THƠ VIỆT THẾ HỆ Y,Z: ĐA THANH, NHIỀU LỐI THỂ HIỆN MỚI
Thơ Việt thế hệ mới là chương trình giao lưu trực tuyến vừa được tổ chức bởi Văn+, nhóm sinh hoạt chuyên đề do nhà văn Vinh Huỳnh, Chủ nhiệm CLB Văn học trẻ Hà Nội (Hội Nhà văn Hà Nội) đồng sáng lập. Nhiều ý kiến, nhận định đã được trao đổi cởi mở, mang đến một hình dung về đời sống thơ trẻ đương đại của Việt Nam.
Hòa nhịp với thế giới
Chương trình có gần 100 người tham gia, trong đó có những nhà phê bình đương đại như Hà Thanh Vân, Đỗ Anh Vũ, Phan Tuấn Anh, Trần Ngọc Hiếu; cùng nhiều tác giả thơ thuộc lứa 8X và 9X ở trong nước lẫn hải ngoại góp mặt, như Nguyễn Việt Anh, Hoàng Anh Tuấn, Lê Hưng Tiến, Ngô Thị Hạnh, Lê Vi Thủy, Ngô Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa…
Theo TS Hà Thanh Vân (TPHCM), nhà thơ trẻ ngày nay thuộc hai thế hệ Y và Z. Họ nhìn thế giới rộng mở hơn và ngược lại, thế giới cũng mở rộng ra với họ. “Tôi lạc quan về thế hệ này. Các bạn đang có ưu thế là còn một quãng đường rất dài để đi, và chúng ta vẫn còn có thể có rất nhiều thành tựu ở phía trước”, TS Hà Thanh Vân bày tỏ.
Quan sát đời sống thơ ca trong 2 thập niên đầu thế kỷ 21, một trong những điểm nổi bật nhất, theo TS Trần Ngọc Hiếu (Hà Nội), đó là sự đa thanh, nhiều tìm tòi, nhiều lối đi. Và, lối đi nào cũng có những công chúng riêng. Ngoài ra, một điểm nổi bật nữa là văn hóa thơ ca trong 2 thập niên đầu thế kỷ 21 rộng mở hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước.
“Văn hóa thơ ca của chúng ta bây giờ khá rộng mở. Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội được tiếp cận với những gương mặt thơ ca quan trọng của thế giới như hiện nay, thông qua những dịch giả thầm lặng như Nguyễn Huy Hoàng, Pháp Hoan, Phan Quỳnh Trâm. Nhờ đó, những người làm thơ trong nước có thể biết những người làm thơ trên thế giới đang viết gì, đang phải đối mặt với những vấn đề gì”, TS Trần Ngọc Hiếu cho biết.
Nhà phê bình văn học – TS Nguyễn Thanh Tâm (Hà Nội) ấn tượng với gương mặt thơ 9X Nam Thi từ tập thơ Cô độc nên thơ (Tao Đàn phát hành), hay trường hợp của Nguyễn Thị Thúy Hạnh với tập thơ Văn học vết thâm (Nhã Nam phát hành cùng với tập thơ của một tác giả người Mỹ). “Theo tôi, 2 tập thơ này có sự tương đồng ở nhiều bài. Chính vì lẽ đó, tôi hình dung Nguyễn Thị Thúy Hạnh có nhịp đi cùng với thơ ca thế giới”.
Từ trường hợp của Nam Thi, Nguyễn Thị Thúy Hạnh cùng một số tác giả 8X, 9X hiện nay, TS Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, việc mở rộng không gian thơ và không gian đọc đối với các nhà thơ trẻ là điều cần thiết. Vấn đề truyền thống hay hiện đại cũng không còn quá quan trọng, bởi mỗi người sẽ có những lựa chọn giá trị cho riêng mình.
Để thơ và phê bình gặp nhau
Mặc dù lực lượng sáng tác thơ trẻ khá đông đảo và hùng hậu, nhưng có một thực tế là thế hệ này chưa được các nhà phê bình quan tâm tương xứng. Nhà phê bình Phan Tuấn Anh (Thừa Thiên – Huế) cho rằng: “Sự quan tâm của chúng ta đối với văn học trẻ trên phương diện lý luận phê bình nhìn chung còn nhiều khoảng trống cần phải lấp đầy. Bản thân những nhà phê bình trẻ, hoặc vừa qua trẻ một chút như chúng tôi, phải bù đắp vào những khoảng trống đó. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm và chúng tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa”.
Ở khía cạnh của người sáng tác, theo nhà thơ Lê Vi Thủy (Gia Lai), giữa nhà thơ và nhà phê bình có thể liên quan đến nhau, nhưng đôi lúc lại độc lập, theo sự chủ quan của hai bên. Là một người viết, khi sáng tác sẽ theo ý tưởng mang tính chủ quan của mình. Vậy nên, khi nhận được đánh giá từ nhà phê bình, dù khen hay chê cũng giúp tác giả nhận ra những ưu điểm lẫn nhược điểm; thông qua đó giúp hoàn thiện tác phẩm của mình hơn.
Chị lưu ý: “Nhà văn, nhà thơ viết ra theo cảm xúc, suy nghĩ chủ quan thì văn chương của họ mới có tiếng nói riêng. Nếu theo sự dẫn dắt và lèo lái của các nhà phê bình, văn chương của họ sẽ mất đi cái tôi, bản sắc cá nhân”.
Một trong lý do khiến thơ và phê bình chưa gặp được nhau, theo nhà thơ Đặng Thiên Sơn (Hà Nội), chính là vì tác phẩm của các nhà thơ không đến được với các nhà phê bình. Hiện có rất ít tập thơ có thể bán được bản quyền cho các đơn vị xuất bản, hoặc chỉ in với số lượng hạn chế để biếu, tặng. Ở góc độ xuất bản, các đơn vị không thể mua một ấn phẩm mà nó vừa sáng tác về quê hương, về mẹ, tình yêu, lại vừa sáng tác về các vấn đề thế sự.
“Tại sao thơ của Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân lại bán được? Bởi vì ngay từ đầu họ có ý thức sáng tác cho một đối tượng cụ thể, theo một đề tài xuyên suốt. Như thế, chúng tôi mới mua và phát hành được. Từ đó, sách mới đến được với các nhà phê bình. Còn như hiện tại, rất khó để có những tập thơ phát hành rộng rãi”, nhà thơ Đặng Thiên Sơn chia sẻ.
Tác giả bài viết: Hồ Sơn
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng