T.S. Eliot: DANTE CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI TÔI? (Phạm Minh Quân dịch)
Lời dẫn của người dịch:
Năm 2021 vừa qua, là năm kỷ niệm 700 năm ngày mất của Dante Alighieri (1265 – 1321), nhà thơ, triết gia vĩ đại người Ý, tác giả của tuyệt tác Divine Comedy (Thần khúc). Ngoài chính Kinh Thánh và tác giả khuyết danh của nó, và phần nào đó cùng với Paradise Lost (Thiên đường đã mất) của John Milton, có lẽ hiếm tác phẩm của một tác giả nào lại vẽ lên một bức tranh thần thoại tôn giáo sống động và định hình lại nhận thức của người đọc đến thế.
Dante Alighieri sinh ra vào khoảng năm 1265 tại Florence, quê hương của Phục hưng. Bối cảnh lịch sử Ý lúc bấy giờ là cuộc tranh giành quyền lực chính trị tối thượng giữa hai phái Guelph và Ghibelline, lần lượt đại diện cho Giáo hoàng và Hoàng đế La Mã Thần thánh. Gia đình Alighieri giàu có vốn trung thành với phái Guelph, nên Dante sớm gia nhập quân đội của phái này chiến đấu với phái Ghibelline. Sau khi phái Ghibelline bị đánh bại, Dante lại bị cuốn vào xung đột giữa phái Guelph đen ủng hộ giáo hoàng Boniface VIII và phái Guelph trắng muốn ly khai chính trị khỏi Rome, trong đó Dante là một thành viên. Hệ quả là cùng với sự thất bại của phái Guelph trắng, ông buộc phải lưu vong khỏi quê nhà vào năm 1301. Ngoại trừ La Vita Nouva (Cuộc đời mới) thì hầu hết các tác phẩm của ông được sáng tác sau khi biệt xứ.
Khủng hoảng bi kịch cá nhân là một trong những tác nhân để Dante viết nên kiệt tác của mình, Thần khúc. Thần khúc không chỉ là một dấu mốc lịch sử của văn chương Ý nói riêng, mà còn là một trong những tác phẩm văn học Trung đại châu Âu vĩ đại, nếu không nói là vĩ đại nhất. Qua lời người kể chuyện, tức Dante, là cuộc hành hương từ bóng tối lao ngục để đến với sự soi rạng của ánh sáng thiêng liêng. Thần khúc được chia thành ba phần: Địa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio), Thiên đàng (Paradiso), lần lượt tượng trưng cho hành trình thức nhận tội lỗi, sám hối và cuối cùng tìm đến thị kiến về Chúa. Bản thân Thần khúc là một đại phúng dụ, chứa đầy những ẩn dụ sâu sắc về tôn giáo, thần học, thế giới quan Kitô giáo thời Trung cổ, về định mệnh hữu hạn của con người và định mệnh vĩnh cửu của thế giới.
Thần khúc, vốn được Dante viết bằng tiếng Ý thay vì tiếng Latinh, cùng với tiểu luận De vulgari eloquentia (Về hùng biện bằng bản ngữ), đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập vị thế của tiếng Ý và văn hóa Ý, tạo đà cho sự thống trị của tiếng Ý trên văn đàn châu Âu. Nó đánh dấu một bước chuyển mang tính cách mạng, từ buổi hoàng hôn tiếng Latinh của giới tăng lữ, đến hừng đông của tiếng Ý đại diện cho đại chúng và văn chương thành thị. Đồng thời, Thần khúc còn trở thành một kho tàng chủ đề và cảm hứng cho nhiều lĩnh vực nghệ thuật, như văn chương, hội họa, âm nhạc, điện ảnh…
Ảnh hưởng của Dante đối với những nhà thơ hậu thế là không thể phủ nhận. Chỉ cần điểm ra một vài cái tên như Geoffrey Chaucer, John Milton, Alfred Tennyson, William Blake rồi sau đó là Ezra Pound, James Joyce, Samuel Beckett là đủ thấy sức hấp dẫn và ảnh hưởng của Dante. Một trong số đó là thi hào Thomas S. Eliot (1888 – 1965), nhà thơ, nhà phê bình, nhà viết kịch người Mỹ gốc Anh đạt giải Nobel Văn học năm 1948, lá cờ đầu của phong trào thơ Hiện đại chủ nghĩa. Ngay từ khi còn là một sinh viên triết học tại Đại học Harvard, Eliot đã lấy cảm hứng từ Dante để viết lên thi phẩm đầu tiên của mình với nhan đề The love song of J. Alfred Prufrock (Bản tình ca của J. Alfred Prufrock) lần đầu xuất bản vào năm 1915, với lời đề từ bằng tiếng Ý được trích từ chính tác phẩm Thần khúc. Thậm chí, Eliot từng phát biểu: “Dante và Shakespeare chia đôi thế giới thành hai nửa. Không có người thứ ba.”
