THEODORE VÀ TÔI – TRUYỆN NGẮN CỦA MOBULA
Lời tác giả tự giới thiệu ngắn về truyện Theodore và tôi: Tôi đã tò mò, nếu anh tôi tự nhiên chết thật bây giờ, thì tôi, gia đình tôi sẽ ra sao? Đó không hẳn chỉ là tò mò, đối với riêng tôi đó từ biệt. Tôi viết truyện ngắn này để tang cho sự sống của một người chưa chết hẳn. Để tang cho một phần căn tính của tôi để sẵn sàng bước đi trên một con đường mới. Tôi lồng vào truyện mình câu chuyện của anh em nhà Van Gogh, một phần vì đó là tình anh em tôi hằng mơ ước nhưng không có được, một phần vì tìm thấy những nét tương đồng trong số phận của anh em họ với anh em tôi, phần lớn nhất là muốn hoá thân một lần để Theodore Van Gogh có thể đứng ở vị trí trung tâm nói lên suy tư của riêng mình chứ không phải chỉ là một người đứng sau. Anh-em, đối với tôi là thứ quan hệ lạ kì nhất. Nếu như quan hệ cha mẹ và con cái, những người bạn hoặc giữa vợ chồng là những quan hệ ta có thể chọn để trải nghiệm được, còn anh em thì không. Họ là người bạn đầu đời của ta. Họ cùng lúc chia sẻ, tranh giành, nâng đỡ và tổn thương ta, ăn cùng một nồi cơm, ở cùng với ta dưới một mái nhà, cùng chung huyết thống (chí ít là một nửa cũng được)... Thế rồi chúng ta đã đi vào những ngã rẽ thật khác nhau mà những tương thông thời thơ ấu đã không thể giấu đi những rạn nứt. Nhưng ta cũng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng như tay với chân giữa những người anh em thuở bé tác động lên ta, giờ đây đã là những người lớn có nhiều đổi thay, đã luôn luôn nhuộm đẫm vào căn tính không bao giờ tẩy đi được. Liệu khi những người anh chết đi, người em như ta sẽ trở thành gì?

THEODORE VÀ TÔI – TRUYỆN NGẮN CỦA MOBULA

Mùa hè, mùa hè xảy đến với chúng ta khi nào? Khi dự báo thời tiết đưa tin về những đợt nắng nóng đầu tiên, không quên chuyên mục nhắc nhở đeo kính râm, đội mũ? Khi cha xé tờ lịch lập hạ rồi ghi vào tờ tiếp theo ngày đem xe đi thay nhớt? Khi thầy đứng dậy bảo “đã hết giờ làm bài” của môn thi cuối cùng, khắp phòng thi là những khuôn mặt xa lạ cùng chung một niềm xa xôi? Hoặc khi khắp mặt trận thương mại điện tử tưng bừng chào hè, chào chúng ta với cơ man nào là kem chống nắng, đồ đi biển…? Mùa hè ùa vào da thịt mỗi người qua làn gió máy lạnh chạy hết công suất. Ta dùng mùa hè vào những chuyến đi tránh nóng. Mùa hè mãnh liệt tràn qua thành phố, sục sôi nhựa đường. Ta dồn nén tất cả động lực cháy bỏng, nồng nhiệt, bức bối để bứt phá, hưởng thụ, hành động vào tên gọi “mùa hè”. Mùa hè bắt đầu ngay khi lòng ta dẹp bỏ lắng lo, cả khi ta dường như phải tự kiềm chế nhiệt thành, cho chính mình không bị thiêu đốt. Mùa hè sẽ đến như thế đấy, dù cho nơi ta sống quanh năm nền nhiệt trung bình chẳng bao giờ dưới 27 độ. Một mùa hè tưởng tượng ngoài cửa sổ là tờ giấy thông hành chúng ta tự cấp cho mình, đường hoàng oai vệ tiến vào những miền kỳ thú. Ta thật lực chống lại mùa hanh hạn khô héo bằng những hồ thuỷ lợi đầy au, gồng mình chiến đấu với con ngựa gỗ mùa hè bên trong đầy mầm truyền nhiễm, dồn mọi nhễ nhại đem xây đắp cho tâm hồn ta những mùa hè ngây ngất, chín cây. Để sau cùng tự huyễn hoặc với nhau rằng đâu ai cực khổ trong mùa hè tinh thần ấy.

