Nhà văn viết gì hậu Covid?

Nhà văn viết gì hậu Covid?

Chiều ngày 1 tháng 10 năm 2022, tại nhà sáng tác Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Văn+ đã kết hợp cùng nhóm các nhà văn HNV Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm theo chủ đề “Nhà văn viết gì hậu Covid?” với sự tham gia của các cây bút trẻ Nam Trung Bộ như: nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, nhà văn Nguyên Trường, …  Đến dự chương trình, ngoài các giáo viên, sinh viên khoa Văn của trường Đại học Khánh Hòa còn có mặt một số doanh nhân trong các lĩnh vực như Ngân hàng, Thủy sản và Thương mại, … tại Nha Trang.

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà văn 9x Nguyên Trường, tác giả của nhiều tiểu thuyết trinh thám đang thịnh hành với giới trẻ gần đây, đã nói lên những cảm xúc và tình yêu đối với mảnh đất và con người Nha Trang – nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Anh cũng chia sẻ về hành trình dấn thân vào con đường viết lách của mình với xuất thân từ một game thủ. Anh chân thành tâm sự về sở đọc hạn chế cả về số lượng và thể loại của mình. Anh dành nhiều thời gian để chuyên tâm đi sâu vào lãnh địa mình theo đuổi. Trong bài phát biểu, Nguyên Trường chia sẻ mình là fan của nhà văn trinh thám đương đại Agatha Christie và đề cập tới những nhà văn đặt nền móng cho nền trinh thám nước nhà như Phạm Cao Củng. Bản thân anh cũng đang tự dần nâng mình lên để văn học hoá các tác phẩm trinh thám của mình. Câu chuyện viết văn của Nguyên Trường đã mở ra một bầu không khí cởi mở, thân mật cho buổi tọa đàm.

Đại dịch Covid đã tạm lắng xuống, thời điểm cuộc sống của con người đã có độ lùi nhất định sau đại thảm họa có lẽ cũng chính là lúc mà các nhà văn lên tiếng, chính là lúc sự suy ngẫm chiêm nghiệm của nhà văn chín muồi. Nghĩ lại về những cuộc chiến, những tác phẩm lớn viết về chiến tranh như “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh) phải đợi đến khi yên tiếng súng mới có thể ra đời. Hơn hai năm kể từ khi đại dịch bắt đầu, đây có lẽ cũng là thời điểm thích hợp để những người viết ngồi lại và nghĩ lại về những gì chúng ta đã trải qua.

Đề cập tới câu hỏi “Viết gì hậu Covid?”, nhà văn Nguyễn Kim Hòa cho rằng cần phải viết về hậu quả của Covid đối với người thân của những nạn nhân Covid – những đối tượng dễ bị tổn thương – như những em nhỏ mồ côi (2500 trẻ mồ côi ở TP Hồ Chí Minh, trong đó có những em bé tuổi đời đúng bằng thời gian giỗ cha mẹ), những em nhỏ trong đoàn chạy loạn, nếu trước đây, khi còn được ở nhà, các em chỉ ngây thơ ao ước được ngồi lên xe để đi chơi, thì nay, những chuyến đi đó không gì hơn là sự vật lộn với cuộc hành trình truân chuyên để tìm đường sống. Nhà văn đặc biệt quan tâm tới số phận của những người phụ nữ như là những người hứng chịu nặng nề với bộn bề các vấn đề xã hội đang phải nảy sinh như là hệ lụy của đại dịch. Trong chia sẻ của mình, nhà văn cũng hồi tưởng lại không khí bức bối, hoảng loạn với tiếng còi xe cấp cứu hú inh ỏi, những đám tang của những kẻ bần cùng trong ngõ hẻm hay khung cảnh những người con tìm cách trốn cách ly để đưa tang cha mẹ người thân… Đây chính là những tấn bi kịch cần được tái hiện lại.

Bác sĩ, nhà văn Tố Hoài cũng kể lại câu chuyện cá nhân của mình, rằng cả bốn người bác sĩ trong nhà ông (hai vợ chồng & hai con ông) đều đã từng tham gia trên tuyến đầu chống dịch Covid ở tại thành phố Hồ Chí Minh. Với chuyên môn của mình ông đã nêu lên cơ chế, nguyên nhân gây truyền bệnh và vạch ra những sai lầm, ấu trĩ trong việc phòng chống Covid khiến cho tình hình trở nên hết sức nghiêm trọng từ việc thiếu thốn phương tiện y tế cho tới sự chủ quan, lúng túng của các đơn vị chức năng trong vấn đề xử lý gây nên lây nhiễm lan tràn bệnh dịch tăng nhanh một cách khủng khiếp. Những câu chuyện từng là đề tài để người ta bàn tán sôi nổi này có thể giờ chúng ta đã quên.

