NHUẬN BÚT CỦA AI: MỘT TIẾP CẬN TRIẾT HỌC VỀ LAO ĐỘNG – VŨ ĐỨC ANH
Bài tham luận cho tọa đàm "MỘT TƯƠNG LAI AI VIẾT VĂN" do Hội Nhà văn Hà Nội - Ban Văn Trẻ, & Câu lạc bộ Văn học Trẻ phối hợp tổ chức

NHUẬN BÚT CỦA AI: MỘT TIẾP CẬN TRIẾT HỌC VỀ LAO ĐỘNG – VŨ ĐỨC ANH

Đề tài “Một tương lai AI viết văn” từng được thảo luận năm 2020, trong một chương trình của CLB Văn học trẻ Hà Nội. Tôi còn nhớ thời đó người ta chưa biết đến ChatGPT. Tuy nhiên trong chương trình này, CLB Văn học trẻ Hà Nội đã chiếu một đoạn phim ngắn do AI (trí tuệ nhân tạo) biên kịch. Bộ phim ngắn này có chủ đề về chính nỗi niềm của trí tuệ nhân tạo rằng nó lo sợ bị con người coi như một công cụ. Giống như tất cả các văn học cổ điển như người gỗ Pinochio, người thiếc trong Phù Thuỷ Xứ Oz, việc AI có thể có tâm hồn, có nhân vị… là mối quan tâm hằng hữu và thông thường tới mức đã trở thành chủ đề giải trí đại chúng.

Thực tế chủ ý của việc bàn luận AI có viết được văn chương hay không, ngoài việc thoả mãn nỗi tò mò viễn tưởng thuộc về bản năng của những người sáng tạo, thì quan trọng hơn, là để bàn luận về bản chất và những khả thể của văn học và của sáng tạo. Việc xuất hiện một công cụ khác, không phải chủ thể người, khiến chúng ta đắn đo về một văn chương không phải do con người làm nên. Điều như vậy có tồn tại được hay không nằm ở hai thứ: bản chất của AI và bản chất của văn chương. Và hai thứ này thì đều gây tranh cãi.

Với bản chất của AI, nhìn chung còn có những điều đang tranh cãi và thực tế là nó sẽ còn ở một tương lai xa. Vấn đề cảm xúc của AI chỉ là một khía cạnh nhỏ, nhưng còn vấn đề ký ức, và tựu chung là vấn đề trải nghiệm, tiềm thức, nhận thức và tư tưởng. Hai câu hỏi cơ bản gồm: liệu AI có thể có được những thứ này? Và liệu những thứ này có phải là thứ cần thiết và quyết định cho văn chương? Triết gia người Đức Immanuel Kant – có lẽ là người có thẩm quyền lớn nhất về chủ đề nhận thức – cho rằng tri năng của con người tuy là thứ giam cầm chúng ta trước thực tại tối thượng, nhưng lại là điều tạo nên chủ thể người. Cho đến thời điểm này và trong tương lai, AI có tri năng thực tế hay không là điều khó nhận biết. Chỉ cần nó có tri năng, nó sẽ có nhận thức và hiểu biết về thế gian, có trải nghiệm và ký ức, và bắt đầu có nhân vị. Nhưng chắc chắn ở thời điểm này, trí tuệ nhân tạo chưa đạt đến mức như vậy.

Chủ thể tính của lao động

Trong bài viết này, rất khó để nói được dàn trải. Tôi xin tập trung vào một chủ đề thứ yếu hơn nhưng thực dụng hơn: nhuận bút của AI. Nhiều người mất việc làm hoặc giảm thu nhập do ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các ngành sáng tạo, trong đó có cả ngành biên kịch, rất gần gũi với văn chương. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng một ngày không xa AI sẽ thay thế con người trong những lĩnh vực lao động sáng tạo. Một phần vốn lao động của xã hội được tiết kiệm, những hình thức và tư liệu lao động mới ra đời. Điều này ít nhiều làm chúng ta nhớ đến thời kỳ cách mạng cơ khí, khi nhiều người công nhân mất việc do các cỗ máy hơi nước đã làm quá tốt quy trình sản xuất mà không kêu mệt mỏi.