Theodore của tôi đã chết trong những ngày hạ chí.

Xác chết biến chất càng nhanh hơn dưới cái nóng ngày hè. Theodore của tôi chết như quả vải chín nũng, hay như một quả xoài dập lăn lóc, hay một đọt mía còng queo ép hết nước. Mùi của đường lên men, chua rít lên, ngọt gai người và nhão nhoét. Có lẽ đời sống đã vượt quá giới hạn, truy đuổi Theo thân yêu mãi đến tận lúc chết xong. Để thành ra mọi tố chất “ăn được” đều trở nên quá sức chịu đựng.

*

*           *

Chúng tôi gặp nhau lần đầu vài năm trước, khi tôi đang ngồi ăn pizza. Mải nghĩ về nụ cười Dunchenne trên gương mặt hơi lấm lem ướt mồ hôi của anh trai tôi, mà cặp răng cửa thì đã biến mất, bàn bên cạnh rì rầm xen lẫn bàng hoàng về cái chết tàn khốc của 39 người trong thùng container. Cha tôi nhắn “anh mày sổ đèo bằng xe đạp, may có người thấy”. Có lẽ vẻ mặt suy tư của tôi đã thu hút Theodore. Thoáng nhìn qua màn hình điện thoại, Theodore mỉm cười nói khẽ:

–  Anh trai tôi còn mất hẳn một cái vành tai.

– Sao cơ? – Tôi hơi giật mình, không nghĩ không gian ở một nhà hàng gia đình lại khiến người ta có cảm hứng kết bạn.

– Tôi ngồi được chứ?

*

Cô ấy không kinh ngạc khi tôi bắt chuyện. Vậy mà cô ấy lại hỏi tôi còn buôn tranh không. Và thật tiếu lâm làm sao khi tôi nói tôi buôn tranh chữ. Tôi những tưởng nếu được gặp thần tượng ngoài đời phải xúc động lắm đấy. Giống như lần đầu tiên tôi gặp mặt Camellie Pissarro mùa hè năm 1887 để chuẩn bị cho triễn lãm, quả là một mùa hè sôi động trước muôn vàn sóng gió. Pissarro ông cụ râu trắng, người đã dành cho Vincent những lời minh triết: “Van Gogh không vẽ như một gã điên, ngược lại, đã vừa cần mẫn sáng tạo vừa chịu đựng nỗi thống khổ do những cơn đau tâm trí.”[1] Còn người thanh niên gãy răng này, tôi không chắc nữa. Tới giờ tôi vẫn chưa thấy anh ta làm ra được cái gì ngoài mấy câu thơ oán đời ra vẻ thấu thị, với hàng tá ảnh bọn trẻ thời nay gọi bằng meme. Nhưng còn chuyện anh ta đánh cắp tiền của gia đình thuở vị thành niên, phiêu lưu giang hồ như Che Guvera, thậm chí đã đi tu bốn mùa trăng thì phải nói thực là tôi có thể đồng cảm với em vì chúng tôi cùng có một kiểu anh trai. Dường như gia đình nào cũng có một vài con cừu đen. Tôi tự hỏi cánh đồng sẽ ra sao nếu thiếu vắng những chú cừu đen lang thang như thế.