Chỉ riêng xoay quanh Dante, Eliot đã viết tới ba tiểu luận, tiểu luận đầu tiên vào năm 1920 mang tên Dante, in trong cuốn The sacred wood: essays on poetry and criticism (Rừng thiêng: tập tiểu luận về thơ ca và phê bình, 1921); tiểu luận thứ hai cùng tên được in trong tập Selected essays 1917 – 1932 (Tuyển chọn tiểu luận giai đoạn 1917 – 1932) xuất bản vào năm 1932; tiểu luận thứ ba, mang tên What Dante means to me (Dante có ý nghĩa gì đối với tôi), ban đầu là một bài “nói chuyện” được Eliot trình bày tại Viện Ý ở London vào ngày 4/7/1950, và công bố trên tạp chí của Viện mang tên Italian News. Sau này nó cũng được xuất bản trong The Adelphi, quý I năm 1951 và in trong tập tiểu luận To Criticize the Critic and Other Writings (Phê bình nhà phê bình và các tác phẩm khác) vào năm 1956.
Nếu như trong tiểu luận thứ nhất, Eliot luận bàn về việc Dante sử dụng phúng dụ (allegory) để thể hiện các chủ đề triết học và tôn giáo, thì ở tiểu luận thứ hai, Eliot cho thấy tính phổ quát của ngôn ngữ thơ Dante. Và đến tiểu luận cuối cùng, trân trọng được giới thiệu bạn đọc ở dưới đây, là sự tri ân của Eliot dành cho “người thầy trọn đời” của mình.
T.S. Eliot
DANTE CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI TÔI?
Đầu tiên, liệu tôi có thể giải thích lý do tại sao tôi lại không chọn trình bày một bài giảng về Dante, mà thay vào đó, được nói một cách thân tình về ảnh hưởng của ông đối với tôi? Làm điều này, dường như có vẻ là tự cao tự đại, nhưng tôi cho đây là khiêm tốn; và sự khiêm tốn giả vờ này đơn thuần chỉ là sự thận trọng. Tôi hoàn toàn không phải là một học giả về Dante; còn hiểu biết chung của tôi về tiếng Ý, để tôn trọng thính giả cũng như tôn trọng chính Dante, lần này tôi sẽ cố gắng không trích dẫn ông bằng tiếng Ý. Và tôi cảm thấy mình cũng không có thêm bất kỳ đóng góp gì cho chủ đề về thơ ca của Dante, so với một tiểu luận ngắn tôi đã viết nhiều năm trước. Như đã lý giải trong lời dẫn nhập của tiểu luận đó, tôi đọc Dante song song với một bản dịch văn xuôi được đặt cạnh. Bốn mươi năm trước tôi bắt đầu tìm lời giải cho Dante theo cách này; và khi tôi cho rằng mình đã nắm bắt được ý nghĩa của đoạn thơ mà mình cực kỳ ấn tượng, tôi khắc ghi nó vào trí nhớ; để nhiều năm sau đó, khi nằm trên giường hoặc trên một chuyến đi tàu hỏa, tôi có thể tự ngâm trích đoạn của một khổ này hoặc khổ khác. Chỉ có trời mới biết được nó được ngân lên như thế nào nếu tôi đọc to nó; và cũng chỉ bằng phương thức này tôi mới đắm chìm bản thân vào thơ của Dante. Và giờ đây, hai mươi năm đã trôi qua, kể từ khi tôi đặt bút viết tất cả những hiểu biết hạn chế, nhưng đủ để cho phép mình được nói về Dante. Song, tôi nghĩ sẽ là thú vị với bản thân, và có thể thú vị với mọi người, để thử ôn lại tôi đã chịu ơn Dante những gì. Tôi không nghĩ rằng mình có thể giải thích mọi thứ, ngay cả với chính bản thân mình; nhưng sau bốn mươi năm, tôi vẫn hằng coi thơ của ông là ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc nhất tới thơ ca của mình, ít nhất tôi nên minh định một vài lý do. Có lẽ lời tự bạch của những nhà thơ, về ý nghĩa của Dante đối với họ, có thể đóng góp một điều gì đó cho chính sự đánh giá đúng về Dante. Và cuối cùng, nó là đóng góp duy nhất mà tôi có thể làm.
Những ân nghĩa lớn nhất không phải lúc nào cũng hiển hiện nhất; ít nhất, có rất nhiều loại ân nghĩa khác nhau. Loại tôi mắc nợ Dante là loại luôn luôn chất chồng, loại ân nghĩa không đơn thuần chỉ là của một giai đoạn này hay một giai đoạn khác trong đời người. Về một số nhà thơ khác, tôi có thể nói rằng tôi nhận được rất nhiều từ họ trong một giai đoạn cụ thể. Như Jules Laforgue, chẳng hạn, tôi có thể nói rằng ông là người đầu tiên dạy tôi biết nói, dạy cho tôi biết về những khả thể thơ ca đến từ cách diễn đạt lời nói của chính mình. Tôi cho rằng, những ảnh hưởng đầu tiên, những ảnh hưởng mà có thể nói giúp ai đó tìm ra chính bản thân mình, là nhờ một ấn tượng mà ở một bên, là sự nhận diện một tính cách giống với bản thân mình, và ở bên kia, là sự khám phá ra phương thức biểu đạt cung cấp manh mối cho sự phát hiện ra phương thức của chính mình. Chúng không phải là hai thứ đơn biệt, mà là hai khía cạnh của cùng một thứ. Nhưng một nhà thơ có thể tạo ra điều này cho một tác giả trẻ, không hẳn đã là một trong những bậc thầy lớn. Những bậc thầy quá cao quý và quá đỗi xa vời. Họ giống như những vị tổ tiên xa xôi trong quá khứ, những người đã gần như được phong thần; trong khi các nhà thơ ít đáng kể hơn, người đã dẫn dắt những bước đi đầu tiên, thì giống với một người anh trai đáng ngưỡng mộ hơn.