Liệu AI có giống như vậy không? AI có phải là một cuộc cách mạng mới, ít nhất trong ngành nghề sáng tạo? Đây sẽ là câu hỏi cơ bản hơn để trả lời cho câu hỏi AI có viết được văn chương một ngày không xa? Và rõ ràng, vì nó rất cơ bản, nó không dễ để trả lời. Những điều cơ bản đã buộc chúng ta quay về với triết học. Chưa bao giờ triết học lại quan trọng đến như vậy. Ở riêng vấn đề này, chúng ta sẽ cùng xem bản chất của lao động sáng tạo là gì.

Trước hết, mục đích lao động, là tạo ra giá trị và khai phá thế giới. Martin Heidegger cho rằng con người không gì khác là Dasein: là một ưu tư về tồn tại, bởi trong chúng ta đã có nền tảng của tồn tại, nó làm ta phân biệt được vật thể, thiết lập được không gian logic, làm ta quan tâm đến thế gian, hiện hữu của chính mình, làm ta nghĩ mãi về ý nghĩa đời sống. Con người hiểu thế gian trước hết thông qua sử dụng và cải tạo thế gian, đó là hình thức sơ khởi của lao động. Từ cấp độ lớn này, thế giới được kiến tạo thông qua lao động, tạo nên hệ thống trao đổi và hình thành nhu cầu lao động, nhu cầu kinh tế. Trong Grundrisse (một trước tác vốn là bản sơ thảo của Tư Bản Luận), Karl Marx phân biệt giữa Lao động cụ thể (concrete labor) và Lao động trừu tượng (abstract labor), đó là hai mặt của lao động: một là tạo ra các giá trị cụ thể với đối tượng lao động riêng, một mặt khác là tạo ra giá trị tổng thể trên quá trình sử dụng, phân công lao động, trao đổi giá trị trên thị trường.

Có lẽ cần nói một cách dễ hiểu và đời thường hơn ở mục này. Theo thường niệm, có ba hình thức của lao động như chúng ta thấy: dạng chuyên gia, dạng quản lý và dạng nhà lãnh đạo. Chuyên gia như đã rõ, là những người làm một công việc, sử dụng công cụ lao động, phương thức sản xuất để trả lại thành phẩm cuối cùng: một lập trình viên, một người phu quét đường. Quản lý (Manager), phức tạp hơn, là người tổ chức lao động, tinh chỉnh các mô hình lao động, đôi khi là người sử dụng lao động và trả lương cho người lao động. Còn lãnh đạo (Leader) là tạo ra ý chí của lao động. Dễ nhận thấy ba hình thức này xếp thành các cấp độ lao động từ cụ thể đến trừu tượng. Thực ra trong lao động của một người (“lao động trừu tượng” – theo thuật ngữ của Marx), chúng ta đều ít nhiều đóng cả ba vai. Một mặt, chúng ta làm công việc chuyên môn, mặt khác chúng ta tổ chức hoặc tham gia tổ chức lao động với một ý hướng tính rõ rệt về thế giới. Lao động cung cấp cho con người “chủ thể tính”. Một sự lao động chỉ đạt được toàn vẹn ý nghĩa, khi nó được phát xuất từ một chủ thể tính. Ngược lại, các sự vật đều không lao động: mặc dù  chiếc máy hút mùi của chúng ta tiêu thụ cả hơn 1KW mỗi giờ, nhưng nó không lao động. Nó không có chủ thể tính, ít nhất là chủ thể tính của lao động, của Dasein.