*

Lần thứ hai tôi nghe thấy tiếng nói to của Theodore trong đầu mà không tài nào bảo ông ấy dừng lại được là khi tôi đang trong giờ nhiệm sở. Cơn giông phía cầu Sài Gòn báo hiệu đường về gian nguy càng gia tăng thêm tình cảnh chán chường của tôi trước mớ hồ sơ chứng từ tẻ ngắt. Những khi phải đối diện với thể loại công việc không có deadline, không não, từ-từ-làm-cũng-xong ấy, tôi như thường lệ, tự cho phép mình trốn vài tiếng vào thế giới học thuật ngay trong giờ làm. Tôi đọc báo, đọc nghiên cứu, thưởng thức nghệ thuật để xem những con ngươi tinh hoa trên tháp ngà đang trông xuống cuộc đời vô vị của tôi như thế nào.

 “Xét lại trường hợp Vincent Van Gogh như một hệ quả tất yếu của Châu Âu nửa sau thế kỷ 19”

Tựa đề bài nghiên cứu làm Theodore cực kì phật ý. Ông lầm bầm trong miệng về bọn người hiện đại lắm chữ, chẳng những đã không tạo ra một cách mạng nghệ thuật nào lại còn cứ chăm chăm đào bới quá khứ. Chết tiệt! Tất yếu ư? Làm như thời đó sẽ có một Theodore thứ hai thay ta vậy. Ông nhớ lại những lần nhận thư Vincent khi cả mấy tháng trời ông không thể xoay xở ra một giao dịch nào, và những cơn ức chế khủng khiếp phải giấu đi tâm tư mình để chọn an ủi một người yếu đuối. Để bây giờ nhân loại biết đến Vincent không chỉ bằng những gam màu sống động, những nét cọ phá cách, mà gia tài chữ nghĩa của Vincent, may phước được chủ tâm giữ gìn bởi tay ông, có khi là chất liệu chính yếu nhất xây dựng nên cả một hình tượng thiên sứ bị đoạ đày. Còn những lá thư của ta đã thực sự trôi vào quên lãng. Có thể lịch sử đã vừa đoạ đày Vincent vừa dùng số phận tội nghiệp ấy trao cho hết phần thanh thế của giới hội hoạ hậu ấn tượng, có thể phải nhờ Vincent người đời mới nhớ đến người em trai này, có thể đám đông đã vinh danh Vincent như một vật tế nhằm bảo tồn thanh danh của chính nó mà nghiễm nhiên đem thờ ơ, tàn bạo làm hành lí tiến về phía trước; nhưng nỗi đau vì tình thương, những dằn vặt khắc khoải của kiếp người nhỏ bé trước cái chết mấy ai có thể dùng từ “tất yếu” để lí giải, bù đắp cho phần tinh thần mãi còn sứt mẻ. Người ta có lẽ không chọn được thời điểm, nơi chốn, thứ tự được sinh ra, nhưng người đã có thể chọn tiếp tục vẽ ba bức tranh mỗi ngày với chất lượng hoàn thiện ổn định, liên tục trong một năm cuối cùng đời mình mặc cho chứng hoang tưởng chực chụp lấy tâm trí như con thú đói và mặc cho thân xác rã rời bởi vòng xoáy của lẽ thường.

Ôi Vincent, đời đã chẳng bao giờ toan sinh ra một con người đẹp như anh![2]

*

*           *

Năm 27 tuổi là lúc Vincent dấn những bước đi kiên định đầu tiên vào con đường trở thành một hoạ sĩ. Sau khi anh của ta đã thất bại trong vai trò làm một người buôn tranh, một người bán sách, một thầy giáo, một linh mục và thậm chí là một người con cả đúng mực. Theodore ngắt lời nói của mình ngập ngừng hơn ở từ “thất bại”, và chữ “đúng mực” của ông làm ánh sáng xung quanh bỗng chốc chập chờn. Ta không biết, Ly Chi ạ! Nếu có một bài học đạo đức nào ta có thể rút ra từ cách sống của anh trai mình thì nó nên là đừng như anh ấy. Ta và Vincent cách nhau 4 tuổi, thuở nhỏ, Vincent luôn luôn là người đem ta đi đến những nơi mới lạ vì sở thích đi dạo xa, là người ném ta vào những trò chơi sống động dù chỉ có hai anh em ta với khoảnh sân nhỏ trước nhà. Mọi thứ Vincent làm trong mắt ta đều trở nên kì khôi và lém lỉnh. Khi Vincent bỏ học, ta đã đinh ninh rằng quyết định ấy thật táo bạo và đâm ra coi khinh trường học lắm, nhưng ta nghĩ mình đã quá yếu lòng trước sự rầu rĩ của mẹ. Ta cùng anh ấy đều trở thành những thợ buôn tranh học việc. Những tưởng một lần nữa anh trai sẽ nâng đỡ ta.

