PHÙNG VĂN TỬU: VỀ ĐẠI TỪ

PHÙNG VĂN TỬU: VỀ ĐẠI TỪ

VỀ ĐẠI TỪ

Bàn về việc sử dụng đại từ trong dịch thuật, Văn+ mời bạn cùng đọc một trích đoạn ngắn trong bài viết “Về một chi tiết trong ngôn ngữ văn học ” của nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu.

[…]
Trong cuốn sách viết về nhà soạn kịch thiên tài người Anh Shakespeare (1564 – 1616)’, Lương Duy Trung dùng đại từ “chú” hoặc “cậu” để chỉ Shakespeare ở các chương I và II. Hai đại từ đó vẫn được tiếp tục dùng trong một số trang của chương III, rồi sau đó, từ trang 85 trở đi (vẫn đang còn chương III), “chú” và “cậu” được thay bằng “anh”, vì Shakespeare lúc này đã mười bảy tuổi rồi. Bước sang tuổi bốn mươi (từ chương X), “anh” được chuyển thành “ông”. Bốn trang cuối cùng của chương XI (từ giữa trang 496 trở đi ), “ông” trở thành “cụ”! Trong cuốn sách viết về nhà văn Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712 – 1778)’ của tôi, các từ “chú” và “chàng” được lần lượt dùng cho ba mươi sáu năm đầu, từ năm ba mươi bảy tuổi trở đi, Rousseau được tôn lên là “ông”! Lấy gì làm căn cứ cho việc thay đổi các đại từ ấy?

Những người làm công tác dịch thuật cũng dễ có dịp thấy rõ cái lúng túng hơn. Các dịch giả tiểu thuyết Jean Christophe của Romain Rolland’ ra tiếng Việt chắc không thích thú gì khi buộc lòng phải chú thích ở cuối trang 303 của tập I: “Bắt đầu từ trang này, Christophe không còn ở thời kỳ trong tuổi thơ ấu nữa. Người dịch thay tiếng “chú” bằng tiếng “anh” đối với vai chính trong truyện, đồng thời thay đổi cách xưng hô cho thích hợp với Louise là mẹ Christophe cũng như với những nhân vật khác”. Trong khi đó thì nguyên bản tiếng Pháp chỉ cần dùng một từ “il” (nếu ở vị trí chủ ngữ) suốt từ đầu đến cuối tác phẩm để chỉ Christophe!

