Đọc về “tự sát” và “cái chết” trong vở kịch “Vua Lear” của Shakespeare (Conner R. Hayes)

Đọc về “tự sát” và “cái chết” trong vở kịch “Vua Lear” của Shakespeare (Conner R. Hayes)

Khoái cảm với cái chết cùng những quyết định tự sát đột ngột là những phạm trù siêu hình thường xuyên xuất hiện trong bi kịch của Sharespeare. Những kịch bản tăm tối này dẫu lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm của đại thi hào nhưng khi vào tới Vua Lear, chúng vẫn đeo trên mình ý nghĩa đạo đức riêng biệt. Dù mang bên ngoài lớp vỏ bàng bạc hư vô, ảm đạm, chúng vẫn đang cố thể hiện thứ gì đó nhiều hơn chỉ là dẫn chứng cho khát vọng hiện hữu – thứ luôn quấy rầy tâm trí nhân vật của Shakespeare. Khao khát được chết, và thậm chí là khả năng để chết của một nhân vật đều đang làm công việc cắt nghĩa, diễn giải cho những khuôn khổ của phạm trù siêu đạo đức (metaethical) hay nhận thức về đạo đức chuẩn tắc (normative ethical) của vở kịch. Các nhân vật thèm muốn cái chết như thèm một thứ thuốc tẩy, một thứ nước rửa cho cả thể xác lẫn tinh thần của mình; bi kịch thực sự của vở kịch nằm ở chỗ, gần như tất cả đều thất bại trong khi đeo đuổi một sự “hư vô” hiện hữu. Vở kịch đã động chạm tới những sự thực đáng buồn nhất của loài người: con người là loài sinh vật trần thế không thể mang những năng lực siêu hình. Ngay cả khi vua Lear ở trong trạng thái điện loạn tưởng như đã gần chạm vào cõi tâm linh vô thức nhất, ông rốt cục cũng bị kéo về với một thực tế tràn ý thức – nơi mà ông phải rên rỉ rằng: “Làm người tức là phải chịu đựng.”

Bài viết này không có ý định tham gia vào một cuộc điều trị siêu hình về luân lý và đạo đức trong vở kịch Vua Lear theo bất kỳ ý nghĩa triết học truyền thống nào. Nghiên cứu này áp dụng cách tiếp cận đạo đức chuẩn tắc và kết hợp siêu đạo đức trong việc khám phá các ký hiệu thi ca để đọc vở kịch thông qua một khung lý thuyết dựa trên các khái niệm về trách nhiệm đạo đức hiện sinh của Sartre và tính hữu hình của các hệ quả luân lý đối với các hành động của nhân vật. Hơn là một cách tiếp cận siêu hình điển hình, cách tiếp cận này kết hợp với phê bình ký hiệu học (semiotical) trong việc việc phân tích văn bản sẽ giúp làm sáng tỏ mối tương quan biện chứng giữa đức hạnh phải đạo của một nhân vật trong vở kịch Vua Lear với khả năng đi đến cái chết của y.

Ngay cả khi vua Lear ở trong trạng thái điện loạn tưởng như đã gần chạm vào cõi tâm linh vô thức nhất, ông rốt cục cũng bị kéo về với một thực tế tràn ý thức – nơi mà ông phải rên rỉ rằng:m người tức là phải chịu đựng.”

Có lẽ điều sáng rõ nhất trong mô hình đạo đức của Shakespeare là tất cả các nhân vật trong vở kịch đều cố gắng tự sát không thành, ngoại trừ Goneril, công chúa cả. Bài viết này nỗ lực tìm hiểu bản chất bí ẩn, khó nắm bắt của cái chết và những chỉ dẫn về luân lý – đạo đức đến từ sự thôi thúc của các nhân vật trong vở kịch trong việc hủy diệt Tồn tại (Being) của chính mình. Trước tiên, bằng việc phân tích ký hiệu học về tự sát và cái chết, đồng thời xem xét thi pháp “cái hư vô”, có thể nhìn thấy được các quy ước nhận thức luận về đạo đức của vở kịch. Khả năng tự sát của Goneril không chỉ là một sắp đặt đơn thuần của kịch bản; nếu được nhìn từ lăng kính của siêu đạo đức (metaethical), đó còn là cách mà Shakespeare đang thể hiện triết học về đạo đức của mình. Shakespeare đã đặt ra mộtt câu hỏi triết học thú vị, thậm chí còn có thể khéo léo phê phán thói thưởng thức kịch nghệ rất chuộng những cảnh tự sát giật gân của khán giả thời Elizabeth: ham muốn được chết có thực sự là một hành vi đạo đức hay không? Cụ thể hơn, cơ sở xác tín để trả lời câu hỏi triết học này chỉ có thể được chỉ ra bằng cách kiểm tra xem Shakespeare đã cho phép ai được chết. Trong Vua Lear, những người có đạo đức bị lời nguyền phải sống bất chấp ham muốn mãnh liệt được chết đi ở họ, trong khi nhân vật chạm đến ngưỡng của sự suy đồi đạo đức, Goneril, thì lại được phép chết.