Bởi vậy, trong số các ảnh hưởng, có những nhà thơ mà từ họ ai đó đã học được một điều, có thể vô cùng quan trọng với bản thân người này, cho dù đó không nhất thiết là đóng góp vĩ đại nhất của họ. Tôi nghĩ rằng mình đã lần đầu học được từ Baudelaire, một tiền bối về những khả thể thi ca chưa từng được bất cứ nhà thơ nào đồng ngôn ngữ với tôi khai phá, về những cạnh khía bẩn thỉu của đô thị hiện đại, về khả thể dung hợp giữa hiện thực và ảo ảnh nhớp nhúa, khả thể về sự kề cận giữa thực tế hiển nhiên và cái tưởng tượng. Từ ông, cũng như từ Laforgue, tôi đã học được về chất liệu mà mình có, tức thứ trải nghiệm của một thanh niên trong một thành phố công nghiệp ở Mỹ, có thể trở thành chất liệu cho thơ; và rằng cội nguồn của thơ ca mới này có thể được tìm thấy trong những thứ cho tới nay vẫn bị coi là bất khả, cằn cỗi khô khan và phi thơ ca; rằng nhà thơ, trên thực tế, phải cam kết sứ mệnh biến cái không phải là thơ trở thành thơ. Một nhà thơ kiệt xuất có thể tặng cho một nhà thơ trẻ hơn mọi thứ mình có, chỉ với một vài dòng ngắn ngủi. Có vẻ như tôi đã mang ơn Baudelaire, chủ yếu từ một vài câu thơ trong toàn bộ tập Fleurs du Mal (Những bông hoa ác – ND); và tầm quan trọng của ông đối với tôi có thể được tựu lại trong hai câu thơ:
Fourmillante Cité, cité pleine de rêves
Où le spectre en plein jour raccoche le passant…
(Thành phố đông đúc, thành phố đầy mộng mơ
Nơi bóng ma giữa ban ngày lơ lửng trên người qua đường… – ND)
Tôi biết ý nghĩa của nó là gì, bởi vì tôi đã nghiệm sinh nó trước khi muốn biến nó thành những vần thơ của mình.
Dường như đối với các bạn, tôi rất xa cách với Dante. Nhưng tôi sẽ không thể cho các bạn biết chính xác Dante cho tôi những gì, nếu không nói về những gì các nhà thơ khác đã làm cho tôi. Khi viết về Baudelaire, hay Dante, hoặc bất cứ nhà thơ nào đã có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của mình, tôi viết bởi vì nhà thơ đó có ý nghĩa quá lớn đối với tôi, nhưng không phải viết về bản thân tôi, mà viết về nhà thơ và thơ của người này. Do đó, động lực đầu tiên thôi thúc tôi viết về một nhà thơ vĩ đại, là ân nghĩa; nhưng những lý do hàm ơn có thể chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong sự nhận thức đánh giá về nhà thơ này.
Một người có vô số món nợ, món nợ ân tình kiểu khác, đối với các nhà thơ. Có những nhà thơ đã tồn tại trong thẳm sâu tâm trí một người, hoặc có lẽ là ở trong ý thức, khi người này đang cần giải quyết một vài vấn đề, và từ những gì các nhà thơ đã viết gợi ra giải pháp. Có những nhà thơ đã được ai đó chủ ý vay mượn, phóng tác một câu hay một khổ vào một ngôn ngữ khác hay một giai đoạn hoặc bối cảnh khác. Có những nhà thơ đã tồn tại trong tâm trí của một người như thể đã đặt ra chuẩn mực cho một phẩm tính thơ cụ thể, như Villon (François Villon, nhà thơ lớn người Pháp thời Hậu kỳ Trung cổ – ND) là tiêu chuẩn cho sự trung thực, còn Sappho (nữ nhà thơ Hy Lạp cổ đại thế kỷ VII – VI TCN – ND) là sự ấn định cảm xúc cụ thể trong số lượng con chữ tối thiểu hợp lý. Và có cả những bậc thầy vĩ đại, nhờ họ một ai đó từ từ trưởng thành. Khi còn trẻ, tôi cảm thấy thích các nhà soạn kịch ít tên tuổi thời Elizabeth (thời đại nữ hoàng Anh Elizabeth I trị vì, 1558 – 1603 – ND) hơn là Shakespeare: bởi có thể nói, các nhà soạn kịch này là những bạn chơi vừa tầm cỡ với tôi hơn. Một thử thách của các bậc thầy vĩ đại, Shakespeare là một trong số đó, là việc đánh giá đúng thơ ca của họ là một sứ mệnh cả đời người, bởi ở mọi giai đoạn trưởng thành – và đó nên là toàn bộ cuộc đời của một người – chúng ta sẽ hiểu họ hơn. Trong số họ là Shakespeare, Dante, Homer và Virgil.