*

Theodore, ông biết không? Trong khi ông buồn một niềm riêng tư như thế thì cụ kị nhà tôi còn đang mắc còng lưng ra thay trâu cày ruộng để nộp thuế cho chính quyền Pháp đô hộ. Còn ông biết tại sao ông có cái nghề buôn tranh để làm chứ, cũng là nhờ thành quả to lớn từ việc bóc lột những người láng giềng Indonesia cả đấy. Tôi muốn điên lên được Theodore ạ. Lối sống nghệ sĩ của Vincent phải 135 năm sau mới tới được xứ Đông Dương này để vận vào người anh trai cũng 27 tuổi của tôi đấy. Nhưng Theodore ơi, anh tôi đã không hề có một Theodore nào để dựa vào cả! Anh ấy đã làm ra nông nỗi gì đâu cơ chứ!

Ly Chi gục mặt xuống bàn, bắt đầu gào lên những âm thanh ú ớ.

– Tôi đã ở đâu trong những ngày bóng tối cướp anh tôi đi?

– Anh ấy có ước mơ làm gì không?

– Tôi không biết, tôi không thể hiểu nổi. Và tôi thấy mình thật nhỏ mọn khi không thể cho anh tôi thứ tình cảm vô bờ trọn vẹn như ông đã làm cho Vincent, ôi Theo yêu dấu!

– Ý em là tiền sinh hoạt hàng tháng sao?

– Dù là cái gì đi chăng nữa…

– Anh trai em có nghĩa gì với em thế? Là một-Vincent sao?

Ly Chi mắt ngấn lệ, hướng gương mặt ướt đẫm sang phải và thì thầm:

– Vấn đề là Theodore, Theodore mới là cái nghĩa lý. Bất cứ kẻ điên nào có Theodore cũng sẽ thành Vincent thôi, chí ít thì họ sẽ không còn điên nữa. Tôi đã không bao giờ có thể giống như Theodore cả. Tôi không đủ sức để nuôi lấy chính mình, tôi chán ghét mọi thứ mình làm, tôi chịu đựng sự giày vò của bóng ma quá khứ, và chọn xa lánh anh trai vì niềm tin gia đình đổ vỡ.

Cô gái tuột người khỏi chiếc ghế, chỉ kịp ôm đầu trước khi ngã xuống sàn nhà. Trên bàn,  ly absinthe lượt thứ năm còn đó, mới vơi một nửa. Theodore hớp một ngụm lớn, phía bên kia gian phòng vang lên một tiếng cạch chát chúa giữa bi cái và bi số 8 cuốn gói theo toàn bộ không gian thiểu não của quán bar lăn tròn, rớt vào lỗ.

