ta là một phụ nữ, trong khi phần trả lời của người phụ nữ thường chỉ dẫn đúng về giới tính của cô ta. Turing đặt một vấn đề rằng, nếu bạn thay thế một người chơi bằng một người máy và rồi người máy đó đánh lừa được người thẩm vấn về giới tính của y nhiều lần hơn người đàn ông kia, liệu chúng ta có thể bằng mọi giá kết luận rằng, người chơi bằng máy đó có thể NGHĨ?

Trí tuệ nhân tạo đang sống trong thời những khoảnh khắc huy hoàng của nó với sự dìu dắt của những tiến bộ công nghệ vượt trội – cách mà Google dự đoán những nhu cầu của chúng ta hay cách mà Alexa phản hồi những cuộc trò chuyện của chúng ta, đó gần như là những phép màu – điều này đi kèm với nỗi sợ mỗi ngày một lớn dần lên về một tương lai mà máy móc sẽ vươn lên tới đỉnh và rồi chiếm đoạt loài người.

Nhà toán học Marcus du Sautoy đã chỉ ra trong cuốn sách mới đây của ông, The Creativity Code (tạm dịch: Mật mã sáng tạo) rằng, giờ đây, những chiếc máy tính không chỉ dừng lại ở khả năng xử lí những phép cộng phức tạp và chơi cờ vua thắng chúng ta mà đã có thể đánh bại con người ở ngay cả những trò chơi đòi hỏi vô vàn chiến lược sáng tạo như cờ vây – điều này đem tới một cảm giác khá chắc chắn rằng: sớm muộn chúng sẽ làm tốt hơn chúng ta ở mọi lĩnh vực khác: toán học, âm nhạc và thậm chí là viết tiểu thuyết.

Đây thật ra không phải một nỗi lo gần đây mới xuất hiện. Ít nhất là kể từ thần thoại về Pygmalion, các nhà văn đã bắt đầu cảm thấy lo lắng về sự phát triển của một đời sống nhân tạo có thể chi phối đến cách hiểu của chúng ta về tính cá nhân, sự sáng tạo, và văn học thường được nhận định sẽ là đối tượng được “AI hóa” sau cùng: một phương tiện để nới rộng hay mô phỏng những phạm trù của con người. Tiểu thuyết cho phép chúng ta bước vào tâm trí của kẻ khác theo một cách trực tiếp, gần gũi và chân thực hơn những hình thức khác của sự viết. TS Eliot từng cho rằng: “Chúng ta đọc nhiều sách bởi chúng ta chưa bao giờ biết đủ mọi người.” Trong lời giải thích này, việc biết về những người khác được đánh đồng với việc đọc về họ, và một cuốn tiểu thuyết hư cấu cũng giống như một phiên bản văn học chuyển thể từ trò chơi mô phỏng của Turing.

Phong trào tìm về những di sản của Turing đã quay trở lại mạnh mẽ trong thời gian gần đây, có thể nhìn thấy ngay ở mối quan tâm đặc biệt của công chúng tới cuộc đời của ông. Phần xương sống quan trọng trong tiểu sử của Turing – thời gian sống và làm việc tại Bletchley Park, những cáo buộc xung quanh mối quan hệ đồng tính “không đứng đắn” vào năm 1952 và quá trình điều trị bằng phương pháp “thiến hóa học” theo lệnh của Nhà nước – tất cả đã được chọn lọc để tái hiện trong bộ phim The Imitation Game (tựa Việt: Người giải mã) vào năm 2014. Turing giữ một vai trò chủ chốt trong triển lãm mới đây của Barbican AI: More than Human, và mới đây, người ta đã thông báo rằng, chân dung của Turing sẽ được in trên tờ 50 bảng mới.

Những ý tưởng của Turing vẫn tiếp tục được triển khai trong tiểu thuyết. Kazuo Ishiguro giới thiệu cuốn sách tiếp theo của ông sẽ có chủ đề về AI. Ba cuốn tiểu thuyết gần đây – Murmur của Will Eaves, Frankissstein của Jeanette Winterson và Machines Like Me của Ian McEwan – đều đặt ông vào vị trí trung tâm và cho rằng: nhờ tiểu thuyết, chúng ta có thể hiểu được rõ nhất bản chất sự thay đổi trong mối quan hệ của chúng ta với những tâm trí nhân tạo.

Trong ba tiểu thuyết nêu trên, Murmur, cuốn sách đã giành giải thưởng Wellcome Book Prize vào năm 2019, là tác phẩm bám sát nhất vào nguyên mẫu. Turing trong Murmur được tái hiện trong bóng dáng nhân vật Alec Pryor thông qua những mảnh ghép từ những trang nhật ký, thư từ và báo cáo về phân tâm học. (“Tôi không muốn sa vào một tình huống rắc rối của việc đặt vào miệng một nhân vật có thật những điều mà họ không hề nói.” – Eaves phát biểu). Pryor đã miêu tả trải nghiệm của mình với “liệu pháp tế bào sinh học”, hồi tưởng về một tình bạn thuở ấu thơ dữ dội dựa trên mối quan hệ có thực giữa Turing và người bạn Christopher Morcom, sự giày vò bởi những giấc mộng và ảo giác, và phản ánh lại chúng trong những tiểu luận có tính triết học về trí tuệ nhân tạo bằng một thứ ngôn từ đẹp đẽ, chính xác đã xuất hiện trên những trang viết của Turing.

