CẠN CHÉN CÙNG CỔ LONG  HAY LÀ SỰ VƯỢT THOÁT KHỎI MẶC CẢM TỰ TI [Đỗ Lai Thúy]

CẠN CHÉN CÙNG CỔ LONG HAY LÀ SỰ VƯỢT THOÁT KHỎI MẶC CẢM TỰ TI [Đỗ Lai Thúy]

CẠN CHÉN CÙNG CỔ LONG[1] HAY LÀ SỰ VƯỢT THOÁT KHỎI MẶC CẢM TỰ TI

 

Thà một chút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm

(“Giục giã”, Xuân Diệu)

 

Tôi mê kiếm hiệp từ nhỏ. Có thể ấu thời ấy ở nhà quê không có gì để đọc. Cũng có thể đang ở tuổi hiếu động, vui bạn vui bè, mà bị dồn vào thế cô lập, không được chơi với ai và không ai được chơi với mình, nên tôi phải “giải dồn ép” bằng tưởng tượng tung hoành kiếm khách. Những Bồng Lai hiệp khách, Giao Trì nữ hiệp, Long Hình quái khách… Nhưng rồi lớn lên, phần vì ảnh hưởng tư tưởng đương thời coi khinh cận văn, tức các loại văn chơi, văn không có ích, phần vì hấp lực của văn chương phương Tây, tôi xa dần kiếm hiệp lúc nào không biết.

Năm 1975, Bắc Nam thống nhất, ít ra về mặt hành chính. Một phong trào đọc “chưởng Kim Dung” vốn tồn tại trước đó ở miền Nam tràn ra miền Bắc. Bấy giờ tôi đang đóng quân ở Lạng Sơn. Từ các “chú” bộ đội đến các “cháu” học sinh Trường cấp 3 Việt Bắc, ai ai cũng nói đến Trương Vô Kỵ, Hoàng Dung, Quách Tỉnh… Biết đấy là những nhân vật của kiếm hiệp mới, những say mê xưa của tôi lại thức dậy. Tôi cố cưỡng lại. Nhưng rồi trong một chuyến công tác biệt phái, quên không mang theo cái gì để đọc, anh bạn cùng đi cứ dúi vào tay tôi cuốn Thần điêu đại hiệp, “cậu cứ đọc đi, chết đâu mà sợ.” Thế là con đê nhân tạo sụp vỡ.

Chưởng chính là tân kiếm hiệp, hoặc kiếm hiệp tân phái. Người khai sơn phá thạch cho võ hiệp tân phái này là Lương Vũ Sinh, một Võ lâm trưởng lão. Nhưng người đưa chưởng đến đỉnh cao là Kim Dung. Không phải ngẫu nhiên mà ông được giới chưởng tôn là Võ lâm minh chủ không cần qua một Hoa Sơn luận kiếm nào. Nếu võ hiệp của Lương thiên về giang sơn, về chuyện lịch sử, thì võ hiệp của Kim thiên về giang hồ, về dã sử, truyện truyền kỳ. Nếu Lương Vũ Sinh phá vỡ các điển phạm của kiếm hiệp cũ, thì Kim Dung lại phá vỡ điển phạm của Lương để lập nên điển phạm mới, của mình. Cổ Long, nhân vật thứ ba, muốn phá vỡ các điển phạm của Kim Dung mà giờ đây đã trở thành điển phạm chung của võ hiệp tân phái, để thành lập một nhánh mới. Từ một cận văn, với ba đại gia Lương, Kim, Cổ, ở những tác phẩm xuất sắc của họ, tân kiếm hiệp đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Tuy nhiên, ở đây, tôi không viết về chưởng nói chung, hoặc chưởng của Cổ Long, mà muốn lý giải trường hợp Cổ Long từ góc độ tâm lý học sáng tạo, tức từ phân tâm học.