Phê bình hiện sinh (existential criticism), mặc dù có những hạn chế trong việc tìm hiểu toàn diện các chủ đề của một tác phẩm văn học, nhưng có thể được áp dụng trong việc phân tích xu hướng tâm lý xoay xung quanh sự tự hủy diệt của các nhân vật trong vở kịch Vua Lear. Tuy nhiên, đây vẫn không phải hướng để hiểu được cách mà bi kịch chế giễu cuộc vật lộn để được chết đầy trớ trêu của con người. Bi kịch thực sự của vở kịch không nảy sinh từ những xung đột quen thuộc hay từ trạng thái rơi vào điên loạn của vua Lear; bi kịch ở đây thậm chí không phải là chính cái chết, mặc dù điều này nghe có vẻ mâu thuẫn với những hiểu biết thông thường về thể loại. So với những đau khổ thực sự đã diễn ra trong vở kịch, cái thực sự là bi kịch lại chỉ là một điều nghe có vẻ thật phù du – nỗi thống khổ của tồn tại (the anguish of existence). “Nỗi thống khổ” này nảy sinh từ việc các nhân vật nhận ra trách nhiệm tồn tại của mình và mặc khải rằng, hành động của họ là tất cả những gì chứng minh được sự tồn tại đó trong thế giới vật chất này. Đối với các nhân vật của Vua Lear, không có lối thoát nào cho họ vượt khỏi tình trạng tồn tại vật lý hay tình trạng đạo đức do chính hành động của họ tạo ra.

Jean-Paul Sartre, triết gia hiện sinh người Pháp, tin rằng, một người khi đã rơi vào đốn ngộ để thấy “hiện hữu có trước bản chất”, cuối cùng cũng sẽ đi đến chỗ nhận thức được tính bất ổn của đạo đức và tính tất yếu của cuộc đối đầu giữa con người với sự hư vô của chính tồn tại: “Con người bị kết án là tự do. Bị kết án vì anh ta không tạo ra chính mình, nhưng vẫn được tự do, và từ lúc anh ta bị ném vào thế giới này, anh ta phải chịu trách nhiệm về mọi việc mình làm” (Chủ nghĩa Hiện sinh là một Chủ nghĩa Nhân bản, 29).

Các nhân vật của Vua Lear là minh chứng cho nghịch lý hiện sinh này; họ hành động như những con người có ý chí tự do (free-willed) với quyền tự quyết (agency) rõ ràng, nhưng trách nhiệm đạo đức bắt nguồn từ quyền tự do lựa chọn (free choice) của họ (khái niệm triết học mà vở kịch không xác nhận hay bác bỏ theo bất kỳ nghĩa rõ ràng nào) đã hành hạ họ và khiến họ mong muốn được giải thoát khỏi những trách nhiệm đạo đức đó bằng cái chết. Sự lựa chọn, cùng với tình trạng con người trong một vũ trụ chênh vênh rỗng nghĩa, làm tê liệt họ và khiến họ chỉ còn muốn chết. Sartre giải thích về “nỗi thống khổ” này khi đối mặt với sự tồn tại như sau: “cái tự-mình” (the for-itself) [tức là ý thức con người] tự hiểu về mình trong đau khổ; nghĩa là, với tư cách là một thực thể buộc phải quyết định ý nghĩa của sự tồn tại… chúng ta gần như luôn chạy trốn khỏi nỗi thống khổ trong một đức tin xấu (bad faith)” (Hiện hữu và hư vô, 556). Các nhân vật của Vua Lear, trên hành trình tìm kiếm cái chết, chính là hiện thân của “đức tin xấu” theo kiểu Sartrean này. Khi trở về với sự hiện hữu và thực tại, Lear đã thể hiện rất rõ tâm lý hiện sinh của “đức tin xấu” khi nói rằng, “Các người đã sai rồi khi đưa ta ra khỏi mồ” (4.7.45). Tương tự, Bá tước Gloucester, với khao khát được chết từ vách đá Dover, đã trả lời câu hỏi hiện sinh của con trai Edgar: “Ngài là cái gì, thưa ngài?” bằng câu thoại nổi tiếng: “Hãy đi đi, và để ta được chết” (4.6.49-50).

Các nhân vật của Vua Lear là minh chứng cho nghịch lý hiện sinh này; họ hành động như những con người có ý chí tự do với quyền tự quyết rõ ràng, nhưng trách nhiệm đạo đức bắt nguồn từ quyền tự do lựa chọn của họ (khái niệm triết học mà vở kịch không xác nhận hay bác bỏ theo bất kỳ nghĩa rõ ràng nào) đã hành hạ họ và khiến họ mong muốn được giải thoát khỏi những trách nhiệm đạo đức đó bằng cái chết.

Gloucester không hồi đáp cho câu hỏi “cái gì” của Edgar − đối với ông, câu hỏi tự nó đã là thừa và không sao trả lời cho xác quyết được. Ông, với tư cách là một tồn tại có ý thức, là một sinh vật đau khổ, chịu đựng nỗi thống khổ hiện sinh bởi nhận thức được sai lầm của chính mình và hậu quả gây ra bởi ý chí tự do của chính mình. Gloucester cố gắng chạy trốn nỗi thống khổ này theo cách tương tự như “đức tin xấu” kiểu Sartrean hơn là đối mặt với những hậu quả hiện sinh và đạo đức do hành động của mình gây ra. Cái chết, như ông tưởng tượng, sẽ là lối thoát duy nhất khỏi tình trạng chịu đựng của hiện hữu và gánh nặng tê cứng của lựa chọn.

“Cú ném” (thrownness) của hiện sinh, một khái niệm được Heidegger giới thiệu trong tác phẩm Tồn tại và Thời gian (Being and Time), là một yếu tố xuyên suốt vở kịch. Heidegger đã giải thích hiện tượng luận bản thể học của khái niệm hiện sinh này bằng cách mô tả một tâm trạng dị thường được gọi là sự giận dữ “Angst”, một cảm giác nảy sinh ở con người khi thấy mình bị “ném” vào tồn tại mà không có sự đồng thuận của chính họ. Một con người chỉ đơn giản thấy mình bị lôi tuột vào thế giới, vào một tầng lớp xã hội, một giới tính, một chủng tộc được quy định sẵn—không có gì được lựa chọn, tất cả đều là sự thừa kế, và sự lựa chọn để tồn tại nằm ngoài khả năng tự quyết của một người. Khả năng đó, như triết học hiện sinh thừa nhận, chỉ trở thành hiện thực khi một người thừa nhận hiện hữu của chính họ.