Theodore ôm đầu, và tâm trí ông du hành vào xứ Đông Dương xa xôi lạ lẫm. Nơi hiện ra trước mắt ông là ánh chiều tà mằn mặn vị biển, dưới chân mở ra con đường đất vàng phẳng lì cũ kỹ. Theodore với bộ vest Hà Lan có khuỷ tay bạc màu thấy bản thân mình rơi vào khung cảnh nguy hiểm. Trước mặt Theo là một con đường đất dài khoảng trăm mét, cuối đường là một ngã ba, ngay tại đó có một căn nhà trệt, trên phần mái trang trí ốp bốn số 1994 được tạo hình khéo léo bằng xi măng, bên tay phải đoạn giữa đường là một ngôi nhà màu vàng[3]. Nhưng không giống với ngôi nhà ở số 2 Place Lamartine, Ales, ngôi nhà này có một bờ rào bằng lưới sắt bao xung quanh, nom cục mịch, mái nhọn đổ theo hướng nhìn ra đường, lợp ngói đỏ, mặt trước nhà trám đá rửa, nhà cao hơn mặt đường chừng một mét, đi lên thềm nhà bằng một con dốc xi măng nho nhỏ. Trước cổng nhà thậm chí không có vỉa hè. Đối diện bên phía kia của ngôi nhà là một khoảnh đất lớn, cây cỏ um tùm, rào thẳng thớm, giữa có một mảng sân được trải bê tông bằng một phần ba diện tích toàn khu, trên đó có một dãy nhà dài gồm bốn phòng lớn kèm với một chái bếp xếp thành chữ L. Đó là một nhà trẻ đơn sơ. Toàn bộ kiến trúc nơi này có phần cổ lỗ, eo hẹp, nhưng ngay ngắn và thanh bình. Ngoài bầu trời mùa hè rất giống ở Ales ra, nơi đây chẳng có gì liên quan tới miền nam nước Pháp. Bỗng có tiếng gọi cất lên từ phía sau ngôi nhà màu vàng. Bây giờ Theodore mới phát hiện cách nơi mình đứng dăm bước chân có ba đứa trẻ đang ngồi chơi trò gì đó trên đất với mấy tấm thẻ bài in hình thú đẹp mắt. Bọn chúng không hề để ý đến Theo. Em bé gái tóc tém, chỉ phân biệt được giới tính qua hình búp bê in trên chiếc áo sọc đỏ dài tay, quay sang phía bên phải nói:

– Anh Xoài ơi đi về thôi.

– Tại sao, đang chơi vui?

– Mẹ gọi về kìa.

– Mẹ mày đâu phải mẹ tao.

– Là sao? Mẹ nói mình là anh em mà.

– Tại vì mày đẻ sau tao đó.

– Thằng Đông cũng đẻ sau, nó cũng là em anh Xoài hả?

– Mày ngu, nó con hàng xóm sao em tao được. Nó là đệ tử tao!

– Vậy đi về chung đi, mẹ nấu xong rồi kẻo nguội.

– Nhưng mà mẹ không đẻ ra tao.

– Vậy em về ăn xong xúc cơm cho nha.

– Ừ xúc đem ra đây đi.

Nói đoạn bé con đứng dậy phủi quần, đi nhanh về phía hướng 12 giờ. Bé trai từ nãy chỉ chăm chú mấy tấm hình, giờ lên tiếng:

– Ủa anh Xoài, vậy đệ tử khác em chỗ nào chớ?

– Mày ngu nữa! Đệ tử phải noi gương tao, tao bảo sao phải làm vậy. Còn em thì chỉ cần là em thôi, đừng lên đầu tao ngồi là được.

– Vậy em Vải sướng hén.

– Nó sướng bình thường à.

Theodore không biết từ khi nào ông hiểu được thứ ngôn ngữ mà bọn trẻ đó nói. Em bé gái có một vành tai đẹp, rất sạch, với phần dái tai tròn đầy. Theodore bất giác đưa tay lên chạm vào tai mình. Ông rảo bước đến gần hơn ngôi nhà kia. Trời sập tối nhanh không tưởng. Khi bước đến gần cánh cổng sắt trắng, Theo giật mình vì tiếng đập mạnh nối tiếp là tiếng kính vỡ. Từ trong nhà, tiếng người la ó sau đó là tiếng một thân thể thiếu niên ngã khuỵ xuống đất, nắm tay đầy máu. Một người đàn ông trung niên nhanh chóng đỡ lấy đầu người đang nằm, trên tay ông cầm một chiếc kim dài. Cô bé gái khoảng độ 12 tuổi ngồi thụp xuống bên cạnh cậu, khóc hu hu: “Anh Xoài đừng chết, anh Xoài đừng chết”. Mọi hình thù nhoà đi trước mặt Theodore. Khung cảnh méo mó, như tạo hình chiếc lá bị khuấy lên trong tách cà phê.