Cổ Long (1937 – 1985) tên thật là Hùng Diệu Hoa, quê Hồng Kông. Tuổi thơ ấu của Cổ Long là cô đơn và đau khổ, vì cha mẹ bất hòa dẫn đến ly dị. Chưa đến tuổi trưởng thành, ông đã phải bỏ nhà tự đi kiếm sống. Ông trở thành một đứa trẻ “không gia đình.” Sau đó, trong vòng mấy chục năm trời, hầu như ông không còn có quan hệ gì đến gia đình. Mãi đến khi Cổ Long ốm nặng, phải nằm bệnh viện, cha ông mới tìm đến thăm. Chuyện nhà như vậy là một nỗi tủi đau khiến Cổ Long không bao giờ nhắc đến, kể cả trong tác phẩm. Hoặc có nhắc đến thì cũng vùi nó vào một màn sương mù bí ẩn.

Cổ Long rời Hồng Kông sang Đài Loan vào khoảng 13, 14 tuổi với mục đích vừa kiếm sống vừa học tập. Khi hết trung học, ông thi đỗ vào khoa Anh văn Đại học Đạm Giang. Trường này quy chế rất nghiêm ngặt, chương trình học lại rất nặng, nên Cổ Long khó kham nổi. Hơn nữa, ông lại thích đọc sách mà toàn là những sách ngoài chương trình học, lại thêm tính tình tự do, tản mạn, thích gì làm nấy. Nhưng quan trọng hơn cả, Cổ Long còn phải dành thời gian để kiếm sống. Một năm sau, ông bỏ học. Học vấn dở dang là một điểm yếu của Cổ Long, người cầm bút. Một điểm đáng buồn nữa là tướng mạo Cổ Long rất tầm thường. Ông có một chiều cao rất rất khiêm tốn (1,56 mét), thế mà đầu lại to, mắt nhỏ, miệng rộng. Không có chút nào giống như những hiệp khách mà ông miêu tả. Đến tuổi trung niên, người mập ra, nên đã thấp lại càng thấp. Một chú lùn như vậy, nếu đứng bên một người đẹp chân dài, Cổ Long hẳn không khỏi cảm thấy mất mặt.

Bi kịch gia đình, hạn chế học vấn và ngoại hình tầm thường như vậy khiến Cổ Long cảm thấy thua thiệt và rơi vào mặc cảm tự ti. Thực ra, mặc cảm tự ti thì đứa trẻ nào cũng có. Sự yếu ớt về thể chất và non nớt về trí tuệ khiến nó cảm thấy thua kém người lớn, trước hết là bố mẹ nó, và nhiều khi nó cảm thấy bất lực trước những gì nó muốn làm. Đó là chưa kể trường hợp bố mẹ kém hiểu biết hoặc người lớn vô ý thức cứ luôn nhét vào đầu nó những câu như “mày là một thằng bé ngu dốt, hèn kém và bất lực.” Đứa trẻ, cùng với thời gian, có thể vượt thắng được mặc cảm tự ti trở thành một người lớn bình thường, nhưng cũng có thể trở thành một ám ảnh suốt đời, một người bệnh.[2] Cách thức khắc phục mặc cảm tự ti thông thường nhất là vận động theo hướng ngược lại, từ tự ti đến tự tôn, hoặc biến tự ti thành tự tôn. Đến đây có hai con đường. Hoặc là dùng tự tôn như một chiếc mặt nạ xã hội để che đậy cái khiếm khuyết tâm lý của mình. Điều này thường dẫn đến những ứng xử giả dối. Hoặc là tập trung năng lượng tâm thần để biến mình thực sự trở thành một người khác. Cổ Long chọn con đường thứ hai. Ông muốn trở thành một cao nhân. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng “mọi biên giới đều mơ hồ hơn ta tưởng,” nhất là nhìn theo tư duy phức hợp, thừa nhận không có gì là thuần nhất cả, nên theo nguyên lý bao gồm vừa làvừa là của Heisenberg.