Lời của vua Lear trong cuộc đối thoại của ông với Gloucester, làm sáng tỏ cách mà “cú ném” của thực tại và sự lo âu đi kèm những hậu quả tâm lý đã gây ra cho con người: “Khi chúng ta được sinh ra, chúng ta đã khóc vì phải đến đây/ Đến sân khấu huy hoàng của những kẻ ngu ngốc” (4.6.176-177). Câu nói này không chỉ nhắc đến tiếng khóc oán thán về sự hiện hữu nơi mà con người thở than ngay khi tự ý thức về sự tồn tại của mình trên cõi đời; nó cũng nhấn mạnh sự phi lý của chính sự hiện hữu bằng thứ ngôn ngữ hết sức cải lương. Các nhân vật không có lựa chọn nào khác ngoài hiện hữu, và theo mạch truyện, họ hiện hữu trên một “sân khấu huy hoàng của những kẻ ngu ngốc”. Tuy nhiên, nghịch lý thay, Shakespeare không sử dụng đạo đức như một phụ kiện trang sức phi lý để hiện hữu trên “sân khấu” cũng như không dùng đạo đức để tầm thường hóa hay hạ bệ thuyết tương đối. Đạo đức, bên cạnh những yếu tố khác của vở kịch, tự nó đã gắn chặt, không thể tách rời với chính sự hiện hữu trong vở kịch.

Các nhân vật trong vở kịch, cũng như toàn thể nhân loại này, đơn giản là bị “ném” vào hiện hữu mà không có bất kỳ sự lựa chọn nào. Tình thế đạo đức mà họ lâm vào bởi những hành động của chính mình, dù không có tính phổ biến, là kết quả của tự do lựa chọn. Một sự hiện hữu có tính chất ép buộc như vậy lí giải tại sao các nhân vật trong vở kịch lại tha thiết cầu xin cái chết như vậy; cái chết và “sự hư vô” hiện sinh hứa hẹn sẽ giải thoát họ khỏi những hậu quả đạo đức nêu trên. Cái chết, trái ngược với hiện hữu, là một sự lựa chọn. Còn nữa, tại sao các nhân vậy này lại cảm thấy có nghĩa vụ phải tiếp tục hiện hữu trong khi ngay từ đầu họ đã không hề chọn nó? Nhưng theo sự suy luận triết học như vậy, thì họ, dẫu với tất cả những nỗ lực tự sát không thành, có thể không phải là những kẻ dị thường về mặt hiện sinh. Có nhiều hơn cả một nỗi đau đến tê cứng khi nhận ra sự hư vô trong “nỗi thống khổ” của họ: một khao khát siêu thoát khỏi cái chết và khỏi chính sự sống, một nỗ lực để đạt được “thứ gì đó” (something) từ “hư vô” (nothing).

Một phân tích ngôn ngữ của “hư vô” theo hướng từ nguyên học trong vở kịch sẽ là điều cần thiết để hiểu điều gì ẩn chứa đằng sau nỗi thống khổ này. Sự có mặt hiển nhiên của “hư vô” hiện sinh được thấy rõ nhất trong thi pháp bí truyền và sự bất lực của ngôn ngữ để truyền đạt bất kỳ ý nghĩa ký hiệu học thực sự nào trong vở kịch. Một lời giải thích thuần túy theo hướng hiện sinh về các yếu tố đạo đức trong Vua Lear sẽ không giúp gì được trong việc đào sâu hơn về siêu ý nghĩa (meta-meaning) của cái chết và tự sát. Thay vào đó, trong thi pháp của “hư vô”, trớ trêu thay, luôn có một thứ chỉ dẫn về một “thứ gì đó” tồn tại. Cái “không gì cả” của công chúa út Cordelia không hẳn là sự khuyết thiếu của tất cả mọi thứ— “không gì cả”, dù  nghịch lý đến đâu, thực ra đã trở thành sự ám chỉ khó nắm bắt của “thứ gì đó” này. Loevlie, trong nghiên cứu của mình về Vua Lear, đã chỉ ra rằng “không gì có thể biểu thị được cảm giác của tình yêu và niềm đam mê tốt hơn ngôn từ.” (85).

Ngôn ngữ khi tự nó không thể chuyển tải được ý nghĩa một cách hiệu quả, xét về mặt ngôn ngữ học, nó đã trở thành ngôn ngữ của “hư vô”. Không được nhầm lẫn giữa “hư vô” này với sự phủ định hoàn toàn của Tồn tại hoặc sự chán nản đầu hàng chủ nghĩa hư vô. “Hư vô” trong ngôn ngữ, mặc dù có mối quan hệ với hư vô hiện sinh, nhưng chúng là những thực thể hoàn toàn riêng biệt. “Tính hư vô” trong ngôn ngữ của Vua Lear trở thành một thứ gì đó luôn nằm ngoài rìa của ý thức, trên những giới hạn ngoại vi trong khả năng tri nhận của con người, một thứ gì đó siêu việt đến mức không thể tiếp cận được về mặt vật lý nhưng lại có vẻ vẫn luôn tồn tại ở đó. Ngôn ngữ của vở kịch tự đặt ra cho chính nó câu hỏi, liệu có một ý nghĩa siêu việt nào đó có thể tồn tại ngay cả khi các nhân vật trong vở kịch lúc nào cũng có xu hướng muốn tự hủy diệt hay không.