*

*           *

 Anh ấy đã chết rồi. Vào một sớm mùa hè hạ chí. Không phải tự tay kết liễu sinh mạng mình như anh vẫn hằng ước. Không phải sự vô ý thức của bất kì kẻ lưu manh chạy ngoài đường nào để người sống có cớ oán hận. Chỉ là một sớm mở cửa bước ra ngoài và ngã xuống một mình. Mặt trời dâng lên ngày chủ nhật không vực được số mệnh anh đã hết. Trong phòng, trên bàn, trên giường, mọi thứ sơ xài, bầy bừa như thường ngày. Duy chỉ có tấm ảnh trắng đen hình một người phụ nữ tươi cười, tóc kẹp cặp ba lá cổ điển nằm gọn gàng trong chiếc ví mỏng.

Anh chết rồi. Cái chết đến chóng vánh, chẳng hề cần lí giải như nó vẫn là. Nhưng là nỗi buồn mãi mãi, đặt dấu chấm hết cho mơ ước của người cha một ngày kia con trai sẽ cúi đầu van ông cho được sống đời thôi lang bạt. Là sự thông suốt mãi mãi cho người vợ cũ không bao giờ phải giả định thêm lí do để tái hợp, sợ mình bỏ lỡ điều gì. Là sự xoa dịu sau cùng cho người mẹ kế quên đi tất cả những đắng cay của số phận cung phụng con chồng. Là sự giải toả trách nhiệm cho những người anh ruột và hứa hẹn di sản phần mình nhiều lên. Mọi ký ức tuổi thơ khốn khó từ đây chôn sâu. Từ nay toàn bộ khả thể tốt đẹp lẫn xấu xa thoát ra từ sự sống của anh không còn làm ai nhức nhối nữa.

Trong tang lễ của anh, phần nhiều người chọn rỏ nước mắt để tiễn đưa kỷ niệm dấu yêu ít ỏi, một vài người chọn trầm mình vào nghỉ ngơi thinh lặng, những người xa lạ bày tỏ lòng tiếc nuối truyền thống cho kẻ đầu xanh. Riêng đứa trẻ thơ đầu thắt khăn trắng, mẹ xốc bên hông, đứng cạnh quan tài, mắt tròn xoe ngơ ngác. Trong suy nghĩ xáo động của tất cả những người đội khăn đang tất tả dọn trà, xách ghế, lễ lạy, phút chốc cùng hiện lên dự phóng sau này lo cho Mía thế nào. Giống như Theodore an bài cho những bức tranh. Nắng hè làm nhang khói đậm đặc đủ cho không ai cảm thấy trống vắng.