Trước khi trở thành cao nhân, thì phải trở thành người khác. Khác trước là khác mình, sau mới khác người khác, khác thiên hạ. Truyền thống văn hóa Đông Á để quên mình, và từ đó, khác mình người ta thường uống rượu. Trong men say, anh ta quên đi thân phận mình, những khiếm khuyết mình vốn có, những tủi cực mình đã trải qua, để trở về với bản nguyên của mình, để hòa mình vào vũ trụ. Do vậy, tửu đồ thấy mình to lớn hơn, tự tin hơn, nói nhiều hơn, tôi là người khác (J’est un autre – Rimbaud). Hơn nữa, trong xã hội đồng phục hoặc bát nháo, chẳng cái gì ra cái gì, một trong những cách khẳng định cá tính của mình là trở thành một ẩm giả. Lưu Linh viết Tửu đức tụng và đi đâu cũng cầm theo một bầu rượu và một cái mai, để uống say chết chôn bỏ. Còn Lý Bạch thì “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.”

Rượu, quả thực, đã mang lại cho Cổ Long chút kỳ danh. Ông trở thành một ẩm giả nổi tiếng trong làng sâu rượu, kết thân với nhiều bạn bè là văn nhân nghệ sĩ. Rượu là bạn chung thân của Cổ Long. Ốm không bỏ rượu. Sắp chết vẫn uống rượu. “Gắn bó với rượu, không ai sánh được với Cổ Long đại hiệp. Mấy lần ông phải nằm viện vì rượu. Nếu người khác e phải tránh xa rượu rồi, nhưng Cổ Long đại hiệp của chúng ta thì vẫn uống vô tư. Mấy ngày trước khi chết, ông vẫn uống thả cửa. Ấy là cái hào tình độc đáo của Cổ đại hiệp.”[3] Đến dự đám tang Cổ Long, bạn bè mỗi người mang đến một chai rượu. Lúc hạ quan, họ lần lượt đặt rượu cạnh quan tài. 48 chai cả thảy, tượng trưng cho 48 năm Cổ Long hưởng dương. Các nhân vật võ hiệp của ông cũng đều là tửu đồ thượng thặng. Lục Tiểu Phụng nằm mà uống. Sở Lưu Hương luôn kè kè hồ rượu bên mình. Lý Tầm Hoan ho đến đứt mà vẫn rượu. Như vậy, thích rượu không chỉ là cá tính, hay dụng tửu phá sầu thành, mà chủ yếu là một cách thể hiện quan niệm sống phóng túng, hơn người của Cổ Long.

Đàn bà cũng là một chiều kích sống của Cổ Long, mà đâu chỉ tài tử với giai nhân nợ sẵn (Nguyễn Công Trứ). Có thể nói, đằng sau mỗi tác phẩm Cổ Long, đều có hình bóng một người đẹp. Nhưng có bốn người đàn bà nổi tiếng đi qua đời ông. Người thứ nhất là vũ nữ Trịnh Lợi Lợi. Cô sống với Cổ Long và có một đứa con trai với ông, Trịnh Hiểu Long, sau trở thành một cao thủ trong giới võ thuật Đài Loan. Người thứ hai cũng là vũ nữ, Diệp Tuyết, và cũng có một đứa con trai. Người thứ ba là Mai Bảo Châu, vợ chính thức của Cổ Long và cũng có một con trai. Về sau, do Cổ Long thường đi mút mùa, không mấy khi có mặt ở nhà, nên cô xin ly dị. Người thứ tư là Vũ Tú Linh, vợ và bầu bạn của/với ông đến cuối đời.

Đàn bà đến với Cổ Long rất dễ dàng, bởi ông là người danh tiếng. Nhưng quan trọng hơn ông là người có thói bốc rời, tiền kiếm được bao nhiêu sẵn sàng chi hết cho chị em. Ông rất cần có người khác phái bên cạnh mình. Như vậy, có thể nói, tuy nhiều đàn bà, nhưng Cổ Long không chỉ là người hiếu sắc. Bằng việc luôn “sở hữu” những người đẹp, ông muốn xóa đi mặc cảm khiếm khuyết về thân thể, cũng như sự thấp kém thân phận. Bởi vậy, Cổ Long có thái độ tưởng như mâu thuẫn về đàn bà: yêu nhưng không tôn trọng. Đó cũng là lý do hết người đàn bà này đến người đàn bà khác rời bỏ ông. Còn một lý do nữa mà đàn bà thường hận Cổ Long: ông coi trọng bạn bè hơn cả họ. Cổ Long vẫn thường cho rằng, mất người đàn bà này thì có thể tìm người đàn bà khác, còn bạn tri kỷ thì khó tìm, sao lại có thể bỏ bạn bè mà trọng đàn bà được. Tuy vậy, đàn bà chẳng những có quan hệ mật thiết với cuộc đời Cổ Long, mà còn với sáng tác của ông. Trong tiểu thuyết Cổ Long đâu đâu cũng rượu, đâu đâu cũng đàn bà.