Tôi đã phân loại một vài biến thể của “ảnh hưởng” để bằng cách tương phản, tiếp cận một chỉ báo về ý nghĩa của Dante đối với tôi. Hiển nhiên tôi đã vay mượn những câu thơ từ ông, trong một nỗ lực nhằm thử tái tạo, hay đúng hơn là khuấy động trí nhớ của bạn đọc về một vài hoạt cảnh kiểu Dante, và nhờ vậy thiết lập một mối liên hệ giữa địa ngục trung cổ và đời sống hiện đại. Những bạn đọc tác phẩm Waste Land (Đất hoang – ND) của tôi hẳn sẽ nhớ lại quang cảnh những viên chức thành phố chen chúc trên cây cầu London từ nhà ga tới văn phòng của mình, gợi lên chiêm nghiệm ‘Tôi không nghĩ thần chết bắt nhiều người đến vậy’ (Eliot mượn câu thơ cảm thán của Dante khi bước vào địa ngục trong khúc III trong Thần khúc – ND); và ở một chỗ khác tôi đã cố tình điều chỉnh một câu thơ của Dante bằng cách cải biến nó – ‘bật ra những tiếng thở dài ngắn và đứt đoạn.’ Và trong phần chú thích tôi đã cung cấp những tham khảo, nhằm giúp cho người đọc nhận ra sự ám chỉ này hiểu được dụng ý của tôi là muốn cho anh ta nhận ra nó, đồng thời để người này biết rằng mình chưa hiểu được thâm ý câu thơ nếu không nhận ra ám chỉ trên. Hai mươi năm sau khi viết Đất hoang, trong Little Gidding tôi có viết một đoạn với dụng ý muốn nó sát nhất với một khúc về Địa ngục hay Luyện ngục, cả về phong cách lẫn nội dung, nhất có thể. Dĩ nhiên mục đích này cũng giống với những ám chỉ tới Dante của tôi trong Đất hoang: để trình ra trong óc bạn đọc một sự so sánh, bằng phương pháp tương phản, giữa Địa ngục và Luyện ngục mà Dante từng viếng thăm, với một cảnh tượng gợi ảo giác sau một cuộc không kích. Nhưng phương pháp có sự khác biệt: ở đây tôi không cho phép mình trích dẫn hay phóng tác quá dài – tôi chỉ tùy tiện vay mượn và phóng tác một vài câu – bởi vì tôi đang bắt chước. Vấn đề đầu tiên của tôi là tìm ra một thể thơ tiệm cận với terza rima (thể thơ khổ ba vần đan xen mà Dante sử dụng trong Thần khúc, với mỗi vần lặp lại ba lần sau mỗi năm dòng – ND) mà không cần phải gieo vần. Tiếng Anh kém phong phú từ ngữ gieo vần hơn là tiếng Ý; và những vần chúng ta có ở đây theo một cách nào đó là rõ ràng hơn. Những từ gieo vần thu hút quá nhiều sự chú ý: tiếng Ý đối với tôi là một loại ngôn ngữ mà một phép gieo vần chính xác luôn đạt được hiệu quả của nó – và hiệu quả của một phép gieo vần là gì, thì là chuyện của nhà thần kinh học thay vì của một nhà thơ – mà không hề thu hút quá nhiều sự chú ý vào mình. Do đó, để phục vụ mục đích của mình, tôi đã vận dụng một phép đan xen đơn giản các vĩ tố giống đực và vĩ tố giống cái (masculine and feminine terminations), như là cách gần nhất để tạo ra hiệu quả nhẹ nhàng như vần trong tiếng Ý. Khi nói ra điều này, tôi không định phát biểu một quy luật, mà đơn thuần chỉ lý giải cách tôi xử lý một vấn đề cụ thể. Tôi nghĩ rằng một bản dịch Divine Comedy (Thần khúc) ra terza rima có vần điệu sẽ không thỏa đáng bằng thơ không vần (blank verse). Bởi, không may vì mục đích này, một nhịp thơ khác là cả một lối tư duy khác; nó là một kiểu chấm câu (punctation) khác, bởi sự nhấn giọng và dừng hơi không đến cùng một vị trí. Dante tư duy theo terza rima, và một bài thơ chỉ có thể được chuyển ngữ tiệm cận chuẩn xác nhất theo cùng một dạng thức tư duy như nguyên bản. Bởi vậy, khi chuyển sang thơ không vần, nó đã đánh mất một thứ gì đó; mặc dù ngược lại, khi đọc một bản dịch terza rima của Thần khúc và bắt gặp những đoạn tôi nhớ rất rõ bản gốc, tôi luôn chực chờ lo lắng, trước những xê dịch và bóp méo không thể tránh khỏi mà tôi biết dịch giả buộc phải thực hiện để có thể cắt gọt ngôn từ của Dante vào vần điệu tiếng Anh. Và không một thơ ca nào đòi hỏi tính sát chữ (literalness) khi chuyển ngữ hơn là thơ của Dante, bởi không một nhà thơ nào thuyết phục người khác hoàn toàn rằng từ ngữ ông sử dụng là từ ông ấy muốn, mà không phải là từ nào khác.