Nằm còm cõi một mình trong phòng, ông lão quay mặt vào tường, khóc. Ngoài kia, tiếng trống, tiếng xe xa dần. Khi một người già phải khóc, dường như chẳng còn gì trên đời này an ủi được nữa. Nhưng đối với ông lão, ông như cho phép mình được trẻ lại qua tiếng thở mệt nhọc cùng hàng nước mắt kèm nhèm. Cho ông được hối hận thêm, được dùng đặc quyền của tuổi trẻ, tự thừa nhận mình mà không bẽ mặt trước ngần ấy thời gian sống trên đời. Trong đầu ông hiện lên thước phim lộn xộn, khi là chén sữa đậu ông tự tay mớm cho sinh linh 6 tháng tuổi, là tô bún bò buổi sáng ông chưa bao giờ mua cho thằng bé 14 tuổi ăn để đi học, là cây kim châm cứu ông nhanh chóng tra vào huyệt nhân trung của nó khi nó chửi ông xong thì lả lăn ra đất, là tờ tiền 500 nghìn hàng tuần ông nhét vào bao gạo đặt cuối giường nơi thằng con 29 tuổi của ông vẫn nằm ngủ đến 12 giờ trưa. Cả lúc ông đứng bên cạnh nó nơi đất khách báo cáo với thiên hạ chuyện dựng vợ gả chồng. Có lẽ nào ông đã sai lầm khi đẻ ra nó để giờ đây cục máu của ông về trời khiến ông côi cút thế này! Ông trách trời sao không cho ông nằm trong quan tài thay nó. Ông nửa tỉnh nữa mê, một mình lênh đênh trong miền ký ức xa xăm nhất, ở đó ông thấy con trai ông tươi cười cuốc đất với hàm răng nguyên vẹn. Cơn nghẹn ngào dần lắng khi tiếng người lục đục quay về. Lặng hẳn khi những hạt mưa bắt đầu lộp độp. Ông trở mình, nghe tiếng mưa nhỏ nhẹ. Tiếng mưa nhắc ông nhớ lại ngày tháng, nhẹ nhàng kéo ông về với hiện thực. Ông biết rằng vẫn còn chưa muộn. Lồm cồm tìm thế chống tay ngồi dậy, vẫn mặc cho khuôn mặt ướt đầm, ông đi tìm xấp giấy kẻ, và bắt đầu viết. Khi viết, ông đã không còn quan tâm tới chuyện những đứa con ông bất hiếu, đáng thất vọng như thế nào, chỉ chăm chăm bòn tài sản của ông ra sao, sự sợ hãi về một ngày liệt giường không người bên cạnh giờ đây chỉ lao xao, lao xao. Ông viết với ước mong làm được điều đúng đắn sau cùng.

Đến xế chiều, sau khi mồ mả đã chặt ba tấc đất, đoàn người buộc khăn quay về dọn dẹp. Nhát chổi cuối cùng vừa quét qua làm đám lá me gợn bay trên mặt đất không bao lâu thì trời đổ mưa. Chỉ mươi phút thôi, cơn mưa rửa tan mùi hương hoả. Ngoài mộ đất thấm nước vào lại nén chặt hơn. Dưới tán cây lăn lóc những quả me rơi rụng. Cô dì chú bác từ biệt nhau, lau yên xe ra về, trong bụng thầm dự đoán một phước lành nào đó cơn mưa sẽ mang đến.

Riêng tôi, tôi đã khóc thương cho tuổi thơ bên anh hàng đêm, đã dằn vặt trách mình bỏ mặc anh ở những năm tháng nhọc nhằn, đã tan vỡ vì phát hiện những lời dối trá, đã mong chờ trong vô vọng một tia sáng minh mẫn nơi anh. Tôi đã để tang anh từ lâu. Đối mặt với nhân dạng mới trong bộ đồ tang méo mó, Theodore nắm lấy tay tôi.

*

Và nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi” ta đã nói như thế với bác sĩ Gauchet khi lê mình ra khỏi căn phòng. Em biết không? Anh trai ta trong những khoảnh khắc cuối cùng đã dồn mọi lực nắm chặt tay ta, một cái siết tay lỏng lẻo như cuống đào khô héo sắp lìa cành mà vẫn còn nợ chiếc lá xanh: “Theo, anh là nỗi buồn cho em”. Ta đã giữ những lời sau cuối chỉ phần mình, mãn nguyện vì Vincent của ta đã nhìn về phía ta không phải là một chỗ dựa cho anh nữa mà như một con người đơn chiếc. Bổn phận của ta lúc ấy chính là phải dùng tiếng lòng mình cho hoạ sĩ của riêng ta được bất tử, được làm củ hành dập nát mãi mãi ứa lệ thế gian. Giây phút ấy ta đã chết rồi, người em trai Theodore đã chết rồi. Mặt đất này chỉ còn lại một nhà buôn tranh lẻ loi. Hôm nay, em còn ai?

– “Anh ấy không phải là một nhà thơ” – tôi lặng lẽ nói qua kẽ răng mình.

– Bất hạnh thay cho những kẻ chọn đứng sau cánh gà của một đám xiếc vô danh.

– Có lẽ bởi vì tôi đã chẳng phải một ông bầu sốt sắng.

– Vincent đã vẽ trước cả khi ta hối thúc anh ấy: hãy trở nên kiếp nghệ sĩ say sưa.