Nhưng cái làm cho Cổ Long trở thành Cổ Long, cái mang lại cho ông tiền bạc, danh tiếng, đàn bà và bè bạn, để xóa bỏ hoặc che đậy mặc cảm, là tiểu thuyết võ hiệp. Vốn yêu văn chương từ nhỏ và cũng có năng khiếu. Năm 19 tuổi, Cổ Long đã đăng báo tác phẩm đầu tay. Ông viết đủ thể loại thơ, tản văn, tiểu thuyết và đăng rải rác trên các báo khá nhiều, nhưng chẳng mang lại danh tiếng, tiền bạc gì. Anh chàng trai sốt ruột, và càng sốt ruột thì càng không thành công. Không trụ nổi, Cổ Long đi tìm phương thức kiếm sống khác. Vừa hay phong trào đọc/viết chưởng nổi lên ở Đài Loan. Cổ Long bèn bước chân vào thế giới võ hiệp này. Đầu tiên ông chỉ là người viết thuê/thay cho những tác giả đã thành danh. Sau khi quen bút, ông mới độc lập sáng tác. Năm 1960, Cổ Long cho in bộ Thương khung thần kiếm (Thần kiếm giữa trời xanh). Từ đó đến năm 1984 ông xuất bản liên tục. Hơn sáu chục tác phẩm. Quá trình sáng tác của Cổ Long có thể chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn khởi đầu: từ tác phẩm đầu tay Thương khung thần kiếm đến Đại kỳ anh hùng truyện (1960 – 1965); Giai đoạn đỉnh cao: từ Võ lâm ngoại sử đến Thiên nhai. Minh nguyệt. Đao (1966 – 1973); Giai đoạn suy thoái: từ Hỏa tinh Tiêu Thập Nhất Lang đến Liệp ưng Đổ cục (1973 – 1984).

Ở giai đoạn thứ nhất, Cổ Long còn chịu ảnh hưởng của các đại gia đàn anh, gần thì Ngọa Long Cương, xa thì Kim Dung. Giai đoạn cuối thì Cổ Long viết kém đi, thậm chí đang viết dở thuê đàn em viết tiếp. Ở giai đoạn giữa là thời kỳ sáng tạo huy hoàng, độc đáo Cổ Long. Trong lời tựa tác phẩm Đa tình kiếm khách vô tình kiếm, ông bày tỏ quan niệm sáng tạo của mình: “Tiểu thuyết võ hiệp cũng có truyền thống lâu đời và sức hấp dẫn độc đáo của mình. Nếu có thể tiếp thu tinh hoa của các hình thức văn học khác, thì há chẳng phải là có thể sáng tạo nên một phong cách mới, phong cách độc đáo, khiến tiểu thuyết võ hiệp có thể chiếm một vị trí xứng đáng trong văn học, khiến người ta không thể phủ nhận giá trị của nó sao?” Và, để thực hiện tâm nguyện này, Cổ Long đã hết sức truy cầu đổi mới, dám tìm tòi sáng tạo, phá vỡ mọi khuôn sáo cũ, mở ra con đường mới. Mạnh dạn kết hợp Trung – Tây, đưa kỹ xảo nghệ thuật và hình thức tiểu thuyết phương Tây vào Trung Quốc. Dũng cảm kết hợp cổ – kim, thậm chí dám hậu kim bạc cổ, đưa tiểu thuyết võ hiệp vào thời hiện đại. Tiểu thuyết võ hiệp Cổ Long hợp nhất hiệp ngã, tức cái khuôn võ hiệp và sự phá khuôn của cái tôi cá nhân, nhờ đó mở ra con đường tự biểu hiện mình của tác giả trong sáng tác tiểu thuyết võ hiệp. Cuối cùng Cổ Long phong cách hóa thể loại tạo cho tiểu thuyết ông giàu chất thơ, giản dị, trong sáng và linh hoạt. Như vậy, tiểu thuyết võ hiệp đã đi từ lịch sử, giang sơn (Lương Vũ Sinh) đến giang hồ, dã sử (Kim Dung), rồi đến truyện đời, cá nhân (Cổ Long).