Tôi không dám chắc sự thay thế vần điệu tôi sử dụng trong đoạn thơ được đề cập tới có phù hợp với một bài thơ nguyên bản rất dài tiếng Anh hay không: nhưng tôi biết rằng phần đời còn lại sẽ không đủ thời gian để viết nó. Một trong những điều lý thú tôi học được khi tìm cách bắt chước Dante bằng tiếng Anh, chính là độ khó vô cùng của nó. Đoạn thơ này – không dài bằng một khúc của Thần khúc – khiến tôi mất nhiều thời gian, công sức và bực mình hơn tất thảy những đoạn thơ khác có độ dài tương tự tôi từng viết. Tôi không đơn thuần chỉ bị giới hạn ở hình tượng, so sánh và hình thái tu từ kiểu Dante. Chủ yếu trong phong cách trần trụi và chân phương này, trong đó mọi từ ngữ đều phải có ‘chức năng,’ sự mơ hồ hay thiếu chính xác nhỏ nhất ngay lập tức trở nên dễ nhận thấy. Ngôn ngữ phải trực diện vô cùng; một câu thơ và từ đơn phải hoàn toàn tuân theo mục đích tổng thể; và khi bạn sử dụng những từ ngữ và cụm từ đơn giản, bất cứ sự lặp lại thành ngữ phổ biến nhất hay những từ ngữ được cần đến thường xuyên nhất, trở thành một khuyết điểm rành rành.
Tôi không nói rằng terza rima cần phải bị loại bỏ khỏi kết cấu thơ tiếng Anh; nhưng tôi tin rằng đối với đôi tai hiện đại – tức đôi tai đã được đào luyện ở thế kỷ này (thế kỷ XX – ND), và do đó đã quen được chuẩn bị trước những khả thể thơ không vần – một loại thơ dài hiện đại theo một vần luật ấn định có khả năng vừa đơn điệu vừa giả tạo, hơn là đối với một đôi tai của hàng trăm năm trước. Nhưng tôi chắc chắn rằng nó sẽ chỉ khả thi trong một bài thơ dài, nếu nhà thơ chỉ vay mượn hình thức, chứ không tìm cách để gợi người đọc tới Dante trong mọi câu chữ. Có một thi phẩm ở thế kỷ XIX đôi khi dường như mâu thuẫn với điều này. Đó là Triumph of Life (Chiến thắng của cuộc sống – ND). Lẽ ra hôm nay tôi phải đề cập đến Shelley (Percy Bysshe Shelley, nhà thơ lãng mạn Anh kiệt xuất thế kỷ XIX – ND) trong mọi trường hợp, bởi vì Shelley là nhà thơ người Anh, hơn tất cả mọi người khác, người mà ảnh hưởng của Dante là rất đáng kể. Với tôi, dường như Shelley xác nhận ấn tượng của tôi rằng ảnh hưởng của Dante, cho dù rất mạnh mẽ, là một ảnh hưởng lũy tích: nghĩa là, ta càng già đi, thì ảnh hưởng càng trở nên thống ngự mạnh mẽ hơn. Chiến thắng của cuộc sống, một tác phẩm thơ vốn là sự tri ân lớn nhất của Shelley dành cho Dante, cũng là tác phẩm thơ vĩ đại cuối cùng của ông. Tôi nghĩ nó cũng là tác phẩm thơ vĩ đại nhất. Nó kết thúc dang dở; nó dừng lại đột ngột ở giữa dòng; và ai đó không khỏi tò mò rằng liệu Shelley đã có thể kết thúc nó hoàn hảo hay không. Sức ảnh hưởng của Dante thực ra đã được minh chứng trước đó; rõ ràng nhất là trong Ode to the West Wind (Khúc ca ngợi ngọn gió Tây – ND), trong đó, ngay từ đầu bài thơ, hình ảnh của lá quay cuồng trong gió
Like stricken ghosts from an enchanter fleeing
(Như những hồn ma đang chạy trốn bùa mê – ND)
sẽ là bất khả, nhưng với Địa ngục – trong đó có rất nhiều hiện thân khác nhau của gió, cùng rất nhiều rung cảm của không khí, cũng quan trọng như những khía cạnh của ánh sáng trên Thiên đàng. Tuy nhiên trong Chiến thắng của cuộc sống, tôi không nghĩ rằng Shelley đang ép mình hướng tới tiệm cận với sự mộc mạc của Dante như tôi; ông cởi mở cho mọi kho tàng diễn đạt thơ nói của mình. Song, bởi một ái lực tự nhiên với trí tưởng tượng thơ của Dante, một sự bão hòa trong thơ (và tôi không cần phải nhắc lại đối với các bạn về sự thông thạo tiếng Ý của Shelley, cũng như một hiểu biết sâu rộng triệt để của ông về mọi thơ ca Ý ở thời đại của mình), khiến tâm trí ông được truyền cảm hứng đê viết ra những câu thơ kiểu Dante kiệt xuất nhất bằng tiếng Anh. Tôi buộc phải trích dẫn ra đây một đoạn thơ đã gây ra trong tôi một ấn tượng không thể xóa nhòa hơn bốn mươi lăm năm trước:
Struck to the heart by this sad pageantry,
Half to myself I said, ‘And what is this? Whose shape is that within the car? and why—’
I would have added—‘is all here amiss?’ But a voice answered—‘Life’—I turned and knew (O Heaven have mercy on such wretchedness!)