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo chia sẻ, dù bận rộn với công việc gia đình nhưng bà luôn tận dụng thời gian rảnh rỗi để có thể viết về những vấn đề liên quan tới Covid. Với tập tản văn “Phụ Nữ với Covid”, bà nhận thấy và đau xót thay cho những bông hoa không được giải cứu. Cả vùng Mê Linh bị cách ly, trong khi tất cả lo lắng về vắc-xin, đổ xô đi kiếm lương thực thực phẩm…, có lẽ đã không còn ai còn thì giờ để bận tâm tới câu chuyện của những bông hoa, của cái đẹp.

Nhà văn Vinh Huỳnh chia sẻ góc nhìn hài hước của mình, khi anh nhìn nhận Covid như một dịp để làm lộ ra những câu chuyện “phi lí”, có một không hai trên đời: ngày thường, người ta có thể đạo đức giả, ra chiều nhân ái với nhau, nhưng đến khi dịch giã, lại tìm cách tranh giành vắc-xin, tranh cướp sự sống của nhau, tranh cãi xem ai đáng sống hơn ai,…  Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh cũng khiến cho mọi trò nhậu nhẹt, chơi bời giải trí bỗng hóa thành trò chơi nguy hiểm, “ra đường là dính, chết như chơi”. Những kẻ từng mạnh miệng tuyên bố “Sướng một lần rồi chết” giờ dạt vòm đâu mất, nhà hàng khuyến mại rượu ngon gái đẹp miễn phí cũng không thấy sủi tăm. Cánh buôn hương bán phấn cũng tan tác bốn phương trời, lúc này hai tiếng “quê hương” sao mà thiêng liêng đến thế, “quê hương” là bến đỗ, là nơi trú ẩn an toàn, là nơi tị nạn chứ không phải chốn phồn hoa đô hội hay trời Âu, đất Mỹ. Trớ trêu thay là vào lúc này, ý nghĩa và bản chất của tình yêu quê hương mới được bộc lộ đằm thắm và đầy đủ nhất. Thời đóng cửa phong tỏa cách ly nên kính thưa các đức ông chồng, những chàng trai galant, các sếp nhiều hàng xách tay không còn được đợi chờ là hạnh phúc ở salon spa, nhà hàng nhà họ, cửa hàng cửa hiệu hay chợ búa siêu thị nữa. Đã khẩu trang bịt mặt giống như tắt đèn nhà ngói cũng như nhà gianh chị em hơi đâu mà trang điểm hoa hòe hoa sói vậy nên mỹ phẩm sang chảnh gì cũng vô nghĩa, nên hầu bao của các ông và anh được bảo toàn vô điều kiện. Khi tất cả đều bịt mặt như Ninja thì các đối tượng cặp kè bồ bịch, coi tình yêu mạnh hơn cái chết cũng tha hồ “đi sớm về khuya với tình” không lo bị bắt quả tớm. Nhưng nếu chẳng may dính Covid, bị truy xuất nguồn gốc thì lại béo bở các cư dân mạng thích hóng chuyện drama. Nếu nhìn theo hướng này, Covid rất có thể chỉ là một trò đùa.

Covid-19 làm thay đổi vĩnh viễn cuộc sống chúng ta, đại dịch Covid giống như chiếc xe đang đi nhanh phanh gấp lộn xe, khiến tất cả guồng máy xã hội khổng lồ xáo trộn thay đổi từ thói quen, nhu cầu, lối sống…. Nó có lẽ đã khiến người ta giờ đây phải tập sống chậm lại. Nhà văn với đặc điểm là đối tượng luôn suy ngẫm, chiêm nghiệm nay càng có cớ và điều kiện trăn trở về sự mong manh kiếp người, nỗi bất an của chính mình và của nhân loại. Dịch bệnh làm lộ ra những vấn đề căn cốt của con người, nỗi đau, cái chết, nỗi sợ, sự tha hóa, cái ác (vô tâm với đồng loại, trục lợi trên sự hoảng loạn của đồng bào, trên sức khỏe sinh mạng, tranh giành quyền sống của nhau).

Có hay không dịch bệnh nhà văn vẫn viết, nguồn sáng tạo âm ỉ trong thời gian dài tiếp tục tiến triển, dịch bệnh chỉ là một thời điểm tạm thời, còn quá trình viết sáng tạo thì luôn lâu dài, bền bỉ.

Văn+

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)