Cổ Long sáng tác rõ ràng là để xóa đi những mặc cảm của mình. Trong tiểu thuyết Đại nhân vật, anh chàng Dương Phàm béo lùn, xấu xí, như bức chân dung tự họa của Cổ Long, luôn tự nhận Tôi là đồ tửu sắc, đồng thời cũng luôn tự hào sự làm giàu bằng sức lao động của mình. Anh ta thực sự là nam nhi đại trượng phu, đến nỗi những anh chàng đẹp trai cũng chỉ là thuộc hạ của anh ta. Hay nhân vật A Phi trong Đa tình kiếm khách vô tình kiếm cũng thể hiện sự phẫn hận, ưu uất trong thế giới tinh thần của Cổ Long. A Phi lưu manh chính là cái tên mà người ta gọi Cổ Long ở ngoài đời. Xây dựng hình tượng A Phi như một lãng tử, khác hẳn với những kẻ đạo đức giả, hoặc ngụy quân tử như Triệu Chính Nghĩa và Long Khiếu Vân, đồng thời là bạn thân của đại hiệp Lý Tầm Hoan, Cổ Long muốn trả lời và biện giải cho lối sống phóng túng của mình và lời thóa mạ của người đời đối với mình. Các nhân vật Cổ Long đều là lãng tử, có thân thế bí ẩn, võ công bí ẩn, nội tâm cô độc và thích phiêu lưu. Họ sống phóng đãng và không quan tâm đến chính đạo võ lâm, thứ chính đạo mà Cổ Long miêu tả thành hư ngụy, hẹp hòi, đạo đức giả. Những Thẩm Lãng trong Võ lâm ngoại sử, Sở Lưu Hương trong Sở Lưu Hương truyền kỳ, Lý Tầm Hoan, A Phi trong Đa tình kiếm khách vô tình kiếm đều là nghịch hiệp của võ lâm chính đạo, nhưng bao giờ cũng là kẻ thù của các thế lực tà ác. Họ là những ký thác tinh thần Cổ Long. Mặc cảm tự ti đã được giải thoát trong sáng tạo. Một giai đoạn sáng tạo thành công rực rỡ. Bởi, như ông nói, “chỉ có sự thành công trong sự nghiệp mới là vật trang sức đẹp nhất của người đàn ông” (Đa tình kiếm khách vô tình kiếm).

Như vậy, ngoài những đóng góp đặc sắc về nghệ thuật tiểu thuyết, Cổ Long còn đưa ra vấn đề nhân tính, tức tinh thần nhân văn hiện đại, tôn trọng con người, tôn trọng cá tính. Cổ Long nói “chỉ có nhân tính mới là cái không thể thiếu được trong tiểu thuyết. Nhân tính không chỉ là phẫn nộ, cừu hận, bi ai, sợ hãi, mà nhân tính còn bao gồm cả tình yêu và tình bạn, tinh thần khảng khái vì nghĩa hiệp, sự hài hước và cảm thông.” Người thể hiện nhân tính cao nhất chính là lãng tử. Nếu Kim Dung chỉ có mỗi Lệnh Hồ Xung, thì nhân vật nào của Cổ Long cũng có một lãng tử. Lãng tử là đặc sản của Cổ Long. Về loại hình nhân vật này, Lâm Ngữ Đường trong tác phẩm Sống đẹp đã nói rất hay: “Tôi hết sức tán thưởng những tay lãng tử. Ngày nay tinh thần dân chủ và tự do cá nhân bị uy hiếp nặng nề nên có lẽ chỉ có những tay lãng tử và tinh thần tự do mới có thể giải phóng được chúng ta, khiến chúng ta tránh khỏi được thân phận kẻ phục tùng, bị thống ngự, trở thành một tên lính quèn trong đại hội. Lãng tử sẽ là địch thủ cuối cùng và lợi hại nhất của chế độ độc tài. Nó cũng trở thành người bảo vệ giá trị tôn nghiêm của nhân loại và tự do cá nhân.” Lãng tử [của] Cổ Long có gì đó gần gũi với Đãng tử [trong thơ] Tô Thùy Yên.[4]