– Theodore, vì sao ông chết?

– Vì lẽ sống của một nhà buôn tranh đã hết. Em không phải là một nhà buôn tranh.

Dưới bầu trời mùa hè ngàn sao quạnh quẽ, bãi cát trải dài tít tắp vằn vện những dấu chân ban ngày, có cô gái một mình ngồi đó, bao phủ xung quanh là một làn sương bụi mờ đang dần tan ra vì cái khoát tay xua đuổi của những con sóng xô bờ. Theodore đã trở về hư vô, mang theo cả giấc mộng bù đắp tình anh em, cuốn trôi một danh tính, lấy đi cả nỗi dằn vặt ám ảnh khỏi tôi. Gió biển cũng đành thổi chút bụi cuối hè cho rơi xuống tận cùng đại dương hẻo lánh.

*

*           *

Rốt cục, những công việc không deadline, không não, từ-từ-làm-cũng-xong đã tống khứ tôi ra khỏi văn phòng. Tôi hạnh phúc vì mình đã rón rén thò đầu vào cái rọ nghệ sĩ. Còn nhớ ngày hôm đó, sếp đứng ngay sau lưng, nhìn bất lực vào màn hình vi tính của tôi, trên tay chị ta cầm tờ giấy bệnh viện nào đó trông quen quen. Tôi đã dã biệt toà cao ốc với mùa hè trên vai. Đi bên tôi, Dorothy nháy mắt cười khúc khích.

—————————

Màn hình của Ly Chi

Bức tranh đôi

Vincent tự hoạ chân dung tương đối nhiều vì lí do cơ bản là ông không có tiền để thuê mẫu vẽ. “Biết một người đã khó, để vẽ được người đó cũng không đơn giản”. Vincent tập luyện bằng hình ảnh phản chiếu chính mình trên mặt giấy. Những bức chân dung nổi tiếng khác bao gồm những vị khách có tên như bác sĩ Gauchet, Julien Tanguy, gia đình Roulin, Gauguin… cả những người vô danh mà ta chỉ biết họ qua một chứng bệnh, một nghề nghiệp cơ hàn. Nhưng trong chuỗi sáng tác ấy, tuyệt nhiên chưa bao giờ có một bức tranh nào hoạ lại Theodore – người thân thương nhất, tin cậy nhất, người viết thư cho và nhận thư từ Vincent nhiều nhất, người sau này đã thừa kế toàn bộ gia tài nghệ thuật của Vincent. Và bởi tình yêu thương cùng sự tận lực cho tới chết của Theodore đã làm nên một tên tuổi Van Gogh mãi mãi nao lòng hậu thế bằng tài năng lẫn bằng câu chuyện cuộc đời đầy bất hạnh.

Nhưng những phát hiện gần đây cho thấy rằng, dường như tồn tại một cặp chân dung mà một trong đó Vincent đã thực sự vẽ em trai Theodore, người được cho là có vành tai tròn đầy, màu râu nâu đất, màu mắt đậm hơn. Những chi tiết đan xen khó phân biệt giữa hai anh em lồng vào trong cặp tranh chân dung, thể hiện ở chiếc nón cỏ vàng, và bộ trang phục, dễ khiến cho chúng ta, những con người đương đại, tự có cho mình một suy tưởng thi vị về tính hỗ tương của bản thể con người.

[1] Camellie Pissarro (1830-1903) hoạ sĩ Đan Mạch-Pháp, Pissarro được cho là đã dự đoán rằng Van Gogh sẽ “nổi điên hoặc bỏ xa những người theo trường phái Ấn tượng”.  Vài năm sau nói thêm: “Tôi không lường trước được rằng anh ấy sẽ làm được cả hai điều đó.”

[2] Mượn ý có cải biên từ bài hát “Vincent” viết bởi Don Mclean, 1971: “This world was never meant for one as beautiful as you”.

[3] The yellow house hoặc The street, Vincent Van Gogh, 1888

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)