Cách triển khai trong tiểu thuyết của Eaves cho thấy, bất chấp những khẳng định chắc nịch từ các nhà phê bình văn học, ý thức của con người không bao giờ có thể được chia sẻ chỉ bằng ngôn ngữ. Pryor đã kể lại điều đó trong nhật kí, những chương nhật kí làm xáo trộn rất nhiều thứ trong tiểu thuyết: “Điều đầu tiên chúng ta nhận ra khi trưởng thành, đó là đời sống bên trong của mỗi người là một thế giới hoàn toàn xa lạ với kẻ khác, những bí mật bên trong đó không ai có thể nhìn thấu được. Chúng ta trông thật bình thường, và thế thôi là đủ nếu một ai đó muốn tỏ ra quan tâm.”

Đối với một người đồng tính nam sống giữa thời điểm mà giới tính thứ ba bị xem như một hành vi bất hợp pháp, trông thật “bình thường” không chỉ đơn thuần là một phạm trù triết học: nó là một mệnh lệnh xã hội – chính trị. Một trong những thành tựu to lớn của Eaves chính là khiến những câu hỏi thuộc về tính thẩm mỹ được đưa ra trong tiểu thuyết trở nên hệ trọng ngang với những câu hỏi thuộc về đạo đức.
Giống như Murmur, Frankissstein của Winterson cũng quan tâm đến cách mà AI có thể thay đổi mối quan hệ giữa tâm trí và thân thể: giữa cái được thể hiện ra bên ngoài của hành vi và cái mà Samuel Beckett gọi là “phần bên trong, tất cả những gì trong không gian bên trong không bao giờ được nhìn thấy”. Tự sự của Winterson đi theo hai trục chính. Trục thứ nhất kể lại câu chuyện nguyên bản *Frankenstein *của Mary Shelley trong một kì nghỉ mưa gió của bà và Lord Byron tại Hồ Geneva năm 1816 – tác phẩm sớm nhất và vẫn là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất tính đến thời điểm hiện tại viết về cuộc sống nhân tạo.

Trục thứ hai của Frankissstein được xây dựng ở hiện tại, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa Ry Shelly, một bác sĩ và một nhà sản xuất robot tình dục Ron Lord (thay thế cho Byron) trong một hội thảo ở Texas. Ry đã đem lòng yêu Victor Stein, một nhà khoa học điên khùng theo trường phái của Gunther von Hagens đang nghiên cứu về AI và công nghệ lạnh. Ry là một người chuyển giới, anh ta cho rằng: “Tôi là điểm cận dưới, cận trên, ở giữa, đang hiện diện, chưa xong xuôi, những biến chuyển, cuộc thử nghiệm và là sự nghiệp (hay một khởi đầu mới) của chính tôi.”

Winterson luôn quan tâm đến cách mà thân thể vừa củng cố vừa phản bội ý thức của chúng ta về chính bản thân mình cũng như về những người xung quanh. Và giống như Eaves hay Turing, ở Frankissstein, bà cũng nhận ra rằng, những suy nghĩ xoay quanh AI chắc chắn không thoát ra khỏi những chất vấn về căn tính. Nếu tâm trí có thể được tạo ra từ một bộ tóc giả và có thể thay thế bằng bất cứ phương tiện nào, nếu nó có thể chạy bằng silicon như một phần cứng trong bộ não con người thì đâu sẽ là nơi để trút bỏ toàn bộ thân thể của chúng ta với tất cả sự riêng tư, những khiếm khuyết lẫn ưu thế của chúng?”

Đối với Ron Lord và các robot tình dục của anh ta, cuộc cách mạng AI đơn giản là gia tăng cơ hội để vật hóa phụ nữ, nhưng đối với Stein, đó là những khả năng cho tự do và không tưởng chủ nghĩa: “Theo những gì tôi biết, những điều đang xảy ra ở thời điểm này xoay quanh AI là một thứ gì đó giống như một “sự trở về”. Những gì chúng ta từng mơ giờ chính là thực tại. Chúng ta không còn bị ràng buộc với thân thể của chính chúng ta nữa.”

Cả Frankissstein và Murmur đều rất khôn khéo trong cách để các thực thể nhân tạo là những thuật toán hay nhân vật văn học có thể tiếp tục có cuộc sống của riêng của mình rất lâu sau khi những người phát minh ra chúng nghĩ rằng mọi thứ đã xong xuôi rồi. Machines Like Me, một thiên tình sử lãng mạn với những tình tiết của thể loại kinh dị – trinh thám truyền thống, trở nên hấp dẫn hơn khi được đặt vào thời điểm quá khứ. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh song song những năm 80 thế kỉ trước với những sự kiện tiêu biểu được phác thảo nhanh xuống: chiến tranh Falkland chấm dứt, Thatcher lao đao, vị thế của nước Anh như một cường quốc của thế giới dần sụp đổ. Turing, người đã lựa chọn điều trị bằng liệu pháp thiến hóa học thay vì ngồi tù, lúc này đã trở thành nhà sáng chế tiên phong trong lĩnh vực AI với những tiến bộ đáng kinh ngạc.