Cùng với mâu thuẫn giữa tính liên tục của nhân vật với tính đứt đoạn của đại từ xét về mặt tuổi tác, còn một mâu thuần khác hay gặp hơn và cũng khó giải quyết không kém: mâu thuẫn giữa một bên là sự biến chuyển của tính cách nhân vật và một bên là các đại từ thường chỉ thích hợp với từng tính cách nhất định. Mỗi đại từ bao hàm một nội dung đánh giá và biểu thị thái độ khác nhau, yêu hay ghét, trân trọng hay coi khinh, thân tình hay xa cách. Nếu trong một tác phẩm, nhân vật bao giờ cũng trung nịnh rạch ròi, ngay gian dứt khoát thì có lẽ việc sử dụng đại từ chẳng có gì rắc rối. Nhưng giai đoạn ấu trí ấy đã qua đi từ lâu. Ngày nay, nhà văn nào cũng có ý thức xây dựng tính cách trong mối tác động qua lại với hoàn cảnh và trong quá trình biến chuyển, tuy mức độ thành công ở mỗi người không giống nhau. Chẳng cần phải dẫn ra đây hàng loạt nhân vật trong văn học Việt Nam hiện đại có đặc điểm như thế. Có nhân vật được xây dựng trong quá trình vận động đi lên từ bóng tối đến ánh sáng. Cũng có những nhân vật diễn biến theo đường xuống dốc ngày càng thảm hại. Tình cảm của nhà văn và của bạn đọc đối với nhân vật cũng biến đổi theo. Nếu phải dùng đại từ thì thật khó xử! Biết lấy đâu làm mốc để chuyển cách xưng hô từ hắn lên anh hay từ bà xuống mụ? Bởi vì sự chuyển biến thường là cả một quá trình dài, đâu có dễ dàng tìm ra chỗ ngoặt. Hơn nữa, trong cùng một tác phẩm, với cùng một nhân vật mà thay đổi cách xưng hô như vậy có nên chăng? Các nhân vật của Victor Hugo’ như Jean Valjean, Quasimodo… thường để lại ấn tượng không lấy gì làm tốt đẹp trong phần đầu tác phẩm, nhưng càng về cuối càng chinh phục được tình cảm yêu thương trìu mến của bạn đọc. Còn loại Rastignac, Lucien, Charles Grandet… của Honoré de Balzac’ thoạt tiên trong trắng là thế thì lại hư hỏng dần, càng về sau càng xứng đáng với những đại từ tồi tệ nhất. Khi dịch tác phẩm nước ngoài ra tiếng Việt, gặp những trường hợp như thế, chúng ta sẽ giải quyết ra sao? Nhà văn Việt Nam khi sáng tác có thể phần nào gỡ cái lúng túng đó bằng cách né tránh không dùng các đại từ, nhưng người dịch chẳng lẽ tùy tiện thay thế đồng loạt các đại từ trong nguyên bản bằng đích danh nhân vật? Có một lối thoát lâu nay thường được nhiều người áp dụng, đó là căn cứ vào sự đánh giá nhân vật một cách tổng quát. Nếu nhân vật biến chuyển theo hướng đi lên thì có thể dùng những đại từ ngụ ý trân trọng ngay từ đầu, dù cho lúc ấy tâm địa và hành vi toàn một màu đen tối. Nếu đó là sự chuyển biến đi xuống, người dịch không ngần ngại hạ những từ hắn, gã, ả, mụ…, bất kể nhân vật oan ức buổi đầu! Hướng giải quyết ấy chắc chắn không phải là thượng sách. Hơn nữa, có những phong cách rất khác nhau khi xây dựng và miêu tả nhân vật. Ở số nhà văn này, thái độ yêu, ghét đổi với nhân vật bộc lộ rõ ràng, trực tiếp ngay từ đầu. Ở số nhà văn kia, tình cảm ấy được nguy trang kín đáo hơn với dụng ý rõ rệt; nó chìm đi để sau đó hiện lên sâu sắc, đột ngột hơn. […]

Tất cả những rắc rối bắt gặp trong ngôn ngữ văn học vừa kể trên mọi người ít cảm thấy trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, vì khi trò chuyện, nếu dùng đến đại từ ở ngôi thứ ba số ít, thường thường từ đó được gắn với một con người cụ thể trong một thời điểm nào đấy, xác định về mặt tuổi tác, xác định về mặt phẩm chất, với tình cảm yêu, ghét cũng xác định. Trong văn học, cái rắc rối ấy lại thường xảy ra ở tiểu thuyết mà ít vấp ở kịch, vì ngôn ngữ kịch chủ yếu là đối thoại, gần với ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Ngôn ngữ vận động không ngừng, có những từ chết đi, có những từ mới xuất hiện, nghĩa của từ cũng nhiều khi thay đổi để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Ngôn ngữ văn học nói riêng cũng thế. Hiện tượng thiếu một đại từ chỉ người ở ngôi thứ ba số ít có sức khái quát và trừu tượng cao rõ ràng là một trở ngại đối với tình hình văn học hiện nay và cần được giải quyết. Rồi đây, một đại từ mới sẽ xuất hiện, hay một đại từ vồn có (như nó hay hắn chẳng hạn) sẽ mất dần sắc thái biểu cảm để trở thành một từ có sức trừu tượng hóa cao? Vài dịch giả ở miền Nam trước kia có xu hướng nhất loạt dùng từ hắn để dịch các đại từ il (tiếng Pháp), he (tiếng Anh), như thế đã thỏả đáng chưa? Hướng giải quyết như thế nào, đó là trách nhiệm của những ai quan tâm đến ngôn ngữ văn học.

(Phùng Văn Tửu, 2010, Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật, Nhà xuất bản Tri thức, tr.23-36)

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)