Thời gian sáng tạo đỉnh cao của Cổ Long chỉ có 7 năm, sau đó là xuống dốc. Và sau đó cái chết ở tuổi 48. Mở đầu cuốn Lưu tinh. Hồ điệp. Kiếm, Cổ Long viết như viết về cuộc đời ông: “Khi sao băng vút qua bầu trời thì những vì sao được coi là vĩnh hằng bất biến cũng không thể sánh nổi ánh sáng huy hoàng của nó.” Sáng tạo Cổ Long dẫu là sáng tạo để xóa đi mặc cảm, nhưng ở thời kỳ sáng tạo là đỉnh cao, thì bản thân sự sáng tạo nó có quy luật tự thân của nó. Tự nó là động lực cho chính nó, không phải cầu viện đến những trợ giúp ngoại tại. Tuy nhiên, năng lượng sáng tạo tự nó khi bị đốt cháy hết thì Cổ Long cũng phải cầu đến lý do bên ngoài. Khi sáng tác như một nhu cầu nội tại, tự thân, thì nhà văn không chỉ phấn đấu để hơn mình, mà phải phấn đấu suốt đời vì chính cái tôi cũng thay đổi, “cái bay không đợi cái trôi, từ tôi phút ấy sang tôi phút này” (Xuân Diệu). Anh ta không tự đánh số mình. Anh ta ở ngoài mọi sự xếp hạng. Có những thời điểm Cổ Long đạt được điều này. Nhưng khi sáng tác để hơn người, để làm số 1, thì đó là mục tiêu ngoại tại. Cổ Long sáng tác để vượt Kim Dung, nên khi Kim Dung “rửa tay gác kiếm” thì ông cũng hết động lực phấn đấu. Quá trình tụt dốc bắt đầu.

Thiên tùy bút – hồi tưởng Ai cùng tôi cạn chén cho biết rượu là một phương diện sống của Cổ Long, đồng thời là một mời gọi sự thông hiểu, cảm thông mà ông chờ đợi có được ở người khác. Lý giải ứng-xử-rượu này của Cổ Long, tôi tìm thấy nguyên nhân sâu xa ở những chấn thương ấu thời. Những chấn thương làm sâu sắc thêm mặc cảm tự ti, vốn là một nét tâm lý mà đứa trẻ nào cũng có và không phải đứa nào cũng vượt qua được. Hóa ra, đau thương và thắng vượt đau thương lại là một ngọn nguồn sáng tạo Cổ Long. Ánh sáng từ tiểu sử Cổ Long chiếu vào thế giới nghệ thuật của ông, rồi lại từ thế giới nghệ thuật ấy hồi quang lại tiểu sử. Những luồng sáng đi về, qua lại này va đập vào nhau trở thành cầu vồng đa sắc, mời gọi chúng ta đi vào thế giới của ánh sáng, của thăng hoa. Tôi xin được cùng Cổ Long cạn chén.

Hà Nội, 5 – 2018.

 

[1] Nhân đọc: Cổ Long, Ai cùng tôi cạn chén, hồi tưởng tùy bút, Tây Phong dịch, Nhã Nam và Nxb Văn học, Hà Nội, 2014

[2] Xem thêm, Alfred Adler, Tìm hiểu nhân tính, Vũ Đình Lưu dịch, Hoàng Phương Đông xuất bản, Sài Gòn, 1968.

[3] Bài “Tôi với Cổ Long” của tiểu thuyết gia Đinh Tình, chuyển dẫn từ: Trần Mặc, Võ hiệp ngũ đại gia, Nguyễn Thị Bích Hải dịch, Nxb Trẻ, Tp.HCM, 2003.

[4] Xem thêm: “Tô Thùy Yên là hiện tại” trong Đỗ Lai Thúy, Bờ bên kia của viết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016.

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)