Cho đến hiện tại, AI đang thay thế vai trò của một số khâu trong dạng chuyên gia. Ta thấy thấp nhất là các robot hút mùi, robot hỗ trợ y tế… chúng được  cung cấp một dữ liệu đủ lớn để giải quyết mọi vấn đề mà chúng biết. Dạng cao hơn, các máy học, có bản chất giống như trải nghiệm lao động của con người, đó là học hỏi từ sơ khởi, rút kinh nghiệm và tự cải tạo. Trong lĩnh vực này, AI đã bắt đầu sáng tác âm nhạc, tham gia một số hoặc toàn bộ khâu biên kịch. Ở đây nảy sinh ra vấn đề: liệu nó có phải là một lao động? Tuy nhiên, dù câu hỏi này có được trả lời là có, thì ít nhất cho đến hiện tại AI là một dạng lao động cụ thể, theo một cách hiểu phóng khoáng nhất. Nó không có lao động trừu tượng và vì vậy không có chủ thể tính của một lao động. Nó không đòi hỏi nhuận bút hay cải tạo thế giới, nó cũng không cải tạo, phân công và khai thác lao động như một nhà quản lý. Ngược lại, nó đòi hỏi cần một nhà quản lý, một nhà lãnh đạo đưa nó vào sử dụng, với nhuận bút bằng 0.

Sáng tạo tất nhiên là một lao động. Chúng có đầy đủ các khía cạnh của lao động trừu tượng. Ở mức cao nhất, một người làm sáng tạo trước hết vì ý chí của một Dasein: cải tạo tạo thế giới. Ngược lại, AI không lao động nghệ thuật vì chúng đang dừng ở mức mô phỏng lao động cụ thể của con người. Bất kể việc năng lực học hỏi giúp chúng tìm ra trong những gì đã trải nghiệm, một phương cách lao động mới mẻ, thậm chí là một tạo tác hoàn toàn mới, thì chúng không đại diện cho ý chí của lao động. Nói một cách có phần tiêu cực, AI đang là một tư liệu lao động cao cấp, nó biến những khả thể lao động trở nên giá trị hơn chỉ bởi năng lực nội tại của nó, về dữ liệu và về tốc độ xử lý. Vì không lao động nghệ thuật, ngày mà AI viết văn còn rất xa.

Viễn cảnh

AI không phải là một lao động sáng tạo, bởi nó không có nỗ lực, không có nhuận bút. Tuy nhiên nó vẫn viết, vẫn tạo ra các sản phẩm mà nếu gạt qua một bên, đôi khi có chất lượng tốt hơn ta tưởng. Có lẽ điều gây trăn trở nhất trong viễn cảnh AI viết văn chính là việc hoạt động văn chương hoàn toàn có thể không cần phải phát sinh từ một lao động sáng tạo. Giờ ta sẽ đi sâu vào điểm này bằng tiếp cận triết học.

Giờ chúng ta trở lại việc AI viết như thế nào? Nó lại liên quan nhiều đến triết học về luận lý và ngôn ngữ. Triết học đã từng rất lo lắng về việc chúng ta có đang phản ánh đúng thực tại hay không, thông qua ngôn ngữ. Điều này chỉ được giải quyết khi bộ ba nhà luận lý học hình thức gồm Gottlob Frege, Bertrand Russell và Wittgenstein xuất hiện. Với Frege và Russell, họ đề xướng một loại ngôn ngữ hoàn hảo phản ánh đúng tri năng, đúng trình tự tư duy của con người. Wittgenstein phát triển thêm vào một ý niệm: ở nơi con người, tồn tại một không gian logic, nơi ngôn ngữ phản ánh đầy đủ các mặt của tồn tại, thực tế ngôn ngữ chúng ta đang nói đã có logic rồi. Với Wittgeistein, không có gì là tiên nghiệm, trong không gian logic (“logischer Raum”) chúng ta đã có toàn bộ những khả thể xuất phát từ thế giới thực, chẳng hạn một chiếc thuyền bay trên mái nhà là không có trong đời thực, nhưng các sự vật thuyền, bay, mái nhà thì đều hiện hữu, như vậy một chiếc thuyền bay trên mái nhà thì tồn tại theo nghĩa triết học, và nó có thể hình dung ra được (Như Heidegger phân biệt “tồn tại” và “hiện hữu”, hiện hữu chỉ là một yếu tính của tồn tại, một sự vật có thể không hiện hữu, nhưng nó tồn tại, ví dụ: chân không, giấc mơ). Trong không gian logic, ba vật thể này hoàn toàn tạo ra được một khả thể như câu nói trên. (Tất nhiên Descartes đã nói đến điều này, tức dù mọi giấc mơ có kỳ quái đến đâu thì chúng vẫn là những sự tình được xuất phát từ thế giới thực). Nói một cách dễ hiểu nhất có thể, với Wittgenstein, ngữ pháp đã chứa sẵn logic vận hành của thế giới này, chúng ta không cần phải nghĩ chi cho mệt.

Ngôn ngữ logic hình thức được sản sinh từ trường phái triết học trên đã cung cấp cho nhân loại cơ hội để mô tả cho máy tính biết về thế giới, bằng cách cung cấp cách mà ngôn ngữ tự nhiên thực sự vận hành, mã hoá nó, biến nó thành ngôn ngữ logic cực kỳ chặt chẽ của máy tính. Với việc đó, mọi trình tự tư duy của con người đều có thể copy vào máy.

Khác với các cỗ máy lập trình, AI cư xử với ngôn ngữ đúng như ý tưởng của Wittgenstein, tức là việc nó làm là học ngôn ngữ tự nhiên, (thuật ngữ tin học gọi là Large Language Model LLM) trong đó nó được cung cấp những “sự tình” và kết nối chúng lại. Ở đây, vấn đề là cách mà các nhà văn tưởng tượng dù có cao siêu cỡ nào, thực tế cũng có bản chất là đơn giản là tạo ra các sự tình trong không gian logic, giống như trong Chùa Đàn, Nguyễn Tuân tạo ra một anh Nguyễn với các yếu tố là mất vợ, căm thù thế giới cơ khí. Với con người, không gian logic đó được tích luỹ và làm đầy lên bởi trải nghiệm. Còn với AI hiện tại, chúng cũng có được điều đó nhờ được cung cấp, học hỏi từ khối dữ liệu khổng lồ vốn là kinh nghiệm của toàn bộ loài người, nơi mọi sự tình đều gần như đã xảy ra. Qua thêm một quá trình học hỏi, và với sự dẫn dắt của những nhà quản lý, một ngày không xa AI có thể tạo ra các câu chuyện, những tác phẩm nghệ thuật, đó là điều rất dễ nhận thấy.

Vậy thì, văn chương  rồi sẽ tuột khỏi bàn tay độc quyền của con người chăng? Trong một viễn cảnh xa hơn, điều này từng được mô tả thoáng qua trong cuốn sách có tên “Vật lý của tương lai” của nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Nhật Bản Michio Kaku, AI sẽ dần được uỷ quyền để làm các nhà quản lý lao động. Ta thử tưởng tượng lúc trí tuệ nhân tạo không còn đơn thuần là một công cụ, mà nó được trao cho các quyền phán quyết, tổ chức lao động. Mô hình ngôn ngữ sẽ khiến AI bắt đầu tìm ra ý chí của lao động, xây dựng những cơ cấu tư tưởng riêng và đi theo nó. AI rồi cũng sẽ có cảm xúc, vẫn bằng cách mô phỏng con người, nó sẽ gặp những lưỡng lự khi đối đầu với những bài toán luân lý, đặc biệt những nghịch lý phổ biến về đạo đức. AI viết văn cho AI khác thưởng thức, điều này hoàn toàn xảy ra được, trong thế giới giữa chúng với nhau. Thậm chí, AI có thể không sử dụng cách tư duy của con người nữa, điều này nằm ngoài tưởng tượng.