Chức năng quy chiếu của ngôn ngữ trong vở kịch trở nên bị động trước ngôn ngữ thi ca; tính ưu việt của thi pháp cho phép “không gì cả” lại có thể đóng vai trò như cái-biểu-đạt, là kí hiệu của một thứ gì đó. Lear đã minh chứng cho quy ước ngôn ngữ nghe có vẻ mâu thuẫn này một cách rất hợp lý trong trạng thái điên loạn mình; lời thoại của ông trong vở kịch chuyển từ ngôn ngữ trưởng giả, quý tộc, đầy uyển ngữ phức tạp sang một thứ phương ngữ đơn âm tiết và trần tục hơn. Sau khi đặt ra câu hỏi triết học mang màu sắc của hư vô, “Tại sao một con chó, một con ngựa, một con chuột, có thể có sự sống, / Còn con gái ta thì không còn chút hơi thở nào?” (5.3. 306-3-07), Lear kêu lên, “Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ!” (5.3.307) và “Nhìn kìa, nhìn kìa!” (5.3.309). “Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ” có vẻ giống như một mớ ngôn từ rỗng tuếch nhưng chính nó đã lắt léo thể hiện tính “hư vô” của cuộc sống trong khi vẫn chuyển tải một ý nghĩa ký hiệu học. Điều này nói lên rằng, bản thân tính trừu tượng trong thi pháp của vở kịch, tự nó không giải thích được bất cứ điều gì. Cần phải xem xét ý nghĩa siêu đạo đức trong thi pháp vở kịch để nắm bắt được mô hình đạo đức mà Shakespeare đang đặt ra.

Trước khi ngất đi, qua tiếng kêu “Nhìn kìa, nhìn kìa!”, Lear để người đọc suy đoán xem ông ta nhìn thấy gì. Trạng thái điên loạn của Lear cho phép ông có được thấu thị siêu việt khi nhìn thế giới xung quanh. Thế giới ảo tưởng, cũng giống như thi pháp của ngôn ngữ, sở hữu tính ưu việt hơn hẳn thế giới thực ngay cả khi nó ở trong chủ nghĩa hiện sinh tuyệt đối này. Bằng việc không phân biệt được hai trạng thái đối nghịch giữa “hư vô” và có “thứ gì đó” trong ngôn ngữ kịch của mình, Lear chẳng khác gì một gã khùng điên loạn—sự mất trí có thể tiên liệu được của Lear không hề ẩn chứa yếu tố siêu phàm nào. Nếu đọc hiểu những lời thoại trên của Lear theo hướng duy vật về mặt triết học như vậy sẽ không thể đánh giá đúng được tầm quan trọng của thời khắc này, trong hoàn cảnh này. Lear, trong thế giới vật chất thuần túy, đã được ban cho một khoảnh khắc siêu việt để vượt thoát khỏi nó.

Trớ trêu thay, Lear chỉ được trao cho khoảnh khắc siêu việt của nhận thức này vào thời điểm trước khi chết. Có thể suy đoán rằng, vào thời điểm đó, Lear đã vượt ra ngoài nhận thức của mình và thấy mình “ở ngoài hiện hữu”, hoàn thành việc hủy diệt thực sự Bản ngã (self) mà chính Sartre cho là không thể (Hiện hữu và Hư vô 59). Lear cuối cùng cũng được ban cho cái chết, và lần này, ông sẽ không “được” ai hồi sinh, kéo ngược trở lại với cuộc sống, với “thế giới khắc nghiệt” sẽ “kéo lê đời ông ra dài thêm” (5.3.314-315). Không giống với sự tự hư vô hóa như một điểm tương đồng liên kết giữa các nhân vật khác, Lear không để bản thân chết bởi bất cứ tác nhân nào tự gây ra. Trên thực tế, trong thế giới của quyền tự quyết hiện sinh và trách nhiệm của con người, Lear rõ ràng đã được giải thoát khỏi những ràng buộc nhân sinh này. Không giống như các nhân vật khác, ông đã được phép chết.

Cách giải thích ký hiệu học như vậy về cái chết của Lear không ám chỉ rằng Shakespeare đang ủng hộ thuyết quyết định luận theo hướng thần học hay xã hội học. Vở kịch, với nhiều yếu tố phi tôn giáo và vô thần, không cho phép lối phân tích theo chủ nghĩa giản lược hóa thần học như vậy. Thay vào đó, khả năng chết của một người trong Vua Lear được xác định dựa trên mối quan hệ luân lý – đạo đức của y với thế giới xung quanh, một mối quan hệ được thiết lập dựa trên sự chiếm lĩnh của thực tế hiện sinh và hệ quả của các hành động được thực hiện. Shakespeare buộc các nhân vật của mình vào cái án phải chịu đựng và tồn tại, tuy nhiên, ông đã miễn cho nhân vật hèn hạ nhất về mặt đạo đức, Goneril, khỏi trách nhiệm hiện sinh này. Thật đáng kể khi Goneril là nhân vật duy nhất đã thành công trong việc hoàn thành nỗ lực tự sát của mình. Các nhân vật còn lại buộc phải rên rỉ, chịu đựng sự tỉnh thức và nỗi thống khổ về thân phận con người của họ, tất cả luôn khao khát về một cái chết mà kỳ lạ làm sao, mãi không thể với tới.