Người kể chuyện của tiểu thuyết, Charlie Friend, một người “có vẻ là đàn ông” ngoài ba mươi với tiểu sử bao gồm một sự nghiệp viên chức thất bại và vô số kế hoạch làm giàu chớp nhoáng đã sử dụng một khoản thừa kế từ trên trời rơi xuống để mua một chủng robot mới ra mắt có tên Adam. Được trang bị một dương vật đầy nước và một loạt các chương trình hành vi như con người, Adam chuyển tới sống trong căn hộ của Charlie, nơi Charlie và cô hàng xóm Miranda bắt đầu tiến hành “nhân hóa” anh ta.

Cũng giống như nhà tiểu thuyết, công việc chính của những nhà thiết kế AI là tạo ra những nhân vật mà chúng ta có thể tin được và McEwan tỏ ra vô cùng khoái trá với nét tương đồng này. “Tôi ghét cái kiểu nhún vai dửng dưng ấy,” – lời chỉ trích của Charlie trước một đặc điểm của Adam, “nó hoàn toàn giả tạo nhưng nhìn xem, chúng ta dễ bị nó thu hút đến nhường nào, một thói quen hàng ngày được thiết lập nhờ sự sắp đặt một cơ số những dự liệu đầu vào cụ thể bởi một tay lập trình thông thái nhưng dị hợp, bất chấp sống trong một phòng thí nghiệm đâu đó ở vùng ngoại ô của Thành Đô.”

Đầu năm 2019, McEwan đã gặp rắc rối khi trả lời một cuộc phỏng vấn rằng, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng truyền thống đang bận tâm đến vấn đề “di chuyển nhanh gấp 10 lần tốc độ ánh sáng trên những đôi giày có khả năng chống trọng lực” hơn là “những vấn đề nan giải của con người khi đối mặt một thực thể vẫn biết là “nhân tạo” nhưng thực sự biết suy nghĩ như chúng ta.” Nội dung trong phát biểu của McEwan – ý kiến đã khiến cư dân mạng Twitter nổi giận – là ý tưởng cho rằng tiểu thuyết viễn tưởng đã không giải quyết được “những vấn đề nan giải” của con người bởi chúng quá hình thức.

*Machines Like Me *đã đưa mệnh đề này trở thành nguyên tắc trung tâm của tác phẩm cùng với thông điệp rằng, chỉ ngôn ngữ mới cho phép chúng ta trao tính người cho kẻ khác. Tuy nhiên, khi thực hành điều này, McEwan đã trao cho nhân vật trung tâm của ông một loại trí tuệ rất trữ tình, rất quyến rũ nhưng lại hoàn toàn là giả tạo. Lời kể chuyện của Charlie, một tự sự chải chuốt, mượt mà, không còn là lời của một gã luật sư hết thời hay tay hành nghề lừa đảo mà chính là lời của một nhà tiểu thuyết.

Có một thứ cảm thức chung ở trong những cuốn sách nêu trên, rằng, tiểu thuyết tự nó đang sống trong một thời kì tạm bợ. Nhưng nếu McEwan đúng, tiểu thuyết sẽ bị truy sát không phải bởi sự thờ ơ của độc giả mà bởi những tiến bộ trong công nghệ sẽ làm cho cái thú của việc đọc nó trở thành lỗi thời. Nếu chúng ta vẫn tìm đến tiểu thuyết chỉ bởi chúng cho phép ta trải nghiệm được tâm trí của kẻ khác, vậy sẽ rất nhọc nhằn để chúng có thể tiếp tục sinh tồn trong sự phát triển của một thế lực mạnh mẽ đang lớn lên mang tên AI. Chúng ta cần gì ở tiểu thuyết khi mà giờ đây ta có thể biết rõ tâm trí của những người xung quanh chỉ bằng một thao tác đơn giản là kết nối với công nghệ đám mây? Và xin được trích ở đây lời phát biểu của nhân vật Adam trong Machines Like Me: “Khi một đám cưới giữa một người đàn ông hay một người phụ nữ với một cỗ máy được tổ chức, đó cũng lúc văn học trở thành đồ dư thừa bởi lúc này, chúng tôi đã quá hiểu nhau.”

Ai đó rất có thể sẽ biện hộ cho công việc sáng tác tiểu thuyết rằng, sự đồng cảm thì trước giờ tìm ở đâu chẳng thấy, nhưng trong thời điểm hiện tại khi phải đối mặt với những ranh giới không thể vượt qua cho dù là thực hay ảo giữa chúng ta và kẻ khác, thì đó chính là điều cấp thiết tiểu thuyết phải làm được lúc này.

K.C

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)