That what I thought was an old root which grew To strange distortion out of the hill side, Was indeed one of that deluded crew,
And that the grass, which methought hung so wide And white, was but his thin discoloured hair, And that the holes it vainly sought to hide,
Were or had been eyes.—‘lf thou canst forbear To join the dance, which I had well forborne!’ Said the grim Feature (of my thought aware).
‘I will unfold that which to this deep scorn Led me & my companions, and relate The progress of the pageant since the morn;
‘If thirst of knowledge shall not thus abate, Follow it thou even to the night, but I Am weary’—Then like one who with the weight
Of his own words is staggered, wearily He paused, and ere he could resume, I cried: ‘First who art thou?’—‘Before thy memory,
I feared, loved, hated, suffered, did, and died, And if the spark with which Heaven lit my spirit Had been with purer nutriment supplied,
Corruption would not now thus much inherit Of what was once Rousseau—nor this disguise Stain that within which still disdains to wear it… |
Sợ chết khiếp trước cảnh tượng nghi lễ buồn thẳm này,
Tôi lầm bẩm tự nhủ, ‘Và cái gì đây? Đó là hình dạng của ai trong chiếc xe? và tại sao—’
Lẽ ra tôi phải nói thêm—‘mọi thứ ở đây đều không ổn?’ Nhưng rồi một giọng hồi đáp—‘Cuộc đời’—tôi ngoảnh lại và hiểu (Chúa ơi xin hãy rủ lòng từ bi với sự bất hạnh này!)
Thứ tôi nghĩ là một rễ cây già đâm lên Khỏi sườn đồi đầy méo mó kỳ quặc Hóa ra là một thành viên của nhóm người bị đánh lừa
Và thứ cỏ, mà tôi nghĩ rằng thõng xuống quá rộng Và trắng, là mái tóc mỏng bị đổi màu của ông ta Và những chiếc lỗ mà ông ta vô vọng tìm cách che giấu
Đã từng có thể là hốc mắt.—‘Nếu ngươi không chịu Tham dự cuộc khiêu vũ, thứ mà ta đã từ bỏ!’ Gương mặt dữ tợn nói (mà suy nghĩ của tôi nhận thức được)
‘Ta sẽ kể cho nghe về sự khinh bỉ sâu sắc này Đã dẫn dắt ta và những bạn đồng hành, và thuật lại tiến trình nghi lễ kể từ buổi sáng;
‘Nếu khao khát hiểu biết không nguôi ngoai, Hãy theo đuổi nó ngay cả vào trong màn đêm, nhưng ta Đã mệt mỏi’—Rồi giống như một người bị sức nặng
Của chính ngôn từ của mình khiến cho chao đảo, kiệt sức Ông dừng lại; và trước khi anh ta có thể nói tiếp, tôi thốt lên: “Trước hết, ngươi là ai?’—‘Trước ký ức của ngươi,
Ta đã sợ, yêu, ghét, thống khổ, làm việc và qua đời, Và nếu chớp lóe của Thiên đàng thắp sáng tinh thần của ta Đã được cung ứng dưỡng chất thuần khiết hơn,
Thì mục rữa đã không kế thừa Người đã từng là Rousseau,—lẫn cả lớp ngụy trang này Làm nhơ nhuốc con người bên trong vẫn khinh bỉ khi khoác lên nó…
|
Phải, đoạn thơ là không đủ. Nhưng tôi đã trích dẫn nó như một trong những sự tri ân tối thượng dành cho Dante bằng tiếng Anh; bởi nó minh chứng nhưng gì Dante đã làm, cả về phong cách lẫn linh hồn, của một nhà thơ Anh kiệt xuất. Và thật tình cờ, cũng là một một nhận định rất thú vị về Rousseau (Jean-Jacques Rousseau, triết gia Khai sáng, đồng thời là nhân vật trong tác phẩm thơ kể trên của Shelley – ND). Sẽ thật lý thú, nhưng cũng thật vô ích, nếu tiếp tục theo đuổi những bằng chứng cho thấy Shelley đã mang ơn Dante; đối với những ai đã thấu rõ nguồn gốc, thì chỉ cần trích ba câu đề từ của thi phẩm Epipsychidion là đủ:
My Song, I fear that thou wilt find but few
Who fitly shall conceive thy reasoning,
Of such hard matter dost thou entertain.