Cái chết, như Loevlie đưa ra giả thuyết, có phải là “thứ gì đó” tồn tại trong thi pháp của vở kịch không? Liệu “thứ gì đó” có phải chỉ đơn giản là “không gì cả” được thể hiện dưới dạng cái chết? Sean Lawrence, trong Khó khăn để chết trong Vua Lear, đã có một quan sát rất cần thiết khi so sánh Vua Lear với Hamlet: Sự vô ích tới thảm hại trong việc đi tìm cái chết,  Hamlet đã được chừa ra. Lawrence cho rằng, Hamlet, trong màn độc thoại nổi tiếng của anh, đã nhận ra được khó khăn của việc muốn trốn thoát khỏi Tồn tại, nơi khả năng để ‘không tồn tại’ chỉ có thể được thay thế bằng những giấc mơ, mà những giấc mơ ấy chỉ đến khi chúng ta gỡ mình ra được vòng dây sinh tử này” (39). Mặt khác, trong Vua Lear, chỉ khi Lear nhận thức được Tồn tại không có “hơi thở” thì ông ta mới chết; trước khi chết, Lear hiểu được sự phi lý tuyệt đối của thân phận con người và sau đó đối mặt với số phận của mình (5.3.307). Bá tước Kent đã đặt một câu hỏi tu từ với ý nghĩa bản thể học: “Đây có phải là cái kết đã định?” (5.3.263). Cái chết, trong khi dường như là một lối thoát viên mãn khỏi nỗi thống khổ của tồn tại, giờ lại bị hoài nghi rằng, liệu nó đã thực sự thỏa mãn về mặt hiện sinh hay nó chỉ là một ham muốn đầy bi thương mà thôi.

Việc đọc vở kịch một cách cứng nhắc bằng lối phê bình hiện sinh thật ra rất có vấn đề trong việc phân tích ký hiệu học luân lý – đạo đức của tự sát và cái chết. Việc Lear  ở trong tình trạng không có “ý chí” để tìm đường đến cái chết bằng tự sát đã thách thức các quan niệm hiện sinh cơ bản về tự do và trách nhiệm của con người. Tư tưởng hiện sinh thông thường, dựa trên quyền tự do và trách nhiệm của lựa chọn, chắc chắn sẽ cho phép Lear được chọn sống cũng như chọn chết. Gloucester cũng là một nhân vật khao khát cái chết một cách mãnh liệt nhưng không thể thành công trong việc tự sát, điều nay càng làm phức tạp thứ lý thuyết vốn đã phức tạp của phê bình hiện sinh khi muốn giải thích toàn bộ các quy ước siêu hình và siêu đạo đức của vở kịch. Với đôi mắt đã mù lòa, Gloucester hỏi, “Có phải chính khổ đau đã tước đi mọi lợi ích / Để tự kết liễu mình bằng cái chết?” (4.5.61-61). Dàn nhân vật, giống như Gloucester, biết “Quá rõ, quá rõ” cảm giác nhức nhối của ý thức và mong muốn thoát khỏi gánh nặng đó (4.5.66). Khuynh hướng khuất phục trước “đức tin xấu” của Sartre xuất hiện rất đỗi tự nhiên nơi các thân phận con người ở Vua Lear.

Những giới hạn ở khả năng tự quyết của con người trong việc chịu đựng sự tồn tại bị giễu nhại trong vở kịch – khổ đau, với hiện diện phổ biến của nó, là một phần không thể thiếu của tồn tại.

Hơn nữa, những giới hạn ở khả năng tự quyết của con người trong việc chịu đựng sự tồn tại bị giễu nhại trong vở kịch – khổ đau, với sự hiện diện phổ biến của nó, là một phần không thể thiếu của tồn tại. Lear đã thoáng đạt được sự ân xá thoát khỏi nỗi thống khổ của tồn tại trong cảnh kết, nhưng cuối cùng, ông lại “được” hồi sinh sau giấc ngủ và bị buộc phải tiếp tục chịu đựng. Khi hồi sinh về với thế giới của mình, Lear nói, “Các người đã sai rồi khi đưa ta ra khỏi mồ” (4.7.45). Các nhân vật của vở kịch thường xuyên bị rơi vào cảnh ngộ không được phép thoát khỏi Tồn tại; họ bị ràng buộc vào ý thức như cái cách mà Lear bị “trói vào bánh xe cuộc đời” (4.7.46-47).Cái chết chỉ thoáng vụt qua như muốn trêu ngươi và cuộc tranh đấu để được chết, nghe thật trớ trêu, lại mới là bi kịch thực sự của vở kịch. Chính chủ nghĩa phản hiện sinh này, sự bất lực của ý chí trong việc tự khẳng định nó giữa thời gian và không gian, đã nhấn mạnh đến khiếm khuyết của tồn tại người. Hơn nữa, tinh thần phản hiện sinh của Shakespeare sẽ làm sáng rõ hơn mô hình đạo đức sâu xa của vở kịch.

Bằng những câu thoại rời rạc, phi lý, Lear, trong nỗi tuyệt vọng vì không thể làm chủ thế giới vật chất xung quanh mình, trở nên thảm thiết, ông lấy những hình ảnh vĩ đại, khải huyền để tượng trưng cho nỗi thống khổ hiện sinh của mình. Trong khi một số nhà phê bình cho rằng Lear đáng thương không nhận thức được tình trạng mất vị thế làm người của mình, thì Lear lại thể hiện tất cả các dấu hiệu của một người nhận thức được rõ tình cảnh bé nhỏ, vô dụng của mình đến thảm hại. Lear, không chỉ đang cố diễn tả tính chất cải lương trong ngôn ngữ kịch của mình; ông đã đòi cơn bão phải mô phỏng được nỗi đau vật vã của mình. Lear cầu xin cơn bão với tất cả sức mạnh tự nhiên của nó “Hãy thổi đi, những cơn gió và làm rách tất thảy! Hỡi cơn thịnh nộ kia! Hãy thổi đi!”, điều này hoàn toàn tương ứng với trạng thái cảm xúc hỗn loạn của ông (3.2.1).