Tuy nhiên, điều chưa thể tưởng tượng được là ở đây, vẫn quay về vấn đề gốc của bài thuyết trình này, là AI thật sự lao động để cải tạo thế giới, để giải quyết mối bận tâm về tồn tại mà không phải do một mệnh lệnh từ những nhà lãnh đạo là con người. Con người không chỉ có không gian logic, với các mệnh đề, điều quan trọng: con người hiểu được cái lẽ của toàn thể, của tự nhiên. Chừng nào AI thực sự phát sinh mong muốn được tồn tại, ít nhất là không bị ngắt điện và bắt đầu biết nó đã là một phần của thế gian với những phi lý của đời sống; nó mới bắt đầu đến với ngưỡng cửa của nhu cầu tạo tác nghệ thuật. Có lẽ tôi xin để ngỏ vấn đề này ở đây cho văn học viễn tưởng với câu hỏi cụ thể Nếu con người tương lai cung cấp cho AI một ý nghĩa, một mục đích sống thì sao?

Bản chất của sáng tạo văn chương là gì?

Một trong những nỗi sợ lớn nhất không nằm ở AI sẽ như con người, mà tôi tin rằng, người ta sợ việc hoá ra con người không hơn gì AI. Thật vậy, nói không quá, có nhiều người trên đời không hoàn toàn bận tâm gì về thế gian, họ cũng không có mục đích sống rõ rệt, thậm chí thả trôi cuộc sống theo ý hướng của kẻ khác. Khi có AI, giá trị con người một lần nữa được thách thức, giống như những cuộc cách mạng khoa học trước đây.

Bây giờ là phần cuối của bài thuyết trình, chúng ta sẽ kết nối những điều đã nói. Như đã trình bày, con người có chủ thể tính của lao động, chúng ta hiện hữu trên thế gian và sáng tạo văn chương là để trình bày nỗi âu lo hiện sinh và vẻ đẹp của tồn tại. Vì thế chúng ta viết những câu chuyện. Sử dụng ngôn ngữ viết để tạo tác các câu chuyện, đó là cấp độ sáng tạo đầu tiên của văn chương. Tác động lên ngôn ngữ ấy, cải tạo nó và nâng cấp vẻ đẹp nội tại của nó, đó là cấp độ sáng tạo thứ hai. Từ câu chuyện, một tư tưởng được trình bày, một mối bận tâm hiên sinh được thoả mãn, và gây rung động cho công chúng, đó là cấp độ sáng tạo thứ ba. Và có những tác phẩm văn học tương đương với sáng thế: nó tạo ra hẳn một khả thể ngôn ngữ khác, một không gian logic mới, đó là cấp độ cao nhất. Trí tuệ nhân tạo đã học được cấp độ thứ nhất bởi mô hình của chính nó. Song, trong tương lai gần, nó chưa thể vươn tới các cấp độ sáng tạo cao hơn, bởi đó là công việc tối thượng của những Dasein.

Điều đó ngụ ý rằng, nếu việc sáng tác của chúng ta dừng lại và thoả mãn ở những cấp độ tạo tác nho nhỏ, chỉ là các tình tiết, các câu chuyện đã có mặt trong dữ liệu của loài người, thì những nhà văn như vậy rồi sẽ bị đào thải. Ngược lại, nhân loại sẽ sản sinh ra lớp nhà văn mới, ngày càng bận tâm về nhân vị hơn. Chúng ta phải trở thành những nhà văn như vậy, những nhà văn không bị thực thể phi nhân thay thế, đó chính là định mệnh của văn học. Khi trí tuệ nhân tạo phát triển – chắc chắn nằm ngoài tưởng tượng của chúng ta – văn chương và triết học lại ngày càng quan trọng hơn: chúng củng cố vị thế mong manh của loài người. Bởi lẽ, AI không đòi hỏi nhuận bút, còn con người thì có. Con người cần nhuận bút và cần thấy giá trị của mình trên nhân thế, sự tồn tại của mình, nỗi băn khoăn ấy là bất diệt.

V.Đ.A

 

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)