(Bài ca của ta, ta sợ rằng nàng sẽ chỉ tìm thấy
Một số ít người phù hợp hiểu được lý lẽ của nàng
Bởi những vấn đề khó mà nàng ấp ủ – ND)
Song, tôi nghĩ mình đã làm rõ ân nghĩa đối với Dante không nằm trong sự vay mượn hay phóng tác từ Dante của nhà thơ; cũng không phải một ân nghĩa chỉ xuất hiện trong một giai đoạn nhất định trong sự phát triển của một nhà thơ khác. Nó cũng không được tìm thấy trong những đoạn thơ mà ai đó đã coi ông như là khuôn mẫu. Ân nghĩa quan trọng không hề hiện diện trong mối tương quan với số lượng những chỗ trong tác phẩm mà ở đó nhà phê bình có thể chỉ vào và nói rằng, ở chỗ này hoặc chỗ kia tác giả đã viết ra một thứ mà người này sẽ không thể viết nổi nếu không có Dante ở trong đầu. Cũng như tôi không muốn nhắc đến bất kỳ món nợ nào mà ai đó có thể mang ơn tư tưởng của Dante, quan niệm sống của ông, hay mang ơn thứ triết học và thần học đã mang lại cho Thần khúc hình thức lẫn nội dung. Đó là một câu hỏi khác, mặc dù không hề liên quan. Về những gì một người có thể học được và tiếp tục học từ Dante, tôi sẽ chỉ ra ba điểm.
Thứ nhất, trong một số ít các nhà thơ cùng tầm cỡ, không hề có ai, kể cả Virgil, là một học giả chú tâm tới nghệ thuật thơ ca, hay là một người thực hành tỉ mẩn, chi li và có ý thức về thủ pháp [hơn Dante – ND]. Hiển nhiên về cạnh khía này không một nhà thơ Anh nào có thể sánh được với ông, bởi những nghệ nhân có ý thức hơn – tôi chủ yếu nghĩ tới Milton (John Milton, tác giả của Thiên đường đã mất – ND) – là những nhà thơ hạn chế hơn, và do đó, thủ pháp của họ cũng kém điêu luyện hơn. Càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của điều này, trải qua những năm tháng cuộc đời, tự thân đã là một bài học tinh thần; nhưng tôi sẽ rút thêm bài học ra từ nó, và cũng là một bài học tinh thần. Toàn bộ việc nghiên cứu và thực hành của Dante dường như muốn dạy cho tôi một bài học rằng nhà thơ nên là đầy tớ của ngôn ngữ, thay vì là chủ nhân của nó. Ý thức trách nhiệm này chính là một trong những dấu ấn của nhà thơ cổ điển, ‘cổ điển’ (classical) theo cái nghĩa mà tôi đã định nghĩa ở đâu đó khi nói về Virgil. Về một vài nhà thơ vĩ đại, và đặc biệt là một vài nhà thơ Anh kiệt xuất, ai đó có thể nói rằng họ, nhờ thiên tư của mình, đã có đặc quyền lạm dụng tiếng Anh, để phát triển một cách dụng ngữ diễn đạt đặc thù và thậm chí lập dị, và nó không hề hữu dụng với các nhà thơ sau này. Dante đối với tôi dường như có một vị trí trong văn chương Ý – về mặt này, chỉ có Shakespeare mới có chỗ đứng tương tự trong văn chương của chúng ta; tức là, họ hiến dâng cơ thể cho linh hồn của ngôn ngữ, bản thân họ tự thuần phục, người này có ý thức còn người kia ít có ý thức hơn, trước thứ họ tiên đoán những khả thể của nó. Và bản thân Shakespeare nắm bắt những đặc quyền mà thiên tài của ông cho phép; những đặc quyền mà Dante, người có thiên tài tương tự, không nắm lấy. Để truyền lại cho hậu thế đời sau ngôn ngữ của mình, phát triển hơn, tinh tế hơn và chuẩn xác hơn thứ ngôn ngữ trước đây được viết, chính là thành tựu cao nhất có thể của nhà thơ với tư cách là một nhà thơ. Dĩ nhiên, một nhà thơ thực sự siêu tuyệt làm cho thơ trở nên khó hơn đối với những hậu bối của mình, nhưng chính thực tế đơn giản về sự tối thượng này, và cái giá văn học phải trả để đổi lấy một Dante hay một Shakespeare, chính là nó chỉ có thể sở hữu duy nhất một người như vậy mà thôi. Các nhà thơ sau này phải tìm một thứ khác để đeo đuổi, và chấp nhận hài lòng khi những gì còn lại cho họ là những điều nhỏ hơn. Nhưng tôi không nói về điều một nhà thơ tối thượng, một trong số ít những người mà nếu không có họ, tiếng nói của một dân tộc với một ngôn ngữ vĩ đại ngày nay sẽ không còn là nó, đã làm cho các nhà thơ hậu thế, hay về điều mà ông đã khiến họ không thể thực hiện, thay vào đó, tôi nói về những gì ông đã làm cho tất cả mọi người đời sau nói ngôn ngữ đó, có tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ này, cho dù họ có là nhà thơ, triết gia, chính khách hay phu khuân vác ở nhà ga đi chăng nữa.