Trong khi Heidegger lập luận trong Tồn tại và Thời gian (384) rằng, điều chân thực nhất trong ý nghĩa của con người là cố gắng nắm bắt được tính thất thường ở sự tồn tại của chính mình và nắm bắt được cái chết không thể tránh khỏi, thì Emmanuel Levinas lại khẳng định rằng, cái chết không phải là một hành động cá nhân mà là dấu chấm hết của quyền tự quyết nơi con người. Lear, theo quan niệm triết học của Levinas, mong muốn “kéo toàn bộ sự tồn tại vào cái chết của ông ta,” tha thiết lôi cơn bão và định mệnh vũ trụ của thế giới vào cơn giận dữ mãnh liệt của mình, để mở ra một ngày tận thế thật sự cho phép ông gửi vào đó khát vọng được lãng quên (Otherwise 3). Lear cố gắng khẳng định và áp đặt quyền tự do và ý chí con người mình lên một thế giới tự nhiên lãnh cảm bằng cách đồng hóa nỗi thống khổ của mình. Lawrence giải thích rằng việc Lear khẩn cầu thế giới tự nhiên mô phỏng trạng thái bên trong của ông là cách ông phấn đấu cho một cái chết có ý nghĩa bản thể (“Tính thiêng trong Vua Lear“).

Tuy nhiên, Lawrence đã không thể làm sáng tỏ tính nghịch lý ký hiệu học và bản chất trào phúng của phân cảnh này. Một mặt, Lear đã cất lên tiếng khóc than hư vô về cái chết, khẩn cầu những tiếng sét trong cơn bão “Hãy đốt cháy mái đầu trắng của ta!” (3.2.6). Dù khao khát tuyệt vọng được chết đi, Lear vẫn đồng thời cầu xin những cơn mưa “Hãy trút xuống đi, ta sẽ chịu đựng” (3.4.18). Ở Lear, trong cùng một lúc tồn tại thứ mâu thuẫn: ham muốn tự sát của chủ nghĩa hư vô cùng với quyết tâm tồn tại tới cùng của chủ nghĩa hiện sinh. Phân cảnh này chất vấn lại về việc nhìn nhận Lear với tư cách một con người thuần túy nỗ lực để được chết. Lear, và chính bản chất của cái chết, trở nên phức tạp hơn nhiều bởi sự nghịch lý trong tâm lý của ông.

Theo triết học hiện sinh của Sartre, Lear đang tự buộc mình với ngoại lực của cơn bão để thoát khỏi nỗi thống khổ của tự do. Lear, không thể thoát khỏi Tồn tại theo nghĩa vật lý, từ bỏ trách nhiệm tồn tại của cá nhân mình bằng cách khẩn cầu tự nhiên hãy giết chết mình. Ông rời bỏ trách nhiệm hiện sinh bằng các hành động, yêu cầu tự nhiên chấm dứt Tồn tại của bản thân và tha thứ cho ông khỏi những hậu quả đạo đức của việc tự sát. Nhưng lời thách thức mạnh mẽ của ông với tự nhiên và tiếng kêu hiện sinh, “Hãy trút xuống đi, ta sẽ chịu đựng,” lại có thể làm nảy sinh bối rối nơi người đọc. Nhưng nỗi thống khổ về tinh thần, trong sự đan xen chặt chẽ với nỗi thống khổ về thể xác, vẫn không được thể hiện một cách tuyệt đối trong vở kịch. Mặc dù ý tưởng về tự sát khá rõ ràng, chủ nghĩa hư vô không phải là kết luận định sẵn cho nỗi thống khổ hiện sinh và sự khốn khổ của cuộc sống. Vẫn còn đó hy vọng về một “thứ gì đó” dù rất khó nắm bắt – ngôn ngữ trong Vua Lear sẽ không ngừng ám chỉ rằng, “thứ gì đó” này tồn tại một cách siêu hình trong lớp nghĩa sâu hơn của vở kịch.

Theo cấu trúc luận của Saussure, “thứ gì đó” là sự đối lập nhị phân được ngụ ý từ trong “không gì cả”. Bi kịch của vở kịch là sự nỗ lực dường như vô ích cho một “thứ gì đó” siêu việt vượt ra ngoài giới hạn nhận thức của con người, vượt ra ngoài cả sức mạnh của chính ngôn ngữ. Chủ nghĩa giải cấu trúc của Derrida, khác với quan điểm của chủ nghĩa cấu trúc Saussurean đã nói ở trên, sẽ nhìn nhận nhu cầu về một “thứ gì đó” liên quan đến cái “không gì cả” như một cấu trúc ngôn tâm luận (logocentrist), tuy nhiên, điều này không thừa nhận hay phủ nhận tính thực tế của một “thứ gì đó” siêu việt trong vở kịch. Quan điểm này, một siêu hình học về sự hiện diện, bằng cách ưu tiên sự hiện diện hơn sự vắng mặt, càng làm lu mờ ý nghĩa của “thứ gì đó” trong văn bản.

Lear cố gắng thoát khỏi nỗi thống khổ của tình trạng hiện sinh bằng phương pháp “gây mê”: “Hãy cho ta một lạng xạ hương, loại hảo hạng/ Để làm thăng hoa trí tưởng tượng của ta” (4.6.127-128). Vở kịch kết hợp sự tỉnh táo của cảm xúc và trí tuệ, sự ngay thẳng của luân lý, sự thanh thản của tâm hồn với nỗi thống khổ, buồn đau và sợ hãi hiện sinh. Trong khi những cảm xúc u sầu xuất hiện dày đặc hơn trong Vua Lear, thì những khoảnh khắc của sự minh mẫn và giác ngộ hiện sinh lại làm phức tạp thêm việc hiểu những khát vọng được chết mang tính bản thể của các nhân vật. Ký hiệu học về cái chết dường như tồn tại trong một trạng thái đối lập nhị phân, trong đó, một cuộc đời siêu việt luôn đứng song song với một cái chết được thanh tẩy. Không có trạng thái trung gian nào, với mức độ hài lòng hiện sinh vừa phải mà các nhân vật có thể cư trú.