Đó là một bài học: rằng một bậc thầy vĩ đại của ngôn ngữ nên là đầy tớ trung thành của nó. Bài học thứ hai của Dante – và một bài học mà không một nhà thơ, ở bất ký ngôn ngữ nào tôi biết, có thể dạy – là bài học về phổ rộng của phạm vi cảm xúc. Có lẽ tốt nhất nên diễn đạt nó bằng hình ảnh của quang phổ, hay của gam nhạc. Sử dụng hình ảnh minh họa này, tôi có thể nói rằng nhà thơ vĩ đại không nên chỉ nhận thức và phân biệt rõ ràng về màu sắc lẫn âm thanh trong trường thị giác hoặc thính giác hơn những người khác; người này nên nhận thức được những dao động vượt bên ngoài phạm vi của người thường, và có khả năng khiến cho con người nghe và nhìn được xa hơn những gì họ có thể thấy mà không cần tới sự giúp đỡ của mình. Ví dụ trong văn học Anh chúng ta có những nhà thơ tôn giáo kiệt xuất, nhưng họ, khi so sánh với Dante, chỉ là những chuyên gia. Đó là tất cả những gì họ có thể làm. Và Dante, bởi vì ông có thể làm được mọi thứ, nên vì lý do này, ông là nhà thơ ‘tôn giáo’ vĩ đại nhất, nhưng nếu chỉ gọi ông là một ‘nhà thơ tôn giáo’ sẽ là phủ nhận sự toàn năng của ông. Thần khúc biểu đạt mọi thứ bằng cảm xúc, giữa tuyệt vọng sa đọa và ảo mộng hạnh phúc con người có thể cảm nghiệm được. Do đó, nó là một lời nhắc nhở thường trực đối với nhà thơ, về bổn phận phải khám phá, phải tìm cho ra ngôn từ cho những thứ không rõ ràng, phải chộp được những cảm xúc mà con người khó có thể cảm nhận, bởi vì họ không có từ ngữ để mô tả chúng; và đồng thời, một lời nhắc nhở rằng nhà thám hiểm vượt ra ngoài ranh giới của ý thức thông thường, sẽ chỉ có thể quay trở về và tường thuật lại cho những công dân của mình, nếu người này luôn có một hiểu biết xác quyết về những thực tại mà họ đã sẵn quen thuộc.
Hai thành tựu trên của Dante, không thể được quan niệm là khác biệt hoặc có thể chia tách. Nhiệm vụ của nhà thơ, trong việc khiến cho mọi người lĩnh hội được cái bất khả lĩnh hội, đòi hỏi những nguồn lực khổng lồ của ngôn ngữ; và trong việc phát triển ngôn ngữ, làm giàu thêm ý nghĩa của ngôn từ và chứng minh khả năng của ngôn từ, thì người này đã mở rộng một phạm vi cảm xúc và tri giác lớn hơn rất nhiều dành cho những người khác, bởi vì nhà thơ đã cho họ một tiếng nói để có thể diễn đạt được thêm nhiều thứ hơn. Tôi chỉ gợi ra một ví dụ mà Dante đã đóng góp cho ngôn ngữ của mình – và cho ngôn ngữ của chúng ta, bởi vì ta đã tiếp nhận từ ngữ này và Anh hóa nó – động từ trasumanar (vượt lên trên bản chất người, trở thành một thứ gì đó hơn người – ND).
Những gì tôi vừa phát biểu không phải là không liên quan đến thực tế – mà đối với tôi nó xem ra là một thực tế không thể bác bỏ – rằng Dante, vượt qua tất cả các nhà thơ khác ở lục địa chúng ta, là nhà thơ châu Âu nhất. Ông là nhà thơ ít tính tỉnh lẻ nhất – nhưng phát biểu này phải ngay lập tức được bào chữa bằng cách nói rằng ông không trở thành nhà thơ ‘ít tính tỉnh lẻ nhất’ bằng việc từ bỏ tỉnh lẻ. Không một ai mang tính địa phương hơn cả; nên nhớ rằng có rất nhiều vấn đề trong thơ ca của Dante sẽ lọt khỏi những bạn đọc không có tiếng Ý là ngôn ngữ mẹ đẻ; nhưng tôi tin rằng không một bạn đọc nước ngoài kém nhận thức hơn về những tàn dư mà họ sẽ vĩnh viễn bỏ lọt, so với bất kỳ ai trong số chúng ta khi đọc tác phẩm của một bậc thầy có ngôn ngữ khác mình. Tiếng Ý của Dante, bằng một cách nào đó, đã trở thành ngôn ngữ của chúng ta ngay từ thời khắc ta thử bắt đầu đọc nó; và bài học về thủ pháp, về tiếng nói và sự khám phá tri giác là những bài học mà bất cứ người châu Âu nào có thể lưu tâm và thử vận dụng vào ngôn ngữ của mình.
Phạm Minh Quân dịch từ bản tiếng Anh:
T.S. Eliot, To Criticize the Critic and Other Writings
(Phê bình nhà phê bình và các tác phẩm khác)
Đại học Nebraska xuất bản, 1956, tr. 125 – 135.