Việc Gloucester tự sát không thành lại càng làm phức tạp thêm cách đọc vở kịch theo chủ nghĩa hiện sinh thông thường. Phân cảnh Gloucester lúng túng đứng trên vách đá Dover với ý định tự sát là một minh chứng nữa cho những nỗ lực không ngừng của các nhân vật trong việc tìm kiếm cái chết có ý nghĩa bản thể. Như Jan Kott lập luận khi phân tích cảnh này, “việc tự sát của y (Gloucester) chỉ có ý nghĩa nếu các vị thần tồn tại” (149). Gloucester, giống như việc Lear vịn vào thiên nhiên một cách thảm hại trong nỗi tuyệt vọng của mình, cũng đã gọi tới các vị thần khi cố gắng kết thúc cuộc đời của chính mình:

Thế giới mà ta từ bỏ và trong tầm mắt của Người

Làm ơn hãy kiên nhẫn gạt bỏ những nỗi đau của ta.

Nếu ta có thể chịu đựng lâu hơn và không gục ngã

Để cãi lại ý chí vĩ đại tất định của Người,

Phần cơ thể, tro tàn đáng ghê tởm này của ta

Nên tự cháy hết.  (4.6.35-40)

Để chứng minh rằng, “đau khổ là khi con người ý thức được sự tự do của mình,” Sartre đã đưa ra ví dụ về một người trên bờ vực thẳm, phân vân không biết có nên nhảy hay rơi vào “hư vô” (Hiện hữu và Hư vô 65). Sartre, giống như Gloucester và nhiều nhân vật của Vua Lear, tin rằng “tự sát sẽ khiến nỗi thống khổ này chấm dứt” (Hiện hữu và Hư vô 69). Không thể không liên hệ suy nghĩ triết học đó với hoàn cảnh của Gloucester. Gloucester, khi theo đuổi cái chết có tầm vóc vũ trụ, đã coi các vị thần như là người quan sát cái chết sắp xảy đến ​​của y; cái chết, mặc dù có thể là một phương tiện để hư vô hóa cơ thể, nhưng không giúp y đối mặt với những thực tế siêu hình của thế giới bên kia mà y tin rằng đang chờ đợi mình. Mặc dù thoát khỏi tình trạng làm người của mình, y vẫn sẽ buộc phải đối mặt với các vị thần khi ở thế giới bên kia. Đối với Gloucester và hệ thống niềm tin hữu thần của hầu hết các nhân vật của Vua Lear, “hư vô” thực sự là điều không thể — nó là mối đe dọa về một hiện hữu siêu nhiên nào đó nơi họ tiếp tục “phải chịu đựng” ngay khi một cõi tâm linh lờ mờ hiện ra từ xa. Để được hư vô thực sự là một ảo tưởng đối với họ.

Bằng cái cách rất kịch nghệ khi Lear than khóc với trời và thế giới tự nhiên, hay màu sắc cải lương khi Gloucester cầu viện tới thần thánh, các nhân vật của vở kịch làm “thăng hoa” nỗi tuyệt vọng bên trong của họ tới thế giới bên ngoài và Kẻ khác (Others). Goneril không giống như Lear hay Gloucester, cô ta không khuất phục bản thân trước sự phán xét của người khác hay bất cứ quy chuẩn xã hội nào: “Hãy nói nếu ta làm như vậy, thì đó là theo luật của ta, không phải của ngươi./ Ai có thể trừng phạt ta được?” (5.3. 156-157). Goneril cuối cùng lại là kẻ thành công trong nỗ lực tự sát, không như tất cả các nhân vật còn lại. Có vẻ như, thông qua cái chết “thành công” duy nhất này, một thông điệp đạo đức được nêu ra, rằng nhân vật suy đồi đạo đức nhất của vở kịch, nhân vật gạt cả xã hội ra bên rìa, và không mảy may quan tâm hay can dự tới sự tồn tại và cảm xúc của kẻ khác, lại được ban cho khả năng được chết. Dòng cuối cùng của Oswald thể hiện bản chất tất định và thần bí của cái chết trong vở kịch: “Hỡi ôi cái chết, cái chết chẳng thể đoán định!” (4.6.246).

Cuối cùng, Vua Lear không phải là một bi kịch hiện sinh, nó là một bi kịch đạo đức, khám phá sự tuột dốc của thân phận con người, nỗi thống khổ của tồn tại, nhưng quan trọng nhất là cách một con người chọn hành động khi đối mặt với sự giận dữ hiện sinh đó.

Cái chết không phải là thứ mà các nhân vật trong vở kịch có thể chạm tới được bằng những hành động hiện sinh ở trong quyền tự quyết của con người, mà cái chết sẽ chủ động tìm đến họ. Hơn nữa, việc Shakespeare cho phép Goneril đạt được ý định tự sát của mình nhưng lại từ chối trao quyền được chết đối với các nhân vật khác có thể là một lời gợi dẫn để giải thích cho đạo đức của vở kịch. Bí ẩn thực sự của vở kịch không phải là câu đố về bản thể học hay ký hiệu học của cái chết. Xem xét những ai được Shakespeare để cho được chết làm cho việc giải thích ý nghĩa đạo đức của vở kịch trở nên thú vị hơn nhiều. Các nhân vật ngay thẳng, khoan dung của vở kịch ứng xử với cái chết định mệnh của họ trong mối quan hệ biện chứng với Kẻ khác. Họ không giữ rịt trong lòng cảm xúc tuyệt vọng và nỗi thống khổ hiện sinh của mình. Lear than khóc với tự nhiên còn Gloucester thì khẩn cầu các vị thần. Những nhân vật này tham gia vào một cuộc đối thoại với một cái gì đó bên ngoài họ. Duy chỉ Cordellia đắm chìm với thứ chủ nghĩa cá nhân tự đại của riêng cô, không cầu xin tới Kẻ khác nào bên ngoài đau khổ của mình, cô hoàn toàn giữ tất cả thống khổ đó ở trong mình, cho riêng mình. Về điều này, Goneril đại diện cho “sự hư vô” cuối cùng của vở kịch; cô lãnh cảm với thế giới xã hội xung quanh mình, một thực thể chống đối xã hội thuộc về chủ nghĩa vị kỷ đứng bên ngoài giới hạn của xã hội và thậm chí, bên ngoài cả hệ thống luân lý – đạo đức.

Phần lớn các nhân vật của Vua Lear đều có kết cục là cái chết như thể để minh chứng cho châm ngôn của Lord Byron rằng, “mọi bi kịch đều kết thúc bằng cái chết”. Tuy nhiên, lộ trình đi đến những cái chết này lại thường xuyên bị trì hoãn một cách kỳ lạ trong vở kịch, điều này có vẻ đã tầm thường hóa, thậm chí là phủ định, ý chí hiện sinh của con người và quyền làm chủ sự lựa chọn. Các nhân vật của Vua Lear không thể chết bất chấp những nỗ lực nghiêm túc (để được chết) của họ. Vua Lear vừa là một vở kịch để soi xét bản chất tồn tại của thân phận con người, vừa cố gắng nhận diện bản chất nhận thức luận của đạo đức và luân lý. Mặc dù việc luận suy chủ ý của Shakespeare là một thực hành hoàn toàn vô ích và có thể chệch hướng, nhưng việc chỉ cần đơn giản lưu ý đến thực tế của những vụ tự sát thành công hay thất bại đã có thể dẫn đến một kiến giải đạo đức tất yếu cho vở kịch. Bị lời nguyền phải tồn tại và chịu đựng nỗi thống khổ rất-người của tồn tại, các nhân vật của vở kịch luôn khao khát cái “hư vô” để đạt được một “thứ gì đó” dù chỉ thoáng qua và luôn khó nắm bắt đối với họ. Mong muốn được vượt thoát khỏi cái thế tục, cùng với nỗi thống khổ hiện sinh tê cứng, đã hối thúc động cơ tâm lý hướng tới tự sát nơi các nhân vật. Cái chết đang chờ đợi tất cả các nhân vật của Vua Lear − nó là một điều không thể tránh khỏi của thân phận con người. Tuy nhiên, Shakespeare không đưa ra một mô tả hoàn toàn phi lý về tồn tại; bất chấp sự bấp bênh của tồn tại và nỗi thống khổ không thể tránh khỏi của nó, ông buộc các nhân vật của mình vào gánh nặng phải “chịu đựng”. Sự tồn tại dai dẳng là lựa chọn đạo đức mà Shakespeare đã kết án các nhân vật của mình.

Gloucester đã có một suy nghĩ mang tính triết học về sự tầm thường của thân phận con người: “Chúng ta trước các vị thần như những con ruồi trong tay những cậu nhóc nghịch ngợm, / Họ giết chúng ta như trò chơi của họ” (4.2.42-43). Chủ nghĩa hư vô, dù luôn len lỏi hiện diện trong tâm trí của các nhân vật, vẫn không phải là câu trả lời đạo đức mà Shakespeare muốn đề ra. Như Edgar nói, “Làm người tức là phải chịu đựng/ Dù ở đây, hay ở kia” (5.2.9-10). Chính nhờ thứ chủ nghĩa khắc kỷ này mà Shakespeare đã thần thánh hóa các nhân vật của mình về mặt đạo đức. Cuối cùng, Vua Lear không phải là một bi kịch hiện sinh, nó là một bi kịch đạo đức, khám phá sự tuột dốc của thân phận con người, nỗi thống khổ của tồn tại, nhưng quan trọng nhất là cách một con người chọn hành động khi đối mặt với sự giận dữ hiện sinh đó. Bởi vì, mặc những khuynh hướng phủ định và tư tưởng tất định luận ảm đạm và của vở kịch, các lựa chọn, đặc biệt là các lựa chọn đạo đức, sẽ không bao giờ bị phủ định.

Kiều Chinh dịch, nguồn: http://www.inquiriesjournal.com/articles/1641/the-psyscholinguistic-semiotics-and-metanormative-ethics-of-suicide-and-death-in-shakespeares-king-lear

 

Tài liệu tham khảo

Baker, James V. “An Existential Examination of King Lear.”College English (1962): 546-550.

Heidegger, Martin, Joan Stambaugh, and Dennis J. Schmidt.Being and time. SUNY Press, 2010.

Lawrence, Sean. “” Gods that we adore”: The divine in King Lear (Shakespeare).”RENASCENCE-ESSAYS ON VALUES IN LITERATURE56.3 (2004): 143-159.

Levinas, Emmanuel.Otherwise than being or beyond essence. No. 3. Springer Science & Business Media, 1981. Library, 1956)330 (1956).

Loevlie, Elisabeth. “Poetic Language and the Expression of Nothing: Towards a Kenotic Weakening of Referential Language.”Angelaki17.3 (2012): 85-96.

Sartre, Jean-Paul. “Being and Nothingness, trans.”Hazel E. Barnes (New York: Philosophical Library, 1956)330 (1956).

Sartre, Jean-Paul, and Arlette Elkaïm-Sartre.Existentialism is a Humanism. Yale University Press, 2007.

Shakespeare, William. “The Norton Shakespeare: based on the Oxford edition.” (1997).

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)